Bayer Việt Nam vừa công bố kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm lúa Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang”.
Bayer Việt Nam vừa công bố kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm lúa Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang”.
Đề tài này đã được nghiên cứu thực tế từ năm 2012-2014, nhằm tìm hiểu cơ chế và chứng minh tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm. Nghiên cứu được phối hợp thực hiện với Khoa Thuỷ sản, Trường Ðại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cùng nông dân tại các địa phương trên.
Luân canh tôm lúa – một trong những trụ cột của ngành nông nghiệp
Theo kết quả nghiên cứu, giống lúa lai Arize B-TE1 đem lại hiệu quả tích cực cho môi trường nuôi tôm nhờ vào đặc điểm của giống như có hệ thống rễ khoẻ mạnh, các vi sinh vật có lợi và các loài thuỷ sinh làm thức ăn cho tôm tại các cánh đồng trồng lúa lai Arize B-TE1 cao hơn, có ít vi sinh vật gây hại hơn. Kết quả, năng suất vụ tôm cao hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn - tăng đến 45% so với giống lúa thuần cao sản phổ biến. Kết quả này được xác nhận bởi Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang.
Ông Torsten Velden, Giám đốc nhánh Nông nghiệp Bayer Việt Nam giới thiệu với nông dân về mô hình luân canh tôm - lúa. |
Giống lúa lai Arize B-TE1 đã được sử dụng rộng rãi trong luân canh tôm - lúa nhờ vào hiệu quả kinh tế cao đối với cả vụ lúa và vụ tôm. Mỗi năm, hơn 20.000 ha được trồng giống lúa này, thu hút hơn 20.000 gia đình nông dân các vùng nước lợ của 3 tỉnh. Mô hình giúp hạn chế độc tố cho môi trường nuôi tôm, giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế một phần dịch bệnh. Sau khi thu hoạch lúa đã để lại một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa, khi lượng này phân huỷ hoàn chỉnh kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm.
Và sau mỗi vụ nuôi có thêm một lượng phù sa bồi lắng nên đất có độ màu mỡ cao, từ đó giảm được lượng phân bón cho lúa. Ngoài ra, quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa giúp cắt mầm bệnh gây hại trên tôm, hạn chế sự suy thoái đất đai do nuôi tôm liên tục nhiều năm.
“Với kết quả tích cực từ nghiên cứu, Bayer hy vọng sẽ khuyến khích được nhiều nông dân chuyển sang sử dụng giống lúa Arize B-TE1 để tăng tối đa năng suất và lợi nhuận kinh tế. Chúng tôi cũng vui mừng khi giải pháp khoa học - kỹ thuật nông nghiệp này được đăng ký bảo hộ toàn cầu lần đầu tiên tại Việt Nam”, ông Torsten Velden, Giám đốc nhánh Nông nghiệp Bayer Việt Nam chia sẻ.
Nhà nông phấn chấn
Anh Ðồng Văn Lần, ấp Sơn Trắng, xã Lộc Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, nhận xét: “Giống lúa lai B-TE1 rất phù hợp vùng đất tôm - lúa ở đây. Qua 2 năm trồng thực tế, tôi thấy lợi nhuận thu được từ lúa và tôm đều cao hơn mô hình sử dụng giống lúa địa phương. Do lúa B-TE1 ít nhiễm sâu bệnh, dễ canh tác mà năng suất rất cao. Sau khi thu hoạch vụ lúa, tôi cải tạo lại ao để nuôi vụ tôm thì tôm nuôi cũng mau lớn hơn”.
Anh Phan Văn Thoàng, ấp Tapasa II, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Lúa lai B-TE1 chịu mặn khá cao, lúa khoẻ, đẻ nhánh mạnh, rễ lúa ăn sâu và năng suất thu được rất cao nên lợi nhuận cao. Trồng giống lúa này nuôi tôm cũng rất đạt, tôm lớn nhanh hơn. Theo tôi, nhờ cây lúa lai này khoẻ đã hút hết chất ô nhiễm trong ao làm môi trường trong sạch nên tôm ít nhiễm bệnh và cho hiệu quả cao hơn”.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, ấp Xáng 2, xã Ðông Hoà, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, cho biết việc chọn giống lúa để canh tác trên nền tôm là rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến hiệu quả của vụ nuôi tôm. “Tôi rất hài lòng với kết quả mà giống lúa lai B-TE1 mang lại, vì giống lúa này đã giúp cho gia đình tôi tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống tốt hơn vì trúng lúa, trúng tôm trong 2 năm qua”, anh Sơn phấn khởi./.
Bài và ảnh: Ðơn Dương