“Để phát triển mạnh kinh tế tập thể thì bóng dáng của cấp uỷ, chính quyền phải thật sự rõ ràng trong hợp tác xã”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh chỉ đạo trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Ngọc Hiển liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất trên lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp, sáng ngày 27/5.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với huyện Ngọc Hiển.
Theo báo cáo của lãnh đạo huyện, hiện nay diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản của huyện là 26.950 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh khoảng 383 ha với 137 hộ; nuôi tôm quảng canh cải tiến 18.018 ha; nuôi tôm sinh thái đạt chứng nhận là 16.237 ha và nuôi ven biển (nuôi nghêu) 28 ha. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản từ đầu năm đến nay đạt 19.282 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Đối với ngành hàng cua, đối tượng nuôi chủ lực thứ hai tại huyện, hiện nay chủ yếu được người dân nuôi theo mô hình tôm - cua kết hợp dưới tán rừng ngập mặn, theo định hướng nuôi trồng thuỷ sản sinh thái. Diện tích nuôi cua kết hợp dưới tán rừng đạt khoảng 57.751 ha, sản lượng hàng năm khoảng 3.000 tấn, năng suất trung bình 80-100kg/ha mặt nước/năm.
Riêng lĩnh vực kinh tế tập thể, đến nay toàn huyện có 41 hợp tác xã (HTX) trên lĩnh vực nông nghiệp với 1.518 thành viên, tuy nhiên có 12 HTX tạm ngưng hoạt động; có 114 tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp với 1.571 thành viên.
Trên địa bàn huyện có 3 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất tôm sinh thái, gồm: Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú, Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Camimex Cà Mau và Công ty Xuất nhập khẩu thuỷ sản Seaprimexco Năm Căn; đã xây dựng trạm thu mua tôm sinh thái tại xã Viên An Đông. Tuy nhiên, phần lớn vẫn do thương lái thu mua.
Các thành viên đoàn kiểm tra làm việc với huyện sau khi kiểm tra thực tế.
Theo ông Đặng Minh Khởi, Phó chủ tịch UBND huyện, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được thì việc phát triển sản xuất trên lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp của huyện đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Đó là, tình trạng triều cường dâng cao, sạt lở đất và ô nhiễm môi trường,… gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn và hoạt động nuôi trồng thủy sản. Việc liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp trong chuỗi tôm sinh thái có triển khai, nhưng chưa đảm bảo hài hòa về lợi ích; giá thu mua tôm sinh thái hiện tại vẫn thấp so với thị trường, chưa phản ánh đầy đủ giá trị gia tăng của sản phẩm, khiến người dân chưa thực sự hưởng lợi tương xứng. Công tác kiểm soát chất lượng và dịch bệnh trên tôm, cua giống còn khó khăn;…
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, phát biểu tại buổi làm việc.
Kết thúc buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, đối với tôm siêu thâm canh, phải phát triển theo quy trình RAS-IMTA (tuần hoàn ít thay nước, không xả thải) để bảo vệ môi trường, đồng thời phải tổ chức sản xuất theo hướng liên kết từ đầu vào đến đầu ra để tạo sự ổn định của loại hình này.
Đối với tôm quảng canh cải tiến, trong đó tập trung hình thức quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, phải áp dụng khoa học kỹ thuật đúng thực chất, nhất là đối với 80.000 ha theo kế hoạch của năm 2025.
“Riêng về kinh tế tập thể, để phát triển mạnh thì bóng dáng cấp uỷ, chính quyền phải thật sự rõ ràng trong HTX. Chủ động trong tất cả các nhiệm vụ, việc gì thuộc thẩm quyền thì phải nỗ lực thực hiện trong quá trình chờ hướng dẫn. Cấp huyện phải theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các xã trong xây dựng các kế hoạch phát triển sản xuất trên lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp và áp dụng công nghệ. Riêng đối với hoạt động của HTX, doanh nghiệp và chính quyền cấp xã dù đã có bước tiến bộ nhưng chưa đạt yêu cầu. Do đó, phải tiến hành củng cố và phát triển HTX thông qua sự tham gia của cấp uỷ, chính quyền”, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Trước đó, Đoàn kiểm tra do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực tế tại một số mô hình trên địa bàn huyện. Ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử (bìa trái) trao đổi trực tiếp với người dân xã Viên An Đông về tình hình sản xuất tôm, cua.
Trước đó, đoàn đã đến kiểm tra thực tế tại một số mô hình mà các hộ dân có liên kết với Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú thực hiện, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.
Cụ thể, đoàn khảo sát tại hộ ông Bùi Văn Sĩ, ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông, hộ tham gia mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận tôm sinh thái. Theo ông Sĩ chia sẻ, khi tham gia mô hình, hiệu quả sản xuất tăng lên gấp 4-5 lần so với trước. Tuy nhiên, sau khi không còn hỗ trợ thì nhiều hộ dân không thể duy trì. Do đó, để tiếp tục phát triển, người dân cần được cơ quan chức năng thường xuyên tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ bà con trong tiếp cận nguồn vốn.
Sau 2 chuyến kiểm tra do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử làm trưởng đoàn (ngày 26/5 đã kiểm tra tại 2 huyện Thới Bình và U Minh), để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo đột phá tăng trưởng trên lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp, từ nay đến ngày 30/5, UBND giao cho các sở ngành tiếp tục làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra tại các huyện còn lại và TP Cà Mau; giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp kết quả kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo, trong đó lưu ý những vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất giải pháp giải quyết./.
Nguyễn Phú