(CMO) Sau 4 năm thành lập, đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thuỷ sản Ðông Thới không chỉ kịp thời cung cấp sò huyết giống cho bà con nông dân trên địa bàn xã Ðông Thới và các khu vực lân cận thả nuôi, mà còn góp phần nhân rộng mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, đưa con sò huyết trở thành đối tượng nuôi trồng chủ lực ở địa phương.
Những năm gần đây, mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm được bà con nông dân trên địa bàn huyện Cái Nước duy trì và nhân rộng. Toàn huyện hiện có hơn 2.100 ha được bà con nông dân thả nuôi sò huyết, trừ bờ bao và kênh mương, diện tích mặt nước nuôi sò huyết chính lên đến gần 800 ha, cho năng suất bình quân 1 tấn sò huyết thương phẩm/ha/vụ. Với giá sò huyết thương phẩm trên thị trường như hiện nay, loại 80 con/kg có giá từ 125.000-130.000 đồng/kg, mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm cho lợi nhuận tương đương 100 triệu đồng/ha.
Nắm bắt được nhu cầu sò huyết giống thả nuôi xen canh trong vuông tôm của bà con nông dân trên địa bàn xã Ðông Thới và các địa phương lân cận có diện tích nuôi thuỷ sản ven theo tuyến sông Bảy Háp, năm 2018, HTX nuôi trồng thuỷ sản Ðông Thới được thành lập và đi vào hoạt động, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là ươm dèo sò huyết giống cung cấp cho bà con nông dân thả nuôi, để có nguồn sò huyết giống chất lượng, phù hợp với yếu tố môi trường và độ mặn, giúp bà con nông dân thả nuôi đạt tỷ lệ đầu con cao.
Ông Trần Hoàng Ðủ, Phó giám đốc HTX, cho biết, nguồn sò huyết giống được HTX thu mua tại một số địa chỉ uy tín trên địa bàn tỉnh do bà con ngư dân khai thác ngoài tự nhiên có kích thước rất nhỏ, tương đương hạt cát, phải dùng kính lúp phóng to mới nhận dạng được sò huyết giống, sau đó sò giống được ươm dèo như dèo tôm hầm đất. Ðể tạo dòng chảy và cung cấp nguồn phù sa giống như môi trường tự nhiên tạo điều kiện cho sò huyết giống phát triển, mỗi bể ươm dèo được đầu tư hệ thống cấp và thoát nước theo hình thức tuần hoàn; dùng bơm chìm bơm nước từ ngoài sông cung cấp cho bể rồi thoát ra ngoài, tạo thành dòng chảy và hoạt động liên tục 24/24 giờ. Sau khoảng hơn 2 tháng ươm dèo, sò huyết giống phát triển, kích thước tương đương đầu đũa ăn, tiếp tục chuyển sò huyết giống ra bờ sông ươm dèo, khi đạt trọng lượng 2.000 con/kg sẵn sàng cung cấp cho bà con nông dân thả nuôi.
Sau gần 2 tháng ươm dèo, sò huyết giống đạt trọng lượng 20.000 con/kg, chuẩn bị chuyển sang ươm dèo dưới sông, cung cấp sò huyết giống thả nuôi xen canh trong vuông tôm. |
Theo nhiều bà con nông dân có thâm niên áp dụng mô hình nuôi sò huyết xen canh trên địa bàn huyện, ưu điểm lớn nhất của sò huyết giống được ươm dèo tại địa phương là thích nghi với điều kiện môi trường và độ mặn, mua về thả nuôi trong vuông tôm tỷ lệ đạt đầu con rất cao. Còn sò huyết giống từ nơi khác mang về không qua thuần dưỡng thả nuôi trực tiếp xuống vuông tôm, tỷ lệ thành công không cao do yếu tố môi trường không phù hợp.
Chính nhờ nắm bắt kịp thời nhu cầu của bà con nông dân, mỗi năm HTX nuôi trồng thuỷ sản Ðông Thới cung cấp trên 10 triệu con sò huyết giống, góp phần cùng với địa phương nhân rộng mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, mang về nguồn thu nhập không nhỏ cho HTX nên đời sống kinh tế xã viên không ngừng phát triển và nâng cao.
Ðể đáp ứng nguồn sò huyết giống cho nhu cầu thả nuôi quanh năm của người dân, không phụ thuộc vào nguồn con giống được khai thác ngoài tự nhiên, ông Trần Hoàng Ðủ chia sẻ: “Năm 2022, HTX sẽ nghiên cứu và đầu tư quy trình sinh sản sò huyết giống tại địa phương nhằm chủ động nguồn sò huyết giống và giảm giá thành, nâng cao chất lượng sò huyết giống so với khai thác ngoài tự nhiên. Ðồng thời, gắn với chuỗi liên kết, cung cấp sò huyết giống cho bà con thả nuôi, thu mua sò huyết thương phẩm và sơ chế phát triển mặt hàng sò huyết OCOP, nâng cao giá trị con sò huyết đặc trưng của địa phương”.
Có thể nói, sau 4 năm thành lập, đi vào hoạt động, với hiệu quả hoạt động, nâng cao đời sống kinh tế xã viên và đáp ứng được nguồn sò huyết giống, tạo điều kiện cho bà con nhân rộng mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, HTX nuôi trồng thuỷ sản Ðông Thới đã trở thành điểm sáng về loại hình kinh tế tập thể ở địa phương./.
Việt Tiến