Sân Trường Tiểu học Thạnh Phú 2 (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) vắng lặng vì học sinh còn kỳ nghỉ hè khá dài. Chỉ riêng mỗi 1 lớp học vẫn râm ran tiếng ê a đánh vần, ghép chữ, tiếng thước gõ nhịp của bà giáo già và những tràng pháo tay rộn rã khi cả lớp đồng thanh đọc ca dao, tục ngữ hay tập một bài hát mới. Những vị khách bước đến cửa, cả lớp im phắc, một cậu học trò đứng dậy, hô vang: “Cả lớp!”, liền sau đó các bạn trong lớp đứng lên: “Chúng con chào cô, chú!”.
Anh bạn đồng nghiệp rủ tôi hôm nào công tác huyện thì về ghé thăm lớp học tình thương của cô Lê Thị Bích Thuỷ (Ba Thuỷ), hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Chực nhớ cũng khá lâu không hỏi han tình hình mấy cô cậu học trò, tôi nhấc ngay điện thoại gọi cho cô. Giọng cô hồ hởi: “Tụi nhỏ mà hay tin các con về chơi sẽ vui lắm. Hôm nay cô đi khám bệnh, sức khoẻ dạo này cứ rề rà, nên cho lớp nghỉ một buổi. Chiều mai nhé, từ 13-16 giờ, các con đến lúc nào cũng được”.
Sân Trường Tiểu học Thạnh Phú 2 (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) vắng lặng vì học sinh còn kỳ nghỉ hè khá dài. Chỉ riêng mỗi 1 lớp học vẫn râm ran tiếng ê a đánh vần, ghép chữ, tiếng thước gõ nhịp của bà giáo già và những tràng pháo tay rộn rã khi cả lớp đồng thanh đọc ca dao, tục ngữ hay tập một bài hát mới. Những vị khách bước đến cửa, cả lớp im phắc, một cậu học trò đứng dậy, hô vang: “Cả lớp!”, liền sau đó các bạn trong lớp đứng lên: “Chúng con chào cô, chú!”.
Không chỉ dạy chữ, cô Ba Thuỷ còn rèn đạo đức, luyện nết người cho các em. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Còn nhớ lần đầu về thăm, khi ấy, lớp mới được cô Ba Thuỷ tạo lập khoảng 3 tháng (tháng 10/2013), mấy cô cậu học trò đủ độ tuổi, từ 7-14 tuổi, tất thảy là con gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có đứa sống lang thang, làm đủ thứ nghề: lượm phế liệu, bốc vác… Ăn mặc thì lấm lem, đầu tóc vàng hoe cháy nắng, không có nổi đôi dép lành. Cách ăn nói của tụi nhỏ cũng cộc lốc, ngồi trong lớp cứ nghiêng bên này, ngó bên nọ, có lúc chạy từ bàn trên xuống bàn dưới chọc ghẹo bạn, nhốn nháo cả lên.
Vậy mà nay, các em biết khoanh tay dạ thưa, cúi đầu chào lễ phép, ngồi yên ắng, tập trung nghe theo lời giảng. Bây giờ đi học, có em đã được mặc áo trắng học trò, tóc tai gọn gàng, có cặp, có ba lô đựng tập, sách… còn có cả xe đạp đi. Và người mang đến nhiều thay đổi ấy, chính là cô Ba Thuỷ, cô không chỉ yêu thương, mang đến cho các em con chữ, mà còn rèn đạo đức, luyện nết người từng ngày cho các em.
Ra hiệu im lặng, cô Ba Thuỷ cười hiền: “Hôm nay lớp vắng một số em do gia đình xin phép nghỉ, chứ mọi hôm có từ 24-28 đứa theo học. Thương lắm, trời mưa, trời nắng gì tụi nhỏ cũng gắng đến học. Cô dạy suốt hè, vì học sinh của trường này được nghỉ, dễ mượn lớp, cũng không sợ làm phiền nhà trường”.
Cũng bởi chỉ là lớp học tình thương do cô tự lập để dạy trẻ lang thang, nghèo, khó khăn nên không có phòng học cố định mà phải học nhờ. Khi còn trong năm học chính thức, cô mượn tạm phòng mỹ thuật của nhà trường để dạy, mà phải dạy vào buổi trưa từ thứ Hai đến thứ Sáu để không làm ảnh hưởng đến lớp học chính quy.
