Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện U Minh được đẩy mạnh. Qua đó, tác động tích cực đến ý thức của hội viên, nông dân, hăng hái lao động, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu. Cũng từ phong trào này xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Nguyễn Văn Bí, Ấp 12, xã Nguyễn Phích, là một điển hình.
- Làm giàu từ nuôi cá
- Câu lạc bộ làm giàu từ con tôm
- Thanh niên làm giàu
- Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững tin bước vào kỷ nguyên mới
Nhắc đến tên ông Nguyễn Văn Bí, người dân ở Ấp 12, xã Nguyễn Phích, không ai thấy xa lạ. Bởi, ông là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Ở ông sáng lên tinh thần hăng say lao động, chịu khó bám đất giữ rừng, tìm tòi, tạo dựng mô hình kinh tế trên vùng đất khó.
Ông Bí sinh năm 1965, trong một gia đình thuần nông tại xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi. Tuổi thơ ông đã quen với cảnh đồng ruộng, vất vả tay cuốc, tay cày của gia đình. Trưởng thành, lập gia đình riêng, ông Bí suy tính tìm một nơi mới để làm ăn. Nghĩ là làm, đến năm 1990, ông cùng vợ con đến vùng đất Nguyễn Phích, huyện U Minh để xây dựng kinh tế mới.
Thời điểm đó, để duy trì và ổn định cuộc sống trong những năm đầu ở vùng đất U Minh quả thật không đơn giản. Giữa đồng không mông quạnh, tính cả căn nhà mới dựng của gia đình ông Bí nữa thì khu vực này vừa được 3 căn. Không điện, không đường, giữa bốn bề tràm nước, muỗi kêu như sáo thổi, ngồi ăn cơm phải mắc mùng, cuộc sống rất khó khăn, khổ cực. Ông Bí kể: “Tôi về đây cùng với vợ và 2 đứa con nhỏ. Ban đầu, tôi giăng lưới bắt cá bán, mua gạo ăn qua ngày. Sau đó mới dọn cây tạp, sậy, bắt đầu làm ruộng, xong chuyển qua trồng tràm, keo lai. Nói chung, làm gì có kinh tế thì tôi sẽ cố gắng làm”.
Ông Bí làm nghề gác kèo ong đã trên 10 năm, đây là nghề đòi hỏi kinh nghiệm và cho lợi nhuận cao.
Bản tính siêng năng, cần cù, chịu khó và ham học hỏi, không chấp nhận cuộc sống nghèo khó, ông Bí tiếp tục theo chân những người đàn anh đi trước làm nghề gác kèo ong để học hỏi kỹ thuật. Rồi khi lành nghề hơn, ông Bí tự mình gác kèo ong, và trở thành nghề chính của ông từ đó. Ông Bí chia sẻ: “Tôi làm nghề gác kèo ong đến nay đã trên 10 năm, đây là nghề phải chịu được vất vả, chịu khó luồn rừng mới làm được. Ban đầu phải lựa chọn trảng, lựa kèo cho êm, trảng được quay về phía mặt trời mọc, mùa gió bấc phải che đậy cho kèo được ấm, chứ để kèo trống thì ong sẽ không xuống. Tới mùa khô thì không cần che chắn kỹ nữa vì nóng quá ong sẽ không về bám kèo. Nghề này nếu có kinh nghiệm có thể lấy công làm lời vì rất nhẹ vốn nhưng lợi nhuận cao, hiện mật ong có giá khoảng 500 ngàn đồng/lít, 1 tổ cũng cho từ 3-5 lít mật”.
Bên cạnh đó, thấy người quen ở huyện Ðầm Dơi nuôi chồn hương có hiệu quả, ông Bí lại cất công tìm học kinh nghiệm. Thấy kỹ thuật nuôi cũng không khó, ông Bí mua con giống đem về nuôi thử nghiệm. Sau 2 năm chăm sóc, mô hình nuôi chồn hương đã đem lại cho ông lợi nhuận khá cao. Ông Bí cho biết: “Nhà có sẵn nguồn thức ăn, là chuối và cá, nên tiết kiệm chi phí. Kỹ thuật nuôi chồn hương cũng đơn giản, chỉ cần chịu khó vệ sinh chuồng, tắm rửa chồn thường xuyên vì chúng ưa môi trường sạch sẽ. Mô hình này rất có hiệu quả, chỉ sau một năm tôi đã lấy lại vốn và bắt đầu có lời, trung bình một năm bán khoảng 60 triệu đồng tiền chồn thịt, còn chồn giống bán cũng có giá cao. Tới đây tôi sẽ đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi để phát triển mô hình hơn nữa”.
Mô hình nuôi chồn hương của ông Bí cho thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm từ chồn thịt. Chồn giống cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm gần đây, khi thấy mô hình lên liếp trồng keo lai cho thu nhập cao, ông Bí cũng chuyển đổi trồng keo lai. Diện tích đất rộng nên mỗi lần nhập cây giống đều với số lượng nhiều, tận dụng điều này, ông vừa trồng trên đất nhà vừa ươm bán cây giống cho bà con địa phương cho đỡ tốn chi phí. Ðược trại cây giống ở tỉnh Ðồng Nai hướng dẫn, ông Bí rành về kỹ thuật ươm nên cây giống đạt chất lượng, đa phần người dân chọn mua của ông Bí vì tỷ lệ cây sống cao. Riêng phần bán cây giống cũng đem lại cho ông Bí thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Bán cây keo lai giống đem lại cho ông Bí thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ông Bí đúc kết: “Ðể có được như ngày hôm nay, tôi phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả nên rất hiểu giá trị của lao động. Mình phải siêng năng, chịu khó, biết tiết kiệm thì cuộc sống mới ổn định được. Ðặc biệt, phải kiên trì làm ăn, học hỏi những người đi trước, mới bám trụ lại được vùng đất này. Ðồng thời, trong quá trình sản xuất phải tích luỹ kinh nghiệm và áp dụng cái mới, cái hay, làm sao tăng được năng suất, tiết kiệm chi phí”.
Lao động bền bỉ, tự lực vươn lên, ông Bí thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm từ đa dạng các mô hình. Nêu gương ông, các con chăm lo lao động, hiện mỗi người đều có công việc làm ăn ổn định, không bỏ đất hoang hoá, không phí sức lao động mà luôn chí thú làm kinh tế, vươn lên.
Ông Nguyễn Văn Hiểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Phích, cho biết: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn thời gian qua tiếp tục phát triển sâu rộng, có sức lan toả, thu hút hội viên, nông dân tham gia. Hộ ông Nguyễn Văn Bí là một trong những hộ điển hình tiên tiến, bằng sự cần cù trong lao động và ý chí vươn lên, gia đình ông ngày càng khá giả. Từ đó, tạo được động lực cho các hộ gia đình học hỏi, noi theo thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi và góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương”./.
Quách Nguyên