ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 11-5-25 02:38:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lay lắt Sa Phô

Báo Cà Mau (CMO) Nằm sát trung tâm thị trấn Năm Căn nhưng khóm Sa Phô từ lâu được biết đến như một “ốc đảo” cô lập và nghèo khó. Bởi phần đông hộ sinh sống là dân ngụ cư tứ xứ dạt về. Không nghề, không đất sản xuất, thu nhập bấp bênh là những gì vẫn còn tồn tại ở nơi này.

Buổi sáng sớm, không khí im lìm, lối dẫn vào khóm Sa Phô là con lộ đal nhỏ, đã xuống cấp nặng. Mặt lộ chỉ vừa vặn 2 xe máy chạy áp kề, từng vòng quay xe cứ khua lên lộc cộc, liên tục nhấp nhô.

Những điều chưa kể

Dân cư sinh sống ở Sa Phô được phân ra 2 luồng, nửa trong và nửa ngoài hàng đáy bè. Phần nửa ngoài hiện có 48 hộ dân sinh sống, cũng là nơi tập trung nhiều cái nhất: nghèo khó nhất, dân ngụ cư đông nhất, nhà cửa tạm bợ nhất, thu nhập bấp bênh nhất, dân trên độ tuổi lao động nhiều nhất, bệnh tật nhiều nhất, không đất sản xuất, không ngành nghề, trình độ dân trí thấp…

Những đứa trẻ của Sa Phô chẳng có trò gì chơi ngoài nhặt rác và vọc bùn.

Nửa luồng trong đời sống hộ dân có phần khá hơn do có đất sản xuất. Kinh tế chủ yếu là nuôi trồng thủy sản nhưng đang phải đối diện với tình trạng đi lại khó khăn.

Ven 2 bên đường là những ngôi nhà ẩm thấp, tềnh toàng, tạm bợ mọc san sát nhau, quay lưng về phía biển như thể đang liên kết để chống lại gió bão.

Những căn nhà như mọc chân cao lêu khêu và ứ đọng đầy rác dưới nền nhà.

Một điều giống nhau của khóm này là nhà nào cũng như mọc chân, cao lêu khêu. Gọi là nhà nhưng đa phần được cất tạm bợ, chỉ có tấm bạt, vách tol, dựng trên vài cây gỗ nhỏ, cong queo, mục nát tưởng như chỉ chờ có cơn gió hờ thổi qua cũng đủ để những căn nhà này “cuốn theo chiều gió”.

Cặp mé sông, lúc ròng để lại vô số “sản vật”, nào là bọc ni lông, bọc xốp, chai nhựa, chai sành, bao tải, cây cối ứ đọng, bám thành từng mảng…

Dù là ngày thứ, mới sáng sớm nhưng không ít hộ đã “gầy sòng”, chén chú chén anh, bàn "cái sự đời” om sòm. Chỉ vài con khô nướng vội, dăm ba trái ổi, mận, vài điếu thuốc, xị rượu cũng để các anh lai rai tới chiều. Hỏi ra mới biết, hổm rày do thất nghiệp nên nhiều người đâm ra buồn chán, hôm nay “giải sầu”.

Một nghịch cảnh tồn tại ở đây là dân số đang trên đà già hóa. Đa phần những người còn bám trụ trên mảnh đất này đều là người già và trẻ nhỏ, họ đang đối mặt với cảnh thất nghiệp, làm thuê kiểu ai gọi gì làm nấy.

Ông Huỳnh Đen, Phó chủ tịch Mặt trận thị trấn Năm Căn, nguyên là Trưởng khóm Sa Phô, bùi ngùi: “Người trẻ, khỏe mạnh thì bỏ đi nơi khác làm ăn, nếu còn ở lại chắc cũng bệnh tật. Nhiều người già rồi mà vẫn phải lao động miết, nhưng nhiều khi cũng không có việc mà làm”.

Trong gian nhà rộng, bà Trần Thị Xuân, 62 tuổi, đang thẫn thờ chờ đứa cháu nội đi học về. Vừa thấy ông Đen, bà vui ra mặt. Như cố nhân gặp lại, họ trò chuyện dù dăm ba câu chuyện ngắn cũng hiểu được tình cảnh khốn khó của bà hiện nay.

Chồng mất, con bỏ đi biền biệt ít thấy về, giờ bà chỉ còn đứa cháu nhỏ hủ hỷ bầu bạn, thu nhập chính phụ thuộc vào những bữa đi lột tôm mướn.

Bà Xuân bộc bạch, hiện bà đang làm công nhật cho Công ty Chế biến XNK thủy sản Năm Căn. Mỗi tuần bà làm được 4 ngày, do mắt yếu, tuổi cao nên mỗi ngày bà lột chỉ tầm 6-7 kg tôm, thu nhập khoảng 40.000 đồng.

