ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:35:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðừng phơi áo mỏng...

Báo Cà Mau Thật trớ trêu khi khu trọ của những gã trai trẻ và những thằng đàn ông xa vợ lại lù lù xuất hiện một quán đèn mờ án ngữ ngay trước ngõ. Ði ra, đi vào đều bắt gặp mấy em quần short ngắn, áo hai dây ngồi vắt vẻo õng ẹo mời chào. Thỉnh thoảng thấy đàn ông đi qua còn ơi ới trêu rồi bấm nhau cười rinh rích. Tôi ghét lắm, đàn bà con gái có trăm nghề để làm sao cứ phải chọn đúng cái nghề nhơ nhuốc ấy. Bực nhất là lỡ có đưa bạn bè về chơi là y rằng bị nghi ngờ gái gú. Cánh trai tráng thì bảo “nhất chú, cần là có”.

Thật trớ trêu khi khu trọ của những gã trai trẻ và những thằng đàn ông xa vợ lại lù lù xuất hiện một quán đèn mờ án ngữ ngay trước ngõ. Ði ra, đi vào đều bắt gặp mấy em quần short ngắn, áo hai dây ngồi vắt vẻo õng ẹo mời chào. Thỉnh thoảng thấy đàn ông đi qua còn ơi ới trêu rồi bấm nhau cười rinh rích. Tôi ghét lắm, đàn bà con gái có trăm nghề để làm sao cứ phải chọn đúng cái nghề nhơ nhuốc ấy. Bực nhất là lỡ có đưa bạn bè về chơi là y rằng bị nghi ngờ gái gú. Cánh trai tráng thì bảo “nhất chú, cần là có”.

Còn chị em phụ nữ thì tru tréo lên “eo ôi, bảo sao chả hư thân”. Có tiếng mà không có miếng tức anh ách trong người. Nhiều khi muốn dọn quách đi chỗ khác mà khổ nỗi chả tìm được nơi nào rộng rãi, thoáng đãng hơn nên đành tặc lưỡi, thôi thì mặc xác đèn mờ. Nhưng muốn mặc xác cũng không mặc được vì mấy ả này thích manh động lắm. Có hôm mất điện nóng lè lưỡi, đang ngồi cởi trần thở không ra hơi mà có ả còn chạy vào lả lơi “anh ơi có vui vẻ tí không, em phục vụ?”. Tôi nổi điên “đang nóng chết người, vui cái cóc khô gì”. Ả chẳng buông tha, tiến vào ngay giữa nhà hỏi “có tiền không cho em mượn tạm?”. Ô hay, chẳng biết ả ta tự cho mình là hàng xóm với tôi từ bao giờ nữa. Thằng em cùng xóm cười ha hả “ông anh ơi, ghét của nào trời trao của ấy”. Ðừng hòng…

Minh hoạ: MINH TẤN

Khu trọ có sân rất rộng, phía trước là khu vườn bỏ hoang, chỉ có cau và hoa xuyến chi mọc um tùm. Mấy gã trai hò nhau chôn cột bê-tông để giăng dây phơi dọc dãy, tiện thể đúc luôn mấy quả tạ hằng ngày tập cho vui. Con trai thường lười, quần áo có khi gom vài ngày đến cả tuần mới mang ra giặt một mẻ. Thành ra cái dây phơi dài loằng ngoằng ấy thường là chỗ cho mấy ả đèn mờ mang chăn gối và đủ loại “phụ tùng” xanh, đỏ vào phơi. Thử tưởng tượng xem, giữa xóm trọ toàn đàn ông mà trước cửa là một đống quần áo đàn bà bay phất phơ trước gió.

