(CMO) Thông qua chuỗi sự kiện “Họp mặt doanh nghiệp và các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP năm 2022”, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã đem đến nhiều hương vị, màu sắc khác nhau từ những sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng. Nhiều nhà mua, nhà phân phối bày tỏ tâm đắc, thích thú với các sản phẩm mới lạ của vùng đất, con người Cà Mau. Song, để sản phẩm vươn xa vẫn cần hoàn thiện thêm nhiều tiêu chí.
Đây là lần thứ 3 đến với vùng đất cuối cùng cực Nam Tổ quốc và mỗi lần đến, ông Paul Le (Lê Bình Hoà, đại diện Tập đoàn Central Retail - chủ đầu tư của hệ thống siêu thị Big C) lại có cảm xúc mới lạ, biết thêm nhiều sản phẩm từ vùng đất, con người Cà Mau.
Ông Paul Lê tâm đắc: “Thật sự, Cà Mau có rất nhiều sản phẩm đặc trưng, rất ngon, nhưng tôi chưa biết hết hương vị các sản phẩm như thế nào và chưa biết mình cần giúp gì để nhà cung cấp xây dựng nên thương hiệu. Lần này, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn các sản phẩm để giới thiệu khách hàng, đưa vào hệ thống siêu thị của chúng tôi”.
Ông Paul Le (Lê Bình Hoà), đại diện Tập đoàn Central Retail cùng lãnh đạo tỉnh tham quan và thưởng thức sản phẩm OCOP Ba khía Đầm Dơi. |
Mỗi sản phẩm OCOP gắn với mỗi câu chuyện văn hoá
Cả nước hiện có hơn 5.400 sản phẩm OCOP. Trong đó, Cà Mau hiện chỉ có 77 sản phẩm OCOP đã được công nhận 3 sao trở lên, 3 sản phẩm đạt 4 sao. Riêng năm 2022, tỉnh có 40 chủ thể đã đăng ký đánh giá xếp hạng cho 62 sản phẩm mới và 13 chủ thể có kế hoạch nâng hạng cho 22 sản phẩm đã được chứng nhận.
Ông Paul Le đánh giá: “Sản phẩm OCOP của Cà Mau phát triển từ những sản phẩm đơn thuần, chưa qua chế biến đã mang vị ngon, đặc trưng. Khi được chế biến thì càng tăng hương vị đậm đà hơn. Do vậy, bây giờ cần thiết là xây dựng tên thương hiệu, bao bì, nhất là giá cả sản phẩm phải phù hợp với người tiêu dùng”.
Điều đặc biệt hơn, ông Paul Le muốn chia sẻ với các doanh nghiệp, đơn vị OCOP Cà Mau chính là cách thu hút, phát triển sản phẩm OCOP: "Tất cả các sản phẩm OCOP vốn xuất phát từ truyền thống văn hoá địa phương, do đó, phải giữ gìn và phát huy văn hoá của chính sản phẩm đó. Mỗi sản phẩm phải gắn liền với một câu chuyện văn hoá, điều này rất quan trọng. Chúng tôi được giới thiệu câu chuyện về cả làng làm bánh phồng tôm, bánh phồng hàu… rất thú vị. Thật ra, hôm nay, chúng tôi cần là câu chuyện về sản phẩm được viết ra. Quan trọng nhất là chữ ký, tên hiệu nhà cung cấp, để mang đi từ Nam ra Bắc và cả nước ngoài".
“Chúng tôi muốn đi sâu hơn nữa, có chương trình làm việc với ngành nông nghiệp tỉnh, chọn sản phẩm đặc trưng để xuất qua nước ngoài. Chúng tôi đã hứa đem sản phẩm Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng đi Thái Lan. Để làm được điều đó, chúng tôi cần thương hiệu, bao bì cho đẹp mắt, và cả câu chuyện gắn liền với sản phẩm đó. Chúng tôi sẽ giúp mang các mặt hàng này ra nước ngoài, chắc chắn sẽ giúp cho nông dân mình”, ông Paul Le khẳng định.
Không được mơ hồ với chính sản phẩm của mình
Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang), bộc bạch: “Với kinh nghiệm 40 năm bán lẻ, tôi hiểu rằng, muốn làm nên một sản phẩm mất cả một quá trình và muốn nó tồn tại, phát triển, càng gian nan gấp bội phần. OCOP là những dòng sản phẩm gắn với đời sống hàng ngày người tiêu dùng. Khi các bạn hình thành sản phẩm nên chú ý đến giá thành. Khái niệm OCOP của người tiêu dùng hiện vẫn còn xa lạ lắm. Do vậy, cần tính toán giá cả phù hợp. Dẫu biết là sản phẩm tốt, nhưng quan trọng sản phẩm đó có được chấp nhận và phát triển bền vững hay không chính là do người tiêu dùng”.
Về hình thức bao bì, một số sản phẩm OCOP nên sử dụng hình ảnh đặc trưng của tỉnh. Nhìn vào nhận diện ngay sản phẩm tỉnh đó, vùng đất đó. Tận dụng địa lý vùng để đưa những hình ảnh lên sản phẩm, chỉ cần nhìn thoáng qua, khách hàng sẽ biết đây là sản phẩm Cà Mau. Trên bao bì đừng ôm đồm, đừng tạo sự rối rắm và phải nhìn thấy được sản phẩm bên trong.
Một điều cũng cần lưu ý và khá quan trọng đó là cách ứng xử, giới thiệu sản phẩm. Khi quyết định đưa một sản phẩm đến nhà mua, nhà phân phối, cần xác định rõ nơi muốn mở rộng thị trường. Các chủ thể phải có bước chuẩn bị ngay từ đầu về thông tin sản phẩm. Nếu còn mơ hồ với chính sản phẩm của mình sẽ không tạo được niềm tin với nhà mua, nhà phân phối.
“Tham dự chuỗi sự kiện phát triển sản phẩm OCOP tại Cà Mau, tôi cũng đã chọn được 11 sản phẩm kết nối, hy vọng sẽ kết nối được nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Tạ Minh Sơn bộc bạch.
Ông Paul Le bày tỏ chân tình: “Lần đầu tôi đến Cà Mau tìm hiểu con tôm sú, để đem vào siêu thị. Lần thứ 2, tôi tìm hiểu sâu hơn sản phẩm Cua Năm Căn. Lần này, tôi xuống với rất nhiều người, đem theo văn hoá một số sản phẩm OCOP của một số tỉnh đại diện sản phẩm cho Tập đoàn Central Retail. Đồng thời, tìm hiểu sâu hơn nhiều sản phẩm Cà Mau. Và chắc chắn sẽ có lần thứ 4 nữa, chúng tôi sẽ lại đến Cà Mau với nhiều niềm tin và kỳ vọng về kết nối phát triển sản phẩm OCOP Cà Mau”.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kêu gọi, các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp tăng cường kết nối giao thương, thường xuyên trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau để các biên bản ký kết được triển khai thực tế, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá nhằm từng bước nâng cao hiệu quả kết nối giao thương, hợp tác bền vững và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt là tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP...). Đối với chủ thể OCOP cần tập trung cải thiện về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng các giải pháp để quảng bá giới thiệu sản phẩm; cần chủ động, mạnh dạn đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm Cà Mau vươn xa hơn nữa”.
Hồng Nhung