ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-9-24 06:57:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khi phụ nữ là trưởng ấp...

Báo Cà Mau (CMO) Vẫn nghe đây đó trong tỉnh còn nhiều nữ trưởng ấp và những câu chuyện hay về họ cũng được lan truyền. Mặc dù chưa có điều kiện tiếp xúc từng người, nhưng qua những nữ trưởng ấp được gặp, chúng tôi nhận thấy họ có những điểm chung là chu toàn gia đình, năng động phát triển kinh tế và đặc biệt nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ mà mình gánh lãnh.

Con lộ ngang 1,5 m, dài 1.460 m đường kênh 30/4 nối liền 2 xóm của ấp Phú Hiệp A, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi hoàn thành đưa vào sử dụng mấy tháng qua làm nức lòng bà con trên địa bàn. Chỉ cách một cánh đồng hơn cây số mà trước đây, người dân xóm ngoài ấp Phú Hiệp A muốn sang xóm trong để ra sông Đầm, đi xã, đi huyện phải mất 8-10 cây số. Thương nhất là các em học sinh tiểu học và THCS phải vất vả vượt quãng đường xa ngần ấy cây số để đến trường. Nếu không đi vòng thì các em phải tắt đường bờ vuông, mỗi bận đi học cũng mấy lượt lên bờ xuống ruộng, mùa mưa thì sình bùn lầy lội, quần áo lấm lem.

Nhiều năm làm trưởng ấp, nhận thấy được tình cảnh này, lòng chị Đoàn Tuyết Phương đầy nghĩ suy, trăn trở. Và rồi chị đi đến quyết định phải làm bằng được con đường nối liền 2 xóm trong và ngoài của ấp băng qua cánh đồng.
 

“Thuận lòng dân việc gì cũng được…”

Cái khó đầu tiên là vận động 5 hộ dân hiến đất nằm trên tuyến lộ để làm mặt bằng. Bà con ban đầu không đồng ý vì mỗi hộ phải hiến đến 3-4 m ngang, dài 300-400 m. Điều họ không muốn nữa là có con lộ thì vuông nuôi tôm của họ dễ bị trộm cắp. Thêm nữa, bờ vuông trước giờ là nơi các hộ này đổ bùn lên khi sên vét, giờ làm đường thì bùn đất đổ đâu?

“Mình phải đến từng hộ để thuyết phục. Phân tích cái lợi trước mắt, lợi lâu dài, lợi chung, lợi riêng… để bà con thấu hiểu. Và khi thuyết phục được hộ nào thì mời hộ đó cùng đi với đoàn đến vận động hộ tiếp theo”, chị Phương chia sẻ. Chính sự chân tình, xuất phát từ lợi ích chung, phân tích thấu tình đạt lý của nữ trưởng ấp tuổi ngoài 40 này mà các hộ đều đồng thuận.

Chưa hết, cái khó tiếp theo là phần tiền làm đất đen. Không thể vận động 5 hộ hiến đất làm phần đất đen, sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng phương án vận động Nhân dân toàn ấp đóng góp được chấp thuận. Có hộ trực tiếp được hưởng lợi, có hộ không đi trên tuyến, nhưng qua sự khéo léo của Trưởng ấp Tuyết Phương cùng các thành viên đoàn, cuối cùng cũng vận động được số tiền hơn 30 triệu đồng, nhờ đó con lộ được thi công và hoàn thành nhanh chóng.

Con lộ hoàn thành không chỉ hơn 100  hộ dân của ấp Phú Hiệp A hưởng lợi mà còn có Nhân dân của các ấp: Thanh Tùng, Phú Quý, Phú Hiệp trong xã và một số ấp thuộc xã Ngọc Chánh, Nguyễn Huân cùng hưởng lợi.

