ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 11-5-25 02:14:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hành trình hạnh phúc

Báo Cà Mau (CMO) Ở Ấp 7, xã Thới Bình, huyện Thới Bình có ông Lê Hoàng Yên, có lúc làm chủ tịch xã nhưng phải đi làm thuê nuôi con ăn học. Vượt qua sự gian khó, nay vợ chồng ông vui hưởng tuổi già với cuộc sống nhàn hạ. Tài sản quý giá nhất mà ông bà tích cóp được qua mấy mươi năm miệt mài lao động là các con đều thành đạt và có việc làm ổn định.

Đi một đoạn đường Xuyên Á, rẽ ngang về kinh Rạch Mới, tôi hỏi nhà chú Chín Yên (Lê Hoàng Yên, Ấp 7, xã Thới Bình). Trước đó, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, có dặn trước: “Chú mầy thấy cầu Rạch Mới quẹo vô, hỏi Chín Yên, ở đó ai cũng biết”. Một chị trẻ tuổi, bồng con chỉ cặn kẽ: “Anh chạy khoảng 250 thước, thấy cái nhà mái Thái, có hàng rào trước ngõ”.

Hai vợ chồng ông Chín đang chuẩn bị đi Hậu Giang, nghe đâu lo chuyện trăm năm cho con trai út. Ông cười khề khà: “Ờ vậy đó, lo cho tụi nó ăn học, rồi phải tính chuyện dựng vợ, gả chồng". Như sực nhớ điều gì, ông thủ thỉ: “Ngó vậy mà mau thiệt, mới hồi nào tụi nó còn quảy bọc đi học”.

Phó chủ tịch xã... mần mướn

Là người gốc tại Ấp 7, xã Thới Bình này, ông Chín kể: “Tui may mắn sinh ra trong gia đình mà ông bà già trọn lòng theo cách mạng, luôn cổ vũ cho con cái phấn đấu tiến bộ”.

 

Chín Yên và những giây phút kề cận lúc tuổi già. Với ông bà, con cháu thảo hiền, thành đạt, hạnh phúc là thành tựu lớn lao nhất mà mình đạt được.

Lúc giặc bố ráp, lùa dân lập cái gọi là “Tân Sinh”, cả nhà ông Chín dọn vô cứ ở Bàu Nhàn. Giặc phía đồn Bàu Mốp hè nhau cướp phá hết tài sản của bà con, trong đó có gia đình ông Chín. Năm 1961, anh thứ hai của ông Chín Yên hy sinh. Khi ấy ông Chín Yên mới 12 tuổi nói với ba mẹ: “Con muốn theo cách mạng trả thù cho anh Hai”. Rồi ông Chín tham gia hoạt động nội thành, liên lạc cho đến ngày giải phóng.

Giặc giã liên miên nhưng anh em ông Chín có nhiều người thành đạt, đó là anh thứ ba làm bác sĩ, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Minh Hải; người anh thứ bảy làm công tác binh vận của tỉnh. Năm 1972, ông Chín Yên lập gia đình. Thím Chín ở Xóm Sở (xã Hồ Thị Kỷ bây giờ). Hỏi ông bà sao mà quen biết nhau, ông kể: “Thì hồi đó cũng tới lui công tác, với lại cũng có mấy người bà con giới thiệu, vậy rồi đám cưới”.

Thời điểm tiếp thu, ông Chín Yên ra riêng. Ông bà già chia cho mấy công vườn, chén đũa, xoong, chảo chất hết trên chiếc xuồng be bảy. Ông Chín Yên mần tạm cái nhà (hay nói đúng hơn là cái chòi), bắt đầu cơ ngơi của riêng mình.

Cực khổ trăm bề, vợ con nheo nhóc, ông Chín Yên vẫn hăng say tham gia công tác ở địa phương. Ông bộc bạch: “Tui nhớ nhất khoảng năm 1989, khi đó đang là Phó chủ tịch UBND xã Thới Bình này. Tui đang đi học sơ cấp chính trị, ba đứa lớn học cao đẳng ở Bạc Liêu, hai đứa nhỏ học phổ thông”.

Khi đó, ông Chín có lúc tính quẫn: “Bỏ công tác để đi mần mướn nuôi con”. Với ông, chuyện học hành của con cái quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời. Rồi ông bà già ruột “mời” ông lên “làm việc”. Ông Chín nhớ lại trong thổn thức: “Ba má dạy tui, làm cách mạng lúc khó mà nản, mà lùi là thất bại. Con phải làm gương cho cháu, phải tìm cách phấn đấu vượt qua”.

