ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-4-25 12:03:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðời người chỉ sống một lần

Báo Cà Mau Ông Ba Lành (Trần Ngọc Lành, sinh năm 1942, ngụ ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời), thương binh 4/4, tâm tình rằng: “Tôi may mắn còn sống, đó là hạnh phúc lớn lao vì còn được tận hưởng thành quả hoà bình, thống nhất, những điều mà nhiều đồng chí, đồng đội khác không có được”...

Quyết trả thù nhà, đền nợ nước

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông Ba Lành đã sớm được hun đúc lòng yêu nước, căm thù giặc. Năm 1957, khi 15 tuổi, ông Ba Lành đã tham gia làm giao liên chuyển thư, tài liệu cho cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Ðến năm 1959, ông thoát ly theo kháng chiến, hăng hái công tác tại địa phương với các nhiệm vụ bảo vệ, giáo viên, Ðoàn thanh niên.

Năm 1961, ông Ba Lành được rút về bổ sung đơn vị T-70 của Khu, thuộc Ðại đội 1, Chi đoàn 61, tham gia đánh trận giặc đổ quân bằng trực thăng tại La Cua (Trí Phải). Trận này, ta thắng lớn, diệt trên 20 tên địch.

Cũng trong năm 1961, sau khi được tổ chức đào tạo nghiệp vụ quân y, ông Ba Lành được biên chế vào Ðơn vị Quyết chiến tỉnh Cà Mau mới thành lập, do đồng chí Trần Thanh Liêm (Tư Liêm) làm Ðại đội trưởng. Tại đây, ông Ba Lành cùng đồng đội tham gia nhiều trận chống càn, công đồn khiến giặc hoảng sợ: Trận chống càn ở Kinh 9 Lớn (Trí Phải); trận công đồn Xẻo Tràm (Cái Tàu); trận đánh đồn Dân vệ của giặc ở Vàm Cái Tàu... Riêng trận chống càn quân chủ lực của giặc đổ quân xuống Tân Lộc, Thới Bình, ta diệt 300 tên giặc, Ba Lành làm nhiệm vụ tải chiến thương và chăm sóc y tế, bị bom nổ ép công sự phải nằm trị thương một thời gian.

Năm 1967, ông Ba Lành nhận nhiệm vụ ở đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) CI12. Lúc này, ông Ba Lành với vai trò Trưởng đoàn mộ quân lực lượng TNXP các nơi trong tỉnh, đảm nhiệm thêm nhiệm vụ chuyển đưa vũ khí từ biên giới về tỉnh và bổ sung quân cho các đơn vị thuộc tuyến đường 1C huyền thoại.

Ông Ba Lành nhớ mãi chuyến đi vận chuyển vũ khí từ biên giới về Cà Mau, mà ông là thành viên Ban Chỉ huy Ðại đội Quyết thắng III thực hiện nhiệm vụ. Trong chuyến đi này, do bị lộ, địch dùng trực thăng bắn phá đội hình đơn vị, 2 đồng chí bị thương, chìm 16 xuồng be mười. Lương thực dự trữ đơn vị mất hết, đành ăn rau rừng và ẩn nấp chờ tiếp viện. Lúc này ông Ba Lành cùng 3 đồng chí khác xung phong đi bộ vượt qua cánh đồng lầy khoảng 15 cây số đến núi Cô Tô mua lương thực về cho đơn vị cầm cự. Tiếp tục củng cố, động viên anh em đơn vị thực hiện nhiệm vụ, hành quân đến sông Vĩnh Tế nhận vũ khí. Chuyến quay về, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạn đủ từng viên, súng đủ từng cây.

Tháng 5/1969, Ba Lành nhận nhiệm vụ ở Xã đoàn Phong Lạc, được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Xã đoàn. Ðây là địa bàn xung yếu ấp chiến lược, giặc tập trung đồn bót, đánh phá vô cùng ác liệt để thực hiện chiến lược “tìm diệt”, “bình định”. Tại Cà Mau, giặc mở đợt bình định cấp tốc “Nhổ cỏ U Minh”, đưa Sư đoàn 21 chủ lực vào tham chiến. Hai bờ sông Ông Ðốc thành vùng trọng điểm khốc liệt chiến trường.

Những bức vẽ của bản thân tại nhà tù Côn Ðảo được ông Ba Lành lưu giữ cẩn thận.

