ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-10-24 21:08:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ rừng

Báo Cà Mau (CMO) Tôi là dân xứ rừng U Minh Hạ, ruộng lúa, cá đồng, nhờ thoát ly theo kháng chiến mà biết rừng đước Năm Căn và kênh Ông Ðơn vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh kết thúc ngày 30/4/1975.

Minh hoạ: MT

Kinh Ông Ðơn thời chiến là ranh giới hai huyện, phía bên đồng ruộng thuộc xã Thanh Tùng, huyện Ngọc Hiển (mật danh Tư Kháng), lưa thưa nhà, có nhà cán bộ như gia đình anh Bảy Ân, công tác Tuyên huấn trên “R”... Phía bên rừng, thuộc xã Tân Hưng, huyện Duyên Hải rộng lớn thời chiến... Ðáng nhớ, bên đồng ruộng phía trên đã giúp nhiều anh chị em các cơ quan Khu, tỉnh và chúng tôi (học viên Trường Thông tấn Báo chí miền Tây Nam Bộ hồi năm 1972) từ căn cứ trong rừng đước sâu hút bên kia Kinh 17, chèo xuồng lên đây cải hoạt, hái rau muống “còi” về chế biến món xào mực tươi (thức đêm đi chài) cho những bữa cơm ngon lắm! Phía bên rừng, vài căn nhà sàn cất sát bìa, cặp làn kênh Ông Ðơn, nước lớn, chỉ cần tấp xuồng vào là bước lên nhà.

Năm 1974, trong một chuyến đi giao bài cho Nhà in Trần Ngọc Hy sắp chữ chì in báo Cà Mau, tình cờ tôi gặp anh Ba Sánh, tức Nhà thơ Nguyễn Bá, xuống tận đây. Sau khi làm việc, trao đổi với anh Út Ða phụ trách nhà in (chắc là in tập thơ), anh Nguyễn Bá rủ tôi cùng anh đi chơi một vòng trong khu rừng đước kênh Ông Ðơn này. Hai anh em xuống chiếc xuồng be tám, tôi đứng sau lái, anh Nguyễn Bá đứng trước mũi xuồng, mỗi người cầm một cây chèo đước bơi và chỏi khi qua mấy góc cua quẹo, đi theo con rạch Xẽo Nhỏ vòng quanh trong rừng đước nguyên sinh, bạt ngàn... Rừng đước Năm Căn thời chiến đã đi vào thơ Tố Hữu:

“Ðước đã mọc thành rừng gỗ cứng

Gió càng lay càng vững thành đồng...”

Thời chiến tranh, nhiều cánh rừng tràm, rừng đước luôn bị máy bay Mỹ phun chất độc hoá học hòng huỷ diệt màu xanh của sự sống, nhưng cánh rừng đước kênh Ông Ðơn vẫn đứng thẳng, ken dày, kín đáo. Những năm chiến tranh diễn ra ác liệt, máy bay Mỹ cũng không dễ phát hiện dấu của ta, đúng nghĩa “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”...

Anh Nguyễn Bá năm ấy 36 tuổi, khoẻ khoắn, nhanh nhẹn, nói chuyện sôi nổi. Vừa cầm cây chèo bơi và chỏi anh vừa nói chuyện vui mà có thật, nghe hay lạ... Anh nói: "Ở đây xứ rừng đước nước mặn quanh năm, xứ con gái “đái ra lửa”... Xứ không có bông hoa mà con gái lại rất đẹp!".

Thời chiến, cảnh sống thực tế ở nhà sàn, ban đêm hễ mặt nước bị văng chao động, thì ngay lập tức vô số ánh lao xao chớp sáng liên hồi như đom đóm... người ta liên tưởng câu ở xứ nước mặn “con gái đái ra lửa” là như vậy!

Tôi còn nhớ, con muỗi xứ rừng tràm và rừng đước khác nhau. Con muỗi rừng tràm đốt thật đau, đập nó no tròn cục máu đỏ tươi. Còn con muỗi rừng đước đốt ngứa, đập nó cục máu nhạt hơn nhưng vết đốt nổi mẩn và ngứa lâu lắm!

