ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:54:45
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Kỳ nghỉ khó quên

Báo Cà Mau (CMO) Sau Tết, nó vẫn chưa đi học lại. Do tình hình dịch bệnh, trường học cứ thông báo nghỉ hết đợt này đến đợt khác, nó bắt đầu thấy khổ sở với việc giam mình ở nhà.

Đọc truyện tranh, coi truyền hình hoài riết chán, mà động vào cái gì ngoài hai thứ đó cũng bị la! Người khổ sở hơn là dì Ba nó. Mẹ nó đi làm xa, gửi nó cho dì. Bình thường nó đi học thì rất ổn. Còn bây giờ, lúc nào dì cũng mệt mỏi bởi những trò nghịch phá không ngớt của nó. Mới gần một tuần lễ, dì đã hăm he:

- Mày quậy quá, kỳ này xách gói đi lên núi ở chung với cậu Út đi nhe. Chừng nào trường đi học lại rồi dì Ba đón về!

- Thôi, con không có quen đi xa nhà, con không thích ngủ chỗ khác.

- Không thích cũng phải chịu thôi. Thứ con cái nói không nghe lời gì hết, quậy phá tưng bừng ai mà chịu nổi.

- Bộ cậu Út chịu nổi con hay sao mà dì cho con lên cậu Út?

- Ờ… không biết nó có chịu nổi mày không nữa chớ. Nhưng mà dì sẽ cho mày đi lút vô rẫy, không có ai hết, toàn là cây cối, đá sỏi, ở đó với cậu Út mà sửa chữa bản thân!

- Nói thấy ghê! Đi thì đi, làm gì dữ vậy! À mà dì Ba ơi, bộ cậu Út cũng quậy dữ lắm nên dì Ba mới cho cậu Út ở trong rẫy đó hả dì?

- Cha mẹ mày! Hỏi nhiều quá hà! Mắc mệt hà! Lên tới nơi cho cậu mày quản mày mới được. Lạng quạng là chết với ổng nghe chưa con!

Nói là làm. Dì Ba biểu nó ngồi lên xe, ôm giỏ đồ đạc có vài bộ quần áo, rồi đạp ga, chở nó đi giữa trưa, như đi bỏ một bọc rác kẻo hết giờ gom vậy! Nó ngồi ôm cứng lưng dì Ba, nghĩ tới cái cảnh chung quanh không có ai, rồi cậu Út sẽ đánh đòn nó mỗi khi nó bị cho là quậy phá. Thiếu gì chuyện: Không ngủ trưa nè, ăn cơm chậm nè, hay nói nhảm nè, lại còn lăng xăng thấy ai làm gì cũng nhào vô tham gia. Mà nó sợ nhứt là tới đó sẽ không có nước đá uống, điện thoại để chơi games, không có kẹo bánh gì ráo! Làm sao ta? Một tỉ câu hỏi muốn vỡ tung đầu nó, vậy mà dì nó chẳng mảy may lên tiếng. Dì chạy xe cũng lâu lắm, rồi rẽ vô một xóm nhỏ, rồi chạy hoài… tới lúc không thấy xóm nhà đâu. Nó bắt đầu hoảng. Kiểu này dì Ba đem nó đi bỏ vô núi thiệt rồi! Nước mắt nó bắt đầu rưng rưng rồi tràn qua mi. Nó vỗ vỗ vào lưng dì Ba:

- Về thôi, con không muốn đi nữa đâu, con hứa sẽ ngoan mà!

Dì Ba nó không trả lời. Không biết có nghe không hay là hiểu cơn sợ hãi này cũng giống như các “cơn quậy” tanh bành trước của nó mà dì cứ im lặng không thèm nói… Nó nhéo vào lưng dì ba một cái thật mạnh: “Con không đi nữa nhe. Dì Ba chở con về đi!”. Dì nó dừng xe lại ngay, trước một cái cổng nho nhỏ bằng tre. Dì kêu:

Minh hoạ: M.Tấn

- Đi, vô trong đó với Út đi! Dì đi về à!

Nó vừa tính chuyện gào khóc lớn hơn thì dì đã quay đầu xe chạy mất.

Cậu Út đón nó với nụ cười hiền khô, vừa ngó theo bóng dì đã khuất bờ rào, vừa nói nhỏ:

- Vô con, để nắng nóng lắm! Lớn rồi, sao lại nước mắt nước mũi như con nít vậy cà?

 Cậu nói xong đã quay vô nhà. Nó đi theo y như một cục sắt bị nam châm hít, vừa đi vừa quẹt nước mắt. Cậu biểu nó ra sau hè, múc nước trong lu ra mà rửa tay chân mặt mũi, có cả nước rửa tay sát khuẩn để sẵn đó. Rửa tay chân mặt mũi xong vô nhà đã thấy cậu cầm sẵn cái khăn, cười cười với nó:

- Lau mặt mũi đi, rồi đi ăn cơm con!

Mâm cơm dọn sẵn nhà sau, chỉ có tương hột với tô canh rau dền đỏ mà nó ăn căng bụng. Lần đầu tiên nó ăn cơm mà không có dì Ba ngồi kế bên nhắc nhở, rầy rà. Dù vậy, bữa cơm cũng kéo dài do nó còn mải mê quan sát những thứ xung quanh. Trong con mắt của một đứa học trò lớp ba, cái gì ở đây cũng lạ và… hấp dẫn.

