(CMO) Những năm gần đây, mô hình nuôi sò thương phẩm trong vuông tôm đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nuôi. Tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, mô hình này ngày càng được nhân rộng. Tuy nhiên, hiện nay bà con nuôi sò huyết gặp khó khi vuông nuôi liên tục xuất hiện rong.
Ông Lê Hoàng Nguyên, ấp Chống Mỹ A, xã Hàm Rồng, nuôi sò huyết trong vuông tôm đã 4 năm nay. Cũng giống như hầu hết những hộ nuôi sò huyết trong vuông tôm khác trên địa bàn, vuông nuôi sò của ông Nguyên cũng sinh rong quanh năm.
Ông Nguyên cho biết: “Năm đầu tiên vuông nuôi không có rong, sang đến năm thứ 2 thì bắt đầu xuất hiện rong. Tôi thấy đa số vuông nuôi sò hiện nay cũng có rong làm cho bà con nuôi sò vất vả hơn trước”.
Theo bà con nuôi sò, tình trạng rong phát triển trong vuông nuôi sẽ làm sò chậm lớn, tỷ lệ hao hụt cao hơn bình thường. |
Ðể xử lý rong trong vuông nuôi, hầu hết người dân đều dùng các biện pháp thủ công như lội vớt hay đặt chà rồi chạy xuồng máy trong vuông tôm để quét rong. Ông Nguyên cho biết: "Vì sò thả nuôi thời gian dài, khi đến thu hoạch cũng không phải bắt một lần là hết nên người nuôi không dám sử dụng các loại thuốc diệt rong trong quá trình nuôi, chủ yếu là đi vớt rong bằng tay. Như nhà tôi, cứ cách 6, 7 ngày là phải lội vớt rong. Nếu không vớt, rong sẽ phát triển dày đặc vuông, sò bị hao và chậm lớn”.
Gia đình ông Phạm Bé Thạnh, ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, có hơn 1 ha đất sản xuất. Ba năm qua ông Thạnh phát triển mô hình dèo sò giống và kết hợp nuôi sò huyết thương phẩm trong vuông tôm. Theo ông Thạnh tính toán, sò huyết thương phẩm có thể mang lại lợi nhuận gấp 2, 3 lần nếu đạt, tỷ lệ lỗ vốn là khá thấp. Hiện nay, mô hình nuôi sò huyết thương phẩm trong vuông tôm vẫn được gia đình ông duy trì, tuy nhiên cái khó là vuông nuôi cũng xuất hiện rong liên tục.
“Năm đầu tiên thả sò, trong vuông nuôi không có rong, sò phát triển nhanh, đạt hiệu quả. Tuy nhiên, sang năm thứ hai đến nay thì vuông nuôi xuất hiện các loại rong như rong đuôi chồn, rong mềm... Nhiều nhất có lẽ là năm nay, rong dày đặc trong vuông làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả nuôi sò. Rong dày đặc làm sò không thể xuống mặt đất lấy thức ăn, cản trở oxy nên sò giống thả xuống hao hụt khá cao, bên cạnh đó là sò chậm lớn so với môi trường bình thường”, ông Thạnh cho hay.
Ðể xử lý tình trạng rong phát triển, ông Thạnh cũng đã dùng qua nhiều cách, từ thủ công đến các loại thuốc. Ông Thạnh cho biết thêm: “Tôi đợi thu hoạch hết vụ sò để sử dụng các loại thuốc chuyên diệt rong. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc rong chết một thời gian ngắn, khi thả nuôi sò tiếp tục thì vuông nuôi lại sinh rong. Rất mong ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân để có giải pháp giúp bà con nuôi sò huyết”.
Xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn là một trong những địa phương có mô hình nuôi sò huyết thương phẩm phát triển. Ðể tạo nguồn sò giống, tự cung ứng con giống chất lượng cho gia đình và bà con nuôi sò thương phẩm ở địa phương, nhiều hộ dân ở xã Hàm Rồng đã tự dèo sò giống. Ông Lê Ngọc Giàu, Phó chủ tịch UBND xã Hàm Rồng, cho biết: “Mô hình nuôi sò huyết đã phát triển trên địa bàn xã khoảng 7 năm qua. Hầu hết bà con có vuông nuôi tôm đều kết hợp thả nuôi thêm sò huyết. Thực tế cho thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhiều hộ khá, giàu một phần từ sò huyết. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng rong trong vuông nuôi sò xuất hiện nhiều, gây khó cho bà con. Chúng tôi chỉ dựa trên những kinh nghiệm, đánh giá ban đầu chứ chưa có tìm ra nguyên nhân. Bà con chưa có biện pháp khắc phục triệt để ngoài việc dùng biện pháp thủ công là vớt thường xuyên để giảm bớt rong, tạo điều kiện cho sò phát triển”./.
An Kỳ