Anh Nguyễn Bá gọi tôi ghé lại khu nhà sàn khá rộng, bên trái, anh bước lên thăm anh em tổ dược của khu Tây Nam Bộ... Tôi vừa quen biết anh Út Phú và chị Năm Phước phụ trách tổ dược Cà Mau ở bờ sông Giáp Nước, giờ đi chơi với anh Nguyễn Bá tôi được biết tổ dược của Khu trong cánh rừng này. Tổ dược chuyên bào chế thuốc chữa bệnh sốt rét, các bệnh thông thường, trong đó có rượu thời khí chữa đau bụng, trúng thực thật cần thiết và rượu bổ hà thủ ô, rượu ngũ gia bì - uống nhiều thành “ngủ li bì”... Lên đây, chỉ có một nam nhân viên cơ quan ở nhà, các anh chị khác bận việc, đi vắng... Anh Nguyễn Bá bước dài ra tham quan, bên hông nhà sàn là một dãy bồn chứa nước mưa hàng chục khối...; thiết kế bồn phổ biến sườn bằng thân cây đước, ken khít lại, lót dừng lá chằm dưới đáy và vòng thành, tô một lớp bùn rồi trải vuốt vải nhựa ni-lông, cây chồng giáp mí sâu lên nhau, bảo đảm giữ kín hơi, chứa nước không bị rò rỉ... Nhiều cơ quan và hộ gia đình đã biết xây bồn chứa nước mưa hiệu quả như vậy suốt thời chiến tranh... Anh Nguyễn Bá dừng lại, nhìn con rái cá màu đen mốc to như con mèo bị nhốt, nó la chí choé trong lồng... Nam nhân viên ở đây kể lại, cặp rái cá ban đêm lên nhà sàn lục kiếm thức ăn, bị anh em ta gài bẫy bắt được một con. Cũng như chim cuốc, con rái cá lẻ bạn la sáng đêm. Con rái này đi lục tìm con mất, bị rơi xuống bồn nước mưa... Anh em bắt rọng nó đó... Anh Nguyễn Bá nhìn mặt con rái cá đang kêu chí choé lớn tiếng, mắt lộ tròn, mũi gãy, rồi cười cười mà nói: "Nhìn mặt con rái tôi nhớ một người!".

Lúc nghe anh Nguyễn Bá nói, tôi không để ý. Sau này nhớ lại, tôi suy nghĩ, nghiệm ra, mường tượng được gương mặt người có sống mũi gãy và biết chắc anh Nguyễn Bá muốn nói ai rồi! Cũng vui nhỉ?

Rời tổ dược của Khu, anh em tôi xuống xuồng đi tiếp. Dưới bóng râm mát trong khu rừng đước, theo con rạch Xẽo Nhỏ lượn quanh, đi vài trăm mét, ghé lên căn nhà của chú Út Triều, một người nổi tiếng ở Cà Mau và Khu Tây Nam Bộ... Chú Út Triều, bút danh Mạc Văn Chi, dáng gầy ốm, nước da ngăm dày dạn sương gió, phong trần. Bên bình trà, tiếp anh Nguyễn Bá và tôi, chú Út ngồi nói chuyện chậm rãi... Chú kể về những đề tài kháng chiến, với những dự định viết bài nghe thật say mê... Chú nói hoài vẫn không hết chuyện... Lớp trẻ chúng tôi ngày ấy học tập nhiều kiến thức và kinh nghiệm của thế hệ đi trước như chú Út Triều... Nhà thơ Nguyễn Bá từng viết câu in trong bìa 3 một tập thơ của anh: “Cảm ơn các anh Mạc Văn Chi, Tam Nghị, những người bạn, người thầy đã luôn dắt dìu nhau từ những ngày đầu chập chững...”. Tôi được biết, chú Út Triều là người viết Lời hiệu triệu Ðồng Khởi, mở màn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Cà Mau ngày 15/3/1960... Trước khi biết chú Út tại nhà riêng trong khu rừng đước này, năm 1972 chuyến đi học ở phía cánh rừng sâu bên kia Kinh 17, tôi chép được bài tuỳ bút “Tâm sự cây cọc tràm” của tác giả bút danh ấn tượng Mạc Văn Chi. Và tôi còn có may mắn nữa, đó là khi chuẩn bị lên đường về tỉnh Bạc Liêu được thành lập lại giữa cuối năm 1973, cô Út Cẩm ở Nhà in Trần Ngọc Hy đã giao tôi mấy chục tờ báo của cô lưu trữ... Ðáng mừng, trong đó, hai tờ báo Giải phóng miền Tây Nam Bộ có đăng hai bài ký “Ðêm Trà Sết” và “Khói đen”, cuối đông 1963, viết về chuyện ở Trà Vinh của Mạc Văn Chi, thành tư liệu quý, giá trị về văn hoá tinh thần không gì sánh được vốn chỉ có ở xứ rừng đước thân yêu này!

