(CMO) Câu chuyện lần này là những con số gắn chặt với những con người. Nói là lớn, thì lớn đến cả vài trăm công đất. Nói là nhỏ, thì cũng nhỏ thật, vì giá cho thuê mỗi năm 1 công đất chỉ 100.000 đồng. Và nhỏ nữa vì mấy trăm công đất chỉ tập trung vào tay một nhóm người!
Bài 1: Giá thuê đất không thể rẻ hơn
Hôm bữa gặp ông Tư Trí (Nguyễn Thiện Trí), nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú, ông buồn rười rượi: “Nói thành công là đánh thức được tiềm năng của đất. Nhưng cũng thất bại, là vì sự cả nể, ưu ái trong 5% đất công của xã. Đó là hệ luỵ sau khi thực hiện dự án ngọt hoá Tràm Thẻ không thành”.
THẤU HIỂU LÒNG VỊ THA CỦA NÔNG DÂN TRÀM THẺ
Trời đã xế chiều, ánh nắng đã ngả sâu về dãy nhà phía Quốc lộ 63. Men theo con đường đất đỏ gồ ghề bên bờ Bạch Ngưu, anh Nguyễn Văn Quẻm, Bí thư Chi bộ ấp Tràm Thẻ, đưa tôi lọt thỏm vào vùng đất mà từ lâu đã gánh nặng những “oán thán” của người dân bản xứ.
Tuyến đường giáp ranh với tỉnh Kiên Giang, vùng Tràm Thẻ vẫn còn yếu về hạ tầng. |
Thấy có người lạ đi cùng chi bộ ấp, anh Ba Cao (Trần Phi Cao) cùng nhiều thanh niên, lão nông xóm Tràm Thẻ lên xe máy từ từ bám theo. Trong khi tôi tác nghiệp trên vùng đất được anh Quẻm xác định là của ông Lý Văn Thái, Lương Văn Lượm, Nguyễn Thanh Nhàn… dọc theo kinh Cây Bùi thì anh Ba Cao và toán thanh niên đứng quan sát, giữ khoảng cách trên 100 m. Mãi đến khi nhận ra đó là nhà báo, anh Ba Cao giục các anh em chạy rước vài “lão điền” về nhà anh cùng tiếp chuyện.
Dọc theo tuyến kinh Bạch Ngưu, từ đầu kinh Bốn Thước đến kinh Cây Bùi (vùng tứ giác), hơn chục hộ dân, ai cũng từng bị cắt phần đuôi đất vào những năm 1994-1995 để huyện Thới Bình thực hiện đề án ngọt hoá vùng Tràm Thẻ. “Lúc đầu, khi giải thích, vận động, bà con còn hoài nghi về dự án nên nhiều người không ủng hộ mà chống đối. Nhưng khi hiểu ra vì lợi ích chung, họ đã bấm bụng chịu thiệt để Nhà nước cắt phần hậu đất. Chiều dài trung bình từ 200-250 m, ngang tối thiểu 100 m để làm khu vực thực hiện đề án ngọt hoá”, ông Nguyễn Thành Hánh, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú, nhớ lại.
Nghe có nhà báo vào khu vực đất này, ông Đào Văn Liễu (Hai Liễu), 74 tuổi, vội đón chiếc xe của người cháu, giục chở ông chạy ngay đến nhà Ba Cao để kịp trình bày bức xúc chung của bà con Tràm Thẻ.
Chưa kịp uống ngụm nước, chú Hai Liễu nói luôn: “Chú em coi đó, đất tui bề ngang 200 m, vậy mà mấy ổng (ban quản lý đề án ngọt hoá của UBND huyện Thới Bình - PV) đành đoạn cắt đứt chiều dài 250 m. Tổng diện tích mất cả 50 mươi công tầm nhỏ. Không bồi hoàn một xu”.
Tiếp lời chú Hai Liễu, anh Ba Cao phàn nàn: “Tui cũng mất cả 20 công chứ ít ỏi gì. Bây giờ mà lội qua phía khu đất ngày trước bị lấy đi, cả dãy bờ vuông móc mai của tui còn nguyên dạng”.
Không chờ tôi hỏi vì sao có sự vụ lạ lùng này, anh Nguyễn Văn Quẻm giải thích: “Thì cả xóm kinh xáng Bạch Ngưu vùng này, ai cũng bị cắt phần hậu đất và phía bên kia kinh cũng vậy. Họ căn cứ vào mé sông rồi đo dài ra hậu đúng 500 m là cắt. Mà đất của các hộ dân này đều do khai hoang mà có”.
Khi chưa nhen nhóm thực hiện dự án ngọt hoá, vùng này là vùng đất dù có cho cũng không ai dám nhận.
“Đã từng có thời gian vận động và huy động nhân lực khai hoang vùng kinh tế mới. Khoảng những năm 1990, tỉnh còn huy động cả lực lượng từ TP Hồ Chí Minh về để cấp đất, khai hoang. Nhưng sau một vài năm thì họ bỏ đi hết. Sau đó, Nhân dân trong vùng lần lượt khai phá”, ông Võ Thanh Lâm, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Phú, cho biết.
