(CMO) Ngay từ buổi bình minh của xã hội loài người, bên cạnh những nhu cầu cơ bản là ăn, mặc, ở và duy trì nòi giống, thì nhu cầu giải trí là một phần không thể thiếu, nếu không nói là rất quan trọng. Vậy khi chưa có Internet, chưa có những loại hình giải trí hiện đại như bây giờ, người xưa tìm kiếm niềm vui để bồi bổ tinh thần bằng cách nào? Ðó chẳng phải là câu hỏi quá thú vị, khi mà trong bối cảnh giãn cách xã hội, chúng ta bỗng trở nên chán chường với màn hình ti-vi và điện thoại thông minh, tâm trí bỗng trở nên ù lì, năng lượng tích cực dường như bay đâu mất.
Minh hoạ: Lý Kiều Loan |
Vùng đất Cà Mau, hay rộng ra một chút là miền Tây Nam Bộ có lịch sử khai khẩn, hình thành vài trăm năm. Hành trình “mang gươm mở cõi” vô cùng gian lao, không thiếu nguy hiểm. Cuộc chiến cam go nhất là phong thổ hoang hoá, nê địa, rừng thiêng nước độc. Theo nhà Nam Bộ học Sơn Nam, dòng người khẩn hoang thường là lưu dân “tứ chiếng”, thế nên hành trang mang vào vùng đất mới phương Nam chỉ gói gọn trong việc kiếm một miếng đất cắm dùi. Người ít, thiên nhiên hoang vu, khốc liệt, công việc khai khẩn nặng nhọc nên cần nhiều lao động. Bởi vậy, ông bà xưa thường đẻ nhiều, coi nhiều con là một thứ tài sản đáng tự hào. Ðiều này chính là nguồn gốc sâu xa của việc đông con trong các gia đình xưa, bác bỏ quan niệm khá thô thiển của một số người khi cho rằng ông bà xưa không có gì giải trí nên đẻ con nhiều kèm theo những lý lẽ xuyên tạc (!).
Khi đất đai thuần thục, công việc lao động đã vào nền nếp, người phương Nam có thời gian tìm đến những hình thức giãi bày tâm tư, tình cảm, coi đó là nguồn vui trong lúc nhàn rỗi. Theo Sơn Nam, hình thức ca dao miệt Hậu Giang xưa nhất là sấm vãn. Văn học dân gian truyền miệng ở phương Nam cũng khởi thuỷ cho đời sống tinh thần của cư dân như ở mọi chốn văn minh khác. Một vài câu sấm vãn còn truyền lại cho chúng ta phần nào hình dung được suy nghĩ, cảm xúc của người xưa:
“Hư nên các việc tỏ bày
Tôi không có ép có nài chi ai...
Thân sao nay đổi mai dời
Xóm kia làng nọ, khổ thay thân già”
Trong ngôn ngữ bình dân miệt Hậu Giang, ít nghe nhắc đến danh từ ca dao. Người ta gọi nôm na là hát hoặc hò tuỳ theo ngữ cảnh và mục đích sử dụng: hát đưa em, hát huê tình, hát đối, hò chèo ghe, hò xay lúa, hò cấy... Như câu hát huê tình:
“Chờ em cho mãn kiếp chờ
Chờ cho rau muống vượt lên bờ trổ bông”
Và rồi, khi ở ngữ cảnh đối đáp, nó được người ứng tác tức thì kéo dài ra, chế tác thêm cho hợp tình, hợp cảnh:
“Rau muống trổ bông lên bờ nó trổ
Ai biểu anh chờ mà anh kể công ơn”
Và trong bối cảnh đó, một số người có ít vốn liếng chữ nghĩa, nghiễm nhiên trở thành “thầy dạy hò hát”. Những nhà có điều kiện kinh tế, rước thầy về để nuôi ăn ở, chuyên việc dạy cho con em và gia chủ việc hò hát và biểu diễn tài nghệ. Ðó là cách mà người khá giả xưa thể hiện đẳng cấp và thoả mãn nhu cầu hưởng thụ tinh thần so với bộ phận còn lại.
Cũng phải nói thêm về cá tính miền Nam, như lời Sơn Nam, đó là cá tính mở, linh hoạt, thích cải biến hơn là tiếp thu thụ động. Như tuồng hát bội, loại hình diễn xướng sân khấu cổ truyền, dù có du nhập về phía Nam nhưng dần dà thất thế. Rất nhanh chóng, người Nam Bộ có cho riêng mình bản vọng cổ, loại hình đờn ca tài tử, rồi dần dà là sân khấu cải lương về sau này.
Theo Sơn Nam, điệu hò đối đáp ban sơ đã tìm được ở bản Dạ cổ hoài lang của Nhạc sĩ Cao Văn Lầu “một hình thức tương đối sang trọng để mà nương náu”. Và rồi bài vọng cổ ra đời, loại hình đờn ca tài tử ngày càng phổ biến, trang trọng chiếm vị trí “chiếu trên” trong đời sống tinh thần của Nam kỳ lục tỉnh. Câu vọng cổ Bạc Liêu chở bao nhiêu nỗi niềm người xưa, thăng hoa qua điệu đờn, câu hát. Buổi đờn ca kéo dài quá nửa khuya, là nơi nam thanh nữ tú khoe tài nghệ, lúng liếng trao duyên. Những ông thầy đờn giỏi dù bất thành văn, có được sự nể trọng của cộng đồng một cách mặc nhiên.
