(CMO) Đi du lịch, học thêm, tham gia các lớp năng khiếu… là những hoạt động trong dịp hè của nhiều trẻ em thành thị. Với trẻ em nghèo, nhất là tại vùng nông thôn, vùng sâu, điều đó thật xa xỉ. Hè đến đồng nghĩa với việc trẻ phải mưu sinh giúp gia đình. Mùa hè này vẫn còn không ít trẻ em phải bươn chải với đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống hiện tại và xa hơn là theo đuổi giấc mơ con chữ.
Bài 2: Những đứa trẻ đi “bán” mùa hè
Nằm sâu trong con đường dài hun hút dẫn đến xóm nghèo tại Khóm 1, thị trấn Năm Căn là ngôi nhà nhỏ tềnh toàng của gia đình em Đặng Minh Tý. Chỉ mới 13 tuổi đầu, nhưng những ngày hè em phải “làm thêm” như bán vé số, hay phụ bán nước đá.
Nhọc nhằn mưu sinh
Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông anh em nên cả anh hai là Đặng Dương Linh, 15 tuổi và em út Đặng Minh Tý, 13 tuổi phải tranh thủ kiếm thêm tiền để phụ giúp gia đình.
Hè về, em Đặng Minh Tý thường phụ bán tại tiệm tạp hóa để có tiền phụ mẹ. |
Chị Nguyễn Gia Ánh, mẹ Tý, ngậm ngùi: “Vì gia đình nghèo lại thiếu nợ nên buộc lòng tôi phải cho các con đi bán vé số, làm thêm khi tuổi còn quá nhỏ. Nhiều khi xót lắm, nhưng nghèo quá biết làm sao”.
Trung bình mỗi ngày Tý, Linh lãnh bán tầm 100 tờ vé số, nếu bán hết thì chi phí kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Những buổi không bán vé số, Tý phụ bán nước đá thì kiếm được 20.000 đồng.
Tý tự nấu cơm và dọn dẹp khi mẹ vắng nhà |
Gặp em tại tiệm tạp hóa Ngọc Mai, Khóm 1, thị trấn Năm Căn, nơi em thường làm thêm mới chứng kiến nỗi cơ cực của một đứa trẻ mới lớn phải lao động vất vả. Ít ai ngờ rằng Tý cũng có một ước mơ thật cháy bỏng: “Con muốn có tiền để được đi học và phụ giúp cha mẹ. Con ráng học, lớn lên làm kỹ sư nuôi cha mẹ”.
Tuy chỉ mới 14 tuổi nhưng em Trần Thị Thanh Hoa đã có “6 năm thâm niên” bươn chải mua gánh bán bưng tại các quán nhậu, vỉa hè.
Cha mất sớm, mẹ bỏ đi nên 3 chị em Hoa sớm mồ côi nên phải nương tựa người cô tại Khóm 7, Phường 7, TP. Cà Mau. Để phụ giúp cô cũng như trang trải cho năm học sắp đến, cả 3 chị em đều phải đi bán rong mỗi tối.
Cứ tầm 16 giờ là cả 3 chị em lại xúng xính chuẩn bị hàng nào là gọt trái cây, luộc trứng cút, đậu phộng để đem đi bán. Giờ đi là thế nhưng khi được hỏi giờ nào về, các em không trả lời được.
Hoa chia sẻ: “Bán xong giờ nào tụi con về giờ nấy, có khi cũng 1-2 giờ khuya, về nhà chỉ muốn ngủ ngay thôi chứ mệt lắm”.
Chuẩn bị vô năm học mới với biết bao nhiêu thứ tiền phải lo. Ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, các em phải tính toán, vun vén sao cho trọn vẹn bởi chi tiêu cơm áo gạo tiền ngày càng đắt đỏ.
Đừng để con ra đời quá sớm
Trưa đúng ngọ, dưới cái nóng khắc nghiệt, ấy vậy mà 2 anh em Lê Tấn Đạt và Lê Phương Duy, ngụ khóm Sa phô, thị trấn Năm Căn vẫn cuốc bộ cả chục cây số để nhặt nhạnh các thứ vứt đi.