Ấp Phú Hiệp A đến nay làm được 8 ngàn mét lộ bê tông, thì riêng 8 năm làm trưởng ấp, chị Đoàn Tuyết Phương đã vận động bà con làm được hơn 6 ngàn mét. Chị chia sẻ: “Thường khi làm lộ nông thôn, người dân tự nguyện hiến đất, đảm nhận làm nền đất đen, phần bê tông thì theo đối ứng Nhà nước 7, dân 3. Cái khó ở đây là địa bàn gần biển, triều cường thường rất cao, vì vậy phải làm mặt bằng cao để cùng lúc ngăn triều cường, do vậy việc làm lộ đất đen hết sức tốn kém. Có đoạn phải thuê xáng múc đến 2 lần, có đoạn bà con phải thuê múc bằng gàu tay thêm mới đủ đất làm mặt bằng. Đã vậy, bà con còn phải làm đal qua cống. Rồi còn đóng góp đối ứng cho phần lộ bê tông 1 m tới hơn 100 ngàn đồng. Riêng phần vốn đối ứng này, có hộ đất mặt tiền rộng phải đóng đến vài chục triệu đồng. Tốn kém nhiều nên không ít hộ không đủ khả năng, chưa kể có những đoạn lộ không có nhà ở, bà con không chịu bỏ tiền ra đóng… Vì vậy, việc vận động phải hết sức kiên trì".

“Làm được con đường phải họp dân ít nhất 5 lần, sau đó lập đoàn đi tới từng hộ tuyên truyền, vận động rất nhiều lần, rồi bản thân tôi cũng tới lui nhiều lượt, khi nào bà con đồng thuận hết mới làm”, chị Phương cho biết. Từng làm công tác phụ nữ, nắm được hoàn cảnh từng gia đình, thấu hiểu, sẻ chia, đặc biệt là với chị em, vì vậy các cuộc vận động chị đều thực hiện đạt kết quả tốt.

Bí thư Chi bộ ấp Phú Hiệp A Trần Văn Hải tấm tắc: “Chị Phương nhiệt tình, năng động, làm trưởng ấp được bà con tín nhiệm rất cao. Ngoài tích cực vận động bà con đóng góp làm đường, chị còn vận động bà con trồng hàng rào cây xanh, trồng hoa trên các tuyến, vận động bà con phát triển kinh tế…  Tất cả những chỉ tiêu được giao chị đều hoàn thành rất tốt. Không những vậy, chị còn là hạt nhân gắn kết tình làng nghĩa xóm, hầu hết những mâu thuẫn trong dân đều được chị xoa dịu nhanh chóng, không cần đưa ra hoà giải. Chị được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND cấp xã; Đồng thời cũng là một trong những điển hình được tuyên dương học tập, làm theo gương Bác cấp tỉnh 2 năm 2016-2017”.

Ở ấp Kinh Chùa, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, câu chuyện về nữ trưởng ấp 61 tuổi tên Trần Ngọc Lan (người dân thường gọi trìu mến “cô Năm”) được bà con trên địa bàn và cả lãnh đạo xã Trần Hợi nhắc đến với lòng trân trọng và nể phục. Chủ tịch UBND xã Trần Hợi Ngô Văn Trường phấn khởi thông tin: "Năm rồi cả xã chỉ có mình cô Năm được tuyên dương học tập và làm theo gương Bác cấp tỉnh".

Trưởng ấp Trần Ngọc Lan thường xuyên đến từng nhà thăm hỏi đời sống bà con. Với người khuyết tật, bà phải học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Hôm chúng tôi đến, ngay lúc ấp Kinh Chùa tổ chức ngày hội đại đoàn kết. Nữ trưởng ấp như con thoi lo hết khâu này đến việc nọ. Nhìn mấy trăm người dân đến dự ngày hội, phấn khởi tham gia các trò chơi dân gian, có thể ngầm hiểu được uy tín của nữ trưởng ấp đối với Nhân dân.

Khơi chuyện về người nữ trưởng ấp tuổi lục tuần này, mọi người đều bày tỏ sự thán phục và kể về những đổi thay từ ngày “cô Năm” lên làm trưởng ấp.

Chỉ tay phía con lộ cao ráo, rộng rãi, còn mới màu xi măng trước Trụ sở Văn hoá ấp Kinh Chùa, anh Lê Văn Tươi phấn khởi kể: “Lộ này trước đây 1,5 m, sau thời gian 6-7 năm nó bị bể, sụp. Mùa mưa nước ngập lên mấy tấc, xe cộ không chạy được, học sinh đến trường hết sức khó khăn. Cô Năm lên làm trưởng ấp đã vận động bà con đóng góp làm lại mới được vầy”.

Vẫn giọng đầy nể phục, anh tiếp lời: “Về sự nhiệt tình của cô Năm thì khỏi phải nói, cô rất siêng đi tuyên truyền, vận động bà con thực hiện rất nhiều việc như làm lộ, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, phát triển kinh tế… Cô mới lên làm trưởng ấp chưa lâu mà ấp có nhiều thay đổi lắm”.  

