Không tô hồng mà giữ cho mình một thái độ trung lập và lạc quan, “Ðàn bà yêu thành phố” của Kiều Bích Hương tựa như những bài phóng sự ngắn mà nơi đó, người phóng viên không bị biên tập cắt bớt những chi tiết “quá tình cảm”, vốn thiên về “lĩnh vực” tản mạn và tuỳ bút hơn.
Không tô hồng mà giữ cho mình một thái độ trung lập và lạc quan, “Ðàn bà yêu thành phố” của Kiều Bích Hương tựa như những bài phóng sự ngắn mà nơi đó, người phóng viên không bị biên tập cắt bớt những chi tiết “quá tình cảm”, vốn thiên về “lĩnh vực” tản mạn và tuỳ bút hơn. Nói cách khác, đọc những bài viết về đời sống của những người Việt xa xứ tại Bỉ và các nước Tây Âu của Bích Hương, ta thấy như thể đó là những bài phóng sự kết hợp với tuỳ bút, tạp văn bởi các sự kiện, vấn đề được đan xen với yếu tố tình cảm một cách hài hoà, sinh động.
Từ những trải nghiệm của chính bản thân: lập gia đình, có con với chồng Tây và sinh sống tại Bỉ, tác giả Kiều Bích Hương - vốn từng được biết đến là một phóng viên đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe và ghi nhận lại những quan điểm sống, nếp sinh hoạt, về lối suy nghĩ, cảm nhận về sự sướng - khổ của những người Việt sống ở nước ngoài, cả những người nước ngoài từng đến hoặc sống tại Việt Nam.
![]() |
“Với mức lạm phát hiện nay, sang Việt Nam chưa đầy hai Euro một anh Bỉ đã mua được bát phở đặc biệt, ra đường vẫy tay có ngay taxi. Ðáng sống. Còn người địa phương như cô bạn tôi ở Sài Gòn, nhà gần ngã sáu, sáng nào thức dậy cũng lo lắng “nhỡ hôm nay qua đường không thành công thì sao”, vất vả tìm hàng “chuẩn phở” để ăn ngon không phải suy nghĩ thật giả khó lường. Ngẫm ra, anh Tây nọ cảm thấy Việt Nam thật đáng sống, còn cô bạn tôi đang ở nơi đáng sống lại thấy sống chẳng dễ” (Nếu còn có kiếp sau).
Và có lẽ, tập sách này không dành cho những ai “sính ngoại” với tư tưởng chỉ cần đặt chân qua trời Âu nghĩa là đặt chân lên thiên đường, bởi với suy nghĩ ấy, hẳn họ sẽ “thất vọng” khi chứng kiến những tiếng thở dài đầy cám cảnh của “nông dân Châu Âu nhìn cánh đồng trĩu quả của mình, tự hỏi “có nên thu hoạch hay cứ để quả chín rụng lầy đất?””(Quả lê tự sướng) hoặc khi thấy người mẹ chồng Tây “đập tay vào trán: “Thôi đúng rồi, gã bán rau. Hắn trả thiếu tiền cho mẹ, mồm năm miệng mười làm mẹ loạn đầu, hoa mắt”. Mẹ xoay người nhìn ra ngoài đường, lắc đầu liên tục. “Trước đây thấy người già người ta muốn giúp. Bây giờ thấy người già người ta muốn lợi dụng”. Sô-cô-la sữa lạnh ngắt trên môi. Trước mặt con dâu Việt, mẹ chồng Tây bỗng như xộp lại, chỉ còn bằng vừa in hình ảnh mẹ đẻ ở quê nhà. Mẹ ơi!” (Chợ tươi thứ Sáu).
Và trên hết là nỗi nhớ quê hương. Nhớ như chưa bao giờ thôi hết nhớ. “Nhớ Tết từ Giáng sinh”, “Bốn mùa cơm, phở, bún, nem…”, “Bóng quê in tuyết”, và cả nỗi chông chênh với biết bao nỗi niềm: làm sao giữ được những giá trị truyền thống của quê nhà, để con cháu mình đừng bị mất gốc, nhưng đôi lúc, chính tác giả cũng đã thú nhận đó là cả một hành trình với những điều không hề đơn giản. “Cuộc sống xa xứ giống như một cái cây chiết ra từ cành chứ không phải gieo trồng và lớn lên từ gốc rễ. Rất nhanh ra hoa kết quả, nhưng chóng cỗi. Một đứa con của thế hệ nhập cư phải trưởng thành sớm hơn ngay từ việc học cùng lúc hai thứ tiếng, cứ như vừa có mẹ đẻ vừa có mẹ kế. Chính tôi đây, nhìn lại, từ khi định cư xứ tuyết, thấy mình già đi nhanh không phải theo tuyến tính thời gian mà ở trạng thái bắt đầu sống cùng nhiều hoài niệm hơn”…
Cũng biết vậy nhưng làm sao không thôi trăn trở, không thôi hoài niệm, không thôi nhớ quê bởi dù muốn hay không, những điều ấy đã chảy trong một phần tâm thức, máu thịt?! “người Việt xa xứ, bao giờ hết hoài niệm mới chính thức tan chảy? Làm gì có chuyện đó. Bởi đời sống Việt ấy, không gian văn hoá Việt ấy đã ngưng đọng chính tại thời điểm người ta xa xứ. Quá trình chưng cất “hồn cốt Việt” bắt đầu ngay từ đó bản thân nào có hay” (“Riêng một góc trời” xứ tuyết).
Ôi, những nỗi niềm của những con người sống ở hai đầu nỗi nhớ…
Ngọc Lợi