ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-4-25 16:07:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nơi nghèo nhất U Minh

Báo Cà Mau (CMO) Nhiều người chắc sẽ nhíu mày khi đụng phải cái tít có chữ nghèo lại gắn với U Minh. Dư âm năm nào của vùng rốn nghèo, trũng nghèo, túi nghèo của người dân ở xứ U Minh hình như vẫn còn đeo bám. Nhưng không, Khánh Thuận hiện nay đúng là còn tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện U Minh với hơn 7%, nhưng đã là một vùng đất của đổi thay và hy vọng.

Nghèo nhất ở U Minh mà được như Khánh Thuận thì có lẽ là một thành tựu đầy khích lệ, một khởi đầu cho chặng đường vươn lên của địa phương có xuất phát điểm vô cùng khó khăn.

Kỷ niệm khánh thuận

Lần đi công tác xa đầu tiên khi vào làm phóng viên báo Cà Mau năm 2010 của tôi là về Khánh Thuận. Đường đi khó, muốn qua UBND xã phải vượt qua một con sông lú nhú bông súng đầu mùa, cá chốt dập dờn, trên một cây cầu xây theo thiết kế hiện đại nhưng vật liệu bằng cây tràm. Được chia tách từ xã Khánh Hoà năm 2009, Khánh Thuận là một trong những xã khó khăn nhất của U Minh với phần lớn dân cư 15 ấp len lỏi sống trong lâm phần rừng tràm. Cũng lần ấy, tôi có thêm một kỷ niệm nghề nghiệp cười ra nước mắt.

Hôm đó, người dân Khánh Thuận tập trung đông trước sân UBND xã chờ nhận quà. Nhiều người mệt quá, ngồi bệt đại xuống nền sân. Các đoàn từ thiện bắt đầu phát quà, tôi hăng hái chụp ảnh. Tự dưng có một anh tướng tá dữ dằn mặc sắc phục công an xã khều tôi vô, nói có công chuyện. Tôi ngồi hồi lâu, thắc mắc: "Sao mấy anh không cho em ra ngoài chụp ảnh?". Tới đây thì anh công an gằn giọng: "Tôi không biết anh là ai, có xin phép ai chưa mà chụp ảnh, chụp ảnh nhằm mục đích gì?". Tới đây thì rõ rồi. Tôi ngạc nhiên, hụt hẫng, nhưng cũng đủ lí nhí đáp lại: "Em là phóng viên báo Đảng của tỉnh, tháp tùng theo đoàn của lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh, hổng tin mấy anh xác minh giùm". Vậy là được tác nghiệp. Còn nhớ ông anh Thạch Thanh (đã qua đời, khi ấy còn là phóng viên báo Ảnh Đất Mũi) chụp hình đủ kiểu đứng, ngồi, nằm, chồm hổm mà mình thì cầm cái máy cùi bắp thòm thèm.

Thật có duyên. Sau đó một năm là chương trình chi đoàn phát quà và tổ chức Trung thu cho một trường học trên địa bàn xã Khánh Thuận. Đầu mối là ông anh công tác tại trường đó, quà thì chi đoàn chỉ vận động tự lực, chủ yếu là hăng hái và tấm lòng tuổi trẻ. Chẳng hiểu sao, tới giờ chót, thầy hiệu trưởng nhà trường có vẻ dùng dằn, từ chối cho anh em chi đoàn thực hiện chương trình.

Khi đó đoàn đi có 5, 6 anh em, cả nam và nữ, chưa biết tính sao thì kéo nhau đi ăn cơm tiệm. Nhớ cái tiệm, mà đúng hơn là nhà dân nhỏ xíu, nằm trong mấy liếp chuối um tùm, cứ bước ra là vắt đeo dính chân. Tối đó, trong khi chờ đợi tình hình có gì chuyển biến không, anh em được gởi lại ngủ tại một tiệm tạp hoá có cái bàn bi da và mấy cái võng. Thế là đãi muỗi rừng U Minh một bữa quá trời thịnh soạn.

Anh Lâm Văn On, Ấp 18, Khánh Thuận quyết định bỏ nghề đi làm công nhân xa xứ về phụ cha là ông Lâm Văn Nhỏ chăm sóc rừng, trồng rẫy, màu phát triển kinh tế gia đình.

Trước khi có con đường nhựa đi ven mé sông chợ U Minh (tức sông Cái Tàu) nối liền trung tâm xã Khánh Thuận, thì chỉ có một con lộ từ huyện đi về Ấp 13, vòng về Ấp 16, tới cầu chữ Y thì xuyên qua con lộ chút xíu, toàn rừng rú và dớn choại. Nói chung, mỗi lần đi công tác Khánh Thuận thì ngán phải biết.