Ðó là lần đầu tiên tôi được biết chú Út Triều trong khu rừng đước kênh Ông Ðơn và sau giải phóng 30/4/1975, tôi với anh em có lần lên Cần Thơ đi tìm thăm chú Út Triều một lần nữa trong chung cư, lầu 1 cũ kỹ vào năm 1976...

Từ giã chú Út Triều, anh Nguyễn Bá gợi ý tôi cùng anh đi chơi một điểm nữa... Hai anh em ra kênh Ông Ðơn, đi ngược trở lại trên đường về một đỗi, ghé lên một gian nhà sàn cặp bìa rừng. Dường như anh Nguyễn Bá đi tìm thăm nhân vật chính của một câu chuyện mà anh được nghe... Anh chủ nhà ở đây cũng là người từng công tác một ngành của Khu Tây Nam Bộ, châm bình trà, ngồi lại tiếp khách... Anh Nguyễn Bá hỏi và muốn nghe anh chủ nhà kể chuyện... Anh chủ nhà quê Trà Vinh, trong một gia đình có 2-3 anh em ruột bị lính bảo an giặc chung địa bàn sát hại, bị chúng mổ bụng moi gan lấy mật... Khỏi nói ai cũng biết nỗi đau đớn tột cùng, căm tức dồn nén không chịu nổi và chính anh đã nuôi chí phục thù, kiên quyết cầm súng đánh giặc, trả thù cho mấy anh em của anh... Anh kể, nhìn đôi mắt anh như bốc lửa... Và phải công nhận, anh chủ nhà quê Trà Vinh gan góc cùng mình!

***

Chuyến công tác xuống rừng đước anh gặp Nguyễn Bá và được anh rủ đi chơi với anh một vòng ấy, khi trở về, tôi rời Nhà in Trần Ngọc Hy lúc chiều tối, chèo xuồng đi ban đêm cho mát. Ra kênh Ông Ðơn nước ròng sát, qua ngang một nhà sàn cặp bìa rừng, nghe có tiếng mấy người đàn ông nói chuyện lớn... Tôi đoán chắc mấy ông này đang nhậu nên mới lớn tiếng như vậy... Tôi giả bộ kêu hỏi thăm đường về đập Thanh Tùng... Một ông chắc biết tôi phá mấy ổng, mèn ơi, như được nước, ổng réo chửi tôi một trận... Tôi vừa chèo, vừa bật cười vang một mình trong đêm tối cho đến khi qua khỏi bìa rừng kênh Ông Ðơn...

Về tới Xóm Dừa, cách bờ sông Bảy Háp một đỗi, khoảng 22 giờ đêm. Tôi ghé hậu cứ Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau, cặp xuồng vào bến, xách đồ lên, giăng mùng nghỉ... Sáng sớm, chị Dương Thị Bích Phương (Chín Phương) thức dậy, vừa nhịp tay, chân tập thể dục rung rinh sàn nhà lớn Hội trường, vừa luyện phát thanh phát ra tiếng “róc róc” như gà lôi...