Căn nhà của cậu ở rẫy, coi ngộ lắm. Nhà tranh, vách đất, nhỏ nhắn dễ thương y như mấy cái hình minh hoạ trong sách, không giống như căn nhà của dì Ba sáng choang cửa kính. Có cả một cái liếp đan bằng tre che trước nhà, có mấy dây gì đó bò lên, bông màu xanh biếc rất đẹp. Khu đất nhà cậu Út có chừng bốn hay năm cái nhà nhỏ nhỏ như vậy. Nhỏ chắc chỉ bằng căn phòng ngoài phố mà nó thấy, vì chỉ kê một cái giường tre, một tủ quần áo, bàn tre, kệ tre để đồ lặt vặt. Cửa sổ được mở bằng cách chống khúc tầm vông nâng cánh cửa lên, là xong. Gió lùa vô nhà mát rượi. Bếp ở nhà ngoài, bàn ăn cũng ở đó. Trong vườn trồng nhiều loại cây ăn trái, rau và nhiều thứ khác mà cậu nói là thuốc nam.. Những ngôi nhà đó đều có người ở. Có những anh chị học cấp ba. Có những người già hơn cả dì Ba. Cũng có mấy đứa trẻ trạc tuổi nó mà cậu nói mấy bạn đó được nhà gửi đi… khám phá thế giới, y như nó.

Cậu Út khẳng định, nó đang được đi khám phá thế giới, chứ không phải là đi… cách ly loài người, bị phạt phải vô núi ở… gì cả. Nên, nó muốn hỏi câu gì và khi nào cũng được. Cậu Út nói cậu là thầy giáo mà, không phải cái gì cậu cũng biết hết nhưng chắc chắn có thể trả lời hết những câu hỏi của nó. Nó tin là cậu nói thật, vì nó chỉ bị từ chối trả lời câu hỏi lúc cậu đang bận điện thoại hay đang nói chuyện với người lớn. Cũng vì vậy, nó vui vẻ làm hết những công việc thường ngày mà cậu Út biểu phải làm: Vệ sinh cá nhân, tự giặt quần áo, tự rửa chén khi ăn xong, ra vườn nhổ cỏ cho hoa, cho rau. Thỉnh thoảng, nó tới chơi nhà của một bà cụ suốt ngày cặm cụi đan đệm bàng. Nó lại được biết cách làm ra một tấm đệm bàng mà nó đang nằm, cách làm một cái túi xách bàng mà nó đang dùng đựng đồ cá nhân. Nó biết cái cây lục bình trôi trên sông, có cái bông tím biếc dễ thương đó có thể dùng vào nhiều việc như làm phân bón, làm hàng thủ công mỹ nghệ, thậm chí đọt non hay cả chùm hoa tím đó còn nhúng lẩu ăn rất ngon! Cây dâu tằm có trái chín đỏ đỏ đen đen, không những là món khoái khẩu của lũ trẻ như nó mà còn là một vị thuốc nam chữa nhiều thứ bệnh. Cây sa kê vạm vỡ ngoài kia, trái của nó có thể chế biến thành nhiều loại thức ăn tuyệt hảo. Nó được tận mắt nhìn những hạt rau cải, rau dền nhỏ xíu nảy mầm sau vài ngày được gieo trồng, rồi bắt đầu phát triển thành một cây rau xanh tốt. Mỗi luống rau, đậu, bí, bầu vừa là thực phẩm, vừa là vị thuốc. Như bữa con bé Na bị ong lá chích cho một phát la rần trời, vậy mà cậu Út chỉ cần dùng một vài lá cần sen, vò nát đắp lên cho nó, một lát sau nó đã vui vẻ chạy chơi, hết đau, hết sốt. Những lá cây khi rơi xuống cũng có giá trị riêng, chúng được gom vào hố rác để đốt, làm phân bón. Mùi khói lá cây không giống như mùi khói đốt các loại rác khác, nó thơm và gợi lên một cái gì đó khó tả làm sao!

Chiều ở đây nhiều gió. Các anh chị dạy cho nó làm diều chơi, từ cách chẻ những cọng trúc thành nan, vót sạch rồi uốn, cột làm thân diều, đến dùng những mảnh giấy cũ, những mảnh lá chuối khô rất dẻo và nhẹ để dán cánh diều, cách cột dây, cách thả dây sao cho diều “lên”, kéo sao để diều không bị “băng”, tức là đứt dây bay luôn. Có bấy nhiêu đó mà nó hì hục mấy ngày. Thì cũng y như chuyện giặt quần áo, nó phải hì hục cả buổi mới biết cách giặt như thế nào cho sạch vết bẩn, giũ sao cho quần áo phẳng phiu, khi phơi khô rồi không nhăn nhúm…

Mười lăm ngày trôi qua rồi mà nó vẫn thấy chưa đủ để khám phá mọi thứ ở đây. Khi dì Ba lên rước, nó giậm chân, nói thôi cho con ở luôn đây với cậu cho rồi! Sống như cậu vầy mới vui! Dì Ba ngạc nhiên thấy thằng nhỏ y như mới lột xác, nói chuyện ngoan ngoãn, vui vẻ và không lăng xăng, lộn xộn nữa. Dì Ba hỏi cậu Út:

- Em chơi chiêu gì mà nó thay đổi hay quá vậy?

Cậu Út cười hì hì:

- Chẳng qua là nó muốn khám phá thôi, mà mới vừa "khám" là chị đã thấy nó "phá" rồi, làm sao chị không mệt cho được!

 Dì Ba cười. Té ra trong cái rủi có cái may. Dù không ưa gì ba chuyện “dịch vật”, nhưng mùa dịch này quả có hay ho! Thằng nhỏ đã có những trải nghiệm đáng nhớ, mà dì cũng có được bài học nhớ đời./.

Truyện ngắn của Cẩm Giang

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương