(CMO) Ðầu năm 2021, Hợp tác xã (HTX) nước mắm Ngọc Trân (thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân) đăng lý tham gia phân hạng OCOP với sản phẩm nước mắm cá cơm. Cuối năm 2021, sản phẩm nước mắm Ngọc Trân được công nhận đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Như vậy, đến nay, huyện Phú Tân đã có 2 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh là nước mắm Ngọc Trân và chả cá phi của HTX Hưng Hiệp Tiến.
Tận dụng lợi thế từ OCOP
Ông Trần Phước Nhân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX nước mắm Ngọc Trân, cho hay: “Ðạt chuẩn OCOP là một cơ hội rất lớn để sản phẩm nước mắm Ngọc Trân có nhiều điều kiện cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, HTX đã xây dựng, mở rộng thêm cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, tập trung quảng bá sản phẩm đến nhiều nơi trên thị trường. Hướng sắp tới, HTX nước mắm Ngọc Trân sẽ ký hợp đồng với các hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hoá tự chọn”.
Trung bình mỗi năm, HTX nước nắm Ngọc Trân thu mua khoảng 40 tấn cá cơm nguyên liệu để sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, HTX nước mắm Ngọc Trân đã cho ra thành phẩm 20.000 lít nước mắm. Hiện nay, tại huyện Phú Tân, sản phẩm nước mắm Ngọc Trân có 4 đại lý, sản phẩm cũng tiêu thụ thị trường ngoài tỉnh.
Nước mắm Ngọc Trân là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh năm 2021. |
Ngoài sản phẩm nước mắm Ngọc Trân, HTX còn xây dựng thêm một số sản phẩm như mắm ruốc siêu sạch, cá khô khoai, cá cơm tẩm… Các sản phẩm đều từ nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương.
Còn nhiều khó khăn
Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Tân đã phối hợp với các xã tích cực lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, các chủ thể tham gia chương trình OCOP như hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đồng thời cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước tạo thương hiệu, tăng tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP được chú trọng thông qua các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường.
Nhìn lại thời gian qua, bên cạnh góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho rất nhiều lao động, đồng thời thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, quá trình thực hiện chương trình OCOP vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Tô Hoàng Nhàn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, cho biết: “Ða số các sản phẩm chưa hoàn thiện nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng, mã số, mã vạch… Bên cạnh hạn chế về ứng dụng khoa học - kỹ thuật, các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa nắm được các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì…; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống, quy trình sản xuất, quy trình quản lý chất lượng. Bà con cũng quen với tập quán sản xuất trước nay, làm ra sản phẩm rồi buôn bán thô, khi tham gia OCOP phải làm bao bì, đóng gói… rất nhiều thủ tục nên chưa mặn mà”.
“Năm 2022, huyện Phú Tân xây dựng kế hoạch để tiếp tục phát triển thêm một số sản phẩm nông nghiệp mới vào OCOP như mắm ruốc, sò huyết, chả cá măng, mắm cá cơm… Hầu hết các sản phẩm được lựa chọn đều khai thác và phát huy lợi thế sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Tân có 25 hợp tác xã, trong đó có 17 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp và hơn 127 tổ hợp tác. Ðây là một trong những tiềm năng để địa phương tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian tới”, ông Tô Hoàng Nhàn nhấn mạnh./.
An Kỳ