Những bức vẽ của bản thân tại nhà tù Côn Ðảo được ông Ba Lành lưu giữ cẩn thận.

Thời điểm này, ông Ba Lành nhận một tin chết điếng: vợ ông (Liệt sĩ Huỳnh Hồng Vân) tham gia lực lượng TNXP Ðại đội Quyết thắng II, trên đường làm nhiệm vụ đã hy sinh. Nỗi đau chưa nguôi, ngay sau đó, 1 đứa em ruột, 1 đứa cháu ruột của ông Ba Lành ở quê nhà vì chạy bom đạn giặc mà té xuống ao chết đuối. Căm thù giặc tột cùng, ông Ba Lành nén đau thương và nguyện xả thân chiến đấu để trả thù nhà, đền nợ nước.

Lúc này, cấp trên giao nhiệm vụ cho ông Ba Lành là phải tiêu diệt tên chủ ấp khét tiếng ác ôn ở ấp Rạch Lăng. Ông Ba Lành nhớ rõ, trên chỉ thị ghi: “Nếu bắt sống không được thì bắn”. Ông Ba Lành cùng ông Nguyễn Văn Lập tổ chức kế hoạch để tiêu diệt tên tay sai gây nhiều nợ máu với cách mạng. Theo dõi và nắm rõ quy luật giờ giấc hoạt động của tên chủ ấp, lợi dụng thời gian nghỉ trưa, sự lơ là của toán bảo vệ, ông Ba Lành và ông Nguyễn Văn Lập bò vào nhà, tóm gọn và dẫn tên chủ ấp ra sau vườn, rồi đưa thẳng vào cứ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tháng 11/1969, trên đường đi họp về, ông Ba Lành bị giặc phục kích bắt. Bị địch chuyển nhiều nơi giam giữ, tra tấn dã man, Ba Lành nêu cao khí tiết thà chết không khai một lời. Ông Ba Lành hồi nhớ quãng thời gian tại Khám lớn Cà Mau: “Cứ 3-4 ngày là một trận đòn thù, tra tấn chết đi sống lại, suốt 3 tháng trời giặc không khai thác được gì từ tôi. Chúng đày tôi đi Côn Ðảo với bản án 25 năm tù khổ sai. Tụi nó cười lạnh, nghiến răng nói rằng đó là nơi chỉ có đi, không có ngày trở về”.

“Ðịa ngục trần gian” - “Trường học lớn” và ngày giải phóng

Tháng 1/1970, ông Ba Lành cùng với 39 đồng chí bị giặc bắt khác bị đày đến Côn Ðảo. Tụi sĩ quan quản lý tù phạm nguỵ bắt mọi người quỳ xuống xếp hàng, cầm gậy gõ đầu đếm từng người mà gằn giọng: “Ðây là Côn Ðảo nghen các con”. Ba Lành thuộc loại tù cấm cố, không thấy mặt trời. Sau mấy tháng, ông được ra “sở” lao động khổ sai, công việc là đi trăn trâu.

Thời gian này, ông Ba Lành cố gắng điều nghiên địa hình, tìm hiểu các ngôi mộ của cán bộ, chiến sĩ cách mạng ta đã nằm lại ở “địa ngục trần gian”. Tụi quản lý nhà tù theo dõi, thấy bất an nên lại nhốt ông vào khám cấm cố. Trong nhà tù, khí tiết và tinh thần cách mạng của ông Ba Lành được các đồng chí, đồng đội, bạn tù đánh giá tốt. Tháng 5/1970, Trần Ngọc Lành được chi bộ mật trong tù kết nạp vào Ðảng, trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Cho tới bây giờ, đã 55 năm, ông Ba Lành vẫn khôn nguôi niềm tự hào thiêng liêng về thời khắc được kết nạp Ðảng: “Phòng giam mấy chục người, chi bộ tổ chức nhiều nhóm với các hoạt động như thường lệ, không để giặc chú ý. Các anh, chú trong chi bộ và tôi ở một khoảng riêng. Rồi bất ngờ, một lá cờ Ðảng được bày ra, tôi chấn động, rơi nước mắt, nghĩ các anh, các chú tài quá, hay quá. Trước lá cờ Ðảng thiêng liêng, các đồng chí tuyên bố tôi xứng đáng trở thành đảng viên, căn dặn phải tiếp tục giữ gìn khí tiết, sẵn sàng hy sinh vì hoà bình, thống nhất và kiên trung sau trước với lý tưởng của Bác Hồ, của Ðảng, của cách mạng”.