Có khi gió mạnh thốc ngược vài món đồ bay lung tung, nằm vắt vẻo cả trên bậu cửa sổ. Có ông sợ bệnh tật còn lót giấy vào tay mới dám nhặt quẳng đi nơi khác. Mấy ả vào thu đồ thấy thiếu lại lấy cớ gõ cửa từng phòng hỏi “có anh nào lỡ giấu của chúng em chơi?”. Ðúng là của nợ. Thằng em nhà bên cầm ngay cái kéo ra nghiến răng cắt đứt dây phơi. Thế là xong, chả phơi phóng gì, đỡ phải nhức mắt. Tôi thì không gay gắt đến mức ấy, nhưng thấy thế cũng mừng thầm. Thoát cái cảnh nhiều hôm vơ quần áo mình thấy lẫn cả đồ nghề của mấy ả. Có cái loè loẹt, diêm dúa, có cái lại mốc meo mốc xỉn. “Ôi chao! Ðàn ông gì mà hẹp hòi. Có cái dây phơi cũng tiếc”. Mấy câu trách hờn kiểu đó thật chẳng hợp với các ả chút nào. Từ hôm mất dây phơi, mỗi lần đi qua quán đèn mờ, tôi thường bị lườm nguýt ra mặt. Có ả còn chửi xơi xơi “đồ đàn ông đểu cáng”. Ơ hay! Cứ như tôi là khách vào bóc bánh không trả tiền, hoặc tôi làm chuyện tày đình gì có lỗi không bằng. Nhưng mặc kệ, hơi đâu mà quan tâm. Trời nắng nóng bực bội chỉ thở thôi cũng đủ thấy mệt rồi.

Khu trọ này được cái nắng ở đâu thì nắng nhưng cổng ngõ lại luôn mát rượi. Bởi vốn cổng khu trọ được trổ ra từ căn bếp cũ của nhà chủ, thông ra ngõ là hai hàng cây khế nối dài. Nhà bà chủ đất rộng, xây ba, bốn khu nhà vây quanh ngõ. Ngoài khu trọ còn có một căn nhà cấp bốn cho hộ gia đình thuê dài hạn và một dãy quán đèn mờ. Thế nên, ngõ cũng được chia ranh giới, ở đầu ngõ là nơi mà các ả thường ngồi đánh tá lả trong lúc chờ khách, hoặc dặm phấn tô son, cũng có người mang hình con ra ngắm. Cuối ngõ là chỗ của mấy gã trai hay trải chiếu nằm ngồi ngổn ngang hát nghêu ngao. Có hôm nóng quá, nấu cơm xong cả xóm bày ra ngõ ăn chung. Kể mà không nhiều muỗi thì có khi ngủ luôn ở đó, chẳng cần phải quạt.

Thỉnh thoảng nổi hứng lên thì đầu này cũng chọc ghẹo đầu kia. Thay vì hát “anh ở đầu sông em cuối sông” thì ỡm ờ trêu “hay là cùng ngõ nấu cơm chung”. Sống lâu ở nơi này cũng gặp khối chuyện buồn. Có người mẹ nhớ con tựa gốc cây đứng khóc. Lại có ả cam lòng yêu thằng nghiện, những hôm vắng khách, chẳng có tiền chu cấp cho thằng bồ hút hít bị nó giật tóc đánh cho tơi tả. Riêng cái chuyện tranh khách của nhau thì chẳng thiếu, thỉnh thoảng lại có vụ lột quần lột áo sỉ nhục nhau chẳng ra thể thống gì. Cùng là kiếp mưu sinh nên nhiều khi cũng thấy động lòng…

* * *

Quán đèn mờ mới có thêm người mới tên Trà. Nhìn thì trẻ lắm mà nghe nói đã làm mẹ của một thằng nhỏ hai tuổi rưỡi. Thấy bảo không chủ định đẻ, chẳng qua là tai nạn nghề nghiệp. Lúc phát hiện ra thì cũng đã mấy tháng, bỏ đi không đành. Khi thằng nhỏ được một tuổi, Trà đã bỏ nó ở nhà cho bà để đi làm. Quay lại chỗ cũ một thời gian, nhưng đói khách quá đành tìm chốn mới. Tôi hay bắt gặp Trà mang bếp gas đặt ngay ngoài ngõ nấu ăn.