“Cô Năm còn đi xin bông về cho bà con  trồng. Cô chở đem tới nhà, thậm chí hộ nào đơn chiếc, cô trồng cho luôn. Vì vậy mà giờ 2 bên tuyến đường bông hoa nở đủ màu sắc rất đẹp”, một chị phụ nữ góp lời.

Nói về mình, Trưởng ấp Trần Ngọc Lan khiêm tốn: “Thật ra ban đầu tôi chỉ làm công tác phụ nữ ấp. Được tín nhiệm, địa phương nhiều lần đề xuất làm trưởng ấp nhưng tôi đều từ chối. Xã còn nhiều cán bộ trẻ, để cho họ phấn đấu, mình làm công tác phụ nữ gần gũi, giúp đỡ chị em là được rồi. Đến giữa năm 2016, anh trưởng ấp hoàn cảnh khó khăn xin nghỉ đi làm ăn xa. Từ đó, thấy bộ mặt làng quê xuống cấp trầm trọng, lộ làng hư, tình hình phát triển kinh tế, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn…, lúc này địa phương chỉ động viên ít thôi, tôi xung phong làm”.

Việc đầu tiên bà bắt tay ngay vào làm lại con đường. Sau khi xin chủ trương, bà vận động Nhân dân làm đất đen và góp vốn đối ứng 7/3 với Nhà nước để làm phần bê tông. Cũng như ở ấp Phú Hiệp A, việc vận động Nhân dân ấp Kinh Chùa gặp khó bởi số tiền bà con phải đóng góp lớn. Kiên trì, chịu khó, mấy tháng trời vận động, bà thu được 341 triệu đồng. Vậy là tháng 9/2017 khởi công, 1 tháng sau con lộ ngang 2,5 m, dài 2.700 m được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Thấy công việc suôn sẻ, bà tiếp tục vận động làm luôn tuyến lộ bên kia sông với chiều dài 1.400 m, ngang 1,5 m, Nhân dân đóng góp vốn đối ứng hơn 130 triệu đồng. Con lộ vừa mới hoàn thành trong niềm háo hức của bà con.

Một điều hết sức đáng trân trọng ở bà Lan là việc đặc biệt quan tâm đến chuyện học hành của thế hệ trẻ. Thời gian qua, bà đã vận động được 13 ngàn quyển tập, khoảng 70 triệu đồng học bổng hỗ trợ học sinh nghèo. Năm trước bà còn vận động các nhà hảo tâm được 40 triệu đồng để làm 2 sân chơi cho học sinh Trường Tiểu học ấp Kinh Chùa và Trường Tiểu học Ấp 10A (giáp ranh ấp Kinh Chùa, cùng xã Trần Hợi). Mới đây, bà vận động cho trường mẫu giáo ấp 2 tivi làm phương tiện giảng dạy trực quan sinh động.

Bà cũng đặc biệt quan tâm đến những hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật, luôn tìm cách giúp đỡ bà con vươn lên. Năm vừa rồi ấp có 4 hộ thoát nghèo, trong đó có 2 hộ người khuyết tật.

Ở nữ trưởng ấp này còn một điều hết sức đặc biệt nữa là bao nhiêu năm qua, từ khi làm công tác phụ nữ đến giờ, bà toàn đi bộ. Bà bảo, do không biết chạy xe, giờ lớn tuổi rồi cũng không dám tập. Tuy vậy, với bà, đi bộ cũng có cái hay. Trên đường đi gặp bà con thì đứng lại thăm hỏi, nghe bà con tâm tình, nắm được hoàn cảnh từng gia đình và có những sẻ chia, tư vấn phù hợp.

Gần đây bà bệnh loãng xương độ 3, chân nhức mỏi nhiều, hôm nào không đi bộ được thì bà đi xe ôm. Trong danh bạ điện thoại mình, bà lưu tất cả số của các hộ dân trong ấp. Bà nói, để khi có việc gì cần gấp thì truyền đạt qua điện thoại cho nhanh. Bà tâm sự: “Mục tiêu phấn đấu của tôi trước đây là nuôi con ăn học. Giờ con cái đã ổn định rồi, tôi nói với các con quãng đời còn lại mẹ cống hiến cho xã hội. Có sức bao nhiêu, mẹ làm hết bấy nhiêu”.