Cảnh đày đoạ tù nhân tàn ác của giặc được phục dựng tại Bảo tàng Côn Ðảo.

Cảnh đày đoạ tù nhân tàn ác của giặc được phục dựng tại Bảo tàng Côn Ðảo.

Cuộc sống nơi “địa ngục trần gian” hết sức kham khổ, cái chết chực chờ. Bọn quản ngục và lính tay sai sẵn sàng đàn áp, giết chóc tù phạm một cách tàn độc, dã man, không còn tính người. Ba Lành là người căm thù giặc tột độ, ông đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân. Lính canh hống hách, đánh đập anh em, ông đứng ra đánh trả, bị đày biệt giam “chuồng cọp” mà môi vẫn nở nụ cười bất khuất. Không tiếc sinh mạng, ông Ba Lành tuyệt thực 9 ngày đêm, rồi tự mổ bụng mình để đòi yêu sách, chế độ đối xử tốt hơn cho tù nhân. Cũng vì thế mà ông Ba Lành luôn là cái gai trong mắt bọn cai ngục, nếm đủ mọi đòn thù tàn độc, ác ôn của chúng.

Nhưng Côn Ðảo cũng trở thành “trường học lớn” của những người tù yêu nước. Tại đây, các lớp bổ túc về kiến thức văn hoá, thông tin thời sự, kỹ năng nghề nghiệp, lý luận chính trị, quân sự, văn nghệ cách mạng... được tổ chức bí mật, bài bản và tạo ra sức lan toả lớn không thể tưởng tượng được. Chính lúc này, ông Ba Lành cũng đam mê, tìm tòi và mạnh dạn bộc lộ năng khiếu hội hoạ của bản thân.

Một kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo lột tả sự dã man ở nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian".

Một kỷ vật được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo lột tả sự dã man ở nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian".

Tin tức chiến thắng dù âm thầm nhưng lại dội lên hết sức khẩn trương, náo nức ở trong tù. Ông Ba Lành được các anh, các chú, đồng chí thông tin về chiến thắng của ta đã ngày một gần kề, giờ tàn của Mỹ - nguỵ đã điểm.

Ngày 30/4, bọn sĩ quan, lính tay sai nguỵ ở Côn Ðảo rục rịch rồi đồng loạt tháo chạy trong hoảng loạn. Sáng 1/5, toàn bộ các khu giam giữ tù binh bị tháo tung khoá, mọi người ùa ra. Hoà bình, thống nhất thật rồi! Mỹ cút, nguỵ nhào rồi!

Nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Ba Lành vẫn nhớ như in ngày giải phóng tại Côn Ðảo. Gần 7.500 tù nhân bị giam giữ đã đạp tung, làm chủ “địa ngục trần gian” với tư cách của người chiến thắng, một công dân của đất nước tự do, hoà bình, thống nhất. Niềm vui lớn lao dâng trào, bung nở như mùa hoa rực rỡ giữa trời xuân đại thắng 1975.

Khi quân giải phóng từ đất liền ra, công tác tiếp quản, xây dựng chính quyền mới ở Côn Ðảo hết sức vui tươi, khẩn trương, khí thế ngút trời. Ông Ba Lành ở lại tham gia tái thiết, tiếp quản Côn Ðảo sau hơn nửa tháng rồi cùng với Ðoàn Chiến thắng Côn Ðảo trở về đất liền. Quần chúng Nhân dân và chính quyền sở tại, lực lượng vũ trang ở Cần Thơ đón tiếp chu đáo, thấm đẫm ân tình trong niềm vui toàn thắng, hoà bình, thống nhất của cả dân tộc.

Sau giải phóng, về lại quê hương, ông Ba Lành dành hết tâm sức, khả năng để tiếp tục tham gia công tác và cống hiến tại Cà Mau. Nay ở tuổi 83, ông Ba Lành đúc rút lại cuộc đời mình: “Ðược sống, được chiến đấu, công tác dưới ngọn đuốc soi đường của Bác Hồ, của Ðảng, của cách mạng là vinh dự, lựa chọn đúng đắn nhất của bản thân và tôi không có điều gì để hổ thẹn, nuối tiếc. Ðời người chỉ sống có một lần và tôi nguyện lòng sống trọn vẹn với những điều thiêng liêng ấy”./.