Khi rán đậu, khi kho cá, cũng có lúc chỉ thấy mớ đậu phộng rang. Hỏi “ăn uống vậy sức đâu?”. Trà ngượng ngùng cười “nghề của em chẳng cần nhiều sức”. Buổi chiều, lúc vắng khách, Trà mang vải ra cắt may quần áo. Hỏi may cho ai thì Trà bảo “em chẳng còn ai ngoài mẹ già, con nhỏ”. Ðịnh hỏi sao không kiếm nghề gì khác ở quê vừa được gần con mà đỡ mang tai tiếng. Nhưng may là chưa hỏi, biết đâu người ta sẽ buồn. Ghét thì ghét vậy nhưng làm sao hiểu hết nỗi éo le. Biết đâu người ta lại nặng gánh gia đình, hoặc cùng đường mới phải bán thân nuôi miệng. Nhìn dáng lầm lũi và cam chịu của Trà, tôi không đành lòng khinh miệt.

Vài ba hôm Trà vào phòng tôi mượn xe đạp đi chợ. Chợ gần cũng có đủ thứ, chỉ mỗi tội đắt đỏ, Trà nói tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy vì con. Có hôm xe hư, Trà dắt bộ nhễ nhại mồ hôi, ngồi chờ sửa xong xe thì mất ngay mối khách quen đến quán. Lúc về còn bị chủ quán mắng té tát, luýnh quýnh rơi cả túi đồ ăn. Nghĩ thấy thương nên hôm nào đi chợ tôi cũng ghé qua hỏi có muốn mua gì không để mua giùm. Mấy thằng nhỏ trong xóm thấy vậy trêu “ả ta trông thế mà cao tay, bẫy ngay được người ngon nhất xóm”.

Trà không nói gì, lầm lũi cúi mặt đi. Sao tôi cứ ám ảnh mãi cái dáng lầm lũi ấy, thương như thể thương mình. Ðời công nhân như tôi cũng có sung sướng gì. Ngày nắng cũng như ngày mưa, vắt vẻo trên cao, phơi mặt ra đường. Cầm được đồng lương còn bị chửi lên chửi xuống. Lương cầm chưa ấm tay đã trăm khoản cần tiêu. Ước mơ cái gì cũng thấy xa vời vì có dành dụm được là bao. Trà cũng vẫn những nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền ấy mà thôi. Thỉnh thoảng thấy ngồi bần thần, cầm cuốn sổ nhỏ ghi chép chi tiêu tỉ mỉ đến từng mớ rau, mớ tép. Tháng nào cũng thấy Trà mượn xe ra bưu điện gửi tiền về nhà đôi lần. Có lần tôi hỏi Trà:

- Làm thế mỗi tháng gửi về được bao nhiêu?

- Em sinh con xong cơ thể sồ sề, người ta chê lắm nên có mấy khách đâu anh. Em đang tính nhận thêu thuê, nếu chăm chỉ mà lại thêu quen tay thì có khi tháng cũng thêm được vài trăm tiền cơm nước.

- Hay là xin làm công nhân trong khu công nghiệp, tháng cũng được vài triệu.

- Em không bằng cấp gì ai người ta nhận. Mà làm lương thấp quá thì sao đủ nuôi mẹ già, con nhỏ. Cũng lỡ sa chân rồi, giờ muốn rút ra đâu dễ anh ơi.

Tôi bỗng dưng nổi quạu với Trà. Rằng bước chân vào thì cũng có thể bước chân ra. Thà buôn thúng bán nia ngoài chợ kiếm bát cơm thơm tho nuốt còn đỡ nghẹn. Làm cái nghề bán thân đâu sống được cả đời, mấy tuổi nữa xấu xí, nhăn nheo thì lúc ấy lấy gì nuôi miệng? Nhưng rồi nghĩ mình lấy tư cách gì để cáu với người ta. Mình có giúp gì được người ta mà lên tiếng dạy đời.

Ngay cả việc mình thương người ta thật mà cũng đâu dám nói, đến thành thật với bản thân còn thấy khổ sở trong lòng. Mình là thằng đàn ông còn không dám vượt qua được miệng lưỡi thế gian, huống hồ là người ta. Nên chỉ biết câm lặng nhìn Trà bơ phờ sau mỗi lần tiếp khách, ra ngõ ngồi tựa lưng vào gốc cây để thở. Có hôm còn mò vào tận phòng tôi xin nước, vì nước hết chưa kịp nấu mà nhà chủ thì tiếc từng đồng lẻ. Mỗi một lần đi khách, bọn Trà chỉ được nửa số tiền ít ỏi, còn lại phải nộp cho chủ chứa. Cơm nước tự lo, đến tiền điện còn bổ đầu nhau ra mà đóng. Lúc ốm đau chỉ một thân một mình, nằm lâu không có phòng tiếp khách còn bị đuổi ra ngoài.

