ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 17-5-24 06:09:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Học nghề sau bậc THCS, tại sao không?

Báo Cà Mau Tại Cà Mau, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau bậc THCS đã có những tín hiệu khởi sắc. Học nghề sớm đã trở thành phương án phù hợp, và dần trở thành xu hướng lựa chọn chung của nhiều học sinh, phụ huynh.

Ông Trương Thanh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau (nhà trường), phân tích: “Trước đây, việc giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh chỉ được thực hiện từ bậc THPT. Cùng với việc nở rộ các cơ sở đào tạo, cơ hội vào học đại học của các em cũng rộng mở. Chỉ một số ít lựa chọn học nghề, như giải pháp bất khả kháng. Nhưng cũng từ đó, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ngày càng gia tăng, cơ hội tìm việc làm ngày càng khó khăn hơn. Và hiện nay, nếu để học đại học mà không có tính toán, định hướng rõ ràng, thì sự đầu tư cho giáo dục rất có thể bị lãng phí”.

Thị trường lao động với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi việc đầu tư cho giáo dục cần phải có những tính toán sáng suốt. Theo ông Dũng, việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ bậc THCS là đúng đắn. “Nếu làm tốt công tác này, tình trạng học sinh bỏ học sau bậc THCS sẽ giảm xuống, mở ra những lựa chọn linh hoạt, phù hợp cho học sinh tuỳ điều kiện, năng lực, cùng với đó là đào tạo được nguồn nhân lực cung ứng kịp thời theo nhu cầu của thị trường lao động”, ông Dũng chia sẻ.

Học viên được học đồng thời chương trình THPT hệ giáo dục thường xuyên khi học nghề bậc trung cấp. (Ảnh: Giờ học văn hoá của lớp trung cấp nghề Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau).

Ông Nguyễn Minh Thảnh, Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Ðào tạo của nhà trường, thông tin: “Học nghề sau bậc THCS có nhiều lợi ích. Trước hết là được miễn 100% học phí bậc trung cấp nghề. Học sinh được học đồng thời bậc trung cấp nghề với học văn hoá THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT. Nghĩa là tối đa sau 3 năm, các em sẽ có nghề, cơ hội việc làm và thu nhập, quan trọng hơn là được tiếp tục liên thông học lên bậc cao hơn”.

Những mùa tuyển sinh gần đây, nhà trường liên tục duy trì mức tuyển sinh khoảng 200 chỉ tiêu/năm theo học hệ trung cấp nghề và nguồn chủ yếu là từ học sinh sau bậc THCS. “Với tỷ lệ 40% hệ trung cấp, 60% hệ cao đẳng của nhà trường, có thể thấy số lượng học sinh chọn học nghề sau bậc THCS đã tăng lên đáng kể. Trước đây, hệ tuyển sinh này rất khó khăn”, ông Thảnh cho biết thêm.

Với 7 mã ngành hệ trung cấp và cao đẳng, nhà trường đang tập trung vào những ngành thế mạnh, có nhu cầu thực tế cao của người học tại Cà Mau như: Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Chế biến và bảo quản thuỷ sản, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí. Qua khảo sát, nhà trường cũng đã thống kê được khoảng 90% người học có việc làm sau tốt nghiệp.

Giờ thực hành ngành Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí.

Ông Từ Hoàng Ân, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: “Chất lượng đào tạo và đầu ra việc làm cho người học là công việc mà nhà trường đặc biệt chú trọng. Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất để giới thiệu các em thực tập, tìm kiếm cơ hội việc làm tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh, đồng thời được tiếp cận tư vấn, giới thiệu các chương trình đi lao động ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản...”.

Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Dũng, nhà trường hiện còn gặp một số khó khăn: “Trường hiện còn thiếu về phòng học, trang thiết bị phục vụ thực hành, nhà đa năng, ký túc xá nội trú. Riêng ký túc xá là vấn đề hết sức trăn trở, bởi các em mới học xong THCS, còn nhỏ, phụ huynh lo lắng về việc quản lý con em. Thêm nữa, phần nhiều các em học nghề sớm đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nếu thuê trọ sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí”.

Em Lê Quốc Tĩnh, ấp Tân Phong A, xã Hoà Thành, TP Cà Mau, đã lựa chọn học nghề sớm. Tĩnh chia sẻ: “Em đang học hệ trung cấp ngành Công nghệ thông tin, gia đình cũng hết sức ủng hộ. Ðơn giản thôi, sau 3 năm, em tốt nghiệp, đủ điều kiện đi làm, có thu nhập, trong khi đó các bạn cùng trang lứa cũng chỉ vừa tốt nghiệp THPT. Còn nếu muốn học thêm, thì mình vẫn có cơ hội như các bạn ấy”.

Qua quá trình tìm hiểu, em Nguyễn Huỳnh Thuý Duy, Ấp 4, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, quyết định học nghề và theo học chương trình THPT song song. “Em muốn có việc làm, thu nhập sớm để hỗ trợ thêm cho gia đình. Hơn nữa, khi học nghề thì được miễn học phí, gia đình cũng đỡ gánh nặng. Học nghề cũng dễ kiếm việc làm hơn sau khi ra trường", Thuý Duy bày tỏ.

