Mỗi “địa chỉ đỏ” trên mảnh đất hình chữ S đều gắn liền với sự kiện, mốc son lịch sử trong quá trình đấu tranh của quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước cho lớp lớp thế hệ mai sau, mà còn thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với những hy sinh to lớn của cha ông cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Xác định tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng, đặt nền móng xây dựng thế hệ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”; hướng về kỷ niệm ngày 30/4 lịch sử, cuối tháng 3 vừa qua, Ðoàn cán bộ Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động và hành trình về nguồn ý nghĩa. Trong chuyến Hành trình về Củ Chi - “Ðất thép thành đồng”, tuổi trẻ Cà Mau được gặp gỡ nhân chứng lịch sử, được mắt thấy tai nghe về các di tích, tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh của mảnh đất Củ Chi anh hùng. Những minh chứng ấy trường tồn với thời gian, là hiện thân lịch sử cho sự hy sinh, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các thế hệ cha anh quê hương Củ Chi.
Ðồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau (bìa phải), cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn Cà Mau đến dâng hương Bác Hồ và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại đền Bến Dược, trong khuôn viên di tích Ðịa đạo Củ Chi.
Trên vùng đất thép anh hùng, mỗi địa danh, di tích đều gắn liền với sự kiện, quá trình đấu tranh cách mạng của Nhân dân Củ Chi dưới sự lãnh đạo của Ðảng, như: Công trình lịch sử truyền thống Ðền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Ðền Gia Ðịnh, Khu Tưởng niệm Trung đội Gò Môn, Nhà Tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành, Ðịa đạo Bến Dược, Ðịa đạo Bến Ðình... Những “địa chỉ đỏ” này không chỉ thể hiện sự tri ân thế hệ đi trước mà còn giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước của mỗi người dân Củ Chi.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành uỷ, nguyên Chủ tịch HÐND thành phố, nguyên Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Quận uỷ Quận 11 trong giai đoạn diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kỳ vọng: “Tôi tin rằng, qua những câu chuyện kể của nhân chứng lịch sử về thời gian tham gia kháng chiến và hoạt động chính trị sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, lực lượng thanh niên, thế hệ trẻ sau này trên khắp mọi miền Tổ quốc hãy tiếp tục phấn đấu, nỗ lực, xứng đáng là rường cột nước nhà, là tương lai của đất nước. Tôi rất tin tưởng và hy vọng, thế hệ trẻ với kiến thức sâu và rộng, tiếp nối truyền thống quý báu của cha ông để phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng, dám dấn thân cống hiến, phục vụ cho xã hội, xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh và Nhân dân hạnh phúc”.
Lịch sử đã nắm, đã biết, nhưng tận mắt tham quan di tích, nghe thuyết trình về lịch sử tại ngay “địa chỉ đỏ”, đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) càng thấm thía hơn về hoạt động cách mạng cũng như sự hy sinh, gian khổ của chiến sĩ và Nhân dân trong những năm tháng kháng chiến.
Ðoàn cán bộ Tỉnh đoàn Cà Mau được giới thiệu về Di tích Lịch sử Quốc gia Ðịa đạo Củ Chi.
Chị Nguyễn Phương Linh, Bí thư Huyện đoàn Phú Tân, thành viên đoàn công tác của Tỉnh đoàn Cà Mau, chia sẻ: “Trước giờ, tôi biết nhiều về các địa danh, di tích lịch sử qua sách, báo, hình ảnh. Hôm nay, được tham quan, tôi thấy rất ý nghĩa, được tận mắt chứng kiến, thấy lại được lịch sử hào hùng của thế hệ đi trước với những chiến công, oai hùng, đặc biệt là được nghe các cô, chú là nhân chứng lịch sử kể về những trận đánh lịch sử, chiến công hiển hách trong chiến tranh. Tôi rất xúc động và tự hào, nguyện sẽ nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, cống hiến sức trẻ cho xã hội, cho Tổ quốc”.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hành trình mang lại ý nghĩa to lớn, không chỉ tuyên truyền, giáo dục mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ giữ gìn và bồi đắp truyền thống cách mạng của Ðảng bộ, Nhân dân Củ Chi nói riêng và truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân cả nước nói chung.
Anh Nguyễn Hoàng Ðạo, Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau, cho biết: “Thông qua hành trình, tuổi trẻ Cà Mau càng tự hào về mảnh đất truyền thống cách mạng Củ Chi gắn liền với những chiến công vang dội, hào hùng trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Ðây còn là dịp để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống đấu tranh oai hùng của cha ông, trách nhiệm bảo vệ thành quả cách mạng của thế hệ đi trước. Qua đó, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ, góp phần bồi đắp niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, niềm tự hào dân tộc trong cán bộ, ÐVTN và các tầng lớp Nhân dân”.
Hành trình về nguồn, tham quan địa chỉ đỏ "Ðất thép thành đồng" đã đem đến những bài học lớn cho ÐVTN Cà Mau về truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ nước bất khuất, oai hùng của cha ông, đọng lại nhiều kỷ niệm về mảnh đất Củ Chi anh hùng. Gìn giữ và phát huy hiệu quả các di tích cách mạng trong cuộc sống chính là góp phần bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay.
Ðịa đạo Củ Chi được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia ngày 29/4/1979 (Ðịa đạo Bến Dược), ngày 15/12/2004 (Ðịa đạo Bến Ðình); được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào ngày 23/12/2015; Khu Di tích Lịch sử Ðịa đạo Củ Chi được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào ngày 30/11/2015. Ðịa đạo Củ Chi là căn cứ địa vững chắc, là thế trận đánh giặc vô cùng biến hoá, góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Hiện Khu Di tích Lịch sử Ðịa đạo Củ Chi được bảo tồn ở 2 khu vực: Bến Dược và Bến Ðình, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng hơn 70 km về phía Tây Bắc. Ðến Ðịa đạo Củ Chi tham quan tìm hiểu cấu trúc địa đạo và những chiến tích vang dội của dân và quân Củ Chi trong chiến tranh, như: tham quan công trình tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi giai đoạn từ năm 1960-1975, để hiểu được làng quê Củ Chi trong chiến tranh; viếng Ðền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược; tham quan không gian tầng hầm được trưng bày theo chủ đề "Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh kiên cường, bất khuất". Ðịa đạo Củ Chi còn có khu rừng gỗ quý được sưu tầm từ 3 miền đất nước và các biểu tượng đặc trưng như: chùa Một Cột (Hà Nội), Ngọ Môn (Huế), Bến Nhà Rồng (miền Nam)... |
Quỳnh Anh