 

Ghi chép của Phạm Quốc Rin

 

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.

Về “Đất thép thành đồng”

Thiết thực các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), ngày 30/3, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ, cùng đoàn cán bộ Tỉnh đoàn đã có chuyến hành trình giáo dục truyền thống, về nguồn tại "Ðất thép thành đồng": Củ Chi - TP Hồ Chí Minh.

“Chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú - Dấu xưa một thời

Trong hành trình tìm về quá khứ, có những việc tuy ngoài sách sử, nhưng lại đậm sâu trong ký ức nhiều người. Ðó cũng là câu chuyện về “chùa Cộng sản” ở làng Thạnh Phú, nay thuộc ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Những ngày tháng Ba của mùa Xuân đại thắng

Nửa thế kỷ đã qua kể từ mùa Xuân đại thắng 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước thống nhất, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến của dân tộc chống lại đế quốc sừng sỏ và bè lũ tay sai. Tháng 3/1975 là “đêm trước” của ngưỡng cửa chiến thắng. Cục diện chiến trường chuyển biến mau lẹ; không khí cách mạng dâng cao sục sôi; cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo bằng tất cả ý chí, niềm tin, sức mạnh của Đảng ta, để toàn dân tộc cùng nhau kề vai chung sức, chớp lấy thời cơ, làm nên một chiến thắng vang dội, hào hùng, bất tử.

Thân thương hai tiếng Cà Mau

Cà Mau không chỉ là điểm cuối của đất nước, nơi ai cũng mong một lần được ghi dấu bước chân mình tại cột mốc toạ độ, mà còn là vùng đất để lại trong tim nhiều người những tình cảm khó quên.

Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng - Lịch sử không thể lãng quên

Tôi đồng tình với ông Sáu Sơn (ông Ðỗ Văn Nghiệp, tác giả chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ðiều tra, sưu tầm chứng tích tội ác Mỹ - Nguỵ tại Biệt khu Hải Yến - Bình Hưng” cách đây 20 năm), rằng: “Khép lại quá khứ, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Bài học đúc kết từ quá khứ là bài học bằng xương máu, sẽ có nhiều bổ ích cho hiện tại và tương lai”.

Bến Dựa một lần về

Bến Dựa chỉ là một đoạn sông ngắn, hằng ngày cần mẫn làm người trung chuyển đưa nước lớn về ngã ba Cái Đuốc, ngọn Cái Ngay; tiễn nước ròng ra Cái Nháp, đổ ra ngã ba Tam Giang, xuôi về biển cả. Khu rừng bên bờ Đông Bến Dựa nơi cơ quan Huyện uỷ Tư Kháng (Đầm Dơi ngày nay), làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp tồn tại.

Chiều Sài Gòn

Tựa bài viết “Chiều Sài Gòn” nghe như chơi vơi, rất xưa, bởi Sài Gòn - Gia Ðịnh đã có hơn 300 năm tuổi, thì đồng nghĩa cũng có hơn một triệu buổi chiều. Nhưng “Chiều Sài Gòn” tôi viết đây chỉ là chiều 30/4/1975, buổi chiều đầu tiên “Sài Gòn ơi ta đã về đây” như lời bài hát một thời có sức hút mạnh mẽ.

Huyền thoại biệt động thành Cà Mau

Thị xã Cà Mau những năm cuối thập niên 1950, dưới chế độ Mỹ - Diệm, không khí ngột ngạt bởi những cuộc càn quét, bắt bớ. Đám cảnh sát mật vụ, lính bảo an lùng sục khắp nơi, ráo riết truy lùng những người kháng chiến cũ, những người mà chúng nghi là "Việt cộng nằm vùng".

Thăm địa chỉ đỏ

Di tích Hồng Anh Thư Quán (số 43, đường Phạm Văn Ký, Phường 2, TP Cà Mau) là một trong những di tích lịch sử hiếm hoi ghi dấu chặng đường cách mạng của người Cà Mau trước năm 1930. Hồng Anh Thư Quán được công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia ngày 4/8/1992.