ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:50:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sống là cho…

Báo Cà Mau (CMO) Năm 2003, Từ Thuỵ Phương Oanh (Khóm 2, Phường 8, TP. Cà Mau) thi đỗ vào lớp 10. Hoàn cảnh gia đình em lúc đó rất khó khăn, cha làm công cho một trại xuồng đang thời kỳ ế ẩm nên mỗi ngày chỉ được vài mươi ngàn. Mẹ thì bệnh tim, chỉ quanh quẩn trong nhà làm nội trợ. Con cái học hành giỏi giang mà không có điều kiện để lo là nỗi trăn trở, ray rứt của những người làm cha, làm mẹ. Vừa lúc ấy, “ông Bụt” xuất hiện. Ông đã hỗ trợ đủ tiền cho em đóng học phí, còn phụ được cả việc sắm sửa đồng phục để đến trường.

Từ đó, năm nào em cũng được “ông Bụt” tiếp sức cho đến khi tốt nghiệp ngành Kế toán tại trường Đại học mở TP. Hồ Chí Minh. Giờ đây Oanh đã có việc làm ổn định tại Công ty Thương nghiệp Cà Mau, thu nhập hằng tháng đủ phụ giúp cha mẹ trang trải cho cuộc sống gia đình.

Ông Trang Văn Bé dù đã ở tuổi 70 nhưng hằng ngày vẫn miệt mài với công tác từ thiện - xã hội.

“Ông Bụt” ấy có tên Trang Văn Bé (Hai Bé), Phó chủ tịch Hội Khuyến học Phường 8, Phó giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Phường 8, TP. Cà Mau.

Âm thầm vun mầm tương lai

Năm nào cũng vậy, chuẩn bị cho năm học mới là ông Hai Bé tất tả cùng với các khóm, các trường trên địa bàn Phường 8 rà soát lại số học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học, sinh viên điều kiện khó khăn để vận động hỗ trợ, tiếp sức cho các em đến trường. Nhờ sự tậm tâm, tận lực của ông mà trên địa bàn Phường 8 tính đến nay đã có 288 lượt sinh viên và 1.614 lượt học sinh nghèo được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; cùng 47 chiếc xe đạp, 52.300 quyển vở và nhiều dụng cụ học tập khác trị giá hơn 300 triệu đồng.

Không chỉ hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo, ông còn vận động thưởng khuyến dạy đối với giáo viên có thành tích cao và học sinh giỏi qua các kỳ thi. Nhiều năm trước đây, ông còn vận động hỗ trợ tiền tàu xe cho học sinh đi thi đại học.

Cũng nhờ sự hỗ trợ này, đã có mấy chục học sinh nghèo trên địa bàn học hành thành đạt và có việc làm ổn định.

Anh Lê Hoài Bảo, Bí thư Đoàn Phường 8, người thường xuyên kề cận ông Hai Bé, cho hay ông Hai Bé đã không làm thì thôi, đã làm là phải thiết thực, hiệu quả. Vì vậy mà mức hỗ trợ học sinh, sinh viên của Phường 8 thuộc hàng cao nhất tỉnh. Năm 2010, ông đề xuất với phường tăng trợ cấp cho sinh viên từ 1 triệu đồng lên 2 triệu, học sinh từ 500 ngàn đồng lên 1 triệu đồng. Năm 2016, ông lại một lần nâng mức trợ cấp lên đối với sinh viên lên 3 triệu đồng, học sinh 1,5 triệu đồng. Ông nói, vật giá leo thang, trợ cấp mức cũ thì chẳng thấm gì.

Anh Bảo kể, trong việc cấp phát tiền, tập vở, dụng cụ học tập, ông Hai Bé cũng làm “không giống ai”. Ông trợ cấp tiền cho học sinh vào đầu tháng 8, sinh viên vào dịp Tết Nguyên đán. Còn hỗ trợ tập vở, đồ dùng học tập lúc tổng kết năm học. Ông lý giải rằng, các trường cao đẳng, đại học nhập học tháng 9, tháng 10 nên trợ cấp vào Tết là hợp lý. Vì lúc đó các em về quê ăn Tết, tập hợp dễ, danh sách nắm đủ. Còn học sinh, cấp tiền vào tháng 8, lúc chuẩn bị tựu trường, để cha mẹ có tiền đóng học cho con. Tập vở cho vào cuối mỗi năm học để cha mẹ có sự chủ động cho con trong năm học mới. Đợi đầu năm học mới phát thì người ta mua rồi. Gia đình nào khó khăn quá con đã bỏ học. Tập thì tiểu học cho 5 ô ly, THCS 4 ô ly. “Cho mà người ta không dùng được, giúp mà không đúng thời điểm thì có ý nghĩa gì”, ông thường nói.

Thấy có nhiều trẻ tạm trú trên địa bàn phường không biết chữ, ông đứng ra mở lớp học tình thương. Anh Bảo kể, mấy năm nay lớp tình thương còn chỉ hơn chục em, hoạt động kém hiệu quả, ông đến trường tiểu học của phường xin cho các em vào học chính quy. Trường đòi khai sinh, ông nhọc nhằn đi làm giấy khai sinh đủ hết 11 em. Rồi lại tất tả đi vận động tiền đóng học phí, sắm đồng phục...

