Tánh Mười Dũng (Cao Thanh Dũng) ít nói, hễ nói được là ông làm được. Từng là bộ đội diệt tàu trong đội hình Ðoàn 962, sau đó là cán bộ lãnh đạo xã Hàng Vịnh, Mười Dũng về làm doanh nghiệp với tâm niệm, mình có điều kiện mới giúp được mọi người, giúp được quê hương. Ông lui về làm kinh tế cũng vì một nỗi niềm khác, để những cán bộ trẻ, có trình độ, có năng lực hơn tiếp tục gánh vác trọng trách mà Ðảng, Nhân dân giao phó.
Tánh Mười Dũng (Cao Thanh Dũng) ít nói, hễ nói được là ông làm được. Từng là bộ đội diệt tàu trong đội hình Ðoàn 962, sau đó là cán bộ lãnh đạo xã Hàng Vịnh, Mười Dũng về làm doanh nghiệp với tâm niệm, mình có điều kiện mới giúp được mọi người, giúp được quê hương. Ông lui về làm kinh tế cũng vì một nỗi niềm khác, để những cán bộ trẻ, có trình độ, có năng lực hơn tiếp tục gánh vác trọng trách mà Ðảng, Nhân dân giao phó. Ông chia sẻ về mình một cách đại khái nhưng cũng rất đầy đủ: “Ở xứ này sống dễ lắm, chỉ có điều làm giàu mới khó. Tôi muốn mọi người nhìn nhận khác hơn, mình phải như đước, như mắm vươn lên từ sình lầy để làm giàu, đẹp quê hương”.
Xin đi đánh giặc
Vùng Ngọc Hiển - Năm Căn là cái nôi cách mạng, trở thành biểu tượng truyền thống bất tử của Cà Mau. Mười Dũng lớn lên trên đất Viên An, chứng kiến tội ác của giặc, những đoàn tàu chiến cứ lù lù trên sông sẵn sàng bắn giết đồng bào, bộ đội. Ông vẫn nhớ rõ cảm nhận tuổi mới lớn của mình: “Không biết sao, cứ thấy tàu giặc là trong lòng sôi sục căm tức. Nhất là nhìn những vạt đước trước nhà bị bắn tan nát, cây gãy, cây bị đứt nửa thân, mình càng muốn đi chiến đấu”.
Rồi Mười Dũng tham gia du kích ấp, ông kể lại những điều mà anh em đánh giá về mình: “Ai cũng kêu tôi là “du kích nhí”. Du kích Viên An hầu hết là bà con thân tộc, ai nhìn thấy Mười Dũng cũng kêu về móc cua, bắt ốc len để phụ giúp gia đình, “vô đây chi cho cực”".
Ông Mười Dũng bên chiếc xe hơi giá trị mới mua, là phương tiện để đi giao dịch làm ăn. |
Ðen nhẻm, đầu cháy nắng, Mười Dũng quyết theo đội du kích luồn rừng, bám sông để tìm diệt giặc. Mười Dũng cũng biết ở nhà: “Ba má, anh em nheo nhóc cũng vì giặc giã mà ở tuốt trong ruột rừng, bắt vọp, cua, ốc để đổi gạo từng bữa. Có những đận kẹt quá thì ăn cua đỡ đói”.
Những ngày gian khổ, anh em du kích Viên An càng cảm phục hơn cái anh “du kích nhí” bền gan, vững chí là gan góc cùng mình. Mọi nhiệm vụ Mười Dũng đều giơ tay đi đầu, tổ chức hỏi lý do thì lúc nào cũng một câu đanh gọn: “Mục đích của tôi vô đây là đi đánh giặc”. Giữa rừng đước già Viên An, nhiều lần Mười Dũng ngồi trầm lặng bên Ðền thờ của Bác. Ðó cũng là thời điểm chàng “du kích nhí” trở thành người lính săn tàu của Ðoàn 962.
Con sông Cửa Lớn oằn mình vì những toán tàu giặc. Bà con vùng Năm Căn - Ngọc Hiển mỗi lần thấy tàu chạy là cảm giác như lòng có lửa đốt. Mười Dũng cùng anh em bám từng cụm đước, mắm, khóm dừa nước ven sông để săn tàu giặc. Thế trận diễn ra quyết liệt, người đi săn tàu thường xác định có đi mà khó trở về.
Ông Mười Dũng kể: “Mấy năm bình định, giặc với ta tranh chấp từng tấc đất ở bờ sông, từng cụm cây rừng. Bộ đội cắm cờ trên mé, giặc bắn phá với hoả lực kinh hoàng chỉ vì một lá cờ nhỏ xíu”.
Có lần, đội hình do Mười Dũng làm tổ trưởng và hai đồng chí tổ chức cắm cờ nhử giặc, đoàn tàu giặc tới nổ súng cầm chừng mà không dám đổ quân. Mười Dũng nhớ như in: “Anh em ém sát mặt đất, nó bắn rát rạt. Bên cạnh là khẩu B40, súng AK trang bị cá nhân, tới lúc tụi giặc tấp lại gần, tôi hô bắn. Hoả lực của ta đồng loạt, tụi giặc lùi tàu chạy mất tăm, mất tích”.
