Đến hẹn lại lên, đê biển Tây lại “oằn mình” trước những đợt sóng biển mùa gió Tây Nam. Nhiều tuyến đê bị sóng biển cắt phăng, rừng phòng hộ thì tiến sát chân đê làm cho đê biển Tây trở nên mong manh hơn bao giờ hết trước sự “hung dữ” của sóng biển.
Ðê biển Tây có tổng chiều dài trên 94 km, nằm nối dài qua địa bàn các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu cộng với làn sóng di dân tự do đã ảnh hưởng nhiều đến diện tích rừng phòng hộ ven biển Cà Mau. Hệ luỵ kéo theo là nhiều đoạn đê đã vỡ và có nguy cơ vỡ rất cao. Tình hình sạt lở ngày càng trở nên trầm trọng trong khi nguồn vốn để bồi trúc đê biển chưa thể đáp ứng.
Đến hẹn lại lên, đê biển Tây lại “oằn mình” trước những đợt sóng biển mùa gió Tây Nam. Nhiều tuyến đê bị sóng biển cắt phăng, rừng phòng hộ thì tiến sát chân đê làm cho đê biển Tây trở nên mong manh hơn bao giờ hết trước sự “hung dữ” của sóng biển.
Hiện nay, công tác cứu đê, hộ đê được các ngành chức năng đặt lên hàng đầu với lực lượng túc trực ngày đêm tại các điểm sạt lở, sẵn sàng bảo vệ sự an toàn của đê biển Tây, cũng như tính mạng, tài sản của người dân.
Sạt lở nghiêm trọng
Ngồi trên chiếc vỏ máy do anh em ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Sào Lưới chở chạy dọc theo tuyến đê biển Tây đoạn Sào Lưới - Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, chúng tôi có thể trực tiếp chứng kiến nhiều đoạn đê bị sóng biển cắt đứt ngang từng khúc. Sóng biển cuồn cuộn đập thẳng vào bờ. Những đợt sóng mạnh liên tục đập vào thân đê, ngay cả những cây mắm to lớn cũng bị tróc gốc cuốn phăng đi...
Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sào Lưới Phạm Minh Chí cho biết: "Hiện trên địa bàn có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, chủ yếu là ở khu vực do Tiểu khu 88 quản lý. Riêng về diện tích rừng phòng hộ bị mất đi trên toàn tuyến là hơn 94 ha, với chiều dài hơn 20 km. Hiện tại, các ngành chức năng chỉ mới thực hiện giải pháp mềm như trồng cây tạo bãi, làm kè tạm. Tôi nghĩ, khu vực này muốn khắc phục và bảo vệ đê thì giải pháp khả thi phải làm kè ly tâm chắn sóng và tạo bãi trồng mới rừng".
Gia cố đoạn đê bị sạt lở trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: ÐẶNG DUẨN |
Ðến điểm "nóng" sạt lở Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh mới thực sự thấy được mức độ nghiêm trọng của tình trạng sạt lở tuyến đê biển Tây. Một đoạn đai rừng phòng hộ gần 2 km bị cắt ngang tiến sát chân đê.
Ông Châu Văn Bol, Ấp 11, xã Khánh Tiến, nói: "Tôi sống ở đây từ rất lâu rồi, lúc ấy khi nhận khoán đất rừng để nuôi tôm (dự án giao khoán đất rừng từ 1995-2015) thì đai rừng phòng hộ cách đê gần 2 km, nhưng đến nay đất rừng đã tiến sát đê nên người dân ở đây bỏ đi hết, không nuôi tôm được. Tôi thì làm nghề đánh bắt gần bờ để kiếm sống qua ngày. Tình trạng sạt lở có từ hơn 7 năm trước và ngày càng nghiêm trọng hơn".
Ông Bùi Quốc Sự, Bí thư Chi bộ Ấp 11, cho biết: "Trước đây, phía ngoài dân cư sinh sống trên tuyến này rất đông, nhưng giờ chỉ còn khoảng 100 hộ. Ðoạn Tiểu Dừa sạt lở nghiêm trọng, rừng phía ra biển nhiều lắm là còn khoảng công đất nên dân không dám sinh sống".
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng sạt lở trên tuyến đê biển Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết: "Hiện tình trạng sạt lở đê biển Tây diễn ra rất nghiêm trọng. Trong đó, đoạn từ Ðá Bạc đến Kinh Mới thuộc huyện Trần Văn Thời, bị sạt lở nhanh từ năm 2015 với chiều dài 5.500 m. Hiện Hạt Ðê điều hằng ngày phải bám tại điểm "nóng" này để gia cố, hộ đê. Ngoài ra, đoạn Tiểu Dừa - Lung Ranh - Hương Mai, xã Khánh Tiến, U Minh, cần thiết phải có giải pháp cơ bản để khắc phục".
Nỗ lực cứu đê
Khi chúng tôi có mặt tại điểm sạt lở Ðá Bạc sau cơn mưa như trút nước vừa ngớt hạt, thì cũng vừa kịp chứng kiến cảnh lực lượng của Hạt Ðê điều đang thực hiện gia cố đoạn đê bị sạt lở bằng cừ tràm trong không khí khẩn trương.
Hạt trưởng Hạt Ðê điều tỉnh Cà Mau Bùi Văn Ðông vừa trực tiếp tham gia với anh em, vừa liên tục thúc giục: "Có cực thế nào thì anh em cũng phải cố gắng hoàn thành gia cố đoạn đê trong ngày, nếu để sóng lớn nổi lên thì không thể khắc phục được đâu. Anh em cố gắng chịu khó đi".
Những ngày qua, 15 nhân viên Hạt Ðê điều đang ngày đêm túc trực tại "trạm dã chiến" ở nhà dân thực hiện nhiệm vụ hộ đê.
Ông Bùi Văn Ðông chia sẻ: “Hiện anh em túc trực luôn tại đây, chúng tôi cũng có liên hệ hợp đồng với địa phương, nếu tình huống quá đặc biệt cấp bách thì UBND xã Khánh Bình Tây sẽ cho lực lượng dân quân tự vệ đến hỗ trợ. Còn về phía hạt đê điều thì lực lượng chuyên trách phải túc trực, nửa đêm mà có sự cố sạt lở đê thì cũng phải đội đèn lên đầu đi kiểm tra xử lý ngay, tránh để xảy ra sự cố nghiêm trọng".
Nói về sự vất vả của anh em làm công tác hộ đê, ông Nguyễn Thanh Tuấn, 65 tuổi, ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, nơi lực lượng của hạt đê điều đặt trạm, cho biết thêm: "Nhìn anh em vất vả ngày đêm tôi thấy thương lắm. Nhiều lúc đang nửa đêm mà có sự cố thì cũng bật dậy đi kiểm tra và thực hiện công tác hộ đê ngay trong đêm mà thấy xót. Tôi nghĩ, lãnh đạo địa phương, tỉnh cần phải xuống thực địa để động viên tinh thần anh em để họ hăng hái làm việc".
Ðê biển Tây từ năm 2010 đến nay độ sạt lở hằng năm rất nghiêm trọng. Có nơi sạt lở vào khoảng 50 m/năm, như đoạn Ðá Bạc đến vàm Kinh Mới, Tiểu Dừa, đoạn từ vàm sông Khánh Hội đến cống Ba Tỉnh. Có những nơi sạt lở đã đến chân đê, nguy cơ vỡ đê là rất cao.
Trước thực trạng đê trên, ông Bùi Văn Ðông đề xuất, các đoạn sạt lở nghiêm trọng này cần phải được đầu tư xây dựng kè cơ bản, đẩy nhanh tiến độ đưa người dân vào khu tái định cư để đảm bảo tính mạng và tài sản. Bên cạnh đó cũng cần đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hệ thống đê biển theo dự án được phê duyệt và đang triển khai, chứ mỗi năm chỉ làm vài đoạn được vài ki-lô-mét thì khó có thể giải quyết được vấn đề sạt lở nghiêm trọng như hiện nay.
Tình trạng sạt lở trên đã làm cho rừng phòng hộ của tuyến đê biển Tây đang ngày một mất dần với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ông Phạm Văn Oanh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ biển Tây, cho biết, trước đây tổng diện tích rừng phòng hộ toàn tuyến đê biển Tây là 2.736,92 ha. Qua kiểm kê năm 2014, còn 2.101,75 ha, số không còn rừng là 635,17ha (sạt lở hoàn toàn). Hiện tình trạng cư dân sống trên rừng phòng hộ có giảm nhưng vẫn còn. Toàn tuyến U Minh - Trần Văn Thời có khoảng 630 hộ dân sống ngoài đê. Do đó, muốn bảo vệ đê, bảo vệ rừng, ngành chức năng cần nhanh chóng thực hiện hiệu quả công tác tái định cư và đầu tư xây dựng kè cơ bản.
Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết, mức độ sạt lở đê biển Tây trung bình hằng năm từ 15-25 m. Ðặc biệt, có điểm sạt lở đến 40-50 m/năm. Hiện đoạn Ðá Bạc - Kinh Mới đã có dự án làm kè nhưng điều kiện thời tiết khó khăn nên đang đợi thời tiết ổn định sẽ tiến hành thi công 2 km kè ly tâm. Ðoạn Tiểu Dừa cũng đã có dự án thi công 2,1 km kè ly tâm, hiện hạt đê điều đang xử lý tạm thời không cho vỡ đê, chỗ nào đai rừng còn thì cho đứng chịu sóng, chưa thể đầu tư. |
Thực tế cho thấy, công tác đầu tư xây dựng đê biển Tây của tỉnh mặc dù có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của ngành chức năng nhưng vẫn còn quá chậm và chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Ðiều này có nhiều nguyên nhân, trong đó, quan trọng nhất là thiếu vốn, nhưng thực tế cũng không thể phủ nhận là việc xây dựng đê là chưa hiệu quả, đầu tư xây dựng chắp vá từng đoạn, khi nào sạt lở nghiêm trọng mới xây dựng, còn lại thì bỏ ngỏ.
Bên cạnh việc chọn giải pháp kè cũng chưa có sự thống nhất mà chỉ thực hiện theo kiểu vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong khi đó, biện pháp dùng kè ly tâm tạo bãi mặc dù vốn đầu tư cao (từ 25-30 triệu đồng/m) nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả. Hiện trên toàn tuyến đê biển Tây 94 km nhưng mới đầu tư xây dựng kè ly tâm ở một vài đoạn và cộng dồn chỉ mới được hơn 8,7 km.
Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu vốn đầu tư cao mà hiệu quả sử dụng lâu dài là tốt hơn hay là chọn giải pháp vốn đầu tư rẻ nhưng chỉ sử dụng được 1-2 năm rồi đầu tư lại lần nữa? Áp lực về sạt lở đê biển Tây và công tác giải quyết tình trạng dân di cư tự do sống trên rừng phòng hộ là vấn đề nan giải hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Vì thế, vòng luẩn quẩn sạt lở rồi gia cố tạm cứ đến hẹn lại lên, gây ra nhiều lãng phí trong việc đầu tư bảo vệ đê biển Tây./.
Bài 2: Bao giờ trả được món nợ cho dân!?
Phóng sự của Ngọc Huệ - Vi Hoà - Ðặng Duẩn