Kể từ khi tạo lập đến nay đã gần 3 năm, dù có nhiều thay đổi, nhưng lớp học “đặc biệt” này vẫn giữ nguyên: không đồng phục, không quy định thời gian học cụ thể, không thời khoá biểu lên lớp, và chỉ duy nhất 1 cô giáo đứng lớp dạy cho hết thảy 4 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 4 trong cùng một lớp học. Cách gọi thân thương của các lứa học trò dành cho cô giáo vẫn là “Bà cô Ba Thuỷ”.
Lật giở từng trang bài viết, Nguyễn Trung Hiếu (11 tuổi, học lớp 3), khoe: “Con sắp được bà cô cho lên lớp 4. Học ở đây, bà cô thương tụi con, bà cô dạy chữ, dạy hát, còn dạy tụi con đọc số đếm bằng tiếng Anh”. Năm tôi đến thăm đã gặp cậu bé này, khi đó, Hiếu thuộc nhóm mới, đi học cùng chị và có mẹ đợi đưa rước. Vì gia cảnh nghèo khó, mẹ làm thuê, cha làm hồ, không lo nổi cùng lúc 2 đứa con theo học trường chính quy, nên cho cả 2 nghỉ học, nhưng cô Thuỷ kiên quyết cho theo học lớp cô để cô nuôi con chữ.
“Nay coi như tâm huyết cô được đáp đền, chị thằng Hiếu học được lắm, năm học rồi cô xin cho vào học lớp 7, Trường THCS Võ Trường Toản, miễn giảm các chi phí, năm học tới đã lên được lớp 8. Còn Hiếu, cô ráng kèm cho cháu khá hơn, để xin chuyển qua học chính quy”, cô Ba Thuỷ tâm tình.
Ðiều đáng mừng hơn nữa là mẹ Hiếu, chị Phan Kim Thuỷ, đưa con đi học suốt gần 3 năm, cũng là khoảng thời gian chị được “ngồi trên ghế nhà trường”. Biết chị không biết chữ, ham học mà ngại lớn tuổi, cô Ba Thuỷ khuyên hết lời, chị vào học luôn cùng con, từ học ghép vần, luyện chữ, nay chị đã chính thức vào lớp 1 ở cái tuổi hơn tứ tuần.
Cô bé người nhỏ nhắn, mắt đăm đăm nhìn vào trang tập, lẩm nhẩm đọc, chợt quay sang thấy tôi, rụt rè: “Con chào cô!”. Trò chuyện với em, tôi mới hiểu, em gắng học để mẹ an lòng, để sau này được học nghề may, kiếm được nhiều tiền lo cho cha và ông bà nội. Em tên là Trịnh Thiện Anh, 10 tuổi, đang theo học lớp 2. Mẹ Thiện Anh mới mất hơn 1 tuần do bệnh nặng, em rất buồn, nhưng không dám bỏ nhiều buổi học, dù mưa hay nắng, em vẫn một mình chạy xe đến lớp để được học chữ. Thiện Anh đọc lưu loát, rành mạch, giọng trong trẻo cả một bài thơ.
Cô Ba Thuỷ cho biết, Thiện Anh rất sáng dạ, nhanh nhớ, nhưng vì trước đây mẹ Thiện Anh lỡ bước cùng cha em, mới về đây chắp mối với người cha “ngang hông” hiện giờ, nên em không có khai sinh, không thuộc hộ khẩu địa phương, cô Ba Thuỷ đang xin ý kiến UBND xã, bằng mọi cách giúp đỡ em được học trường điểm.
Ở lớp học này, hồi trước có Nguyễn Văn Ngàn (14 tuổi), chịu học, nhưng phải “ra trường” vì nhà quá đông anh em, “nhường chỗ” cho 3 đứa em hiện đang theo học lớp cô Thuỷ. Theo lời cô, ông nội Ngàn mới mất, lúc đó do sức khoẻ cô Ba Thủy yếu, cô cho tụi nhỏ nghỉ vài hôm nên không hay tình cảnh gia đình, đến cái hòm chôn cất ông cũng không có nổi. Mãi đến hôm đi học lại, cô khuyên 3 đứa em Ngàn tiếp tục theo học, để cô xin gạo, quần áo hỗ trợ gia đình, còn Ngàn là anh lớn, phải nghỉ, ai thuê gì làm nấy để lo cho cả đám anh em nheo nhóc.