Rồi một lần đánh tàu bằng tiểu pháo, giặc điều 10 chiếc “hạm đội nhỏ trên sông” kèm trực thăng yểm trợ. Ðội hình săn tàu bị băm nát, anh em bộ đội hy sinh nhiều. Mười Dũng cũng dính 3 miếng miểng đạn, nhưng có nỗi đau nào đau hơn khi chứng kiến đồng đội, đồng chí, những người con của quê hương Viên An nằm xuống. Mười Dũng nằm ở gốc đước, máu chảy chan hoà vào lòng đất mẹ, khấn nguyện đồng đội ngã xuống và biến nỗi đau thành sức mạnh vô biên để tiếp tục chiến đấu.
“Hoà bình rồi! Hoà bình rồi!”, đó là lời của biết bao triệu con người Việt Nam trong mùa Xuân chiến thắng. Mười Dũng trở lại Viên An, cùng đoàn quân rước Ðền thờ Bác về Cà Mau mừng ngày toàn thắng. Chỉ tiếc một điều, sau năm tháng chiến tranh, rừng đước Cà Mau trở nên xơ xác. Những người trở về như Mười Dũng cũng đâu còn lành lặn, ông được công nhận là thương binh 4/4. Bám rừng, bám sông đánh giặc, không được học hành, Mười Dũng bắt đầu cuộc sống hoà bình bằng những nỗi niềm thật sự khó diễn tả, ông tự hỏi: “Hết giặc rồi, hết tàu Mỹ rồi, mình còn có thể làm gì?”.
Nghị lực của người lính
Mấy năm sau, xứ Năm Căn - Ngọc Hiển lại xanh lên màu đước mới. Mười Dũng lấy vợ và rời Viên An lên đồng Ong Nghệ, Năm Căn để lập nghiệp. Những giọt mồ hôi đổ xuống chặt cây, đào đất, nuôi heo để nuôi gia đình 4 đứa con nhỏ. Mười Dũng bộc bạch: “Ðào đất ở nhà, rồi đào đất mướn, tay chai có cục, được cái là đồng vợ, đồng chồng rồi cực mấy cũng qua”. Mới tạm ổn thì vợ chồng ông nghĩ: “Ở đồng không mông quạnh này, tương lai con cái sẽ học hành ra sao. Mình dốt đã đành…”. Mười Dũng lại bỏ hết để về Hàng Vịnh. Anh em thương hoàn cảnh, lại quý tánh ăn, nết ở của ông nên mời tham gia công tác ấp.
Một thời gian, tổ chức “biểu” Mười Dũng đi học. Ông cười buồn: “Tôi về đây là mai mốt cho con đi học, còn tôi “già đầu” rồi, học hành nỗi gì”. Anh em nói : “Mai mốt là chuyện của mai mốt, còn lính đánh tàu như ông mà nói chuyện bàn lùi, nghe kỳ cục quá”. Tự ái kèm theo tánh ham học, Mười Dũng gật đầu. Vợ ở nhà sạc bình, bán tiệm tạp hoá, nuôi heo tằn tiện nuôi con. Ông đi học miết, rồi từ từ giữ vị trí Phó Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh. Anh em đồng đội xưa gặp lại hay chọc là: “Bây giờ hết còn du kích nhí nữa hả Mười?”.
Nhiều đêm ngẫm nghĩ, ông Mười Dũng lại tiếp tục đưa ra quyết định: “Mình học hành từng khúc, trách nhiệm quản lý ngày càng lớn, nhiều anh em trẻ khác xứng đáng hơn”, vậy là về nghỉ. Vợ chồng ở nhà đã có được miếng đất kha khá do dành dụm, chạy đôn đáo khắp nơi vay mượn mới mua được. Ông Mười Dũng bắt đầu thả tôm, thời đó, con tôm giống phải ngược lên mạn Gành Hào mới có. Ai ngờ, thả đâu trúng đó, con tôm làm thay đổi cuộc sống cơ cực của gia đình. Có tiếng mát tay, làm đâu trúng đó, ông mạnh dạn mở thêm nhà máy cưa gỗ, vật liệu xây dựng và hiện tại là “chủ thầu” của những công trình có quy mô lớn.
Chú Ðinh Ngọc Doanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hàng Vịnh, cho biết: “Mười Dũng ăn ở có trước, có sau. Cơ ngơi của Mười Dũng giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập ổn định. Ðóng góp của Mười Dũng cho công tác từ thiện - xã hội lên tới hàng trăm triệu đồng chứ không vừa”.
Cái quý hơn ở người lính săn tàu năm xưa đó là nghĩa tình tròn vẹn. ông Mười Dũng nói được là làm được, ai khó khăn đều tận lòng trợ giúp. Hỏi ông bí quyết để vượt qua tất cả những khó khăn để có cơ ngơi mà ai cũng mong ước, ông tâm sự: “Ðất này giặc rải chất độc hoá học, bắn phá bình địa, vậy mà đước, mắm, dừa nước có chết đâu. Mình cũng là con của đất này, phải dựa vào đất này để đi lên chớ”!./.
Bút ký của Phạm Nguyên