(CMO) Hễ ông Hai Tèo (Phan Văn Tèo, ấp Bàu Sơn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) đi đến đâu, bà con đều hồ hởi chào hỏi. Bởi ông là vị trưởng ấp có thâm niên nhất, nhì của tỉnh và luôn hết lòng với nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Hai Tèo vẫn rắn rỏi và lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Cứ cách vài ngày là người dân trong ấp lại thấy ông trưởng ấp già đạp xe đi hỏi thăm tình hình sản xuất của bà con hoặc vận động mọi người chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Và việc làm này đã gắn bó với ông suốt mấy chục năm qua.
Vừa giải phóng, ông Hai Tèo nhận nhiệm vụ làm Công an ấp Bàu Sơn (lúc còn chung với ấp Chánh), rồi sau đó được sự tín nhiệm bầu làm phó ấp, rồi trưởng ấp. Thời đó cuộc sống người dân còn rất vất vả, kinh tế mỗi hộ chủ yếu nương nhờ vào vài công đất ruộng.
Ông Hai Tèo thường xuyên đến trò chuyện, thăm hỏi bà con trong ấp để nắm tình hình đời sống nhằm khuyến khích, giúp đỡ bà con. |
Mà làm ruộng cũng không đủ ăn nên nhiều hộ cố gắng kiếm tiền sắm xuồng chèo ra tận rừng đước Năm Căn, Ngọc Hiển để câu cua. Những ngày gần vào con nước, chừng 4 giờ sáng, bà con trong xóm đã lần lượt chuẩn bị cho đợt đi cả vài tuần lễ mới về. Và sau những lần kiếm ăn dài ngày đó, mỗi xuồng cũng bỏ túi được mấy trăm ngàn.
Ông Hai Tèo là "thủ lĩnh" trong "đoàn quân" đánh bắt đó. Gắn bó với nghề này vài năm, ông nhận thấy số lượng cua câu được ngày càng ít dần. Vì muốn có nhiều cua, cá phải đi xa nhưng với chiếc xuồng bé nhỏ như thế thì không thể.
Ông Hai Tèo ngẫm nghĩ: “Muốn thúc đẩy kinh tế phát triển, trước tiên phải tạo cơ hội cho bà con gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Qua đó cũng góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm”.
Thời đó đường sá toàn ao, mương với cỏ sậy nên ông loé lên ý tưởng vận động bà con góp tiền, góp sức để xây cây cầu xi-măng thuận tiện đi lại. Đi mòn cả gót chân, ông mới thuyết phục được người dân trong xóm đồng thuận xây cầu. Và cuối cùng cây cầu xi-măng đầu tiên trong xã được khánh thành năm 1986.
“Không phải bà con không muốn đóng tiền mà do nhiều hộ còn nghèo khổ quá không có tiền để góp vào. Thấy vậy, tôi mới đứng ra ký nợ với cửa hàng bán vật liệu xây dựng mua vật tư trước rồi sau đó gom tiền bà con hoàn trả lại. Cây cầu hoàn thành, bà con trong xóm vui mừng khôn xiết. Từ năm 1986 đến 2003, tôi đã vận động bà con xây dựng 3 cây cầu: cầu Bà Điều, cầu Xóm Ngói, cầu Bàu Sơn”, ông Hai Tèo bộc bạch.
Nối tiếp niềm vui đó, khi nhận được chủ trương của xã vận động bà con trồng dưa hấu để tăng thu nhập, ông Hai Tèo bôn ba lên tới tận Cần Thơ tìm gặp những lão nông rất giỏi về kỹ thuật trồng dưa mời về địa phương hướng dẫn lại cho bà con. Lúc mới bắt đầu trồng dưa, nông dân xã Lý Văn Lâm chưa có nhiều kinh nghiệm bón phân, phun thuốc, nhưng nhờ sự chỉ dẫn tận tình của ông nên năng suất tăng theo từng vụ.
