Theo đánh giá của Huyện uỷ Thới Bình, về cơ bản, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã có bước đi đúng hướng, đáp ứng yêu cầu chung trong quy hoạch tổng thể của tỉnh. Các dự án giao thông quan trọng có tính kết nối, liên kết, đảm bảo tác động lan toả, tạo không gian phát triển mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Tuyến đường cao tốc đang dần hoàn thành, sẽ mở ra tiềm năng và lợi thế to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thới Bình.
Được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình giao thông quan trọng có tính kết nối, liên kết đã tạo không gian phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Ngoài các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện đã huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng xây dựng đồng bộ, phục vụ giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện về cơ bản phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân, góp phần cải thiện thu nhập bình quân đầu người, nâng cao đời sống Nhân dân.
Hiện nay, các tuyến đường bộ trên địa bàn huyện được xây dựng kiên cố, duy tu, sửa chữa thường xuyên, với tổng chiều dài hơn 1.379,8 km. Trong đó, đường do cấp Trung ương quản lý 3 tuyến, dài 96 km; đường tỉnh quản lý 4 tuyến, dài 36,8 km; đường huyện 19 tuyến, dài 157 km; đường xã 465 tuyến, dài 1.090 km. Hệ thống đường bộ đảm bảo ô tô đến các điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch tâm linh trên địa bàn huyện.
Theo đánh giá của Huyện uỷ Thới Bình, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện cơ bản phục vụ tốt nhu cầu đi lại, nâng cao đời sống Nhân dân.
Ông Huỳnh Hảnh, Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Thới Bình, cho biết: "Thời gian qua, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện thường xuyên được rà soát, điều chỉnh trên cơ sở nhu cầu và định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, gắn xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện".
Cụ thể, từ năm 2021 đến tháng 12/2024, đã đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới đường giao thông được 142 công trình, với tổng nguồn vốn đã bố trí 441,728 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên một số tuyến đường có nhu cầu vận tải lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Ngoài ra, người dân hiến đất, tự di dời vật kiến trúc, hoa màu, hệ thống thoát nước... để xây dựng các công trình giao thông nông thôn.
Theo ông Huỳnh Hảnh, việc phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đã được định hướng và cụ thể tại Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 16/12/2020 của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển dịch vụ vận tải, du lịch, xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Phát triển hạ tầng giao thông là bàn đạp nhằm thúc đẩy, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, trong đó có phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và du lịch.
Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Thới Bình thường xuyên được nâng cấp, mở rộng, đầu tư xây dựng mới, đảm bảo ô tô đến tận các điểm du lịch trên địa bàn. (Ảnh chụp tại Ðền thờ Vua Hùng, xã Tân Phú).
Huyện uỷ Thới Bình cũng nhìn nhận, quy hoạch các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khu vực xã Hồ Thị Kỷ, xã Thới Bình và xã Trí Phải đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Cà Mau. Hiện tại, trên địa bàn huyện chưa có cụm công nghiệp và chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng, cũng như chưa có nhà đầu tư. Tuy nhiên, với tiềm năng, lợi thế về giao thông của huyện như hiện nay, đây là điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng cụm công nghiệp. Do đó, cần rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo điều kiện để xúc tiến, mời gọi đầu tư nhằm phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.
Cùng với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và của cả nước, Thới Bình đã hoạch định nhiều chương trình, mục tiêu phát triển toàn diện. Ðó là tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện và huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an sinh, công bằng và tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân về mọi mặt.
Trong đó, việc tận dụng, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển vận tải, du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được xem là nhiệm vụ hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là tuyến đường cao tốc đang dần hoàn thành, sẽ mở ra tiềm năng và lợi thế to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðối với vấn đề này, huyện Thới Bình sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, khai thác các công trình hạ tầng giao thông đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật trong quá trình khai thác, với sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình hạ tầng đã đầu tư, đảm bảo hiệu quả khai thác lâu dài và tuổi thọ của công trình đầu tư.
Cùng với đó, huy động nguồn lực từ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến đường của huyện đạt chuẩn theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường kết nối, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; tiếp tục rà soát, sắp xếp, kêu gọi đầu tư một số công trình đấu nối hạ tầng giao thông, nạo vét các tuyến đường thuỷ nội địa cần thiết, bức xúc...
Văn Ðum