Khi thời thế biến động, những tín ngưỡng của xã hội cổ truyền không còn hợp thời. Thế là một bộ phận cư dân tìm cách nương tựa, giải thoát vào tôn giáo, tín ngưỡng vừa mới xuất hiện. Tựu trung lại, các tôn giáo mới cũng là cách cải biến những tôn giáo sẵn có để hợp thời, hợp thế. Người dân bắt đầu tìm đến các bàn cầu cơ, các vị Phật (Thánh) sống, các hội kín để thoả mãn nhu cầu tinh thần và tìm kiếm tâm thế để đối diện với hiện thực đời sống. Ðây cũng là thời điểm ra đời của các hệ giáo phái: Bửu Sơn Kỳ Hương (tiếp nối là Tứ ân hiếu nghĩa), Phật giáo Cao Ðài, Phật giáo Hoà Hảo...
Nhưng cái thú vị nhất của người Nam Bộ là tìm ra niềm vui trong chính quá trình lao động sản xuất. Các kỹ năng, hiểu biết về lao động sản xuất trở thành giá trị cao hơn, đó là kỹ nghệ lao động - một cách thi thố tài năng và thoả mãn đam mê nghiễm nhiên thành tài sản tinh thần có giá trị giải trí cao. Ðơn cử như việc phát cỏ trồng lúa, công việc nặng nhọc dành riêng cho đàn ông trai tráng. Theo miêu tả của Sơn Nam, buổi phát thường kéo dài từ 6 giờ sáng cho tới 11 giờ trưa, xế chiều thì nghỉ lấy sức. Kỹ thuật phát lần hồi trau dồi đến mức tinh vi, tổng kết kỹ lưỡng thành phát thế hoặc phát thiếp.
Những người biết phát thế, phát thiếp thường “nổ” là do có tổ sư truyền đạo, thần thánh phù hộ nên sức khoẻ dẻo dai, như người lên đồng, thông thấu với thần linh nên phát gấp đôi, gấp ba người thường. Những người phát thế, phát thiếp có danh tiếng thường thách thức nhau để thi triển tài nghệ, được coi là những cuộc vui cao hứng cho cả người trong cuộc và người chứng kiến. Những ông thầy dạy phát thế đi truyền nghề, ăn tiền giá cao, và thường chỉ dạy vào ban đêm. Dần dà, còn có kỹ năng cấy lúa, cũng được đem ra thi thố, truyền nghề, tạo nên một không khí vừa đậm đà phong vị lao động, vừa sảng khoái tinh thần.
Sự sáng tạo, sành điệu trong ăn uống của người miền Nam cũng là một câu chuyện đầy thú vị, phong lưu. Chỉ một vài đoạn tả ngắn của Sơn Nam cũng cho thấy ẩm thực với người Nam Bộ không chỉ là nhu cầu sinh tồn căn bản nữa, mà đã nâng lên hàng nghệ thuật, là sự thưởng thức: “Nắng hạn, rủ vài người bạn ra đồng đem theo cái hộp quẹt, một gói muối hột, vài trái ớt rồi đến vũng cạn nào đó bắt cá lóc thứ to con, đốt gốc rạ và rơm mà nướng trui”; “Mùa nắng ăn canh chua vừa khoẻ, vừa đỡ khát. Bí rợ hầm nước cốt dừa, ăn với mắm chưng vào buổi trưa, dưới cơn mưa lất phất khi cấy lúa gần rồi công. Mắm sống ăn với gừng non. Măng tre mạnh tông hầm thịt là cao lương mỹ vị”... Ðó là chưa kể đến các loại lươn, rùa, rắn, ếch được người xưa chế biến thành vô số món ngon.
Chỉ một vài nét sơ lược, mới thấy đời sống tinh thần của ông bà xưa trên vùng đất này vẫn đầy sôi động, phong phú, thi vị, hợp thời, hợp cảnh. Không chỉ có những ngày Tết, hội hè, đình đám, người xưa còn tìm vui trong lao động, chú trọng việc tái tạo lại năng lượng thể chất và tinh thần để lao động. Lao động không quên tìm cách để thư giãn, giải trí, tìm kiếm nguồn vui, sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn. Những giá trị tinh thần đẹp đẽ ấy, lạ kỳ thay vẫn được truyền giữ và hiện tồn trong cuộc sống của chúng ta hôm nay. Người xưa đâu có Internet, ti-vi, báo, đài... nhưng vẫn vui vẻ, lạc quan, có những phút giây thăng hoa và để lại một bản sắc, một cá tính Nam Bộ độc đáo, không trộn lẫn với bất cứ nơi đâu. Buồn thay cho những ai nghĩ rằng, ông bà xưa không có cái để giải trí, và đó là nguồn gốc của chuyện đông con (!)...
Phạm Quốc Rin