Khi mới tái lập (năm 2004), Phú Tân là một huyện nghèo, kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém. Song, với sự quyết tâm, huyện Phú Tân đã khắc phục khó khăn, đầu tư và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Khi mới tái lập (năm 2004), Phú Tân là một huyện nghèo, kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém. Song, với sự quyết tâm, huyện Phú Tân đã khắc phục khó khăn, đầu tư và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM), sau TP Cà Mau, Phú Tân là huyện đầu tiên có 3 xã về đích NTM. Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang cho biết: Hiện nay, toàn huyện đạt 115/148 tiêu chí (có 4 xã không thực hiện tiêu chí chợ), bình quân mỗi xã đạt 14,37 tiêu chí, tăng gấp 4,2 lần so với trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Dự kiến đến cuối năm, các xã trong huyện đạt thêm 11 tiêu chí, nâng tổng số toàn huyện đạt 15,75 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 15,75 tiêu chí.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Phú Tân được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Nhiệm vụ của Đảng bộ huyện là tiếp tục lãnh đạo cả hệ thống chính trị, trong đó, Ban Chỉ đạo huyện và Ban Chỉ đạo các xã làm nòng cốt phải thực hiện tốt việc duy trì và nâng chất các tiêu chí đã đạt. Đồng thời, xác định cụ thể từng tiêu chí có điều kiện thực hiện, chọn ra để xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm, các tiêu chí còn lại chưa có điều kiện và khó thực hiện thì phân chia nhỏ thành nhiều nội dung để thực hiện từng bước theo lộ trình của đề án được duyệt.
Nhờ chương trình NTM mà nhiều tuyến đường ở huyện Phú Tân được xây dựng đồng bộ. Ảnh: N.HUỆ |
- Là huyện ven biển, Phú Tân gặp những khó khăn gì trong quá trình xây dựng NTM, thưa ông?
Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang: Phú Tân có bờ biển dài 37 km với 6 cửa sông lớn thông ra biển; địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thuỷ, kết cấu hạ tầng yếu kém. Do đó, việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM gặp rất nhiều thử thách ở một số tiêu chí: giao thông, môi trường, nhà ở dân cư… Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, Phú Tân thực hiện hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015.
Tuy vậy, một số tiêu chí tuy đạt theo chuẩn quy định nhưng thiếu tính bền vững. Hầu hết các tiêu chí còn lại chưa đạt là tiêu chí khó thực hiện và phải cần nguồn vốn lớn trong khi nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh bố trí cho chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phải thực hiện.
Các văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình thay đổi liên tục nên trong tổ chức thực hiện luôn gặp khó khăn, vướng mắc. Công tác tuyên truyền, vận động về thực hiện chương trình ở các ngành, các cấp tuy được quan tâm nhưng chưa thật sự đi vào chiều sâu. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa đầy đủ và nhất quán, dẫn đến còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chủ động thực hiện hoặc thực hiện với quyết tâm chưa cao. Một số xã xây dựng chương trình và kế hoạch thiếu chỉ tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể, trong chỉ đạo thực hiện đôi lúc thiếu chủ động, kiên quyết. Việc huy động vốn để thực hiện chương trình còn hạn chế do điều kiện kinh tế - xã hội của huyện và các xã còn gặp nhiều khó khăn.
- Sau 5 năm thực hiện phong trào “Cà Mau chung sức xây dựng NTM”, Phú Tân rút ra được những kinh nghiệm gì, thưa ông?
Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang: Công tác chỉ đạo, điều hành là yếu tố then chốt trong quá trình thực hiện xây dựng NTM thành công ở địa phương. Xây dựng NTM cần phải có nhận thức nhất quán và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, quyết liệt, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo phải phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể.
Ngoài ra, trong xây dựng NTM phải ưu tiên hàng đầu về phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân thông qua hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Đây là yếu tố quan trọng chẳng những đạt được tiêu chí thu nhập mà còn góp phần hoàn thành các tiêu chí khác. Từ khi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM triển khai, huyện trực tiếp đầu tư nhiều mô hình, dự án thí điểm để phát triển sản xuất như: nuôi tôm quảng canh cải tiến theo quy trình VietGAP; nuôi tôm công nghiệp theo quy trình VietGAP; nuôi gà an toàn sinh học; nuôi cua thâm canh, bán thâm canh; trồng rau màu; nuôi hàu; nuôi tôm - cua kết hợp... Các mô hình này sau khi triển khai đều đạt hiệu quả cao và được nhân rộng trong dân.
Nhờ xác định phát triển sản xuất là giải pháp ưu tiên hàng đầu nên các chỉ tiêu về sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tăng theo từng năm và vượt so với kế hoạch đề ra. Đời sống của người dân ổn định, nhiều hộ gia đình biết kết hợp mô hình đa cây, đa con trên cùng diện tích và mô hình kinh tế tập thể để vươn lên thoát nghèo trở thành khá, giàu, góp phần hoàn thành các tiêu chí khác trong xây dựng NTM.
Xác định xây dựng NTM là một lộ trình lâu dài, cần nhiều công sức và kinh phí. Trong quá trình xây dựng NTM, các xã trong huyện có nhiều cách làm sáng tạo, năng động nên Nhân dân đồng thuận và hăng hái thực hiện nhiều nội dung trong các tiêu chí như: đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; phổ cập giáo dục; học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học phổ thông, bổ túc, học nghề; người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế; môi trường xanh, sạch, đẹp; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Các xã còn phát động phong trào thi đua xây dựng NTM bằng cách từng hộ gia đình đăng ký thi đua xây dựng gia đình NTM, ấp NTM.
- Xin cảm ơn ông!./.
Ngọc Huệ thực hiện