Gương mặt phúc hậu, giọng nói từ tốn, tiếp xúc với bà, chúng tôi cảm nhận sự chân tình, tâm huyết của người nữ trưởng ấp ở tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi. Bà trải lòng: “Tôi hầu như không giận ai, ghét ai, hiềm khích ai, ai cũng muốn gần gũi, muốn được nghe, được chia sẻ, giúp đỡ để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho bà con. Có lẽ vì vậy mà tôi được bà con quý mến và khi tuyên truyền vận động, bà con thực hiện rất tốt. Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục cống hiến. Tôi chỉ mong có sức khoẻ tốt hơn để làm được nhiều việc giúp bà con, giúp quê hương mình”.

Giỏi chuyện nhà, tròn việc ấp

Trước đây trong ý nghĩ của chính tôi, những người phụ nữ tham gia công tác ấp thường không vướng bận gia đình. Nhưng những nữ trưởng ấp mà chúng tôi gặp đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ ấy. Các chị đều có gia đình êm ấm, con cái học hành đàng hoàng và luôn được chồng ủng hộ. Họ giỏi giang từ trong nhà ra ngoài xã hội.

Đến nhà Trưởng ấp Phú Hiệp A Đoàn Tuyết Phương, ai cũng đều cảm nhận không khí đầm ấm, hạnh phúc của vợ chồng chị. Chồng chị, anh Nguyễn Hoàng Khởi rất ủng hộ công việc của vợ. Thậm chí, trước đây khi ấp chưa có đường sá, chị đi vận động bà con bằng xuồng, anh tình nguyện chở vợ đi. Khách của vợ ghé nhà anh rất vui vẻ, chu đáo tiếp đón. Người dân kể, năm trước con lộ kênh Chưởng Đạo bị triều cường lên cao làm bể, nước tràn vào ảnh hưởng sản xuất của bà con. Chị Phương huy động đông đảo đoàn thể địa phương và bà con đắp đập, người ta thấy chồng chị nấu cơm, cháo gà chở kình kịch tới để phục vụ mọi người.

Chị Phương chia sẻ: “Công việc ấp đi đứng vô chừng, được cái chồng hiểu, cảm thông, chia sẻ. Dẫu vậy, là phụ nữ, tôi cũng ý thức được thiên chức với gia đình, có lúc công việc nhiều, phải tranh thủ giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa vào ban đêm”. Chính vì hiểu, đồng cảm, sẻ chia mà trong êm ngoài ấm. Hai đứa con, anh chị cũng lo cho học hành chu đáo. Con lớn đã ra trường đi làm, con nhỏ đang học năm thứ tư tại Trường Đại học Cần Thơ.

Còn chuyện làm kinh tế của vợ chồng chị thì mọi người trong ấp rất nể. Trên diện tích 4 ha đất vuông, anh chị thả nuôi tôm, cua kết hợp. Cua giống thì tự mua con mê về dèo, vừa thả vuông nhà, vừa bán cho bà con lối xóm. Mấy năm nay anh chị còn thực hiện việc nuôi tôm nước tĩnh để phát triển kinh tế và làm mô hình mẫu nhân rộng. Nhờ đúc rút nhiều kinh nghiệm từ thực tế, cộng với chịu khó tìm tòi, học hỏi bên ngoài mà việc sản xuất của anh chị luôn mang lại hiệu quả, mỗi năm thu nhập từ 300-400 triệu đồng. Xung quanh nhà, anh chị trồng nhiều rau màu, cây ăn trái, nuôi cá nước ngọt đủ cung cấp thực phẩm quanh năm cho gia đình.

Ở ấp Sào Lưới Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Trưởng ấp Lê Kim Cương cũng được mọi người hết sức phục nể bởi sự mạnh mẽ và năng động. Ngoài làm tốt công tác ấp, chị Cương đặc biệt chú trọng các mô hình phát triển kinh tế gia đình để cải thiện đời sống và nhân rộng cho bà con. Ấp Sào Lưới Đông có khá đông hộ nghèo, hộ dân tộc. Chị cho biết, do bà con thiếu đất sản xuất, phải nghiên cứu các mô hình giúp bà con phát triển kinh tế.

Không chỉ thực hiện tốt vai trò trưởng ấp, chị Lê Kim Cương còn nỗ lực phát triển kinh tế, tìm mô hình hiệu quả nhân rộng cho bà con.

