ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 15:52:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lòng mẹ

Báo Cà Mau (CMO) Tôi có quen với người phụ nữ hơn tuổi lục tuần, không biết thời trẻ cô thế nào nhưng giờ theo cách nói của người dân quê là cô rất “đẹp lão”. Mỗi khi tiếp xúc với cô tôi rất thích tính cách nhẹ nhàng, gần gũi và hiểu biết, trong giao tiếp cô cũng khác với những người cao tuổi ở nông thôn đó là xưng hô bằng tên của mình “dì Hương”, “cô Hương”, “chị Hương”... tuỳ theo đối tượng. Thấy cô có một chút đặc biệt từ phong cách đến hoàn cảnh sống, tôi tò mò rồi tìm hiểu.

Cô có đứa con trai duy nhất, rất thành đạt trong sự nghiệp nghệ thuật của mình nhưng ít về quê. Còn cô ngày ngày với công việc chăm sóc vườn cây ăn trái, thu nhập không nhiều nhưng với một người biết sắp xếp cuộc sống của mình thì cũng không khó khăn cho lắm. Ngoài ra, cô còn có nghề đan len, tuy không còn được ưa chuộng như ngày xưa nhưng khách quen thỉnh thoảng vẫn đặt hàng, vậy cũng vui! Cô Hương còn có một niềm vui nữa đó là câu cá dưới bến sông vào buổi chiều, có khi ngồi cả buổi không có con nào nhưng cô vẫn câu, câu như để chờ đợi một điều gì, một ai đó…

MH: MT

Cách đây hơn bốn mươi năm, có một gánh hát từ xa đến vùng hẻo lánh này lưu diễn. Ban ngày họ cùng sinh hoạt với gia đình Hương, nơi họ chọn neo đậu ghe, khi ánh đèn sân khấu sáng lên thì “anh Năm, chị Bảy” hồi trưa mò cua bắt ốc, câu cá, nấu cơm trên nhà Hương giờ đã hoá thân thành hoàng tử, công chúa, rực rỡ hào quang. Cái xóm nghèo heo hút này cũng cưu mang những thân phận rày đây mai đó, lấy lời ca, tiếng hát, phím đờn để mưu sinh và cũng để thoả mãn niềm đam mê có trong huyết quản của họ. Người nhà quê cũng có được niềm vui là những phút giây giải trí và hơn thế nữa được tiếp xúc với những nghệ sĩ ngoài đời, cùng bày tỏ vui buồn qua những câu chuyện phiếm bên ly trà, chung rượu. Không chỉ có vậy, họ còn chia sẻ với nhau những góc khuất của cuộc đời, những phong ba từng trải và từ đó tình cảm nảy sinh. Hương đã đem lòng yêu một anh kép, kiêm soạn giả các vở tuồng. Anh có giọng nói truyền cảm và phong thái rất đỉnh đạt, tuy tuổi tác có chênh lệch nhưng không có gì trở ngại với cô gái vừa đến tuổi biết rung cảm qua những lời nói ẩn ý, ngọt ngào và ánh nhìn trìu mến của người đàn ông ấy.

Ngày tháng qua mau, mấy chiếc ghe hát bịn rịn, luyến lưu rồi cũng phải nhổ sào rời bến. Cô gái ở lại với nỗi buồn vô tận, cô nghe tan nát cõi lòng khi phải xa người mình yêu. Vậy là những năm tháng hồn nhiên đã hết, những phiền muộn xuất hiện khi đầu trên xóm dưới râm rang chuyện “con Hương chửa hoang”, rồi những định kiến ở làng quê ập xuống gia đình cô. Để tránh cho cha mẹ những rắc rối tiếp theo, Hương quyết định bỏ đi dù chưa biết phải đi đến đâu.

Năm năm sau, ba mẹ Hương qua đời, cô phải trở về cùng đứa con trai năm tuổi. Nhìn thằng bé rất đáng yêu ai cũng dành cho nó tình cảm và sự quan tâm chân thành, rồi họ cũng quên dần chuyện cũ. Hương lặng lẽ nuôi con vì cô nghĩ con cô là bảo vật trời ban, chỉ mình cô hưởng cái lộc ấy mà thôi. Đình Bảo, tên thằng bé, vẫn vô tư vui sống, hồn nhiên chơi đùa cùng bè bạn. Cho đến khi sắp lên thành phố để học đại học nó chạm phải cú sốc lớn khi có người nói về mẹ nó, người đàn bà chửa hoang cách đây mười tám năm với một người đàn ông đã có vợ. Mẹ nó đã bôi tro trét trấu vào mặt ngoại nó, khiến ông bà xấu hổ, lâm bệnh đau buồn cho đến chết.

