(CMO) Trong khi kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh tại các thị trường khác giảm mạnh thì tại thị trường EU vẫn tăng trưởng. Theo đánh giá của các ngành chức năng, tín hiệu khả quan này đến từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Khi hiệp định có hiệu lực, EU được xem là thị trường đầy tiềm năng, tuy nhiên, thị trường này rất “khó tính” nên vẫn còn những thách thức.
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt khoảng 550 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu tôm qua các thị trường truyền thống đang gặp khó khăn như: Mỹ mới đạt 74 triệu USD, giảm 50% so với cùng kỳ; Trung Quốc đạt gần 24 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường EU có bước tăng trưởng đáng kể, hiện đạt khoảng 65 triệu USD. Nếu như trước đây hàng năm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chỉ đạt khoảng 5% thì nay đang chiếm khoảng 12% trong cơ cấu các thị trường. Nguyên nhân xuất khẩu tôm vào thị trường EU tăng mạnh được nhận định đến từ Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực.
Xuất khẩu tôm vào thị trường EU tăng mạnh thời gian qua. |
Phó giám đốc Sở Công thương Dương Vũ Nam cho biết, EVFTA đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nước ta nói chung, Cà Mau nói riêng tiếp cận thị trường tiêu thụ khổng lồ, với 27 nước thành viên và dân số khoảng 500 triệu người. Trong lĩnh vực thuỷ sản, mức ưu đãi xoá bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm tới tạo ra cơ hội rất lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế nhiều nước trên thế giới đang bị ảnh hưởng xấu do dịch Covid-19, còn tình hình dịch bệnh ở nước ta dần được khống chế thì những cơ chế mở ở thị trường EU đã giúp doanh nghiệp nước ta thâm nhập thị trường dễ dàng hơn. Với tiềm năng lớn trong chế biến, xuất khẩu và sản phẩm tôm của tỉnh đã có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì Hiệp định EVFTA được kỳ vọng tạo “cú hích” để ngành tôm Cà Mau phát triển.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, những thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. EU được biết đến là thị trường rất “khó tính”, đòi hỏi chất lượng, xuất xứ hàng hoá với những tiêu chuẩn rất cao. Cũng chính vì vậy mà chỉ có 10/29 doanh nghiệp của tỉnh đang xuất khẩu vào thị trường này. Một khó khăn khác là hải sản khai thác của nước ta đang bị áp dụng “thẻ vàng” tại EU. Nếu không kịp thời tháo gỡ, hoạt động xuất khẩu hải sản nói riêng và thuỷ sản nói chung sang thị trường này sẽ còn gặp bất lợi, lợi thế của Hiệp định EVFTA không được phát huy.
“Muốn gia nhập “sân chơi EU” các doanh nghiệp trước tiên cần đáp ứng bài toán chất lượng để đảm bảo cạnh tranh. Muốn vậy, người dân và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ hơn. Sau đó mới tính đến việc tìm chỗ đứng và duy trì được thị phần tại đây”, ông Nam nói.
Doanh nghiệp thiếu vốn tái đầu tư
Để kịp thời triển khai thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trên địa bàn tỉnh, đầu tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau ký Kế hoạch số 94/KH-UBND, đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu các sở, ban, ngành, địa phương phải thực hiện gồm: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; thực hiện chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở, doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Liên quan vấn đề này, Sở Công thương Cà Mau cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải nhằm tìm giải pháp khắc phục và khai thác hiệu quả các tiềm năng từ Hiệp định EVFTA. Đa số ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp đều xoay quanh tình hình kinh doanh bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch Covid-19; có những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ luân phiên. Khó khăn cơ bản nhất là thiếu vốn để tái đầu tư và doanh nghiệp đề xuất giãn, giảm thuế, lãi ngân hàng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Minh Cường, cho biết, thị trường xuất khẩu tôm chuyển biến được thời gian ngắn, đến khi dịch Covid-19 trở lại lần thứ 2 tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều đơn hàng bị huỷ, bị gia hạn nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Điểm sáng duy nhất là thị trường EU. Tuy nhiên, chỉ có 1 “miếng bánh” thì thời gian tới sẽ nhanh chóng bão hoà. Với tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện nay, dự báo xuất khẩu có thể chuyển biến nhưng khó trở lại bình thường như trước đây. Từ đó, khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn ở phía trước.
“Ngoài việc khắc phục khó khăn trước mắt thì việc tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận nhanh với các chính sách hỗ trợ cũng rất cần được quan tâm”, ông Tuấn đề xuất./.
Khánh Hưng