ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:37:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đường hạnh phúc có xa?

Báo Cà Mau (CMO) Hai đứa trẻ tha thẩn quanh ngạch cửa chờ má về. Mùi cơm sôi ở đâu theo gió xộc tới khiến bụng dạ chúng nao nao.

- Anh Hai, sao má đi chợ lâu quá chưa về?

- Ờ, ráng đợi chút em, má về tới liền. Má hứa mua bánh mì thịt cho anh em mình đó.

Quê nghèo nép lặng vào chiều. Mưa liêu xiêu phủ giăng giăng trên những lùm cây dọc dài con sông nhỏ. Người phụ nữ ướt tầm tã rướn cong người theo nhịp chèo. Chiếc xuồng bươn lên rồi khựng lại, nước trên mái chèo kéo vệt thành hình bán nguyệt. Bong bóng nổi lềnh bềnh trên mặt nước theo nhịp thở, nhịp chèo. Đôi môi mím chặt, thâm tái vì lạnh, vì đói và sâu thẳm một đôi mắt cam chịu.

- A, má về. Má có mua bánh mì thịt hông má?

- Có, Út Gái của má ở nhà với anh Hai có ngoan không?

Hai ổ bánh mì thịt nhàu nát nhưng vẫn khô ráo được người phụ nữ kéo ra từ trong vạt áo. Nhìn tụi trẻ ăn bánh ngấu nghiến mà Hai Thảo không kìm lòng được, quay mặt đi. Những vệt nước nhoà đi trên gương mặt sạm màu.

- Hai Thảo ơi! Bây có nhà không? - Tiếng của bà Tám Hụi ở đầu xóm vang vang.

- Dạ, có cô Tám ơi! Con mới về nè.

- Bây coi đóng hụi cho tao liền, hứa hoài à. Hụi hốt thì nhanh, đóng thì chậm, tao lội hoài rã cặp giò rồi.

Gương mặt Hai Thảo thêm xám lại, vô hồn. Tiếng nói phát ra ngắc ngứ, đứt quãng:

- Dạ, tại con kẹt quá. Cô để thư thư cho mấy bữa…

Tiếng bước chân hịch hạc ngày càng gần mé hè. Rồi bà Tám Hụi với đôi môi cong cong, giật giật, thở hì hì:

- Bây giỡn với tao hả. Mấy ngày là mấy ngày? Tao hết đợi nổi rồi. Mơi nghen. Mơi hông có thì tao hổng có nể nang mặt mũi gì nữa à.

- Dạ, cô Tám thương cảnh nhà mẹ con côi cút của tụi con.

- Ai biểu lấy chồng sớm, lấy chồng mê gái làm chi…

Nghe tới câu đó, Hai Thảo chết lặng. Chỉ còn thấy vẻ mặt dữ tợn và cặp môi mấp máy liên tục của bà Tám, còn đâu không nghe rõ gì nữa. Phận gái mười hai bến nước, biết bến nào đục trong. Phải chi không có hai đứa nhỏ, Hai Thảo nghĩ mình chết quách đi cho rồi. Người ta nói chết là hết. Hết nghĩa là không còn đau khổ nữa. Nhưng chết thì dễ rồi. Sống tiếp mới khó. Sống sao mà khó quá. Hình như khi người ta khổ, cái khổ cứ kéo dồn đến. Bà Tám về rồi, hai đứa nhỏ còn cầm khúc bánh mì ăn chưa hết nhìn mẹ khóc mà ngơ ngác. Ngoài trời, mưa liêu xiêu, nhạt nhoà…

Minh hoạ: Hoàng Vũ

***

Bà Tám Hụi ngọt nhạt:

- Con nghe lời cô đi Thảo. Bây coi, chạy chợ mớ rau muống, mấy trái bình bát chín, lọn bông súng, vài trái dừa khô thì sao nuôi nổi tụi nhỏ. Tụi nó lớn cũng phải đi học hành, tốn kém dữ lắm. Bây còn trẻ, chịu khó chút kiếm số vốn sau này tính toán làm ăn.