Đình Bảo trầm ngâm ít nói, hàng tháng vẫn nhận tiền mẹ gửi nhưng ít khi gửi thư hay điện thoại về nhà. Mẹ hỏi han, quan tâm, Bảo thờ ơ, trả lời lấy lệ. Bốn năm đại học cũng qua, Bảo có năng khiếu diễn xuất và ngoại hình khá chuẩn nên đã có vị trí trong giới nghệ sĩ thành phố. Mẹ không còn gởi tiền nuôi Bảo, còn Bảo thì luôn báo bận không về nhà. Hình như Hương đã đọc được những trắc ẩn trong lòng con trai, Hương không phiền, không chất vấn Bảo, chỉ nghe âm ỉ niềm đau đến thấu ruột gan.

Ngày xưa để giữ lại giọt máu này, Hương phải đối mặt với biết bao dông tố, kể cả hy sinh những điều thiêng liêng của đời mình, vậy mà bây giờ, giọt máu ấy đã chối bỏ “xuất xứ” của mình. Nó đã chọn nghệ danh “Tony Trần” và có thêm lý lịch mới: Cha mẹ nó là thương gia, hiện sinh sống tai Canada, nó là con độc nhất, tài sản kế thừa kếch xù…

Báo chí tung hê, đồng nghiệp ngưỡng mộ, nó trang bị sự phù phiếm bằng với đẳng cấp nó đã “trương” lên. Nó gấp gáp “trèo” tới đỉnh vinh hoa, đua đòi hưởng thụ, xoá hết dấu vết của quá khứ, tẩy sạch mồ hôi của mẹ nó để trở thành ngôi sao.

Mẹ nó, người đàn bà đơn thân chiều chiều vẫn ngồi ở bến sông nhìn sợi dây câu lúc chùng lúc thẳng, như tâm tư của Hương những lúc vô ưu, những lúc se sắt nỗi buồn… 

Cho đến một ngày, người qua lại không thấy người phụ nữ ngồi câu, cô bác ở gần ghé nhà gọi mãi không nghe trả lời, như có điềm chẳng lành, quả thật cô Hương đã ra đi nhẹ nhàng trên chiếc giường đơn. Có ai biết địa chỉ của Đình Bảo đâu mà gọi. 

***

Nhưng không bao lâu Bảo đã về. Sau khi nó đọc kết quả xét nghiệm từ trung tâm phòng chống các bệnh xã hội, nó lặng lẽ bỏ cái nơi đưa nó lên hàng “sao”. Nó trở lại quê nhà với bộ dạng tiều tuỵ, lủi thủi. Bước vô nhà nó giật mình khi thấy bàn thờ tang...

Nó mở tủ, thấy cái bao thư tự xếp, bên ngoài ghi: Mẹ gởi Đình Bảo. Nó mở ra đọc, hai tay nó run lẩy bẩy, nước mắt tuôn dòng. Không kìm nén nổi, nó gào lên gọi mẹ. Nó tuyệt vọng, nghẹn ngào, hoảng loạn… Nó gục xuống trước bàn thờ tang.

Hình như nó đã thấm nỗi ê chề khi con người ta sa cơ, lỡ vận. Nó hiểu thế nào nỗi lòng của người phụ nữ bị gia đình và xã hội ruồng bỏ vì cương quyết bảo vệ giọt máu của mình. Bây giờ nó có thời gian để soi lại mình dù có muộn màng, nó đã ngẫm ra tại sao người ta lại ví “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…”.

Sự sống của nó chỉ tính bằng tháng. Nó đã tận dụng từng ngày để sửa sang lại căn nhà cũ, chăm sóc mộ mẹ và tu bổ vườn cây, tranh thủ đọc những cuốn kinh Phật trong ngăn tủ của mẹ nó để lại. Đêm ấy nó nằm chiêm bao thấy mẹ trong bộ đồ màu nâu. Bà ôm nó vào lòng thì thầm: “Cầu trời khẩn Phật phù hộ cho con tôi được thoát khỏi bệnh tật, bao nhiêu nghiệp chướng tôi sẽ gánh hết cho nó. Con hãy sống lạc quan và hãy làm những điều có ích dù chỉ một ngày”. Nó giật mình tỉnh giấc rồi thức luôn tới sáng.

Những tia nắng mới đầu tiên rọi xuyên qua đám cây ngoài sân. Vài con bướm chờn vờn trong gió. Nhớ lại giấc mơ đêm qua, nó tươi tỉnh, quên đi bệnh tật và khe khẽ hát bài "Lòng mẹ”, chân bước đi về phía sau vườn./.

Lê Ngọc

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương