ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 15:59:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Lớp học bơi thầy Hoà

Báo Cà Mau (CMO) Đêm đã khuya, thầy giáo Hoà vẫn không sao chợp mắt được. Hết lật bên nọ lại trở mình bên kia mà đôi mắt thầy vẫn cứ chong chong. Oi bức quá. Không một tí gió nào. Hàng cây ngoài sân trường đứng im phăng phắc. Quạt điện quay lờ đà lờ đờ. Mấy cái bóng bảo vệ vàng ệch. Xác mối rơi lả tả dày đặc dưới đất. Đã thế điện lại phập phà phập phù, lúc có lúc mất. Không khí ngột ngạt đến khó chịu.  

Đầu giờ chiều, thầy Hoà đang định xuôi về quê thì một tin dữ đã đến. Hai học sinh lớp 5 của trường bị chết đuối. Đôi mắt thầy Hoà chong chong nhìn lên trần nhà. Không ngủ được, oi bức chỉ một phần. Cái chính là vẫn hiển hiện hai cặp mắt mở to của Thảo và Sơn nhìn thầy qua làn khói hương nghi ngút trên ban thờ lúc chập tối. Cái nhìn trong veo, hồn nhiên như những ngày chúng đến lớp. Cái nhìn ấy đầy oán trách. Vì sao chúng em phải chết hả thầy? Vì sao năm nào trẻ con xóm Cổ Cò này cũng bị Hà Bá bắt đi hả thầy? Chúng em có tội gì cơ chứ? Thầy là giáo viên thể dục thầy có nghĩ gì không? Những câu hỏi như thế như xoáy vào tim óc thầy Hoà. Thêm nữa, tiếng gào khóc của bố mẹ chúng như văng vẳng đâu đây. Thầy cảm thấy mình có tội.

Sau khi dự đám tang chôn cất hai em học sinh thân yêu của mình, thầy Hoà phóng xe đến nhà ông chủ tịch xã. “Kìa, thầy giáo! Có việc gì vậy? Tưởng thầy nghỉ hè về quê rồi cơ mà?”. Ông chủ tịch vồn vã hỏi. Thầy Hoà  thong thả nói: “Báo cáo bác, tuần này cháu đang trực. Có việc này cháu muốn xin ý kiến bác chủ tịch”. “Có gì cậu cứ nói. Sao trông cậu có vẻ nghiêm trọng vậy? Có phải cậu vừa đi đám hai đứa con ông Cửu bị chết đuối không?”. “Vâng. Đúng đấy bác chủ tịch ạ. Thương quá. Cháu vừa ở đám về đây”. Giọng thầy giáo Hoà chùng xuống. Ông chủ tịch xã cũng bần thần: “Rõ khổ! Năm nào trẻ con xóm ấy cũng có đứa chết đuối. Đã cảnh báo bao nhiêu lần rồi mà chúng có chịu nghe đâu. Thầy bảo phải làm sao bây giờ?”. Ông chủ tịch chuyển cách xưng hô gọi Hoà là thầy.

Thầy Hoà ngồi lặng đi giây lát. “Thế thầy bảo làm cách nào bây giờ?”, ông chủ tịch sốt sắng hỏi lại. Thầy Hoà quyết định trình bày ý tưởng của mình: “Mở lớp dạy bơi lội cho các cháu!”. “Mở lớp dạy bơi lội? Thầy sẽ dạy các cháu?”. Thầy Hoà gật đầu. Ông chủ tịch xã bặm môi suy nghĩ: “Ý tưởng của thầy hay lắm. Tớ sẽ ủng hộ”.