Không chỉ nói, tía má ruột của ông Chín hạ một câu: “Tao cho lúa gạo bây ăn, có thiếu thốn gì tao bao hết". Riêng ông Chín Yên thì công tác hết tuần, tranh thủ ngày Chủ nhật đi… mần mướn. Mần nhà, sửa nhà, làm mộc… ai mướn cũng làm ráo trọi. Thím Chín ở nhà hì hụi nuôi heo, đặt rượu.

Dần dà mấy đứa lớn tốt nghiệp, nhà đỡ thắt ngặt hơn. Ông Chín rùng mình: “Công nhận cũng… hết hồn thiệt, hổng biết làm sao mà lúc đó mình vượt qua nổi”. Gần bước vào tuổi thất thập, 30 năm tuổi Đảng, ông tâm sự: “Cái may mắn nhất của tui là con cái đều ngoan, chịu khó học hành, giờ đã ổn định công tác. Tui thấy cả đời mình, đây là hạnh phúc lớn lao nhứt”.

Nếp nhà - cội rễ

Ông Chín Yên đúc kết rằng: “Con cái mình phải dạy từ lúc nhỏ. Mà quan trọng là người lớn phải làm gương”. Vẫn nhớ thời mấy đứa con học ở trường làng: “Sáng ăn cơm nguội, quảy bọc đi học, đứa lớn coi chừng đứa nhỏ”. Tới phổ thông, ông mượn đất cất cái chòi cho mấy đứa con ở huyện, rồi hì hục chèo xuồng chở gạo ra.

Cứ cuối tuần, mấy đứa con lại về đi thả câu, giăng lưới kiếm cá đủ ăn một tuần. Lúc cả 3 đứa con đi học trên Bạc Liêu, ông thấp thỏm: “Con về mừng lắm mà cũng… rầu thúi ruột”. Tới bận đóng tiền cho con, ông nhìn sân lúa phơi mà chưa hột nào kịp… vô bồ. Ba đứa đi, vợ chồng ông ở nhà có lúc mượn gạo nấu cơm.

Mà có mấy công đất thấm tháp vô đâu, hai ông bà phải chạy vạy vay mượn nhiều nơi để đủ tiền cho con ăn học.

Con về, ông bà chỉ căn dặn: “Bây ráng học, phải học giỏi để sau này đỡ cực hơn ba mẹ”. Có bữa đi mần mướn, người ta nói giỡn: “Phó chủ tịch mà cực quá hen!”, ông Chín cười: “Mình vì con cực bao nhiêu có nhằm nhò gì… để mai mốt sướng”.

Bao đêm trằn trọc không ngủ, bao nhiêu giọt mồ hôi vất vả, cả 5 người con của ông đều thành đạt. Con lớn của ông đang là Phó trưởng phòng GD&ĐT của huyện Thới Bình; kế đó là anh Lê Hoàng Dự (đang là Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau); sau nữa là con trai làm Giám đốc Ngân hàng Á Châu chi nhánh Hậu Giang; con gái làm giáo viên; con trai út làm ở Ngân hàng Công thương Cần Thơ.

Trong câu chuyện, ông nhắc đi nhắc lại: “Con cái hồi đó đi học, tui quy định bao nhiêu là bao nhiêu”. Bởi theo ông, khi có nhiều tiền, tuổi trẻ dễ se sua, đua đòi rồi bỏ bê chuyện học hành. Ông dạy con quý trọng sức lao động. Cho đến bây giờ, những người con thành đạt nhất của ông khi trở về quê vẫn mặc đồ phèn đi giăng lưới, bắt cá.

Lâu lâu có bữa cơm gia đình đầm ấm, ông lại dặn con: “Mình làm gì thì làm, phải giữ được nếp nhà, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho. Sống ngay thẳng bằng đồng lương, công sức của chính mình”. Ông khoe: “Tui hiện tại cháu nội ngoại được 7 đứa rồi. Có đứa học lớp 12, mà tụi nó ngoan, học giỏi lắm”.

Thím Chín tiếp lời: “Bây giờ mần cũng hết nổi rồi. Nhà 5 đứa mà có đứa nào ở chung đâu. Cứ đợi tới cuối tuần…”. Ngôi nhà bên kinh Rạch Mới rộng thênh thang, chỉ có ông bà Chín sớm hôm bầu bạn. Bà nuôi thêm lứa gà chờ cháu về, ông chăm tỉa hàng rào, chậu cảnh vui thú điền viên.

Sửa soạn lên thăm con trai út, ông mang theo mớ cua, tôm đặc sản của Cà Mau để qua bên đàng gái. Ông nói: “Cỡ nào cỡ cũng phải lo cho con. Chuyện này hệ trọng cả đời người”. Tấm lòng của ông bà, sự nỗ lực của ông bà là một hành trình gian lao nhưng rất đẹp. Từ nếp nhà đầm ấm, từ đồng đất quê hương, những thế hệ con người Cà Mau đã lớn lên như thế…

Bút ký của Phạm Nguyên

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.