Được hỏi chi phí vậy sao đủ sống, bà đáp gỏn lọn: “Thì đi giặt đồ, rửa chén mướn. Ai mướn gì cũng làm, chỉ sợ người ta chê già không mướn thôi. Nhờ chắt chiu có được cặp heo, ráng nuôi nó lớn là có tiền rồi”. Mà heo bây giờ đang ế ẩm, không ai mua, chắc bà chưa hay nên vẫn nuôi niềm hy vọng.

Tâm sự của người đàn bà già phải nặng gánh mưu sinh chỉ bằng sức lực vốn có, chỉ cầu mong có được cái nghề ổn định bao nhiêu năm vẫn không thành hiện thực.

Rồi câu chuyện anh Huỳnh Văn Kỳ dù đang mang trong người căn bệnh ung thư vẫn phải hằng ngày chạy xe ôm, rày đây mai đó để kiếm tiền lo cho vợ con, ai nghe cũng xót dạ.

Dân ngụ cư bao giờ hết khổ?

Ông Đen ngậm ngùi: “Bà con nơi đây chịu khó lắm, để có tiền việc gì họ cũng làm miễn không phạm pháp. Xóm này còn gọi vui là xóm… đủ thứ, bởi thứ gì cũng làm: thợ hồ, bốc vác, xe ôm, nhặt ve chai… đủ mọi nghề”.

Ông Đoàn Thanh Tuấn, Trưởng khóm Sa Phô cho biết: “Dân ở đây mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có một điểm chung là nghèo, thiếu thốn đủ thứ”.

Rồi ông liệt kê những vấn đề khó khăn mà khóm mình đang gặp phải. Ông Tuấn chi tiết: “Nhà ở tạm bợ, lao động không tay nghề, giao thông khó khăn, nguy cơ thất nghiệp cao, dân số già hóa…”. Biết bao vấn đề tồn tại trong một khóm nằm cận kề trung tâm huyện là chuyện không tưởng.

Cứ cận Tết, triều dâng thì khóm này cứ như “ốc đảo”, bị cô lập. Nước lên ngập cả đường, tràn cả vào nhà. Nhiều năm nay, cứ hễ triều cường dâng là mọi người cùng ăn, cùng ở trong môi trường “biển cạn”. Và theo đó là rác cũng tràn cả vào nhà, phải canh đi… nhặt rác.

Đáng lo ngại hơn, cứ vào mùa mưa thì sạt lở trở thành ám ảnh của những hộ dân sinh sống ven sông. Ông Lê Văn Sin, Phó chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, thông tin: “Trước Tết có 2 hộ bị sập nhà hoàn toàn, chính quyền địa phương đến vận động, an ủi và hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng để cất lại nhà, nhưng bấy nhiêu cũng không làm dân mình bớt khổ”.

Nghe ồn ào, náo nhiệt tiếng trẻ nhỏ nô đùa, cười giòn tan trong nắng, chắc có lẽ đã tan trường nên bọn nhỏ tụm nhau lại chơi.
Tận dụng mấy khoảng đất rộng trước cửa nhà, cả đám tụm năm tụm bảy lại nhảy dây, nhảy lò cò, đồ hàng… Không có tiền mua đồ chơi nên thứ bọn trẻ thích và hay chơi nhất là xốp.

Thứ đồ chơi yêu thích nhất của lũ trẻ là xốp.

Những miếng xốp được ông bà, cha mẹ nhặt, xin từ mọi nơi về để tụi nhỏ tha hồ cắt, tạo hình chiếc xe, con thuyền, cái cây, con vịt, con cá… Có đứa phải gân cổ lên mà cãi, đỏ mặt tía tai để giật lấy miếng xốp lớn; có đứa nhặt cây, lá chơi đồ hàng.

Em Nguyễn Nhật Linh, 7 tuổi, nói: “Con rất thích cắt thuyền rồi thả trôi theo nước, vui lắm. Bà của con làm công nhân cho xí nghiệp Năm Căn, con dặn bà, hễ có xốp là xin về cho con chơi”.

Trong khi những đứa trẻ thành phố chán chê, mỏi mệt với vô số đồ chơi điện tử thì bọn trẻ ở đây đôi khi phải đánh nhau chỉ vì tranh giành vài miếng xốp.

Sa Phô đi dễ khó về, bởi chia tay nhiều bận mà không dứt được. Tình cảm người dân nơi đây đôn hậu, chân chất như chính cuộc đời họ vậy. Không tính toán, không cầu kỳ, cái họ có là niềm tin nơi đây sẽ được khởi sắc trong nay mai; những công trình, khu công nghiệp sẽ mọc lên mang theo niềm tin yêu của những con người đang khát khao về một tương lai tươi sáng…

Phóng sự của Ngô Yến Nhi

Khóm Sa Phô hiện có 169 hộ dân sinh sống, trong đó 29 hộ nghèo và 67 hộ cận nghèo. Dân chủ yếu sinh sống bằng nghề làm thuê nhưng chỉ lao động không tay nghề và làm theo thời vụ. Trong khóm có 110 hộ đang nuôi trồng thủy sản với quy mô vừa và nhỏ, 17 hộ hành nghề đóng đáy bè, thu nhập khá bấp bênh.

 

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.