(CMO) Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đặt ra mục tiêu nâng cao thu nhập, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, tăng chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Thực tế triển khai thời gian qua ở huyện Phú Tân cho thấy, chương trình mang lại hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ tập quán lạc hậu sang kinh tế thị trường, tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn...
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện Phú Tân trong việc xây dựng thương hiệu đặc trưng của địa phương, đến nay, một số địa phương đã hoàn thành việc đăng ký. Trong đó, các sản phẩm gồm: cá khô khoai, ruốc khô Cái Ðôi Vàm; ruốc khô và cá ngát Tân Hải; sò huyết Việt Thắng, Rạch Chèo; cá mú xã Nguyễn Việt Khái; chả cá phi ở Tân Hưng Tây, Phú Mỹ, Phú Thuận.
Ruốc khô là sản phẩm OCOP xã Tân Hải. |
Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ khi bắt tay thực hiện, nhưng đến nay, chương trình OCOP ở huyện Phú Tân đã vào "guồng”, tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Xã Việt Thắng chọn sò huyết thương phẩm là sản phẩm OCOP. Ðến nay, toàn xã có gần 100 hộ dân nuôi sò huyết kết hợp tôm, cua cho thu nhập khá, tập trung nhiều ở các ấp Má Tám, Kiến Vàng B, So Ðũa và Bào Chấu. Nhiều hộ lợi nhuận mỗi năm từ 100-150 triệu đồng.
Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Mai Hằng, ấp Má Tám, mỗi năm lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng từ nuôi sò huyết. Ông Hằng chia sẻ: “Từ khi sò huyết thương phẩm được chọn là sản phẩm OCOP, tôi rất vui vì sản phẩm mình làm ra sẽ có thương hiệu, giá cả đầu ra ổn định hơn”.
Hộ ông Nguyễn Mai Hằng, ấp Má Tám, xã Việt Thắng mỗi năm lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng. |
Xã Tân Hưng Tây chọn sản phẩm chả cá phi. HTX Hưng Hiệp Tiến ở ấp Hưng Hiệp được thành lập và hoạt động hiệu quả, có 22 xã viên tham gia. Mỗi xã viên có thu nhập từ 3-5 triệu đồng mỗi tháng.
Giám đốc HTX Hưng Hiệp Tiến Ðỗ Thành Nghĩ cho biết: “Chả cá phi được chọn là sản phẩm OCOP giúp HTX quảng bá được thương hiệu cũng như mở rộng thị trường, đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho xã viên”.
Hợp tác xã Hưng Hiệp Tiến, ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây giúp mỗi xã viên có thu nhập từ 3 -5 triệu đồng/tháng. |
Chương trình OCOP giúp sản xuất phát triển, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng NTM. Trong Chương trình OCOP, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhìn lại thời gian thực hiện Chương trình OCOP ở huyện Phú Tân cho thấy, khi thực hiện chương trình, các địa phương tập trung vào tiềm năng, thế mạnh của mình, các mô hình, sản phẩm mang lại hiệu quả cao, giúp người dân tự tin, phấn khởi. Như vậy, OCOP không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn./.
Anh Phan