(CMO) Về Khánh Tiến mùa này, mon men ra tuyến đê biển Tây, gió bấc thổi lùa vào trong áo lạnh buốt da thịt. Nhìn từng đợt sóng cuồn cuộn phía ngoài bờ kè mà không khỏi ái ngại cho mấy chục căn nhà “cố chấp” chơi vơi phía ngoài đê.
Vợ chồng ông Danh tay xách nách mang đem lú lên bờ. |
Vợ chồng ông Lê Văn Danh (Ấp 9, xã Khánh Tiến, huyện U Minh) và mấy thanh niên trong xóm áo xống mỏng manh, tay xách nách mang mớ lú dưới xuồng lên bờ gỡ cá, tôm tích chết dính, xạc nước cho sạch. Gió thổi mạnh nên ông Danh phải cố nói lớn: “Sóng lớn quá, lú đặt ngoài biển 4 bữa rồi, bữa nay mới lấy vô được, chớ lú này đánh ngày nào lấy vô ngày nấy. Ngâm mấy ngày nữa là hư hết dàn lú luôn”.
Nỗi lòng người xóm biển
Ông Danh làm nghề đánh lú biển hơn 8 năm nay. Được vào diện hộ nghèo mấy năm, chắt mót cá tôm theo từng con nước, dành dụm sắm thêm mớ lú đi đánh tôm cá được nhiều, nên chính quyền rút hộ ông lại còn cận nghèo. Coi như đó là điều vui, vì cũng nhờ dành dụm, từ số ở đậu mới mua được cái nền cất nhà chớ có "cục đất nào chọi chim" đâu.
Ông Danh nhắc: “Mấy năm trước tháng này sống được, vô mùa là đánh lú trúng lắm. Biển êm một ngày đi được có khi năm, bảy trăm, một triệu, có khi hai triệu, tuỳ con nước. Còn năm nay, từ lúc vô mùa tới giờ hết gió tới bão liên tục, đâu có làm ăn gì được. Biển động gần chục ngày nay. Theo lệ, mùa chướng biển êm tranh thủ đi làm, chứ tới mùa nam biển động, tháng Tư là nghỉ tới tháng Chín mới đi lại. Mấy tháng nghỉ coi soạn lú lại, ai mướn gì làm đó”.
Nói xong ông Danh chỉ tay “khoe” cái nhà che mái tol nằm chơi vơi trên nền đất chưa được chục mét vuông. Không có một mụn con nên vợ ông (bà Lý Thị Huyền) làm bạn đồng hành với chồng rong ruổi trên biển theo từng con nước (chắc vì vậy mà bà cũng thạo nghề y như mấy ông đi biển). Gió lùa từng cơn như muốn xé toạc cái nón lá rách tươm, để lộ khuôn mặt chai sần, tần tảo của người phụ nữ này.
Lỡ hỏi chuyện con cái, bà Huyền, mắt đỏ hoe, chạnh lòng: “Vợ chồng từng tuổi này đáng lẽ ra có cháu nội, cháu ngoại ẵm bồng, nhưng cái số vợ chồng tui vậy rồi, mà cũng không dám xin con nuôi, nhà nghèo xin con về lớn lên nó cũng khổ như mình thì tội lắm”.
Mỗi gắp câu 2.000 lưỡi, mỗi ngày chị Phiên có thể làm từ 15-20 gắp để kiếm thêm thu nhập. |
Trời bỗng mưa lất phất, gió bắt đầu thổi mạnh hơn, nước mưa văng vào mặt lạnh như nước đá. Chạy vội trú vào cái nhà bè gần đó, nhìn ra vẫn thấy vợ chồng ông Danh và mấy thanh niên cặm cụi xạc lú. Hỏi thăm mới biết chủ của cái nhà bè này là ông Tám Loa (Châu Văn Loa, Ấp 10, xã Khánh Tiến). Gió thổi làm tấm tol trên mái nhà kêu ầm ầm, cái bè thì lắc lư theo sóng, ngồi một hồi như say xe. Từ khi xây dựng tuyến đê biển Tây, ông Tám cất nhà bè ở chứ không cất nhà trên bờ.
Ông Tám giải thích: “Tui có cái nền trên kia mà xuống đây cất nhà bè để buôn bán cho tiện, không sợ nước ngập như mấy nhà trên mé ngoài kia. Nước lên thì bè nổi lên theo. Hai cha con tui thì đi đánh lú gần bờ, còn bả ở nhà buôn bán lặt vặt”.
Rút điếu thuốc ra hút, gió thổi không kịp thấy khói, ông Tám rầu: “Biển êm, xuồng ghe ra vô nhiều thì bán đỡ, còn biển động như vầy có ai ra vô đâu, lâu lâu mới có người mua chai nước tương, nước mắm. Mấy năm rồi mới có gió bấc thổi như vầy. Trời lạnh nên bán thuốc hút cho mấy ông cũng đỡ”.