Với phương châm “cần gì học nấy”, đối với trung tâm học tập cộng đồng, ông chọn làm những việc thiết thực, phù hợp. Như 4 khóm làm nông thì mở các lớp phổ cập kiến thức sản xuất. Để tạo công ăn việc làm cho thanh niên thì mở lớp điện gia dụng, lớp dạy sửa xe… Đầu mùa mưa mở lớp phòng ngừa dịch bệnh; mùa hạn mở lớp phòng cháy chữa cháy, có diễn tập hẳn hòi… Mỗi năm ông tổ chức đều đặn gần chục lớp như thế.

Thời buổi công nghệ thông tin, thấy nhiều cán bộ, nhân viên phường, các hội, cán bộ khóm còn mù mờ về máy vi tính, mấy năm trước ông còn đứng ra tổ chức lớp Tin học chứng chỉ A. Nhờ vậy mà giờ đây, kể cả “mấy ông già ở các hội đặc thù của phường 60-70 tuổi đều thao tác máy tính thành thạo, tự đánh máy các báo cáo, văn bản của cơ quan”, như nhiều người nói.

Nhận nhiệm vụ Hội nạn nhân chất độc da cam hơn 7 năm qua, ông cũng luôn dẫn đầu 17 xã, phường của thành phố về công tác hỗ trợ đối tượng này.

Ông Mã Ngoan Cường (Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam TP. Cà Mau) từng có thời gian công tác rất lâu ở Phường 8, nói: “Anh Hai Bé tuy tuổi cao, đảm nhận nhiều công việc, mà việc nào ông cũng làm rất tốt. Đặc biệt, với công tác khuyến học, anh luôn dẫn đầu cấp tỉnh”.

Ông Cường nói, điều đáng trân trọng ở ông Hai Bé là không hề tư lợi, làm việc nhiệt tình, đầy tinh thần trách nhiệm. “Khoảng cuối năm 2011, lúc ấy tôi là Chủ tịch UBND Phường 8. Một buổi chiều, anh Hai Bé đem thư ngỏ đến nhờ tôi ký góc để vận động quỹ khuyến học. Thấy thần sắc anh Hai kém lắm, ảnh cứ thở dốc, tôi nói: “Anh về nghỉ ngơi đi, mai mốt rồi vận động tiếp. Anh không khoẻ, đi xe cộ nguy hiểm lắm”. Ông nói: “Không được, còn thiếu 6 triệu đồng, phải vận động cho đủ chiều nay luôn. Tôi tự lượng được sức mình”. Vậy là chiều đó ông vận động đủ tiền, nhưng… đêm thì vợ con phải chở ông lên Sài Gòn mổ tim cấp cứu”, ông Cường xúc động kể.

Người ta làm tốt 1 công việc đã quý, còn ông được giao nhiều việc mà việc nào cũng nổi trội thì quả là đáng nể. Ông nói “ăn thua do sắp xếp của mình”.

Nhiều người nói, ông Hai Bé tối ngày đi làm chuyện “bao đồng” cũng không quá. Bởi cả “núi” việc ông đảm nhận đều chẳng có đồng lương hay chút thù lao nào. Chưa hết, mấy chục năm qua, cứ hơn 5 giờ sáng, sau khi tập thể dục xong là ông xách chổi quét đường. Ông quét khúc lộ nhà mình, quét luôn cho cả xóm. Trời mưa, người ta thấy ông mặc áo mưa, đội nón lá đi móc đường cống cho nước thông. Các hộ dân xung quanh nơi ở, ai nghèo khổ không gạo ăn, ông tham mưu phường xin cấp gạo cho họ; nhà xuống cấp hư hỏng, ông vận động xin nhà. Nửa đêm nửa hôm, có người qua đời thuộc hộ nghèo, cơ nhỡ, ông cũng điện xin hòm từ thiện. Dân khu vực tín nhiệm, mỗi khi có chuyện gì liên quan tới đời sống, dính dáng tới pháp luật người ta hay tới nhờ là ông tận tình hướng dẫn, bảo ban…

Trong cơ quan, ông bỏ tiền ra mua cây kiểng trang trí phòng làm việc; mua một số loại thuốc thông dụng, ai nhức đầu, đau bụng, cảm… tới ông cho uống. Anh Bảo nói, ông như người quản gia, chuyện gì cũng xắn tay vô làm. Ông sống giản dị, chi tiêu tiết kiệm cho bản thân. Quần áo, đồ dùng còn xài được là ông tận dụng nhưng hễ ai gặp khó khăn gì, cỡ nào ông cũng giúp.

Sống là cho và chết cũng là cho(*)

Là người có nhận thức tiến bộ, khi lập gia đình, có con cái, ông đã lao động cật lực để lo chuyện học hành cho các con. Ông làm đủ thứ nghề, cũng trăm bề vất vả. Sau trụ được nghề nấu si rô bỏ mối, nhờ những nỗ lực, vợ chồng ông nuôi được 3 người con ăn học thành tài. 2 con trai ông, 1 là bác sĩ, 1 kỹ sư; người con gái nuôi là cử nhân. Người con trai đầu là bác sĩ hiện giảng dạy tại trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và đang làm luận án tiến sĩ.

Khi lo xong cho con cái chuyện học hành, cất xong nhà cửa, ông toàn tâm toàn sức cho công tác xã hội.

Anh Bảo kể, thấy ông lớn tuổi, nghề nấu si rô giờ cũng dở, làm nhiều việc xã hội mà không thù lao, năm 2010, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam ra đời, phường giao ông làm chủ tịch hội, một mặt muốn giúp ông có ít chi phí xăng xe. Rồi ông cũng được tín nhiệm bầu Phó chủ tịch Hội Khuyến học TP. Cà Mau. Thù lao 2 khoản cộng lại hơn 2 triệu đồng, ông lại đem hết số này trợ cấp hằng tháng cho học sinh, sinh viên nghèo.

Ông Lý Văn Sua, người bạn gắn bó cùng ông mấy chục năm (hiện là Phó chủ tịch Hội Khuyến học TP. Cà Mau, đồng thời phụ trách công tác tuyên giáo Phường 8), kể trước đó khi chưa có thù lao, ông cũng bỏ tiền túi mỗi tháng 2 triệu đồng để hỗ trợ 2 sinh viên suốt 4 năm đại học và 4 học sinh, chưa kể rất nhiều lần hỗ trợ đột xuất cho các em. “Ông cũng tham mưu rất nhiều việc cho Đảng uỷ, UBND phường. Ý kiến của ông thường rất thuyết phục”, ông Ba Sua nói.

Cảm động hơn, từ năm 1998, ông đã đăng ký hiến xác phục vụ y học và hiến tạng cứu người khi mất. Trong túi ông lúc nào cũng có thẻ hiến xác của trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và thẻ hiến tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông còn ghi miếng giấy dặn dò nhờ liên hệ 2 nơi này, lỡ khi ông gặp rủi ro.

Ông Ba Sua nói, ông cũng dặn dò mọi người: “Nếu tôi mất, trong vòng 24 giờ không có người xuống lấy xác, thì mang đi thiêu. Chết là hết, đừng để tốn đất đai, rồi còn hệ luỵ về môi trường và vướng bận, phiền hà con cháu. Những tập tục không còn phù hợp thì cũng nên giản lược…”.

Từ lâu, ông rất ngưỡng mộ Bác Hồ, trong cuộc sống, ông học tập rất nhiều điều từ Người. Cách đây gần 30 năm, khi dành dụm được ít tiền, ông đến Bến Nhà Rồng mua vé tàu thuỷ cùng vợ con ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Hôm trước vào Lăng, hôm sau lại thấy ông vào Lăng. Người cảnh vệ ngạc nhiên hỏi: “Hình như hôm qua chú đã vào?”. Ông nói: “Chú thông cảm, tôi ở tận Cà Mau, xa xôi quá, mai mốt biết có đi được nữa không. Hôm qua đi nhanh quá, nên muốn vào thêm lần nữa để cùng vợ con nhìn cho rõ Bác”.

Một lần, ông đọc được bài báo có dẫn câu nói của Bác Hồ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, ông thấy thấm thía vô cùng. Đất nước thống nhất rồi, nhưng tâm nguyện “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” của Người vẫn chưa thành hiện thực. Vốn có tấm lòng, hay quan tâm chuyện xã hội, tâm nguyện của Bác đã thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết trong ông. Từ đó mà dấn thân, đặc biệt là chăm lo chuyện học hành cho thế hệ trẻ.

Ông kể, vợ ông cũng thường nói: Cả đất nước Việt Nam này chưa thấy ai bằng Bác Hồ. Vì vậy mà ông noi gương Bác đi làm chuyện bên ngoài bà cũng hết lòng ủng hộ.

Mọi người kể, ông có tới 5 lần được Hội Khuyến học Trung ương vinh danh, khen thưởng. Tất cả những lần ấy ông đều không đi, ưu tiên suất cho anh em cơ quan. Ông nói, anh em làm việc cấp xã, phường đâu dễ có điều kiện ra thăm Lăng Bác, thấy mình được đi rồi nên ông nhường cơ hội cho anh em.

Thấy ông tuổi đã 70, lại bệnh tim, sức khoẻ kém, các con kêu bớt việc lại, nhưng ông nói “còn làm được gì cho xã hội thì cứ làm”.

(*) Thơ Tố Hữu

Bút ký của Trang Thăm

Ông Lý Văn Sua, Phó chủ tịch Hội Khuyến học TP. Cà Mau nhận xét: "Ông Hai Bé chỉ với 1 chi tiết này thôi đã rất đặc biệt. Ông là một người dân bình thường nhưng nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về học tập và làm theo gương Bác. Đồng thời ông cũng nhận được 5 bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, 18 bằng khen của UBND tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Thành tích này là rất hiếm, không dễ ai có được"

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.