Thời gian qua, nhiều hộ ương cua giống trên địa bàn huyện Ngọc Hiển tập trung cải tiến, nâng cao kỹ thuật, đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất nhằm tạo ra con giống sạch bệnh, khoẻ mạnh cung cấp cho thị trường. Nhờ đó, con giống được người nuôi tin cậy, lựa chọn; không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh trong khu vực.
Dọc theo tuyến lộ ấp Kinh Ranh, xã Viên An Ðông, cạnh bên những hàng rào cây xanh, hoa kiểng là những ao ương cua giống nối dài, san sát nhau. Ông Quách Anh Tuấn, Trưởng ấp Kinh Ranh, cho hay: “Nghề ương cua giống đã tồn tại và phát triển ở ấp này mấy mươi năm nay. Hiện tại, trong số 245 hộ dân của ấp có khoảng 200 hộ thực hiện mô hình. Cua giống của hộ dân ngày càng nâng cao chất lượng, xuất bán đi nhiều nơi, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khấm khá”.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề ương cua giống, gia đình ông Lâm Văn Lem là một trong những hộ tiên phong thực hiện nghề này ở ấp. Ông Lem cho biết, lúc mới bắt tay làm, ông chỉ dèo vài ao để phục vụ cho việc nuôi cua trong gia đình. Sau thời gian ương nuôi, cua giống đạt đầu con, tỷ lệ hao hụt thấp, nuôi thương phẩm hiệu quả cao nên vợ chồng ông mạnh dạn đầu tư, mở rộng ao ương để kiếm thêm thu nhập. Nghề dạy nghề, cộng thêm chịu khó tìm tòi, học hỏi, tích luỹ kiến thức nên việc làm ăn của ông ngày càng khấm khá. Ðến nay, gia đình ông có 80 bể ương, mỗi năm, trừ chi phí thu nhập từ 150-180 triệu đồng.
Gia đình ông Lâm Văn Lem thu hoạch cua giống.
Theo ông Lem, mô hình này có chi phí đầu tư thấp, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp với những hộ ít đất sản xuất. Mỗi ao ương có diện tích khoảng 4-6 m2, sâu khoảng 5-7 gang tay. Ao nuôi được trải bạt, trang bị thêm hệ thống ống dẫn nước và ô xy. Khu vực nuôi được che lưới mành phía trên để hạn chế ánh nắng trực tiếp vào ao.
Cua mê giống được ông chọn mua ở Sông Ðốc, Ðầm Dơi, Năm Căn. Thức ăn cho con giống là ruốc tươi, cá tạp băm nhuyễn sẵn có ở địa phương nên tiết kiệm chi phí. Sau 15-20 ngày dèo, cua đạt kích cỡ cua dưa, cua me và sẽ được xuất bán.
Theo kinh nghiệm của ông Lem, để vụ nuôi thành công, người nuôi phải chú ý chọn mua mê giống ở những trại có uy tín, chất lượng, phù hợp với độ mặn, điều kiện tự nhiên tại địa phương. Cần chú ý vệ sinh hầm nuôi sạch sẽ. Sau khi bán hết cua trong hầm phải giặt lưới, khử khuẩn trước khi thả đợt cua mê mới vào. Ngoài ra, cần cho cua ăn đều đặn mỗi ngày từ 1-2 lần và thăm ao thường xuyên, theo dõi sự phát triển của con giống để có biện pháp chăm sóc phù hợp; đồng thời, sử dụng thêm men sinh học nhằm tăng sức đề kháng cho cua.
Mỗi đợt thu hoạch, gia đình ông Lem lên khoảng 20 ao ương, sản lượng đạt gần 50 ngàn con giống.
Thời gian trước, do ít đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mơ (ấp Kinh Ranh, xã Viên An Ðông) tìm đến ông Lem để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, quyết tâm khởi nghiệp từ nghề ương cua giống. Gần 20 năm qua, mô hình sản xuất này đem lại thu nhập ổn định, giúp chị nuôi hai con và các em trong nhà học hành đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang.
Chỉ tay về phía hệ thống máy bơm nước, máy bơm sụt khí tạo ô xy vừa đầu tư, chị Mơ trần tình: “Nhiêu đó chứ ngốn gần 15 triệu đồng. Thời buổi thị trường cạnh tranh, chúng tôi không ngại đầu tư để con giống mình tạo ra đạt yêu cầu về chất lượng, cung cấp cho người nuôi”.
Chị Mơ cho hay, khoảng 3 năm trước, giá cua giống dao động ở mức từ 300-700 đồng/con, những lúc hút hàng lên đến 1 ngàn đồng/con. Tuy vậy, gần đây giá giống liên tục sụt giảm, hiện chỉ còn ở mức 130-450 đồng/con. Nguyên nhân, do gần đây dịch bệnh trên cua thương phẩm vẫn còn xảy ra, người dân dần thu hẹp diện tích thả nuôi nên ảnh hưởng đến đầu ra, giá cả con giống. Hơn nữa, ngày càng nhiều hộ thực hiện mô hình này, khiến nguồn cung tăng mà thị trường thì không mở rộng nên bị “dội hàng”. Dù thu nhập giảm sút nhưng nghề này chi phí thấp, chủ yếu lấy công làm lời nên hộ làm nghề vẫn có thể trụ ổn.
Cua giống được kiểm đếm, phân loại kích cỡ để xuất bán ra thị trường.
Huyện Ngọc Hiển có hơn 600 hộ dân, cơ sở ương cua giống, tập trung nhiều ở xã Viên An Ðông và Viên An. Những năm qua, cua giống không chỉ cung cấp cho người nuôi trong huyện mà còn xuất bán đi các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre.
Theo ông Hồ Hoàng Chương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, dù tỷ lệ ương luôn đạt cao nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu nên con giống của bà con thường bị thương lái ép giá, lợi nhuận thấp. Ðể giải bài toán này, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất; tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm dịch trước khi xuất ra thị trường nuôi thương phẩm; đồng thời, tập trung hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để tạo ra con giống chất lượng cao, đảm bảo an toàn sinh học. Mục tiêu là tạo thương hiệu, nâng cao giá trị con giống, tăng thu nhập cho người dân, để nghề ương cua huyện Ngọc Hiển phát triển bền vững./.
Trúc Linh - Huỳnh Tứ