Dự án khởi động, con sông Phụng Hiệp bị ngăn ngang không cho nước mặn xâm nhập vào vùng này. Cùng với đó là hàng loạt con đập nhỏ được thiết lập hòng giữ ngọt. Nhưng, càng giữ ngọt thì sản xuất càng khốn khó bởi đó là vùng đất trũng, phèn. Năn thì dày cộp, đi lên còn không ướt chân.
Năm 1996, khi bà con ồ ạt phản ứng dữ dội đòi đưa nước mặn vào nuôi tôm, chính quyền can ngăn nhưng không thể. Dự án ngọt hoá Tràm Thẻ bị khai tử.
Nước mặn về, năn không cần phải diệt cũng chết, thay vào đó là ồ ạt những mùa tôm. Vùng đất nghèo, buồn thiu ngày nào bắt đầu rền tiếng máy bơm nước và lũ lượt người dân đổ về sinh sống.
Sau khi dự án không thực hiện được, UBND huyện Thới Bình giao lại phần đất khoảng 65 ha (650 công) cho UBND xã Tân Phú làm quỹ đất công 5% của xã.
Giá thuê kiểu "tượng trưng"
Nông dân khu vực này sau khi chịu cho cắt phần hậu đất cũng không ai đoái hoài. Cộng thêm việc đưa nước mặn vào mang lại hiệu quả kinh tế cao từ con tôm nên ai cũng chí thú làm ăn. Cùng thời gian này, chủ trương công nhận phần đất khai hoang càng làm cho họ náo nức, phấn khởi hẳn. Bởi thành quả lao động của họ giờ đã được Nhà nước công nhận.
Anh Ba Cao bước vội vào nhà, mở khoá tủ lấy sổ đỏ ra ngoài như muốn chứng minh: “Nè, chú em thấy đó, đây là phần đất anh khai phá, còn đây là con kinh hậu, phía Nhà nước “cắt đuôi”…”.
Hỏi về phần đất công của xã, ông Năm Hánh, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú, kiêm Phó trưởng Ban Quản lý dự án ngọt hoá Tràm Thẻ, tặc lưỡi: “Lúc đó (năm 1996), xã chủ trương cho thuê. Vì là đất mới nên chỉ cho giá 100.000 đồng/công/năm. Mãi sau này, khoảng sau năm 2000, mới bắt đầu thông qua HĐND xã quyết nâng giá cho thuê lên gấp đôi nhưng các hộ thuê không chịu giá mới, thất thu nhiều lắm”.
“Hồi trước, chính tôi là người soạn thảo hợp đồng cho thuê. Rẻ vậy mà cả giai đoạn tôi làm chủ tịch xã, không năm nào các hộ thuê đất đóng đủ tiền. Nhất là mình còn có chính sách chỉ lấy 50% tiền thuê của cán bộ nguyên là lãnh đạo xã”, ông Nguyễn Thiện Trí, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Phú, giãi bày.
Khi biết được giá cho thuê chỉ 100.000 đồng/công đất, Nhân dân khu vực ai cũng ngỡ ngàng. Nhưng không thể “tranh thủ” thuê được vì khi ấy, UBND xã Tân Phú đã “giành phần ưu ái” cho một số cán bộ ở xã Tân Phú, ở huyện Thới Bình và cả cán bộ tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau).
“Đến thời điểm năm 2014, họ (những người thuê đất) cũng chỉ áp giá 100.000 đồng/công/năm nhưng vẫn không thu đủ. Thậm chí gần đây có người lại nhen nhóm ý định xin làm chứng nhận quyền sử dụng đất. Đã có người đến nhà xin tôi ký xác nhận đó là đất họ tự khai phá. Tui quyết không làm, vì phần đất đó năm xưa chính tôi thảo hợp đồng cho họ thuê”, chú Tư Trí quả quyết.
Nghe ông Tư nói vậy, vợ ông phàn nàn: "Ông hết nhiệm vụ rồi, hồi trước không nói giờ nói có nghĩa gì? Không khéo làm ảnh hưởng con cháu". Ông Tư vỗ đùi: "Tui có đấu tranh nhưng không thành. Giờ nghỉ hưu nhưng vẫn còn “máu”, vẫn là đảng viên nên phải có trách nhiệm. Con mình dù sao cũng sướng hơn bao người thiên hạ. Hồi trước, tui cỡ tụi nó phải ra trận, không biết sống chết thể nào, giờ không thể an hưởng!".
“Đất của xã, ngày trước một tay tui cầm thước đi đo. Đến 700 công đất mà khi giao cho thuê, họ tự đào đắp bờ, tự đo đạc lại rồi khai báo. Mất toi 50 công, không xót sao được?”, ông Tư nói tiếp.
Ông Võ Thanh Lâm xác nhận: “Từ năm 2014 đến nay, việc đóng tiền thuê đất của các hộ này không thực hiện đúng như hợp đồng nữa”./.
Bài 2: Đất đâu "có cánh"
Khoảng năm 1995-1996, vùng Tràm Thẻ được mệnh danh là vùng giàu nhất huyện Thới Bình. Bởi ruộng đất mênh mông, huê lợi dồi dào trong khi chỉ vài trăm hộ dân bám trụ. Con số cao ngất ngưởng khi đem huê lợi thu được chia bình quân cho dân Tràm Thẻ bấy giờ. |
Phóng sự điều tra của NGỌC HÙNG