- Dạ, con cám ơn cô Tám, nhưng…

- Nhưn nhị gì nữa, chỗ này là cháu cô, nó làm ăn đàng hoàng lắm. Mà có xa xôi gì đâu, lên trên tỉnh thôi mà. Dị nghen, con sắp xếp tuần sau Tám dẫn lên trên đó…

Vậy là Hai Thảo lên tỉnh làm nhân viên bán cà phê theo lời giới thiệu của bà Tám Hụi. Người ta ứng cho Hai Thảo mớ tiền kha khá. Hai Thảo chở tụi nhỏ về gởi bên nhà ngoại. Tụi nhỏ ngồi dưới xuồng mà nhao nhao hỏi mẹ:

- Mẹ đi lên tỉnh, mơi mốt cho tụi con lên trên đó với nghen.

- Anh Hai, cho em đi theo nữa. Trên tỉnh chắc nhiều bánh mì thịt lắm hen anh Hai?

Mặc cho tụi nhỏ hào hứng, Hai Thảo vẫn ghìm chèo từng nhịp. Chặng đường đâu xa mà sao diệu vợi. Biết nói với cha mẹ sao đây. Từ cái ngày Năm Tánh bỏ mẹ con Hai Thảo đi không nói một lời, theo cô nhân tình nhỏ ở chợ xã. Hai Thảo lặng lẽ nuôi con. Nội ngoại hai bên cũng ngó lơ. Bên ngoại thì nói Hai Thảo cứng đầu, hồi mới về nhà là không ưng được cái tướng thằng đàn ông chải chuốt, siêng ăn, biếng việc, miệng lưỡi dẻo quẹo. Còn bên nội thì nói Hai Thảo không biết làm vợ, làm mẹ, nên chồng chán, chồng chê, chồng bỏ.

Hai Thảo thưa chuyện với ba mẹ, rồi hứa hẹn vài tháng khi công việc ổn định, sắp xếp dẫn tụi nhỏ đi theo mình. Ông ngoại tụi nhỏ mặt lạnh tanh. Bà ngoại thì hoang mang, khóc tỉ tê. Lúc Hai Thảo xuống xuồng quay về, thằng con trai lớn bỏ trốn vô kẹt bồ lúa nhà ngoại. Đứa nhỏ níu áo mẹ, lê lết tới tận bến sông.

Nhịp chèo trống không. Bông súng nở tím trời chiều. Phía chân trời, âm u cơn dông dợm đến.

***

Công việc tại tiệm cà phê nhàn nhã vì khá đông nhân viên. Hai Thảo nghe người ta nói nhiều về chuyện bị lừa lên thành phố bán cà phê ôm nên cũng hết sức cảnh giác. Ngọc Mơ là chủ quán, cháu gọi bà Tám Hụi bằng dì cũng nhẹ nhàng, dễ chịu. Hàng ngày, Hai Thảo thức sớm để pha cà phê, lau dọn bàn, nấu ăn cho nhà chủ và nhân viên. Tối Hai Thảo được xếp ngủ chung với một người khác ở chiếc giường sau quán. Công việc dần quen, Hai Thảo bắt đầu lơ là cảnh giác. Một chiều cuối tuần nọ, cả quán nghỉ sớm, tổ chức tiệc liên hoan. Hai Thảo cùng mọi người tất bật chuẩn bị. Ngọc Mơ tuyên bố, hôm nay không say, không vui. Vậy là bia khiêng ra từng két. Tiếng cụng ly, chúc tụng vang rền. Hai Thảo bị chuốc say mèm. Trong lờ mờ, Hai Thảo nghe những lời ảo ảnh:

- Nó mềm như chuối rồi. Muốn mần gì thì mần…

Rồi sau đó, Hai Thảo mơ hồ nghe tiếng cửa khoá lách cách, mình nặng trĩu như bị bóng đè.