Ngoài thả tôm, cua mang về thu nhập ổn định trên 5 ha đất nhà, chị còn phát triển mô hình nuôi dê. Từ 30 con dê ban đầu, sau 1 năm chị đã gầy dựng được đàn dê 42 con. Đàn gà thì lúc nào cũng trên 100 con, cứ tới lứa bỏ mối cho các quán ăn không đủ.  

Hiện nay chị đang thực hiện mô hình nuôi cua đém thành cua gạch. Hơn năm nay chị còn thành lập tổ hợp tác sản xuất tôm khô, mắm tôm, mắm cá… giải quyết việc làm cho 6 chị em phụ nữ trong ấp. Vụ tết năm rồi, mỗi chị bỏ túi hơn chục triệu tiền lời.

Chồng chị, anh Huỳnh Quốc Khởi trước đây cũng là Trưởng ấp Sào Lưới Đông. Cách đây 8 năm, anh bị tai biến, giờ sức khoẻ kém, chỉ quanh quẩn trong nhà, mọi chuyện trong ngoài một mình chị gánh vác. Được cái anh rất ủng hộ, thậm chí tư vấn, hỗ trợ chị rất nhiều trong công việc mà mình từng làm qua.

Chị nhớ lại, thời điểm chồng ngã bệnh là giai đoạn hết sức khó khăn. 2 con còn nhỏ, chị vừa lo kinh tế gia đình, vừa chăm sóc chồng, vừa lo cho các con ăn học. Vất vả không thể tính bằng ngày, vậy mà, chị đã nỗ lực nuôi 2 con học hành đến nơi đến chốn. Bản thân chị trước đây chỉ học xong cấp 2, trong thời điểm khó khăn đó, chị còn cố gắng học bổ túc lên hết cấp 3 và học xong trung cấp chính trị để có thể đảm đương công việc được phân công. Nghị lực vượt khó của người phụ nữ thật đáng nể phục.

Còn Trưởng ấp Kinh Chùa Trần Ngọc Lan, trước đây chồng làm bộ đội biên phòng, bà vừa đảm nhận công tác phụ nữ ấp, cộng tác viên dân số, trẻ em…, vừa lo chuyện sản xuất phát triển kinh tế gia đình để nuôi 3 người con ăn học. Bà bảo: “Có lúc tôi thấy mình chẳng khác gì con rô bốt…”.  Giờ 3 người con đều tốt nghiệp đại học, 3 dâu rể cũng có trình độ đại học, tất cả có công ăn việc làm ổn định, bà thấy nhẹ lòng và dồn sức lo công tác xã hội. Chồng bà hiện là bệnh binh, sức khoẻ hạn chế, nhưng luôn ủng hộ việc làm của vợ.

***

Vẫn nghe đây đó trong tỉnh còn nhiều nữ trưởng ấp và những câu chuyện hay về họ cũng được lan truyền. Mặc dù chưa có điều kiện tiếp xúc từng người, nhưng qua những nữ trưởng ấp được gặp, chúng tôi nhận thấy họ có những điểm chung là chu toàn gia đình, năng động phát triển kinh tế và đặc biệt nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ mà mình gánh lãnh.

Có câu nói: “Thuận lòng dân việc gì cũng được/ Trái ý dân chạy ngược chạy xuôi”.  Điều này quả không sai và và các nữ trưởng ấp mà chúng tôi gặp dường như đã thấm nhuần điều đó. Họ bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, luôn hết lòng vì nhiệm vụ chung, vì lợi ích của Nhân dân, muốn được cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng phát triển nên mặc dù thù lao chẳng là bao nhưng họ không màng đến.

Tất cả đều có chung tâm niệm còn sức là còn cống hiến. “Làm hoài, nếu bà con còn tín nhiệm, mình còn sức khoẻ”, chia sẻ của chị Lê Kim Cương cũng là suy nghĩ của chị Đoàn Tuyết Phương, của bà Trần Ngọc Lan, thể hiện tấm lòng, tình cảm đáng trân trọng của những nữ trưởng ấp vì dân./.

Trang Anh - Thuỳ Trâm

Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Tùng Lê Thanh Lam nhận định: "Phụ nữ làm công tác chính quyền thì sâu sát và gần dân hơn so với nam. Trong mọi hoạt động đều rất tỉ mỉ, chặt chẽ, được sự tín nhiệm của bà con. Xã đang có hướng quy hoạch nguồn trưởng ấp nữ để kế thừa ở các ấp còn lại trong xã". 

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.