Đất lành chim đậu
Anh Bành Hoàng Khương và chị Cao Thuý Kiều (Ấp 11, xã Khánh Tiến) lúc trước ở giáp ranh đê biển Cà Mau, thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Bên đó sạt lở cũng diễn ra khốc liệt, sạt lở sập căn nhà, ông nội cho miếng đất kế bên cất lại cái nhà cũng bị sóng đánh sập nữa. Anh làm nghề đi ghe mướn cho chủ, chỉ có chị và hai con nhỏ dại ở nhà. Không yên tâm, anh hỏi han khắp nơi để tìm một miếng đất cất nhà an toàn nhưng vẫn thuận tiện đi ghe. Có người quen giới thiệu bên vàm Tiểu Dừa có miếng đất trong tuyến đê sang lại, ngót nghét cũng hết trăm ngoài triệu tiền dành dụm đi ghe mấy năm nay.
Các em nhỏ chạy xe đi học trên tuyến đê biển Tây. |
Từ khi về đây, mỗi con nước đi ghe gần nửa tháng, về được trả 3-4 triệu đồng. Anh Khương mừng: “Ở trong căn nhà mới cất hơn 4 tháng nay, tui mới yên tâm đi làm, không lo sập nhà nữa. Có tuyến đê bảo vệ, đi tới lui cũng thuận tiện nữa. Mấy đứa nhỏ đi học bên trường giáp ranh, chứ từ đây chạy ra xã đi học thì xa quá”. Bưng mấy ly trà đường ra để trên bàn đãi khách, chị Kiều tiếp lời: “Phụ nữ ở đây không có sở gì làm. Nhà thưa thớt, không có doanh nghiệp nào thuê mướn, ở nhà trông con đi học, đợi chồng đi biển về nuôi. Có ghe vô mới đi lột mực, lựa tôm, cá, một ngày kiếm một, hai trăm ngàn, cũng đỡ”.
Được sắp xếp vào ở trong khu tái định cư Hương Mai hơn 4 năm nay nhưng chị Dương Thị Phiên (Ấp 7, xã Khánh Tiến) vẫn còn ám ảnh cảnh sập nhà do sạt lở phía ngoài đê trước đây. Thuộc diện hộ nghèo, chồng chị theo ghe đi bạn bên Sông Đốc, còn chị ở nhà lo cho mấy đứa nhỏ đi học. Tranh thủ nhận làm lưỡi câu cho ghe cá, ngồi từ sáng tới chiều, làm cũng được hơn 20 gắp (mỗi gắp 2.000 lưỡi), được trả 3.000 đồng/gắp, mỗi ngày cũng kiếm được 70.000-80.000 đồng. Làm lưỡi câu, móc vướng chảy máu là chuyện thường, nhưng biết có ghe vô là chị thức từ 4 giờ sáng để dọn dẹp nhà cửa, nhận câu về làm. Còn anh đi bạn gần nửa tháng vô, trừ chi phí được hơn 2 triệu, tuỳ con nước.
Vẫn còn nhiều hộ dân sống ngoài tuyến đê biển Tây |
“Chuyến này nghe ảnh nói đi dưới Sào Lưới, Ba Tĩnh, nghe đài báo bão không biết ghe có tìm chỗ trú chưa. Biển động chục ngày nay, cản mà ảnh nhất quyết đi theo ghe làm kiếm tiền, Tết nhứt tới nơi rồi, mà trong này cái gì cũng mua, thêm nuôi con đi học. Ở trong này đứng ngồi không yên, điện thoại ra hỏi thăm tình hình, dặn dò này kia thôi chứ biết làm gì hơn”, chị Phiên lo lắng.
Hiện toàn xã Khánh Tiến có 2.915 hộ, trong đó có 181 hộ nghèo, chiếm 6,2%, tập trung chủ yếu ở các Ấp: 6, 9, 10, 11, ven tuyến đê biển Tây. Đây là khu vực tập trung những hộ dân làm nghề đánh bắt, khai thác gần bờ bằng phương tiện công suất nhỏ nên đời sống rất bấp bênh. Phó chủ tịch UBND xã Khánh Tiến Lâm Văn Vốn thông tin: “Hiện toàn xã có hơn 350 phương tiện đánh bắt, khai thác biển. Đặc biệt, đến nay còn khoảng 40 hộ dân sống ngoài tuyến đê biển Tây và không chịu di dời vào trong đê, mặc dù chính quyền địa phương nhiều lần vận động, tuyên truyền”.
Cuối năm, cứ tưởng là mùa của lao động, ấm no để đón Tết, nhưng lúc này đây, những con người nhỏ bé lại phải gồng mình chống chọi lại sự hung hăng của biển cả. Gió thổi mạnh hơn, nhóm người xạc lú cũng đã giải tán, ai về nhà nấy. Trên tuyến đê không còn một bóng người. Bỗng thấy nó quá mong manh trước những đợt sóng dữ tợn ngoài kia./.
Dự án xây dựng khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây trên địa bàn huyện U Minh gồm 3 điểm dân cư, là vàm kinh Hương Mai, vàm kinh Tiểu Dừa và vàm kinh Lung Ranh. Theo đó, khi hoàn thành sẽ bố trí được hơn 400 hộ. Tuy nhiên, đến nay chỉ có điểm dân cư vàm kinh Hương Mai và Lung Ranh đã bố trí được 294/334 hộ; còn điểm vàm kinh Tiểu Dừa chưa được đầu tư xây dựng. Mặc dù đã bố trí dân cư từ khá lâu, 2 điểm dân cư trên vẫn còn thiếu một số công trình cơ bản như: trường mẫu giáo, chợ, tổ y tế, trường tiểu học, nhà sinh hoạt văn hoá do thiếu vốn |
Thảo Mơ