- Đây, tiền của chế đây!

- Chê gì nữa, gái hai con mà người ta còn ham là phải biết mừng chớ, hãnh diện chớ. Biết bao nhiêu đứa ở đây có con mà nào thèm đâu.

Hai Thảo đã rõ. Chuyện người ta đồn, người ta nói không phải đâu xa, nó rớt trúng vô đời Hai Thảo rồi.

- Thôi, ráng mần thời gian, kiếm vốn về nuôi hai đứa nhỏ. Có mòn miết gì đâu mà sợ… - Ngọc Mơ ngọt nhạt.

Phải liều thôi. Bỏ trốn thì tiền đâu trả cho chủ quán. Chưa kể đám xăm trổ luôn lởn vởn vây quanh. Thân cô, thế cô giữa thị thành bị gài vào tròng. Thật không còn đường chối thoát.

- A lô, dạ, anh cứ tới, sẽ có người phục vụ chu đáo cho anh…

Tiếng Ngọc Mơ nghe điện thoại làm Hai Thảo rợn người. Tối nay, tới ca làm của Hai Thảo. Hai Thảo mở cửa phòng, nằm trân mình chờ đợi sự giày vò của những kẻ ham của lạ. Đàn ông, xét cho cùng, chỉ cần ăn no và thoả mãn dục tình là vui vẻ. Hơi nghiêng về phía tường, Hai Thảo nghe giọng lè nhè:

- Anh xỉn rồi nha, em phục vụ tốt anh thưởng…

Cái giọng lè nhè và đầy ham hố này sao nghe quen quá. Hai Thảo không dám quay mặt lại. Đôi bàn tay thô tục xộc tới, vật ngửa Hai Thảo.

- Trời, trời, giờ mầy đi làm gái luôn hả Thảo… Tao bỏ mầy đâu có oan uổng.

Hai Thảo vùng khỏi bóng ma ấy, vùng khỏi căn phòng, chạy ra phía ban công... Trong mơ hồ. Hai Thảo nghe giọng Út Gái mừng mẹ đi chợ về. Nghe thằng con trai hỏi mẹ có lạnh không. Và, một khoảng trống mênh mông…

***

Mở mắt ra, Hai Thảo như chết thêm lần nữa khi thấy gương mặt của Năm Tánh. Thì ra, chính Năm Tánh là người chở Hai Thảo đi cấp cứu sau cuộc hội ngộ éo le.

- Thảo à, em chết rồi thì còn con ở với ai? Con bồ nhí của anh đá đít anh đi lâu nay. Anh chán đời, bám víu trên tỉnh này làm thuê, làm mướn. Muốn trở về nhưng anh thấy nhục nhã với em, với xóm làng quá nên thôi.

- Bữa gặp em, anh giận quá, nói bậy… ai dè em nhảy lầu tự tử. Anh xin lỗi em. Tại anh, tại anh hết Thảo à…

Đời bao nhiêu gian dối. Người đàn ông đang buông những lời sám hối kia liệu có còn đáng được lắng nghe, tin tưởng hay không? Hai Thảo một thoáng xao lòng và biết rằng, với con người kia, dường như nợ trần chưa dứt. Hai Thảo liều một lần nữa, xem con tạo cuộc đời còn xoay vần tới đâu… Thôi thì ai cũng có lỡ lầm.

- A, anh Hai, má đi lên tỉnh kiếm được ba về.

- Anh Hai ồ, ba má mua bánh mì thịt cho anh em mình…

Quê nghèo xì xào lên đôi chút, sau đó cũng trở về cái yên bình muôn thuở. Từ quê lên chợ tỉnh bao xa mà đi về khó quá. Nó cũng giống như con đường đi tới bình yên, hạnh phúc, tưởng ngắn lắm mà thăm thẳm chông gai…./.

Truyện ngắn của Phạm Quốc Rin

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương