(CMO) Sau hơn nửa tháng trời biển động, mấy ngày nay, ngư dân hành nghề khai thác ruốc các ấp ven biển xã Khánh Hải, Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) mới được ra khơi đánh bắt. Bước sang đầu giờ chiều, nắng trên đầu vẫn như thiêu như đốt, ven biển Ðá Bạc các ghe vẫn miệt mài đánh bắt, riêng số lượng ghe te ruốc cũng phải vài chục chiếc, trên bờ dọc theo tuyến đê biển Tây, gánh phụ nữ, con gái, thanh niên tất bật với khâu khuân vác, phơi ruốc.
Nhờ có con ruốc mà cuộc sống ngư dân ven biển đỡ phần khổ cực. Với sản lượng cả trăm tấn mỗi năm, ruốc đã đem về nguồn thu không nhỏ. Mặt hàng ruốc khô có mặt ở nhiều tỉnh, thành, ngay cả TP Hồ Chí Minh, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Như lời bà Ngô Thị Xuân (ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải) bộc bạch: “Ngư dân khai thác ruốc phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nắng còn đỡ chớ mưa thì khó đủ bề”.
Dọc theo tuyến đê biển Tây, khung cảnh phơi ruốc làm sôi động cuộc sống người dân xứ biển. |
Với mong muốn tương lai sẽ giúp ngư dân ven biển giải quyết được “bài toán” khó này, nhất là nâng cao giá trị ruốc biển quê hương. Anh Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông Thịnh Phát mạnh dạn đưa sản phẩm mắm ruốc xào của một số ngư dân trong HTX tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm nay.
Là người khởi xướng cho việc biến ruốc tươi thành các mặt hàng chế biến đa dạng như mắm ruốc chao, mắm ruốc xào, nước mắm ruốc, chị Ðặng Thị Thuý (ấp Kênh Mới, xã Khánh Hải) đang kỳ vọng khi tham gia Chương trình OCOP sẽ giúp đưa sản phẩm đi xa hơn.
Trò chuyện về nghề chế biến các mặt hàng từ biển ở quê hương như ruốc, cá cơm, cá lù đù, chị Thuý tâm sự, nghề này là nghề cha mẹ chị để lại. Nhưng hồi lúc cha mẹ chị còn kinh doanh thì chỉ sản xuất 2 mặt hàng là mắm ruốc mặn, ba khía muối. Khi nối nghề từ gia đình, chị Thuý quyết định đa dạng nhiều sản phẩm và phát triển mạnh khoảng 2 năm nay. Chị Thuý cho biết, chị vừa nâng cấp cơ sở sản xuất, chia thành 3 khu: sản xuất, chế biến và trưng bày.
Nói về chuyện sản xuất mặt hàng mắm ruốc xào, chị Thúy bộc bạch: “Thấy những lúc trời mưa, ruốc không phơi được, không bán được cho ai, mình nghĩ nên đem ruốc chế biến thành các mặt hàng cung cấp cho người tiêu dùng. Mắm ruốc xào thật ra cũng không xa lạ với người tiêu dùng, chẳng qua ở địa phương trực tiếp làm nhiều thì chưa có. Thấy vậy, mình nghiên cứu cách làm để cho ra sản phẩm mắm ruốc xào mang hương vị đặc trưng riêng của quê mình”.
Vốn có tay nghề từ nhỏ, cuối cùng sản phẩm mắm ruốc xào do chị Thuý sản xuất cũng thành công, được người tiêu dùng ưa chuộng. Với các mặt hàng từ ruốc, mắm chua cá cơm, mắm chua cá lù đù, bình quân mỗi tháng, cơ sở chị Thuý tiêu thụ vài trăm ký các loại. Ngoài bán lẻ, chị Thuý còn bỏ mối cho các tiểu thương ở huyện Cái Nước, Ðầm Dơi, TP Cà Mau, huyện nhà.
Chị Ðặng Thị Thuý giới thiệu sản phẩm mắm ruốc xào với khách hàng. |
Anh Khiêm cho biết thêm: “Hiện nay, chỉ còn hoàn tất thủ tục chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và làm nhãn hiệu cho các cơ sở sản xuất là có thể tham gia đánh giá theo chương trình. Hy vọng đây sẽ cơ hội để đặc sản xứ biển nâng cao giá trị. Hướng tới, ngoài mặt hàng mắm ruốc xào, HTX sẽ đưa mặt hàng cá cơm tham gia vào chương trình này. Vì vùng biển Khánh Bình Tây, Khánh Hải, ngoài ruốc còn có mặt hàng cá cơm nhiều vô số. Nếu mình chế biến cá cơm tươi thành các mặt hàng khác, tham gia Chương trình OCOP sẽ giúp sản phẩm tiêu thụ mạnh hơn, nâng cao giá trị, tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương”.
“Tất cả chỉ là khởi đầu” như lời anh Khiêm khẳng định, nhưng tin rằng với ý chí của người dìu dắt HTX trẻ, sự cần cù của ngư dân xứ biển, sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, dù có bao lâu đi nữa, nhất định ngày nào đó, không chỉ mặt hàng ruốc biển mà sẽ có nhiều sản phẩm khác vùng biển được gọi tên. Rồi, mùa ruốc sẽ mãi là hy vọng, niềm tin, động lực của ngư dân xứ biển./.
Ngọc Minh