Do cán bộ địa phương chưa phân định rõ trách nhiệm, chậm tham mưu trước những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện các quy định của cấp trên, nên việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn huyện U Minh còn bỏ ngỏ, gây khó khăn cho người dân trong việc kinh doanh, mua bán.
Do cán bộ địa phương chưa phân định rõ trách nhiệm, chậm tham mưu trước những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện các quy định của cấp trên, nên việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn huyện U Minh còn bỏ ngỏ, gây khó khăn cho người dân trong việc kinh doanh, mua bán.
Thực hiện Luật ATTP và Nghị định số 38/2012/NÐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, ngày 9/4/2014, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-CT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về ATTP (Thông tư số 13), có hiệu lực từ ngày 26/5/2014.
Do phòng chuyên môn đùn đẩy trách nhiệm nên hầu hết các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện U Minh không được cấp giấy chứng nhận ATTP. |
Thông tư liên tịch này chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề chính: phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP; phối hợp trong thanh tra, kiểm tra về ATTP và xác nhận kiến thức về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các nhóm ngành, hàng thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của 3 Bộ: Y tế, NN&PTNT và Công thương.
Thông tư liên tịch đã đưa ra nguyên tắc cơ bản và quan trọng trong việc phân công quản lý, đó là: một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nước. Việc đưa ra nguyên tắc này sẽ giúp khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý ATTP.
Ngoài ra, việc đưa ra danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từng Bộ đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện, tuân thủ các quy định về pháp luật ATTP.
Còn khi cơ sở sản xuất cả 3 mặt hàng đó, thay vì chịu sự quản lý của cả 3 Bộ thì cơ sở đó sẽ chỉ chịu sự quản lý của Bộ Y tế theo quy định của Thông tư số 13.
Mặc dù đã có quy định cụ thể trong phân cấp quản lý, song, tại huyện U Minh, những quy định này lại không được triển khai một cách triệt để, thậm chí không thực hiện khi phát sinh thủ tục hành chính. Ðiều này ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý cũng như quyền lợi của người kinh doanh. Toàn huyện có trên 400 cơ sở cần được quản lý ATTP. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Ðoàn Kiểm tra Kiểm soát thủ tục hành chính (do UBND tỉnh thành lập), 1 năm qua, không phát sinh thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực này, trong khi rất nhiều người dân đến xin làm thủ tục cấp giấy chứng nhận ATVSTP nhưng không được tiếp nhận mà được hướng dẫn lòng vòng, gây phiền hà cho người dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có gần 300 cơ sở kinh doanh ăn uống cần được cấp giấy chứng nhận ATVSTP nhưng đến nay không được thực hiện.
Bác sĩ Diệp Hoàng Guôl, quyền Trưởng Khoa ATTP, Trung tâm Y tế huyện, cho biết: “Qua kiểm tra trên địa bàn huyện U Minh, gần 70 cơ sở bán tạp hoá đã được cấp giấy theo quy định cũ từ năm 2011, nay đã hết hiệu lực. Theo Thông tư số 13, các thủ tục hành chính này thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, tuy nhiên, theo Sở Công thương, một cơ sở bán tạp hoá phải có 3 người bán trở lên và có giấy khám sức khoẻ mới được cấp giấy chứng nhận ATTP, nhưng trên thực tế, hầu hết các hộ kinh doanh tạp hoá chỉ có 2 vợ chồng đứng bán nên không được cấp giấy chứng nhận. Các trường hợp này, khi Quản lý Thị trường kiểm tra thì người dân phải chịu phạt”.
Theo ông Phạm Quốc Sử, Phó Trưởng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp, chỉ vì một ngành nhận thức không ra vấn đề mà cả hệ thống bị ách tắc. Các ngành nên rà soát lại các cơ sở nào thuộc lĩnh vực của mình để tham mưu cho UBND huyện sớm chỉ đạo cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở kinh doanh. Do các phòng chuyên môn đùn đẩy trách nhiệm, không làm tốt công tác tham mưu dẫn đến người dân chịu thiệt./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng