Theo báo cáo nhanh từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có gần 300 ha nuôi cá bổi thâm canh. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã: Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình, Khánh Bình Ðông của huyện Trần Văn Thời, với diện tích 143,3 ha, 495 hộ nuôi; diện tích còn lại thuộc huyện U Minh. Ngoài trồng lúa và hoa màu, nghề nuôi cá bổi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân ở hai huyện này.
Ông Lê Minh Ðức (Ba Ðức), thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá bổi, cho biết: "Cá bổi là loài bản địa, có khả năng thích ứng tốt với sự biến động của môi trường. Cá bổi được nuôi quanh năm, nhưng tốt nhất nên thả vào đầu mùa mưa. Có thể bắt đầu thả nuôi từ tháng 4-5, thời gian thu hoạch tập trung khoảng tháng 1 và tháng 2 năm sau. Nuôi cá bổi thu nhập không quá cao nhưng bền vững, bởi ít rủi ro so với nuôi một số loài cá khác. Diện tích ao nuôi lớn hay nhỏ đều được".
Ngoài trồng lúa và hoa màu, nghề nuôi cá bổi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân ở huyện Trần Văn Thời và U Minh. (Ảnh tư liệu: Thu hoạch cá bổi của nông dân huyện Trần Văn Thời).
Từ năm 2011, ông Ba Ðức chuyển toàn bộ hơn 17 công đất ruộng của gia đình thành 7 ao nuôi cá bổi. Ông không bán cá tươi tại ao, mà dùng lượng cá thu được đem làm khô để nâng cao giá trị kinh tế.
Những bậc cao niên trong nghề cho biết, ngày xưa, tới mùa thu hoạch cá đồng, ngoài số lượng lớn bán cho thương lái, người dân ở đây giữ một ít cá ngon làm khô, làm mắm để biếu, tặng người thân ở xa. Dần dần, khi sản phẩm khô được nhiều người ưa chuộng, làng nghề làm khô cá bổi hình thành và phát triển cho đến nay.
Nghề làm cá mang lại thu nhập trên 300 ngàn đồng/người/ngày.
Theo nhiều lão nông nơi đây, để chất lượng cá nuôi gần giống với cá bổi ngoài tự nhiên, lúc gần thu hoạch sẽ cắt giảm thức ăn, để cá không có lượng mỡ dư thừa, từ đó tạo nguồn nguyên liệu tốt làm khô. Khô cá bổi thành phẩm sẽ không bị dầu nhiều, ngon và bảo quản được lâu. Thịt cá thơm, dai, ngon, chất lượng khô cá bổi U Minh ít nơi nào sánh được.
Dù trải qua lắm lúc thăng trầm nhưng nhiều lão nông ở huyện Trần Văn Thời và U Minh vẫn không nản chí, quyết tâm làm giàu từ nghề nuôi cá bổi thâm canh.
Sau công đoạn ướp, cá được đem phơi đủ nắng thì thành phẩm khô mới ngon.
Hiện nay, khô bổi Ba Ðức được sản xuất theo tiêu chuẩn quy định của Nhãn hiệu tập thể Khô cá bổi U Minh (do Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời làm chủ sở hữu). Ðặc biệt, năm 2021, khô cá bổi Ba Ðức được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Trung Ðỉnh - Trầm Nghĩ thực hiện