Đồng thuận từ suy nghĩ, ý chí cho đến hành động là yếu tố then chốt dẫn đến thành công. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, những người khởi xướng như ông Lê Hoài Vũ, Giám đốc HTX và các thành viên đã lựa chọn cái tên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ðồng Thuận (Ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) để đặt tên cho HTX.
Đồng thuận từ suy nghĩ, ý chí cho đến hành động là yếu tố then chốt dẫn đến thành công. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, những người khởi xướng như ông Lê Hoài Vũ, Giám đốc HTX và các thành viên đã lựa chọn cái tên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ðồng Thuận (Ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) để đặt tên cho HTX.
Qua hơn 2 năm kể từ ngày HTX kiểu mới được thành lập, HTX đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Năng suất lúa tăng vượt trội; không còn tình trạng đầu ra bấp bênh và thương lái ép giá là một trong những hiệu quả rõ nét nhất.
Ông Lê Hoài Vũ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ðồng Thuận (bên phải) hướng dẫn cách sử dụng, tác dụng của phân bón cho xã viên. |
Gắn bó với HTX từ những ngày còn đầy khó khăn, bỡ ngỡ, ông Lê Hoài Vũ hiểu rất rõ những kết quả mà HTX đã làm được trong thời gian qua. Không giấu được niềm tự hào, phấn khởi, ông Vũ cho biết: “Ðiều mà HTX làm được cho các xã viên chính là giúp các xã viên đoàn kết trong sản xuất, thay đổi dần tập quán canh tác nhỏ lẻ, theo kiểu mạnh ai nấy làm như trước đây; biết tiếp cận với các giống lúa chất lượng, cho năng suất cao như ST20, RVT; năng suất cao hơn nhiều so với trước và đặc biệt là khỏi lo lắng việc phụ thuộc vào thương lái”.
Như để minh chứng cho những lời nói của mình, ông Vũ mở từng trang sổ sách ghi chép cẩn thận năng suất lúa đạt được của mỗi vụ cũng như giá bán, danh sách công ty, doanh nghiệp hợp đồng với HTX. Bình quân vụ lúa hè thu năng suất lúa đạt 5,5 tấn/ha, lúa vụ 2 đạt từ 6-6,5 tấn/ha. Giá lúa luôn cao hơn so với giá lúa do các thương lái trong vùng thu mua, với mức giá dao động từ 5.000-6.700 đồng/kg tuỳ theo giống lúa.
Như vụ lúa đông xuân 2015-2016, giống lúa ST20 được Công ty Nông sản thực phẩm Cà Mau thu mua với giá cao “ngất ngưỡng” mà những lão nông bao đời gắn bó với cây lúa chưa từng mơ đến, với giá 6.700 đồng/kg. Vụ lúa hè thu năm 2016 vừa qua, giống lúa RVT cũng có giá 5.400 đồng/kg.
Không còn sản xuất theo kiểu giống lúa vụ trước sử dụng lại cho vụ sau, hay dừng lại ở các loại giống nguyên chủng thông dụng như OM5451, OM6162, mà giờ đây các xã viên trong HTX đã và đang dần hướng đến các loại giống cho năng suất cao, đạt chất lượng gạo sạch. Không mua lúa giống trôi nổi mà tìm hiểu cặn kẽ, mua lúa giống ở các trung tâm, công ty uy tín, nguồn gốc rõ ràng trên thị trường; thống nhất sử dụng cùng loại giống cho vụ mùa và sản xuất đồng loạt. Ðồng thời, HTX còn đóng vai trò là “cầu nối” để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm với mức giá cao.
Ông Lê Hoài Vũ cho biết: “HTX hiện có tổng diện tích canh tác là 278 ha của 73 thành viên. Trước khi chính thức vào vụ mùa sản xuất, tôi cùng với các thành viên trong Hội đồng Quản trị trực tiếp đi đến các công ty, doanh nghiệp thu mua lúa từ tỉnh cho đến các địa phương trong vùng ÐBSCL trao đổi, thoả thuận giá cả. Sau đó, HTX sẽ họp và lấy ý kiến của xã viên. Khi có được giá cả chung thống nhất, HTX sẽ ký hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp và HTX cũng sẽ ký hợp đồng thu mua lúa của các xã viên. Chính vì vậy, qua 3 vụ mùa sản xuất, sau khi thu hoạch, lúa tươi sẽ được công ty, doanh nghiệp xuống thu mua ngay, bà con không phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm nơi để bán lúa như trước”.
Ông Nguyễn Văn An, thành viên Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Ðồng Thuận, cho biết thêm: “Từ việc sản xuất giống lúa đạt chất lượng, cho năng suất cao, được tiếp cận với các loại phân bón hữu hiệu, giá thành hợp lý, chi phí sản xuất giảm, rồi lúa bán có giá hơn so với trước, được bao tiêu sản phẩm nên qua mấy vụ mùa, nếu so sánh về hiệu quả kinh tế so với trước đây, tôi thấy rằng lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/ha/vụ”.
Từ những kết quả bước đầu, không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực mà HTX Dịch vụ nông nghiệp Ðồng Thuận đem đến cho các xã viên. Thế nhưng, kể từ khi hoạt động cho đến nay, HTX đã và đang tồn tại nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Tuy đã được thành lập hơn 2 năm qua nhưng hiện nay HTX vẫn không có được đồng vốn nào, cơ sở vật chất của HTX cũng không có. Thiếu thốn về mọi mặt, đặc biệt là tiềm năng về kinh tế, nên những mục tiêu ban đầu mà HTX đặt ra vẫn chưa thực hiện được. Chẳng hạn như việc cung ứng phân bón, sản xuất lúa theo nhu cầu của thị trường, theo đơn đặt hàng của công ty, doanh nghiệp.
Ðiều quan trọng hơn chính là nhận thức hạn chế của một số nông dân, sự liên kết thiếu bền chặt giữa xã viên và HTX.
Ông Vũ cho biết: “Một ít xã viên do chạy theo lợi nhuận nên tự ý phá bỏ hợp đồng với HTX. Tức là một số thương lái muốn thu mua lúa tốt của bà con để làm hàng mẫu, chỉ vài tấn, rồi họ kê giá nhích hơn so với giá lúa thu mua của HTX đã ký với các xã viên. Suy nghĩ không thấu đáo nên một ít xã viên bán lúa tốt cho thương lái, rồi lúa xấu bán cho HTX. Như vậy là không đúng theo thoả thuận của hợp đồng, gây khó cho HTX, làm ảnh hưởng đến uy tín của HTX với công ty, doanh nghiệp. Hay như vụ mùa vừa qua, trong khi hướng dẫn của ngành chuyên môn, của HTX là sạ khô thì một ít xã viên lại không tuân thủ, làm theo ý mình”.
Ông An cho biết: “Một ít xã viên thấy lợi trước mắt mà không tính hậu quả về sau. Trong khi các thương lái thu mua 5 tấn lúa tốt, với giá 6.100 đồng/kg chẳng hạn thì công ty, doanh nghiệp thu mua cả đồng ruộng, giá cũng 6.000 đồng/kg. Mà đâu phải HTX không biết tính toán lợi ích của nông dân, nhưng khi mình đặt vấn đề ký hợp đồng với họ thì họ không dám”.
Mô hình kinh tế tập thể HTX ngoài mục đích là giúp nông dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, vấn đề cốt lõi là giúp họ thay đổi nhận thức, suy nghĩ trong sản xuất. Tháo bỏ tư duy mạnh ai nấy làm, biết liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh giữa nông dân với HTX; giữa nông dân với công ty, doanh nghiệp. Có như vậy, HTX mới thực sự hoạt động hiệu quả và trở thành mái nhà chung của nông dân./.
Bài và ảnh: Ngọc Minh