Vài năm sau đó, ông Hai Tèo tìm hiểu trên sách báo có loại dưa không hạt đang được trồng rất hiệu quả ở tỉnh Long An và được bán ra với giá thành rất cao. Ông trưởng ấp không nói không rằng, một lần nữa khăn gói lên tỉnh Long An để tìm mua giống dưa và học hỏi quy trình kỹ thuật trồng loại dưa đó.
Cũng vài năm về trước, con đường từ Ngọn Bàu Sơn đến cầu Hai Sắt toàn ao mương và cỏ sậy, con nít đứa nào nhảy xa, nhảy giỏi thì tiếp tục đến trường, còn ngược lại thì lọt thỏm xuống mương khóc mếu máo quay ngược về nhà.
Ông Hai Tèo lại suy tính, bằng mọi cách phải có con đường bê-tông hẳn hoi để tụi nhỏ thuận tiện đến trường. Thế là ông xin gặp Ban Giám đốc Công ty Hoàng Tâm để trình bày và nêu lên nguyện vọng muốn công ty tài trợ xây dựng con lộ bê-tông. Và mong muốn của ông đã được thực hiện, tuyến đường đó nhanh chóng hoàn thành với chiều dài 1.200 m và chiều ngang 1,5 m.
Vốn là người coi trọng tri thức nên hễ nhà nào có ý định cho con cái bỏ học là ông trưởng ấp lại nhanh chân có mặt để giải thích và động viên các cháu nhỏ tiếp tục đến trường. Mỗi năm ông đều vận động nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ sách vở và học bổng cho học sinh nghèo học giỏi tại các trường học ở địa phương.
Ông Hai Tèo khoe: "Ấp này cũng nhiều cháu học đại học lắm. Gia đình cháu nào có hoàn cảnh khó khăn là mỗi học kỳ tôi đều viết đơn gởi lên Ngân hàng Công thương cho tụi nó vay vốn để tiếp tục chinh phục ước mơ của mình".
Để vận động bà con dễ dàng, ông Hai Tèo đã tiên phong làm gương về vấn đề hiếu học. Ban ngày, ông đi làm công tác cho địa phương, chiều về lại tích cực tăng gia sản xuất để kiếm tiền nuôi con ăn học. Sau bao nỗ lực, ông đã nuôi 2 người con tốt nghiệp đại học và 2 người con tốt nghiệp trung cấp.
Cống hiến cho địa phương hơn nửa đời người, ông Hai Tèo luôn tự hào khoe: "Ấp của tôi giờ chỉ còn có 4 hộ nghèo và năm nay sẽ phấn đấu giảm tiếp tục". Đáp lại tấm chân tình của ông, mọi người trong ấp đều đề cao tinh thần tình làng nghĩa xóm. Đã có nhiều trường hợp người địa phương nhặt được tài sản giá trị cao đến tìm gặp ông trưởng ấp nhờ trả lại cho người bị mất. Và bất cứ trong ấp có xích mích hay rầy rà gì, họ đều đến nhờ ông can thiệp, giải quyết.
Hình ảnh vị trưởng ấp già trên chiếc xe đạp cọc cạch đi đến từng nhà để vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh vẫn luôn đọng mãi với người dân ấp Bàu Sơn, xã Lý Văn Lâm./.
Ngọc Trầm
Nói về ông Hai Tèo, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm Nguyễn Hạnh Phúc không tiếc lời khen ngợi: “Ông Phan Văn Tèo là người không ngại khó khăn, luôn dốc sức cống hiến, làm giàu cho địa phương. Mỗi khi địa phương có chủ trương, chính sách mới, ông luôn tiên phong thực hiện và vận động người dân hoàn thành tốt nhất. Mới đây có trường hợp người dân không đồng thuận về bồi hoàn đất quy hoạch, ông Tèo đã đứng ra giải thích, thuyết phục bà con và mọi việc được triển khai thuận lợi. Hơn mấy chục năm cống hiến cho địa phương, ông Tèo đã nhận được nhiều phần thưởng các cấp trao tặng”. |