Qua sông Bảy Háp ban ngày

Một thời kháng chiến... nơi này ai quên?

Ðó là chuyến qua sông Bảy Háp vào lúc sáng, một mình chèo chiếc xuồng be tám đi giữa ban ngày ban mặt, mà trước đó không lâu phải đi vào lúc chạng vạng và năm trước còn phải chờ anh em giao liên tỉnh bám đường, đồng loạt qua sông... Tôi nhìn lên hướng đồn Bà Lái, chỉ thấy một màu xám bạc mái tôn thiếc “ấp chiến lược” - cái màu từng được Nhà thơ Nguyễn Bá miêu tả: “Mái tôn màu trắng cứt cò...”. Chuyến qua sông Bảy Háp sáng nay, tôi nhìn thật rõ những mái nhà san sát ở Bà Lái... Từ vàm Cây Mắm chèo qua sông, xuồng tôi lọt vô vàm kênh Năm Long, đi dài vô kênh Hoạ Ðồ, tới ngã tư Kinh Lớn đi vào, kéo đập Ông Phụng, qua ngã ba Rạch Dượt, ngang vách kênh Công Nghiệp, qua cánh đồng Ông Khâm, ra mênh mông trảng ráng, kênh Bác Vật Bửu, đi thẳng qua - chun Cống Ðá lộ xe, chống xuồng đi trên kênh Chống Mỹ thời chiến chỉ 4-5 m bề ngang, hai bên bờ kênh lô nhô từng khóm sậy, đế, trâm bầu, chuối xiêm cằn cỗi, đồng ruộng sắp lớp gốc rạ mùa khô, cỏ úa, nhuộm màu phèn... Tôi về tới cơ quan đóng phía trong doi mương trên bờ sông Giáp Nước.

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ - gần 48 năm. Cuộc sống thời bình, với bao nỗi nhớ nhung kỷ niệm một thời về rừng đước nguyên sinh, bạt ngàn mà ngày nay cảnh cũ chỉ còn trong ký ức, tôi vẫn trông xa vời nơi ấy mà cất lên hai tiếng: Nhớ rừng!

 

Cái Nước, cuối năm 2022

 

Nguyễn Minh

 

Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc - Chính sách có, khó khâu nào?

Ðào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) để thoát nghèo, cải thiện toàn diện cuộc sống gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là chủ trương, chính sách ưu việt, nhân văn của Ðảng, Nhà nước, được triển khai thực hiện bằng nhiều nguồn lực, đa dạng các hình thức hỗ trợ.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc” - Bài cuối: Ðúng quy định, sát thực tiễn

Công tác cán bộ là công việc hệ trọng của Ðảng ta, nhưng cũng là khâu khó, cần phải được tiến hành đúng mục đích, yêu cầu, nguyên tắc; trong tổ chức thực hiện đảm bảo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch. Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, khẳng định: “Ðối tượng, chức danh bố trí trong điều động, luân chuyển tại Cà Mau đảm bảo đúng Quy định số 65-QÐ/TW”.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc” - Bài 2: Khoá đào tạo đặc biệt

Quy định của Ðảng về thời gian luân chuyển, điều động cán bộ từ 3 năm trở lên. Ðây được coi là khoá đào tạo cán bộ đặc biệt, là môi trường “luyện vàng, giũa ngọc”, để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, ngang tầm với nhiệm vụ được giao phó. Bởi khi tiếp cận thực tiễn, sâu sát với đời sống Nhân dân, mỗi cán bộ sẽ tích luỹ, bồi tụ cho bản thân rất nhiều điều bổ ích; những bài học kinh nghiệm thiết thân, quý giá. Từ đó mang lại những giá trị cống hiến thực chất, thực sự cho Ðảng, cho Nhân dân.

Ðiều động, luân chuyển cán bộ - “Luyện vàng, giũa ngọc”

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, trọng yếu, thường xuyên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó, xây dựng Ðảng về tổ chức, đặc biệt là công tác cán bộ, được Ðảng ta xác định là vấn đề “then chốt của then chốt”.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.