Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, kinh tế tập thể ngày càng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho người dân. Hiện tại, khi phong trào xây dựng nông thôn mới đang chuyển sang giai đoạn mới thì kinh tế tập thể, nòng cốt là mô hình các HTX kiểu mới, càng được quan tâm tạo điều kiện để phát triển đúng hướng và hiệu quả hơn.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.323 tổ hợp tác (THT) với hơn 80.000 tổ viên, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, doanh thu bình quân của THT ước đạt 260 triệu đồng/năm, lợi nhuận trung bình ước đạt 90 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của các thành viên THT ước đạt 28 triệu đồng/năm. Cùng với sự phát triển của THT, toàn tỉnh hiện có 251 hợp tác xã (HTX), với hơn 6.205 thành viên, hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp và tín dụng.
Hiện toàn tỉnh có 64 HTX sản xuất thuỷ sản và nông nghiệp đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. |
Thông qua các mô hình HTX kiểu mới, kinh tế tập thể đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ông Ðỗ Tuấn Ðức, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết, trong những năm qua, kinh tế tập thể ngày càng đi vào chiều sâu, quan tâm nhiều hơn chất lượng sản phẩm, dịch vụ, HTX kiểu mới đã tạo ra chuỗi giá trị có sự liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX hoạt động cùng ngành nghề. Nhằm mang lại hiệu quả lợi ích thiết thực cho từng thành viên, góp phần quan trọng trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Trong điều kiện các HTX không tiếp cận được các nguồn vay từ các ngân hàng thương mại, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là kênh trợ vốn duy nhất, có ý nghĩa thiết thực, giúp các HTX khắc phục phần nào những khó khăn do thiếu vốn, duy trì mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh của thành viên.
Ông Ðỗ Tuấn Ðức nói, trong 5 năm qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã luân chuyển nguồn vốn hỗ trợ giải quyết cho các HTX vay với 181 lượt dự án, với tổng vốn luân chuyển gần 26,2 tỷ đồng. Tuy số vốn giải ngân các dự án không nhiều nhưng đã góp phần giúp HTX, THT có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho thành viên và tạo việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, THT và HTX đã làm được vai trò là cầu nối thúc đẩy liên kết “4 nhà”, tạo tiền đề, điều kiện để sản xuất hàng hoá quy mô lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn. Nhiều THT, HTX đã được chọn làm mô hình thực hiện Tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất, góp phần cho 21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và năm 2016.
Thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các THT và HTX còn phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm mới cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ðặc biệt, đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đảm bảo đầu ra ổn định trong quá trình tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Chế biến tôm khô tại HTX Rạch Gốc. |
Nhìn chung, sau 4 năm triển khai theo Luật HTX năm 2012, mô hình HTX kiểu mới đã phát huy nội lực, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ thành viên phát triển bền vững hơn, điển hình như: HTX Tân Thành Tiến với mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng; HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây; HTX Dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Hoàng Mỹ, huyện Cái Nước; HTX Dịch vụ chăn nuôi Hoàng Anh, huyện Ðầm Dơi; HTX Dịch vụ nuôi tôm công nghiệp Hoà Hiệp, huyện Phú Tân…
Tuy nhiên, trong thực tế, các HTX, THT phát triển tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động còn nhiều khó khăn, yếu kém, phát triển chưa thật bền vững, quy mô còn nhỏ; một số THT, HTX làm ăn đạt hiệu quả không cao; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực điều hành của quản lý còn yếu, chưa qua đào tạo trường lớp cơ bản, chưa năng động, sáng tạo trong đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ để phục vụ tốt nhu cầu phát triển sản xuất của thành viên.
Khả năng huy động các nguồn lực trong nội bộ kinh tế hợp tác, nhất là huy động về vốn ở lĩnh vực nông nghiệp còn rất khó khăn. Hiện còn tồn tại nhiều THT, HTX hoạt động hình thức, danh nghĩa, không đúng theo quy định của pháp luật; tỷ lệ HTX yếu kém ngưng nghỉ không còn hoạt động chậm được xử lý, giải thể, làm ảnh hưởng đến phong trào chung.
Trong 5 năm tới, tỉnh sẽ củng cố và phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác trong các lĩnh vực, địa bàn khi có đủ điều kiện, có định hướng phát triển nâng lên thành lập HTX. Tập trung củng cố các HTX hoạt động trung bình và yếu kém, có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các HTX nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tăng dần quy mô và phạm vi hoạt động, liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với doanh nghiệp để cùng phát triển.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho việc thành lập mới các HTX ở các ngành, lĩnh vực, địa bàn có nhu cầu, khuyến khích phát triển các HTX ở các lĩnh vực, ngành nghề dịch vụ phục vụ cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chú trọng xây dựng nhiều mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả gắn với xây dựng mô hình thực hiện Tiêu chí 13, xã nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020./.
Bài và ảnh: Trúc Ly