Có lần đi làm ca đêm về thấy Trà ngồi rũ rượi ngoài ngõ đúng đoạn khúc cua, đèn xe chiếu vào tận mặt cũng không động tĩnh. Sờ trán thấy nóng ran, nửa đêm không kiếm đâu ra hàng thuốc còn mở cửa. Không lẽ cứ để Trà ngồi đó đến chết, mà đưa vào nhà thì lo tai tiếng. Miệng lưỡi thế gian vốn cay độc lắm. Có khi vài ngày sau cả xóm lại đồn ầm “chắc thằng đó cặp với gái làm tiền để lợi dụng. Cơm no bò cưỡi. Tội gì”. Mà đàn ông trong khu này miệng thì khinh miệt chê bai, nhưng nhiều đêm bia rượu xong cũng chui vào tìm gái “giải đen”. Tôi không làm sao chịu được cảm giác khi nghĩ đến cảnh Trà cũng từng nhiều lần lả lơi phục vụ họ tận tình. Trà ngước lên nhìn tôi hồi lâu, ánh mắt cầu cứu ban đầu chuyển dần sang cay nghiệt. Hình như Trà đã đọc được mọi ý nghĩ của tôi, đọc được luôn cả sự khinh miệt của người đời. Hình ảnh cuối cùng của Trà đọng trong tâm trí tôi là cái dáng cam chịu đang vịn tường lần ra đường lớn. Trà bắt taxi đi ngay trong đêm đó và không bao giờ quay trở lại.

Lúc nào đi qua khúc cua ở ngõ, tôi cũng tự giày vò khi nghĩ tới Trà. Phận người ấy bây giờ không biết đã trôi dạt nơi đâu? Ðã trở về quê hay lại lầm lũi trong một quán đèn mờ nào đó? Nếu có một gia đình thì có lẽ Trà sẽ đảm đang, dịu dàng như bao nhiêu người phụ nữ. Sáng dậy sẽ tất bật trong bếp núc nhà mình chuẩn bị cho chồng con một bữa ăn giản dị nhưng tươm tất. Sẽ kiếm một công việc tuy nhọc nhằn nhưng thanh thản. Ðể mỗi chiều về lòng vui vẻ hôn hít các con. Sẽ cùng nhau nói những chuyện mai sau rồi chìm vào giấc ngủ. Ðiều đó có khó khăn gì đâu nếu như tôi không đớn hèn đến vậy. Trà đã bao lần đưa tay ra mà tôi không một lần nắm níu. Trà ơi…

Rồi một ngày tôi nghe tin Trà nhiễm HIV. Nghề bạc bẽo ấy đâu thiếu gì những cái kết buồn như thế. Vậy là hết, Trà có muốn quay lưng làm lại cuộc đời thì mọi cánh cửa cũng đang dần đóng lại. Tôi không chịu được cảm giác giày vò mỗi lần đi qua ngõ nên quyết định chuyển đi nơi khác. Trước hôm đi thấy một ả kiếm đâu được đoạn dây thép nhỏ mang nhờ tôi giăng làm dây phơi quần áo. Tôi giăng gọn vào cuối góc sân, tự nhiên nhớ màu áo của Trà từng nhiều lần phải phơi trên cành cây ngoài ngõ. Cả phận người lẫn phận áo phất phơ, thêm cả sự bơ vơ cay nghiệt. Lúc dọn đồ đi qua quán đèn mờ, thấy mấy ả đang ngồi dặm phấn tô son. Tôi dặn một câu coi như lời từ biệt:

- Dây mắc xong rồi nhưng đừng phơi áo mỏng. Gió bay…

Lúc đi qua khúc cua, mắt tôi cay xè. Chắc cũng là vì gió./.

Truyện ngắn của Bùi Quang Dũng

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.