Cứ ngỡ mọi việc suôn sẻ, nào ngờ đến gia đình nào phụ huynh cũng từ chối khéo. “Cháu nó còn nhỏ chưa nên học bơi lội làm gì thầy ạ”. “Nhà tôi bận lắm, cháu còn phải cơm nước, lợn gà, để sang năm thầy nhé!”. “Tôi cấm cháu không được ra sông, ra hồ rồi. Cấm tiệt thầy ạ. Bây giờ thầy làm thế nhỡ nó lại đua đòi lỡ có sao thì khổ”…

Thầy Hoà buồn đến nao lòng. Giải thích thế nào họ cũng chỉ ậm ừ. Đã nói trước là dạy miễn phí luôn mà họ cũng không nghe. Đêm về, nằm vắt tay lên trán, đôi mắt thầy Hoà cứ chong chong. Đến khi chợp mắt được thì bốn con mắt của hai đứa trẻ chết đuối mươi ngày trước lại hiện về. Chúng mở to, thao láo. Thầy chùn bước ư? Thầy bỏ cuộc ư? Thầy định để thêm mấy đứa trẻ khác như chúng em chết đuối nữa? Thầy dạy chúng em học bơi đi! Thế là thầy Hoà lại vùng dậy. Đã thế, mình phải có cách.

Minh hoạ:  Minh Tấn

Đang mải chơi trận giả thì lũ trẻ trâu nghe thấy “tuýt tuýt” một hồi còi dài. Cả bọn ngoảnh về phía tiếng còi. Thầy giáo Hoà tươi cười đưa tay vẫy chúng lại. Cả bọn reo lên: “Thầy Hoà! Thầy vẫn chưa về quê nghỉ hè ư?”. “Chưa. Hè này thầy ở đây trực trường, ở đây với các em”. “Ôi! Thế thì thích quá!”. Bọn trẻ xúm xít hò reo.

Đưa mắt nhìn một lượt lũ trẻ, thầy Hoà hỏi: “Hôm nay không có em nào tắm à?”. “Không ạ! Bố mẹ chúng em cấm rồi, không đứa nào được tắm sông nữa”. “Sao lại cấm? Nóng nực thế này tắm tốt quá chứ sao lại cấm?”. “Không. Tắm nhỡ chết đuối như bạn Sơn và bạn Thảo thì chết, thầy ơi!”. “Thế bây giờ thầy dạy các em tập bơi, biết cách cứu bạn khi bạn bị chết đuối, các em có học không?”. “Có ạ! Thầy dạy chúng em đi!”. Cả bọn nhao nhao. “Nhưng các em phải tuyệt đối bí mật, tuyệt đối làm theo sự chỉ dẫn của thầy, được không?”. “Được ạ. Thầy dạy chúng em nhé”.

Lũ trẻ giơ tay ngoắc vào nhau rồi cùng hô lên: “Ve”. Mấy đứa đang thập thò ở đằng xa thấy thế cũng chạy cả lại. Thầy Hoà dẫn lũ trẻ vào bóng mát gốc cây gần đó. Tất cả ngồi quây quần quanh thầy. Thầy Hoà ôn tồn: “Các em biết không, bơi lội là môn thể thao nghệ thuật đấy. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã biết bơi lội. Bơi lội để chinh phục sông nước, để chiến đấu với thuỷ quân của giặc. Trong lịch sử có nhiều trận thuỷ chiến oanh liệt mà phần thắng thuộc về bên có những tướng sĩ bơi lặn giỏi. Trận trên sông Bạch Đằng ta đánh quân Nguyên Mông chẳng hạn. Các em còn nhớ ông Yết Kiêu chứ? Ông như con cá kình giữa biển Đông lặn ngâm mình hàng giờ dưới nước để đục phá thuyền giặc, làm bao nhiêu tàu thuyền của chúng bị đắm đấy. Ngày nay, bơi lội là môn thể thao thi đấu trong các kỳ Olympic quốc tế, tại đại hội thể dục thể thao các cấp. Bơi lội giúp cơ thể con người phát triển toàn diện, cân đối, có ý chí dũng cảm, có thể lực khoẻ mạnh”.