Bé Diễm My, 9 tuổi, đang nắn nót từng nét chữ. Cả 3 chị em My đều được cô Ba Thuỷ dạy chữ, nên người. |
Mỗi một thành viên trong lớp học là mỗi một hoàn cảnh đáng thương, chỉ có tình yêu thương, tâm huyết gắn bó với lớp như cô Ba Thuỷ mới có thể hiểu hết tâm can bọn trẻ.
Ðã ngoài 60 tuổi, mái tóc pha nhiều sợi bạc, căn bệnh cường giáp cứ khiến sức khoẻ cô không ổn định, vậy mà cô vẫn quyết bám lớp thêm nhiều năm nữa. Nhiều lúc hiệu trưởng trường này nói thôi cô nghỉ hè đi cho khoẻ rồi nhập học dạy tiếp, hay đừng nhận mấy cháu 6 tuổi, cứ để nhập trường này theo học luôn. Cô lắc đầu, sợ bỏ tụi nhỏ 1 ngày, tụi nhỏ đi tứ tán, rồi lang thang lượm ve chai, lỡ dại dột sa vào những thứ không hay… rồi cơm đâu ăn, áo đâu mặc, mấy đứa nghèo thì tiền đâu mà nhập học trường điểm, với lại sức học làm sao theo kịp chương trình đổi mới.
Vậy là còn sức, cô Ba Thủy cứ ráng, vừa lo dạy chữ, dạy nết người, vừa làm công tác khuyến học, đi vận động gạo, áo quần, xe đạp, tập, sách… Có lúc cô bỏ tiền túi cho học trò từ Phường 8 đi xe buýt vào đây học (5.000 đồng/lượt). Hơn thế, cô còn đạp xe đến tận nhà những đứa trò xa không điều kiện đến lớp ở ngoài ấp Sở Tại để nuôi chữ, hiện cô dạy 4 em.
Tiếng lành đồn xa, những năm qua, nhiều nhà hảo tâm đã tiếp sức cô Ba Thuỷ lo cho các em điều kiện học hành. Em Trần Văn Minh (11 tuổi, lớp 3) chia sẻ: “Ði học, bà cô cho cặp, tập, sách. Bạn nào học giỏi, bà cô thưởng bánh, kẹo, gạo… Lễ, Tết còn có rất nhiều anh chị, cô chú đến thăm, tụi con mang ơn lắm”.
Giờ đây sự giúp đỡ ngày thêm nhiều, cô Ba Thủy “tích luỹ” vào “kho”, khi biết được trò nào gặp khó, thiếu thốn thứ gì, hoặc học thành tích tốt, cô mang quà ra động viên, khuyến khích các em theo học để nên người. Ðiều mong mỏi lớn nhất của người giáo già đơn giản chỉ là các trò có được cái chữ để vào đời, đừng để thua thiệt trong cuộc sống, phải biết phân định đúng, sai, để không lầm đường lạc bước.
Ðáp tặng tình cảm của những vị khách đến thăm, cả lớp đọc một loạt bài ca dao, tục ngữ và những bài hát dưới sự bắt nhịp của bà cô Ba Thuỷ. Rời lớp, lòng tôi vẫn dâng trào một niềm cảm xúc trước cái lễ phép cúi chào và nhắn gởi cô, chú lại về thăm. Có thể khi ai đó gặp các em ở chốn bụi đường, họ sẽ nghĩ các em là những đứa trẻ vô học, không ít lời miệt thị, nhưng với những người đã từng đến thăm lớp học, gặp gỡ, trò chuyện cùng các em sẽ hiểu các em vẫn là những “trang giấy trắng”, cần tình thương, sự cảm thông để hình thành nhân cách sống và vững bước giữa cuộc đời./.
Bút ký của Băng Thanh