Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ và bứt phá trong năm 2022, những tháng đầu năm nay tình hình xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh trầm lắng. Dù tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhưng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đến nay mới đạt khoảng 786 triệu USD, bằng 65,5% kế hoạch, giảm 8,37% so với cùng kỳ. Hiện tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN xuất khẩu thuỷ sản để bứt tốc, đến cuối năm kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra.
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraina, tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và các nước châu Âu... làm người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên sức tiêu thụ hàng hoá giảm. Các nhà nhập khẩu chậm giải phóng hàng tồn kho; khả năng cạnh tranh thấp do giá tôm của Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, cao hơn các nước xuất khẩu khác như Ấn Ðộ, Ecuador... nên người mua tìm các nhà cung ứng giá rẻ hơn. Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam nói chung, của Cà Mau nói riêng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.
Ðơn hàng sụt giảm dẫn đến chậm xoay vòng vốn. Theo phản ánh của nhiều DN, do thiếu tài sản đảm bảo nên khó tiếp cận tín dụng. Hạn mức cho vay thấp nên DN khó chủ động về vốn để duy trì hoạt động kinh doanh; hạn mức tín dụng mỗi năm giảm dần theo giá trị tài sản khấu hao trong khi tài sản mới không có... Chỉ có hàng tồn kho có thể thế chấp được, nhưng ngân hàng lại không nhận thế chấp hàng tồn kho.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Camimex. Ảnh: Phú Hữu
Ðặc biệt, thị trường tiêu thụ chậm, hàng tồn kho ngày càng lớn, trong khi tổng sản lượng khai thác và nuôi thuỷ sản tăng mạnh. Trong 10 tháng đầu năm, tổng sản lượng 527.444 tấn, đạt 82,41% so kế hoạch, tăng 3,36% so với cùng kỳ; trong đó tôm 203.242 tấn, tăng 6,32% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ chậm dẫn đến giá tôm bấp bênh, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người nuôi.
Ông Nam cho biết thêm, để hỗ trợ DN xuất khẩu vượt qua khó khăn, UBND tỉnh đã thành lập Tổ Công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh, do chính Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Từ khi thành lập đến nay, tổ công tác đã tổ chức 3 cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu thuỷ sản. Ðặc biệt, tỉnh tổ chức Chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp” vào thứ Bảy hằng tuần, để lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương gặp gỡ, trò chuyện, tháo gỡ những vấn đề DN đang quan tâm, đặt ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau cũng thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối giữa ngân hàng với DN.
Ðể hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ông Nam thông tin, từ nay đến cuối năm tỉnh sẽ tổ chức 2 đoàn đi ngoài nước, gồm đoàn đi xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Ðông và đoàn tham gia Hội chợ Nhập khẩu quốc tế tại Trung Quốc. Ðặc biệt, tập trung tổ chức sự kiện “Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ÐBSCL 2023” vào tháng 12 tới.
Tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các DN chế biến xuất khẩu thuỷ sản để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đề ra. Ảnh: Phú Hữu
Tiếp tục tổ chức để các DN tham gia hội nghị giao ban định kỳ hằng tháng giữa các cơ quan của Bộ Công thương, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời cập nhật cho DN, Hiệp hội DN về thông tin, nhu cầu cũng như xu hướng mới của thị trường; đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu, thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới...
Thường xuyên cập nhật tình hình thị trường, phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...), các hoạt động xúc tiến thương mại ở ngoài nước, như hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các đoàn giao thương xúc tiến thương mại và thông tin đến các DN của tỉnh được biết, đăng ký tham gia để tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó hỗ trợ DN tận dụng cam kết trong các Hiệp định FTA.
“Ðặc biệt, về phía các DN, cần chủ động nghiên cứu cơ cấu lại sản xuất, chế biến sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường để phục vụ xuất khẩu; tận dụng tốt các lợi thế về ưu đãi thuế quan của các FTA mà Việt Nam đã ký kết để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Ðộ, châu Phi, Trung Ðông và châu Mỹ La tinh, Ðông Âu...”, ông Nam nhấn mạnh./.
Trung Ðỉnh