Thầy Hoà nói khá nhiều về bơi lội. Lũ trẻ chăm chú lắng nghe. Những câu chuyện về bơi lội của thầy vừa gần gũi, vừa kích thích sự tò mò của chúng. “Thưa thầy! Thầy dạy chúng em tập bơi đi!”. Một đứa trong bọn đột ngột nhắc lại lời đề nghị. Dáng chừng cu cậu sốt ruột quá. Một là do thầy nói rất hay, chúng chỉ muốn nhảy ào xuống sông để làm chiến sĩ thuỷ binh dũng cảm như câu chuyện của thầy. Hai là do nóng quá, lâu ngày chúng không được bơi lội nên muốn tìm lại cảm giác thoả thuê ngâm mình trong dòng nước mát. Thầy Hoà ôn tồn: “Thì thầy đang dạy các em đấy thôi. Hôm nay, tạm thế đã. Chiều mai đông đủ, thầy hướng dẫn cụ thể cho các em từng động tác. Chỉ sợ các em không có sức mà học thôi”.

Buổi lên lớp đầu tiên không định trước của lớp bơi lội thầy Hoà diễn ra tự nhiên như thế. Hôm sau, lũ trẻ lại tập trung ở bãi cỏ đồi bạch đàn, bên cạnh hồ nước. Thầy Hoà nói: “Các em nhớ, muốn bơi lội không bị chuột rút phải làm tốt khâu khởi động. Chú ý, khi đang nóng, nhiều mồ hôi tuyệt đối không được lao mình xuống nước, rất dễ bị cảm, nhớ chưa?”. Tất cả quay đầu, xoay tay, vặn mình, đứng lên, ngồi xuống, đổi tư thế hàng chục lượt y như lớp học võ.

Sau phần khởi động, thầy Hoà bảo các em nằm bò ra trên cỏ để học các động tác cơ bản. Nằm sấp xuống. Chắp hai tay qua đầu, đan chéo thành mũi nhọn như thế này này. Thế. Chân này co lên trước. Chân kia đạp xuống. Thế. Được rồi. Nào. Nằm ngửa lên. Co đầu gối lại. Hít sâu vào. Thế. Rướn mình lên. Không phải thế. Thế này cơ. Đấy, được rồi. Cứ thế mà làm… Thầy Hoà chạy đi chạy lại đến bên từng đứa trẻ hướng dẫn, sửa từng động tác cho chúng. Bãi cỏ ven đồi bạch đàn nhấp nhô những cái đầu của những đứa trẻ học bơi. Từ xa nhìn lại ai không biết cứ ngỡ bộ đội đặc công đang tập đánh công đồn.

Sau ba hôm lăn lê, bò toài như thế, đến hôm thứ tư, chọn chỗ nước nông trong hồ, Hoà bắt đầu hướng dẫn từng em một tập bơi. Anh bế chúng trên tay, nhắc lại những động tác đã tập trên cạn mấy hôm trước. Các kiểu bơi ngửa, bơi ếch, bơi chó, bơi sải, lần lượt từng ngày sau Hoà hướng dẫn chúng. Lũ trẻ thành thục dần. Rồi chúng tự tin tha hồ vùng vẫy, thoả thích ngụp lặn. Chúng reo hò, đùa giỡn trên sóng nước.
Thấm thoát lớp bơi lội của thầy Hoà cũng đã được hơn tháng. Từ lúc chỉ có chục em buổi ban đầu, bây giờ có gần ba chục học sinh đủ các lứa tuổi. Trai có, gái có. Bơi thạo ở trong hồ, thầy trò kéo nhau ra sông. Cùng với thầy Hoà, các em lớn, bơi thạo kèm cặp các em nhỏ, chưa thạo. Nhiều người tò mò ra xem. Chiều nào cũng thế, đoạn sông qua thôn Cổ Cò ồn ào, sôi động lắm. Mỗi khi tiếng còi của thầy Hoà vang lên là cả đoạn sông nổi sóng, vùng vẫy. Mấy vị lão nông ngồi trên bờ vuốt chòm râu cười khà khà trước cảnh lớp học trên sông của thầy Hoà.