Lần đầu tiên theo con đường mới, ô-tô chạy bon bon về Khánh Thuận là tháp tùng theo gia đình Nhà báo Ngô Minh Toàn (Phó tổng biên tập báo Cà Mau) về trao tặng quà cho hộ nghèo cách đây mấy năm. Khi đó, Phó chủ tịch UBND xã Trần Công Mười đã thổ lộ: “Dù còn khó khăn, nhưng đời sống người dân Khánh Thuận giờ đã đổi thay nhiều lắm”.

Khánh Thuận hôm nay

Mang niềm tin ấy, chúng tôi lại về thăm Khánh Thuận. Anh Mười tiếp chúng tôi và không quên giải thích: “Lâu nay, Khánh Lâm thường là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, còn bây giờ Khánh Thuận ở vị trí này”. Theo lời anh Mười, đi đâu mà nghe người ta xì xào là xã nghèo nhất cũng buồn lắm, thế nhưng so lại với trước đây, Khánh Thuận bây giờ đã có nhiều thành quả đáng khích lệ. Xoá nghèo, giảm nghèo, chống tái nghèo, giúp dân cư vươn lên khá giàu là công việc gian nan, không thể nói xong là xong, nhất là ở địa phương có xuất phát điểm thấp này.

Khánh Thuận là hình mẫu của mô hình lâm - nông nghiệp kết hợp. Cây tràm đóng vai trò chủ đạo, còn lại là các sản vật dưới tán rừng tràm, cây lúa hầu như không có đóng góp nhiều. Cán bộ nông nghiệp xã Huỳnh Thị Xiếu cho biết: “Mô hình rừng - rẫy - cá đồng cho thấy hiệu quả thực sự và bền vững”. Theo cán bộ này, nếu người dân có vài héc-ta đất trong tay (mà thường ở mức 10 ha theo chủ trương giao khoán đất rừng trước đây) thì làm giàu không khó. Tôi cười hỏi lại: “Làm giàu không khó vậy thì làm cái gì mới khó?”. Thế là một phép liệt kê bày ra: Rừng tràm 5 năm khai thác, cá đồng tới mùa thu hoạch, rồi chuối quanh năm, rẫy rau màu quanh năm, chăn nuôi quanh năm, nở rộ thêm các vườn cây ăn trái có múi như cam, quýt, bưởi…, vậy thì có giàu được không? Nói chung là thuyết phục.

Anh Dương Văn Tôn, Ấp 16, xã Khánh Thuận nhờ chăn nuôi mà thoát nghèo dù nhà không có đất sản xuất. Ảnh: Quốc Rin

Anh Lâm Văn On, 34 tuổi, Ấp 18, xã Khánh Thuận, có thâm niên đi làm ở Bình Dương hơn 10 năm, tâm sự: “Ba tôi thấy đi mần cực quá, nhà có 10 ha đất mà không có người phụ. Với lại bây giờ mở ra làm rẫy, nuôi cá, trồng rừng nên thu nhập đỡ lắm”.

Ít ai tưởng tượng ra một cơ ngơi đàng hoàng như gia đình ông Lâm Văn Nhỏ (cha anh On) chỉ mới được gầy dựng cách đây chưa lâu. 2 năm trước, ông Nhỏ thuộc gia đình hộ nghèo. Tại sao nghèo, ông Nhỏ cũng không lý giải được. Bởi rừng thì chưa khai thác (hoặc khai thác thì năng suất và thu về sau chuyện “ăn chia” cũng ít ỏi), đất đai rộng nhưng bỏ liều, không chia bờ, kê liếp, đào kênh. Không trồng lúa nên suốt ngày chạy cái ăn. Vậy là nghèo.

Rồi rừng tới lứa khai thác. Ông Nhỏ có ít vốn xẻ bờ, kê liếp trồng chuối, đu đủ, dưới kênh nuôi cá. Phần đất thành thuộc nhất ông cất nhà lưới trồng rẫy màu. Chỉ qua một mùa, ông đem nộp lại sổ hộ nghèo cho ấp rồi khẳng khái nói: “Tôi sắp tới là hết nghèo rồi nghen”.

Trưởng Ấp 18 Lê Văn Chinh (Hai Chinh) hồi nhớ: “Tôi và một số hộ thuộc lớp người đầu tiên về đây nhận đất, hơn 20 năm rồi”. Cái thời không có đường phải ruồng sậy, ruồng ráng, dớn mà đi. Cái thời cất chòi ở trên những mô đất cao thoi loi mà ở. Đêm đốt đèn cóc, không nước ngọt mùa hạn. Đất đai chưa trồng trọt được gì, rừng thì mới tái sinh. Hầu hết người dân phải luộc chuối ăn cầm cự qua những mùa giáp hạt.

