(CMO) Dù phụ huynh và các cấp, các ngành không ngừng nỗ lực, sáng tạo để phát triển sân chơi hè cho trẻ nhưng phải thừa nhận, sự thiếu thốn ở nhiều mặt, đặc biệt là cơ sở vật chất, kỹ năng mềm... là thiệt thòi lớn cho trẻ trong bối cảnh sống 4.0 hiện nay.
>> Bài 2: Linh hoạt tạo sân chơi hè
Tích cực truyền thông...
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 7 trẻ em bị xâm hại tình dục, 1 trẻ bị bạo hành, 7 trẻ bị đuối nước. 3 tháng hè chính là thời điểm cam go, có thể khiến các con số này tăng cao hơn, bởi trẻ ở nhà nhiều, tiếp xúc với môi trường xung quanh nhiều hơn. Nếu không có những kiến thức hợp lý và cách dạy những kỹ năng sống, kỹ năng đối kháng với nguy hiểm cần thiết thì mùa hè có thể trở thành thời điểm tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ.
Trẻ em nông thôn cũng mong muốn có hồ bơi như trẻ em thành thị để tập bơi lội trong những ngày hè. (Ảnh chụp lớp dạy bơi cho trẻ em ở Phường 9, TP Cà Mau).
Theo bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), ngay từ đầu mùa hè, Sở đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan triển khai nhiều chương trình để nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và xử lý các mối nguy hiểm, tố giác kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
“Sở sẽ tăng cường phối hợp các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; đẩy mạnh công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại tình dục. Chúng tôi sẽ cập nhật và cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật liên quan, kiến thức về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, bà Thu Tư cho biết thêm.
Ngoài ra, Sở LÐ-TB&XH xây dựng kế hoạch về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và phổ biến kỹ năng phòng, chống các loại tai nạn thương tích như: bỏng, điện giật, rơi, ngã, đuối nước, tai nạn giao thông... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ðặc biệt, chú trọng đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển.
Bà Thu Tư chia sẻ: “Chúng tôi liên tục tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học theo các chủ đề phù hợp với từng nhóm đối tượng, thông qua các phương tiện truyền thông sẵn có tại cộng đồng và thông qua các hội nghị, diễn đàn, toạ đàm, cuộc thi; cung cấp ấn phẩm truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các đối tượng tham gia. Hàng năm, chúng tôi đều mở các lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền kỹ năng cho công chức, viên chức ngành LÐ-TB&XH”.
Tỉnh đoàn Cà Mau cũng có nhiều chương trình, hoạt động lớn và rải đều trong 3 tháng hè, với mục đích chung tay giáo dục kỹ năng mềm và giáo dục kiến thức phòng, chống các tai nạn thương tích cho trẻ. Chị Hồ Quý Nhi, Trưởng ban Thanh - Thiếu nhi trường học, cho biết: “Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Tỉnh đoàn Cà Mau và Sở LÐ-TB&XH đã ký kết phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động, trong đó trọng tâm là tuyên truyền về Luật Trẻ em, về các biện pháp phòng chống xâm hại, thương tích, đuối nước cho trẻ em".
"Tại các địa bàn dân cư, Hội Ðồng đội phối hợp với các huyện, thành phố và nhà trường, giáo viên Tổng phụ trách Ðội... tổ chức những hoạt động sinh hoạt, tập trung kỹ năng mềm cho các em. Ðặc biệt, để trẻ em có một môi trường giao lưu trong 3 tháng hè, chúng tôi tổ chức các lớp dạy bơi, hội thi về văn hoá - văn nghệ, tìm hiểu pháp luật... cho trẻ em”, chị Quý Nhi cho biết thêm.
Về nhân lực, Tỉnh đoàn Cà Mau có đội ngũ từ Hội đồng đội của các huyện, thành phố và ở từng ấp, khóm. Trẻ em vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không tham gia trực tiếp các hoạt động do Tỉnh đoàn tổ chức có thể tham gia trực tuyến, tương tác Online trên livestream, trên các nền tảng mạng xã hội để tham các hoạt động, hội thi.
Lớp võ của thầy Nguyễn Thành ở thị trấn Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) thu hút nhiều học viên trong dịp hè. Ảnh: NHẬT MINH
... Nhưng thiếu thực hành và chuyên gia tư vấn
Vấn đề trang bị kỹ năng sống cho trẻ là rất cần thiết. Trẻ càng có nhiều kỹ năng tốt càng dễ hoà nhập, dễ thích nghi và có khả năng ứng phó, giải quyết tốt những tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, các chương trình, lớp học, các hoạt động... tại tỉnh Cà Mau lại thiếu những người tư vấn có đủ trình độ và phương pháp đúng để truyền đạt cho các em.
Đội ngũ giáo viên chuyên gia, chuyên viên tư vấn các lớp kỹ năng cho trẻ vẫn rất khan hiếm.
Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý và giáo dục, thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng, trẻ bị xâm hại, bạo hành, nghiện ma tuý, hành xử bạo lực hay tự tử... phần lớn do thiếu kỹ năng sống. Ông khẳng định, kỹ năng sống ở đây bao gồm kỹ năng sinh tồn, giao tiếp ứng xử, thích nghi với hoàn cảnh, hợp tác, chia sẻ và cả kỹ năng biết phản kháng. Những kỹ năng này không thể có trong ngày một ngày hai, nó phải được rèn luyện hàng ngày, nhằm tăng tính tự chủ trong mọi tình huống trẻ gặp phải.
Chị Quý Nhi cho biết thêm: “Theo tôi, mặc dù các ngành, các cấp đã cố gắng rất nhiều nhưng các hoạt động dành cho thiếu nhi vẫn chưa thật sự đủ, các em cần nhiều hơn. Ðiều này đòi hỏi gia đình và nhà trường cần phải tạo điều kiện nhiều hơn cho các em tham gia. Ngoài các hoạt động do ban, ngành tổ chức, các em cũng phải chủ động trong vấn đề này. Ðặc biệt, nguồn lực cũng là một vấn đề lớn gây khó khăn cho các hoạt động từ cấp tỉnh đến cấp huyện, nhất là các xã, phường. Về đội ngũ tư vấn, chuyên gia, chúng tôi thật sự rất thiếu, tỉnh đang nỗ lực đào tạo, tìm kiếm đội ngũ này”.
Trẻ em càng có nhiều kỹ năng tốt càng dễ hoà nhập, dễ thích nghi và có khả năng ứng phó, giải quyết tốt những tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, thiếu người dẫn đường, thiếu sân chơi chính là rào cản giúp các bé có thể tự bảo vệ bản thân tốt hơn. Tỉnh Cà Mau đang loay hoay giải bài toán sân chơi hè cho trẻ em, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương pháp... cho đến nguồn nhân lực./.
Lam Khánh - Kim Cương