Chính nhờ lớp học bơi lội này mà vừa rồi diễn tập phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, rồi thì đại hội thể dục thể thao xã, thôn Cổ Cò đã giật giải nhất toàn xã, được chọn để tiếp tục tham gia diễn tập cứu hộ cứu nạn và đại hội thể dục thể thao của huyện. Đội ngũ cổ động viên là những phụ huynh học sinh, là toàn dân Cổ Cò hôm ấy có mặt đông đủ trên bờ để chứng kiến con em mình biểu diễn bơi, lặn trên sông. Tiếng reo hò dậy vang không dứt. Ông trưởng thôn Cổ Cò, ông chủ tịch xã mở mày mở mặt. Thầy Hoà tràn ngập niềm vui.

“Chìm đò rồi bà con ơi!”. Tiếng kêu cứu thất thanh ngoài bờ sông. Tiếng bước chân chạy thình thịch khắp các ngả đường. Người từ sông chạy về báo tin. Kẻ từ trong làng túa ra tìm cách cứu nạn. Ai đó xồng xộc chạy đến trường học. Tiếng kẻng báo động rộ lên. Thầy trò nhà trường ào ra như ong vỡ tổ. Theo lệnh thầy Hoà, số học sinh trong lớp bơi lội chạy vội theo thầy ra bến sông.
Quang cảnh náo loạn. Giữa sông mấy chục con người đang chới với, bì bõm. Kêu khóc. Gào thét. Trên bờ cũng khá đông người nhưng ai nấy đều lóng nga lóng ngóng. Chân tay ríu vào nhau chẳng biết làm gì. Đa phần là người không biết bơi. Số bơi được thì đã nhảy ùm xuống nước lao đi. Ăn thua gì, vài người thế kia cứu sao nổi mấy chục con người đang chết đuối? Mà sao thuyền bè hôm nay lại đi đâu hết cả không biết? Gương mặt ai nấy đều thất sắc, cuống cuồng.
“Các em. Bình tĩnh. Làm theo đúng cách thầy dạy nhé. Dũng cảm lên!”.  Đứa nào đứa nấy đều nhớ lời thầy dạy hôm trước. Đó là khi cứu người đuối nước, không được để họ quặp lấy mình. Thường thì người chết đuối khi vớ được cái gì thường bấu víu ngay lấy cái đó. Các cụ bảo “chết đuối vớ phải cọc” là thế. Chủ động không để họ ôm mình dìm xuống. Nếu gặp phụ nữ ôm dìm mình thì túm ngay chỗ kín của họ, tự khắc họ buông tay ra. Khi đó, ta sẽ nắm lấy cánh tay trái của họ bẻ ra sau lưng khoá lại, để người họ áp sát vào bên phải mình, cắp nách dìu đi là được.

Sau tiếng thầy Hoà, hơn chục em trong lớp để nguyên cả quần áo nhảy ào xuống sông. Lũ trẻ thao tác nhanh lắm. Hôm diễn tập phòng chống lụt bão cứu hộ cứu nạn, bọn chúng đã thực hành rồi nhưng hôm đó chỉ là những người chết đuối giả. Hôm nay, vào cuộc thật cũng lóng ngóng đôi chút. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy cả. Hơn nữa, có thầy Hoà bên cạnh nên chúng cũng tự tin rất nhiều. Những người trên bờ hồi hộp nín thở theo dõi. Đã có một số em tiếp cận được những cái đầu đang “giã gạo”. Thầy Hoà cũng túm được một người, cắp nách lôi vào bờ.

Cuộc vật lộn với thần chết trên sông diễn ra rất quyết liệt. Đa phần người bé dìu người lớn. Thầy Hoà nhanh chân nhanh tay, kỹ thuật điêu luyện nên đã vào ra ba lượt cứu được ba người. Một số em học sinh lớn cũng đã quay lại lần hai. Trên bờ, công tác cấp cứu, vác người xả nước, hà hơi thổi ngạt cũng ráo riết không kém. Gần tiếng đồng hồ sau, việc cứu hộ cứu nạn tạm ổn. Giờ đây mọi người mới thấy được hết ý nghĩa của việc tổ chức lớp dạy bơi của thầy Hoà./.

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương