Cà Mau với nhiều lợi thế về tự nhiên, văn hoá đặc sắc cùng với đời sống thuần nông đã góp phần hình thành nên những sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù. Việc khai thác, tận dụng tối đa lợi thế về sản vật, sản phẩm nông nghiệp sẽ mở ra vận hội mới cho du lịch nông nghiệp tại địa phương.
Lợi thế từ OCOP
Cà Mau có điều kiện tự nhiên thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên phong phú để phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu. Với hệ sinh thái đặc biệt phong phú đã giúp Cà Mau phát triển nhiều ngành hàng chủ lực, trong đó có thể kể đến các ngành hàng chính là tôm, cua, chuối, gỗ và gạo...
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: "Từ khi Cà Mau thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP đã góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 128 sản phẩm OCOP. Hầu hết các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là nhóm thực phẩm và là đặc sản nổi tiếng như: tôm khô, chà bông tôm, cá khô bổi, ba khía muối, chả cá phi, dưa bồn bồn, bánh phồng tôm...
Theo Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, những sản phẩm được công nhận rất phù hợp với thị hiếu và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Những sản phẩm này không chỉ thể hiện rõ bản sắc và truyền thống của từng địa phương trong tỉnh, mà còn bước đầu khơi dậy được tiềm năng, lợi thế về sản vật, nguyên liệu và sự khéo tay của nông dân Cà Mau".
Quy trình truyền thống tạo ra sản phẩm mắm lóc trứ danh tại huyện Thới Bình.
Nhờ đó mà đến nay, khảo sát sơ bộ cho thấy, có hơn 30% sản phẩm OCOP của tỉnh có doanh thu tăng từ 5-8%, giá bán sản phẩm tăng bình quân từ 15-20% và chưa có sản phẩm nào vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng.
Ðã qua, Sở Công thương phối hợp các ngành, UBND cấp huyện hỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng của tỉnh liên kết với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Tại các điểm trưng bày này đều có sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
Ông Phan Hoàng Vũ nhận định: "Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua thực sự mang lại hiệu quả khá tốt. Các cơ sở sản xuất, người dân đã và đang tích cực tham gia thực hiện chương trình, đề xuất nhiều ý tưởng về các sản phẩm mới; chủ động phát huy nội lực, tổ chức lại sản xuất theo hướng mở rộng quy mô, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm... khai thác tốt lợi thế này sẽ là trợ lực quan trọng để kích cầu phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương".
Vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ
Dù chuyển biến tích cực, nhưng theo đánh giá của Sở Công thương Cà Mau, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Vấn đề cần được nhìn nhận một cách khách quan là các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất hàng hoá đã có chuyển biến nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Chủ yếu sản xuất theo hình thức hộ gia đình, nên số lượng nông sản hàng hoá chưa nhiều, sản phẩm chưa đa dạng. Vì thế, số lượng nông sản hàng hoá còn hạn chế, chưa đa dạng, chất lượng một số nông sản hàng hoá chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp nên gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi tung ra thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất chưa thật sự quan tâm đến đầu tư phát triển bao bì, phát triển thương hiệu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng việc quản lý điều hành, ứng dụng thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Ðặc biệt, thời gian qua, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn... đã tác động và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo ngành chức năng, những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu tại Cà Mau cần chú trọng hơn nữa bao bì, mẫu mã.
Ông Phan Hoàng Vũ nhìn nhận: "Các sản phẩm OCOP là các sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ, phần lớn được sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ nên việc phát triển sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn. Năng lực quản trị, điều hành hoạt động sản xuất, xúc tiến thương mại của các chủ thể còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Nhiều chủ thể chưa mạnh dạn đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, hoàn thiện mẫu mã bao bì theo tiêu chuẩn.
Thêm vào đó, sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng của tỉnh Cà Mau chưa đa dạng, chưa phong phú về chủng loại, chưa khai thác tối ưu các yếu tố “khác biệt” mang tính đặc thù và lợi thế so sánh của tỉnh.
Vì thế, việc đa dạng hoá sản phẩm là xu thế tất yếu, vừa giúp giải quyết tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ, vừa tạo ra những giá trị mới từ sản phẩm thô sẵn có tại địa phương.
Ðể phát triển du lịch nông nghiệp, người dân cần tạo ra những sản phẩm mang tính khác biệt để thu hút du khách.
Sản phẩm phải có sức cạnh tranh
Thực tế cho thấy, để phát triển du lịch nông nghiệp một cách hiệu quả, việc phát triển các lợi thế sản phẩm nông nghiệp tại địa phương là yêu cầu quan trọng. Không những tạo dựng thương hiệu nông nghiệp riêng, có sức cạnh tranh cao trong thị trường hội nhập, mở cửa, đây cũng là hướng đi quan trọng nhằm tạo không gian trải nghiệm mang hơi thở cuộc sống, của nhà nông đối với du khách khi đến Cà Mau. Ðây cũng là những phần quà biếu đầy ý nghĩa gửi đến du khách gần xa khi trải nghiệm du lịch tại địa phương.
Vị ngọt miền quê qua hương vị chuối khô. (Ảnh chụp tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời).
Ðể khai thác lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp địa bàn tỉnh trên cơ sở trợ lực từ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc thù, thời gian tới, Cà Mau cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi dần tư duy tiểu nông, chuyển sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, hiện đại, bền vững.
Mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp thông qua liên kết, hợp tác với các thành phần kinh tế khác, ứng dụng khoa học và công nghệ vào các hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vị thế của hợp tác xã nông nghiệp.
Ðịa phương cần hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở đa dạng hoá các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ gia đình với doanh nghiệp, kinh tế hộ gia đình được tổ chức trong hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp...; hướng dẫn các cơ sở sản xuất có đủ điều kiện nâng cấp thành các hình thức tổ chức kinh tế tập thể hoặc doanh nghiệp.
Tập trung các đặc sản, sản phẩm truyền thống phù hợp với điều kiện sản xuất, giá trị văn hoá địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Các sản phẩm mới được hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng nổi trội, đặc sắc. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm ngành nghề truyền thống; sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hoá địa phương.
Ông Phan Hoàng Vũ cho rằng: "Ðể tháo gỡ khó khăn về phát triển sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, hướng đến nền nông nghiệp có sức cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó có sự "sống còn" của sản phẩm OCOP, đưa những mặt hàng này ra thị trường lớn; Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách cho Chương trình OCOP để hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy sâu rộng và đồng bộ. Ðặc biệt, chú trọng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ..."./.
Văn Ðum
Bài 3: Cần quy hoạch và đầu tư phù hợp