Hằng ngày, hai anh em Duy và Đạt phải lội bộ cả chục cây số để nhặt ve chai kiếm tiền. |
Cậu bé gầy gò, đen nhẻm, quần cộc quảy bao nilon to đùng len lỏi vào từng bụi rậm, con kinh, bãi rác, vùng lầy để nhặt ve chai. Do “hành nghề” đã lâu nên Đạt đã thạo nghề, đôi chân rảo bước thật nhanh nhưng chỉ cần liếc sơ qua, “báu vật” ở đâu em cũng thấy tuốt.
Nhìn gương mặt ngây thơ, non nớt của các em thật đáng yêu nhưng ám ảnh người đối diện bởi sự khắc khổ, lam lũ mà các em phải gánh chịu. Đôi bàn chân nhỏ xíu đã sớm chai sần vì vất vả mưu sinh khắp các nẻo đường.
Mỗi ngày, tờ mờ sáng, sau khi cơm nước xong, 2 anh em phải cuốc bộ cả chục cây số để đi “mót mủ”. Niềm vui của em thật đơn giản: “Bữa nào lượm được nhiều là con vui rồi”, Đạt hớn hở.
Lấy nhau trong cái nghèo, nên dù đã có 3 mặt con nhưng chị Lê Thị Phương, mẹ em Đạt, sau bao năm miệt mài làm lụng vẫn trắng tay. Hiện căn nhà ven sông đang sống cũng là ở đậu.
Chị Phương bùi ngùi: “Nhà tạm bợ nên chưa bao giờ tôi ngủ được yên giấc. Nhất là mùa mưa bão, mắt lúc nào cũng con nhắm con mở canh nhà sập để còn ôm con chạy”.
Ngó xuống sàn “chòi” có chiếc xe đạp gãy vụn từ thuở nào, chị Phương rầu rầu: “Nhà có cái xe đạp người ta cho sắp nhỏ đi học, vậy mà hư mấy năm nay không có tiền mua lại nên tụi nó phải lội bộ mấy cây số”.
Rồi khi đề cập đến chuyện học hành, em Đạt lại khẽ cúi đầu, giọng đủ 2 người nghe: “Con muốn được đi học. Cha mẹ lo cho con được học tới lớp nào thì con học lớp đó”.
Vất vả là thế, nhưng có ai biết được do phải “chạm” đời quá sớm trong khi tuổi đời quá nhỏ nên trẻ thường phải đối mặt với vô vàng nguy hiểm rình rập bất cứ lúc nào. Chuyện bị giật vé số, hay “ma cũ” bắt nạt “ma mới” luôn là câu chuyện mà bất cứ đứa trẻ nào vào đời sớm đều gặp phải...
Sống trong môi trường khắc nghiệt, mỗi đứa trẻ phải học cách sinh tồn khi bắt buộc phải tỏ ra lì lợm, chửi thề không tiếc lời. Nguy hiểm nhất là đối với những đứa trẻ như Đạt, Duy, trong lúc “hành nghề” không ít lần các em giẫm phải đinh, kim tiêm đã qua sử dụng.
Trăn trở là thế, nhưng khi bước vào năm học mới, các em sẽ đến trường với bao niềm hy vọng. Những chiếc cặp sách, quần áo mới, hay chiếc bút chì cỏn con mà em có được đều dựa vào chính công sức lao động của mình trong những ngày hè mà tạo nên, nó trân quý biết bao…
Ông Lê Văn Sin, Phó chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, cho biết: “Để ngăn chặn tình trạng trẻ em lao động sớm, UBND thị trấn Năm Căn cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân thực hiện và chấp hành tốt Luật lao động cũng như công tác bảo vệ trẻ em. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát để kịp thời can thiệp, trợ giúp, phát hiện trường hợp trẻ em lao động sớm, lao động nặng nhọc. Bà Trương Thị Nhiên, cán bộ phòng LĐ-TB&XH thị trấn Năm Căn, chia sẻ: “Việc trẻ phải lao động sớm khiến trẻ dễ bị tổn thương và gặp phải những rủi ro. Mặt khác, việc học cũng ảnh hưởng rất lớn, trẻ phải nghỉ học giữa chừng hoặc theo ba mẹ đi lao động nhiều nơi nên việc học bị gián đoạn dẫn đến nguy cơ bỏ học rất cao” |
Bài 3: Rối rắm ngày hè của trẻ
Phóng sự của Ngô Yến Nhi