Với 2 bạn trẻ Lê Quốc Lĩnh và Nguyễn Huỳnh Thuý Duy, học nghề sớm là một lựa chọn phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình.

Nói về áp lực học tập, cả 2 bạn trẻ đều cho rằng: “Khi học song song cùng lúc 2 chương trình thì tất nhiên là có vất vả hơn, nhưng bản thân phải cố gắng vượt qua, vì chẳng có lựa chọn nào là dễ dàng cả. Những bạn học nghề sớm, sẽ trưởng thành hơn, tự lập hơn, cơ hội phát triển tương lai cũng rộng mở". Từ trải nghiệm của bản thân, cả 2 bạn khẳng định rằng học nghề sớm cũng là một lựa chọn tốt.

Ngành Công nghệ ô tô, một trong những ngành hot của Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau. (Ảnh: Giờ thực hành của thầy trò hệ cao đẳng ngành Công nghệ ô tô).

Quyết định số 552/QÐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” là quyết sách lớn trong lĩnh vực giáo dục nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp trong tình hình mới. Ðặc biệt, việc giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh ngay sau bậc THCS đã thực sự mở ra nhiều lựa chọn cho học sinh.

Tạo ra nhiều lựa chọn phù hợp, dễ dàng chuyển đổi giữa các hệ giáo dục gắn với mục tiêu học tập suốt đời, tạo nguồn nhân lực lao động chất lượng, kịp thời cho xã hội, là những mục tiêu, kỳ vọng lớn của công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong nhà trường phổ thông đề ra. Cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ người học cũng được ban hành, triển khai. Học nghề sau bậc THCS là một trong những lựa chọn đầu tư giáo dục rất đáng để cân nhắc./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Tiếp thêm động lực cho người lao động

Thông qua các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên và người lao động (NLÐ) tại Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Cà Mau, đã tạo thêm động lực khích lệ, động viên đoàn viên, NLÐ làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn bó với doanh nghiệp, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Học nghề sau bậc THCS, tại sao không?

Tại Cà Mau, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau bậc THCS đã có những tín hiệu khởi sắc. Học nghề sớm đã trở thành phương án phù hợp, và dần trở thành xu hướng lựa chọn chung của nhiều học sinh, phụ huynh.

“Cầu nối” xuất khẩu lao động

Ðến thời điểm này đã có hơn 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh tham gia xuất khẩu lao động (XKLÐ). Ðây là tín hiệu đáng phấn khởi ở nửa chặng đường thực hiện Ðề án đưa người lao động (NLÐ) tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2022-2025.

Hơn 600 lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm

Ngày 28/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau tổ chức Phiên giao dịch việc làm dành cho lực lượng lao động bị mất việc làm trở về địa phương, sinh viên và người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, với sự tham gia của 15 công ty doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và du học.

Quản lý lao động từ cơ sở dữ liệu quốc gia

Thực hiện Thông tư số 11/2022/TT-BLÐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương thu thập thông tin về người lao động (NLÐ), phối hợp với ngành công an tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu số hoá thị trường lao động.

Hiểu đúng mình, chọn đúng ngành, nghề

Ðó là lời khuyên của các chuyên gia tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 (Chương trình) vừa được tổ chức tại Trường THPT Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời). Chương trình thu hút đông đảo học sinh cả 3 khối lớp: 10, 11 và 12 của 5 trường THPT trên địa bàn huyện.

Cân nhắc “được - mất” khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chỗ dựa cho người lao động (NLÐ) những lúc rủi ro khi đang làm việc và lúc về già không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, việc gia tăng số người rút trợ cấp BHXH một lần là điều đáng lo ngại đối với hệ thống an sinh xã hội.

Chuyển đổi ngành nghề gắn đảm bảo sinh kế

Huyện Ngọc Hiển đang nỗ lực đẩy mạnh công tác chuyển đổi ngành nghề cho các phương tiện khai thác thuỷ sản gần bờ, sử dụng ngư cụ khai thác mang tính huỷ diệt theo hướng vươn khơi và thu sản phẩm có giá trị kinh tế.

Chuyển đổi nghề để giảm nghèo bền vững

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, nên thời gian qua, xã Ðông Thới, huyện Cái Nước, đã có nhiều giải pháp thực hiện, mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Ðặc biệt, địa phương luôn quan tâm đến việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để họ có điều kiện phát triển kinh tế bền vững.

Chuyển đổi nghề có khó?

Câu chuyện cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản đang là vấn đề nóng đối với tỉnh Cà Mau hiện nay, nguyên nhân chính là do tình trạng ngư dân khai thác ven bờ theo hình thức tận diệt tăng theo cấp số nhân trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề đối với bà con sinh sống bằng nghề khai thác ven bờ, lâu nay vẫn là bài toán khó. Liên quan vấn đề này, chúng tôi tìm về địa phương có nhiều phương tiện khai thác ven bờ nhất khi xưa, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, để tìm hiểu câu chuyện chuyển đổi nghề của các hộ dân, xem có thật sự khó?.