Trong những ngày này, bà con nông dân TP Cà Mau đang tập trung trồng trên 460 ha rau màu phục vụ thị trường Tết. Xã Lý Văn Lâm là địa bàn có số hộ trồng rau nhiều nhất.
Trong những ngày này, bà con nông dân TP Cà Mau đang tập trung trồng trên 460 ha rau màu phục vụ thị trường Tết. Xã Lý Văn Lâm là địa bàn có số hộ trồng rau nhiều nhất.
Mùa rau màu Tết năm nay, bà con tập trung trồng cải bẹ xanh, rau muống, khổ qua, hành, hẹ, bầu, bí và dưa... Chỉ còn khoảng tháng nữa là đến Tết, thời điểm này hầu hết các loại rau màu phát triển khá tốt. Theo phản ánh của người trồng, thời tiết năm nay khá thuận lợi, những đám mưa trái mùa vừa qua đã giúp người trồng rau tích trữ thêm được nguồn nước phục vụ tưới rau. Thêm vào đó, giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng bình ổn nên bà con nông dân yên tâm, phấn khởi mở rộng diện tích canh tác.
Nông dân TP Cà Mau mở rộng diện tích trồng màu phục vụ thị trường Tết. |
Nét mới trong vụ rau màu Tết năm nay là các hộ dân được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn phương pháp trồng sử dụng màng phủ sinh học và nhà lưới. Phương pháp này tiết kiệm đáng kể khâu tưới nước và hạn chế sâu bệnh gây hại, rau không có dư lượng của thuốc trừ sâu và chất bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư kết hợp với Sở Khoa học - Công nghệ lắp đặt và đưa vào sử dụng dây chuyền sơ chế rau an toàn. Dây chuyền có công suất 800 kg/giờ tại xã Lý Văn Lâm, góp phần đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Kỹ sư Phan Hoàng Minh, nhân viên Phòng Kinh tế TP Cà Mau, thông tin: "Hiện nay bà con nông dân đang tiếp tục làm đất để xuống giống. Vừa qua, Phòng Kinh tế thành phố đã mở lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rau màu theo hướng an toàn, nhằm góp phần giúp sản xuất đạt năng suất, chất lượng”.
Hiện giá các loại rau đều có xu hướng ổn định, khuyến khích người trồng rau mở rộng diện tích. Bình quân mỗi công rau thu lời từ 5-10 triệu đồng, nếu so với trồng lúa thì lợi nhuận từ mô hình này là khá cao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, đa phần rau phải bán tự do nên giá cả phụ thuộc vào thị trường. Mặt khác, do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc áp dụng quy trình VietGAP chưa rộng rãi, mới dừng lại ở các mô hình vì nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm của VietGAP còn hạn chế.
Thêm vào đó, áp dụng quy trình VietGAP, người sản xuất phải đầu tư rất tốn kém, tuân thủ các quy định ngặt nghèo, trong khi sản xuất thông thường vẫn tiêu thụ được sản phẩm một cách dễ dàng nên người nông dân chưa mặn mà với tiêu chuẩn VietGAP. Hơn nữa, trình độ sản xuất, tay nghề của nông dân còn hạn chế nên khi tiếp cận với quy trình sản xuất mới còn lúng túng…
Để nông sản của người dân có đầu ra ổn định, thiết nghĩ, thời gian tới cần có sự đầu tư thoả đáng, giúp nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học vào quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp một cách thực sự hiệu quả./.
Bài và ảnh: Ninh Hải