Có ai tin đâu, cách đây vài năm, Ấp 18 có 167 hộ thì có gần 100 hộ nghèo, cận nghèo. Còn hiện tại, cả ấp chỉ còn 6 hộ nghèo. Tôi thắc mắc: “Giảm nhanh dữ vậy chú Hai?”. Ông cười: “Mấy đứa hổng tin theo chú hỏi thăm ông này”. Vậy rồi chú Phạm Văn Mãi, vừa thoát nghèo năm 2018, nhất trí: “Anh Hai nói trúng. Dân mình mới đỡ cực mấy năm trở lại đây thôi. Mà nói cho cùng là biết cách làm ăn, có thu nhập thì cái nghèo đâu còn tồn tại được”. Tôi nói thêm: “Sao trước đây bà con mình không mần như bây giờ để thoát nghèo sớm hơn?”. Chú Hai Chinh trầm ngâm: “Cũng muốn lắm, nhưng mà khó đủ bề. Cái chính là người dân chưa tin, chưa bung sức. Chú nói thiệt, ở xứ này mai mốt về ai cũng thèm cho coi”.

Đó là chuyện của những người có đất. Còn như anh Dương Văn Tôn, Ấp 16, nộp lại sổ hộ nghèo năm 2019 dù không có cục đất chọi chim. Anh và vợ cất nhà trên phần đất nhờ. Tay trắng, vợ bệnh, con cái nheo nhóc, tưởng rằng nghèo suốt kiếp. Anh Tôn bộc bạch: “Người ta có đất thì tính toán dễ, mình chỉ có nghề mần mướn, mà không lẽ mần mướn suốt đời. Rồi vợ con ra sao…”.

Vậy là thanh niên Dương Văn Tôn làm một thí nghiệm nhỏ: Đem gà trống nòi rặt đổ mái gà mẹ Bình Định. Kết quả không ngờ, gà đẻ sai, con bự, rồi nuôi đem bán thịt. Chưa hết, anh Tôn còn nuôi thêm cút, vịt, heo để tăng thu nhập. Quay qua quay lại, cả Ấp 16 đồn anh là “trùm” chăn nuôi, cũng lúc ấy, anh bình thản đi nộp lại sổ hộ nghèo cho ấp.

Nghe anh Mười thông tin, mấy ngày nữa Khánh Thuận tổ chức đại hội. Nhiệm kỳ tới, xoá nghèo vẫn là một trong những nhiệm vụ mà địa phương xác định là hệ trọng. Không lẽ mang hoài cái danh xã nghèo nhất của U Minh. Nhưng với chúng tôi, “xứ tràm cởi bỏ tiếng oan” từ lâu lắm rồi. Còn Khánh Thuận, mai mốt ai có về đây, sẽ tiếc đứt ruột với cảm giác, kho báu giờ mới tới kỳ khai quật./.

Ghi chép của Phạm Quốc Rin

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hướng tới chính quyền số toàn diện - Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Nếu chuyển đổi số (CÐS) trong thủ tục hành chính (TTHC) là bước đột phá giúp cắt giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, thì xây dựng chính quyền thông minh lại mang tầm vóc lớn hơn. Ðó không chỉ là việc đưa công nghệ vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà còn là một cuộc chuyển đổi toàn diện về tư duy điều hành, phương thức hoạt động và tinh thần phục vụ. Không còn cảnh văn phòng hành chính đầy ắp hồ sơ, giấy tờ, chính quyền số hôm nay đang định hình một mô hình làm việc mới: liên thông, minh bạch, gần gũi và lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm.

Hướng tới chính quyền số toàn diện

Hai năm liền (2023-2024), Cà Mau dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðể có được thành tựu này, tỉnh không chỉ đơn giản hoá thủ tục mà còn đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ. Hệ thống một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sự hài lòng trong dân.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài cuối: Biển - Dòng chảy phồn vinh

Ðịa bàn biên giới biển toàn vùng Tây Nam trải dài hơn 700 km, chiếm 1/5 tổng chiều dài bờ biển của cả nước, không chỉ là tuyến phòng thủ chiến lược mà còn là nguồn sống của hàng triệu ngư dân. Với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 3: Hồi sinh Ba Chúc

Cách nay 50 năm, trong khi các địa phương trong cả nước đang bắt tay kiến thiết quê hương sau đại thắng mùa Xuân 1975 thì Nhân dân Ba Chúc lại mang thêm trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm, với nền tảng ban đầu: đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương. Trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.