ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 22:52:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tấm lòng ông Năm Nhựt

Báo Cà Mau (CMO) "Ở Phường 6 có ông Năm Nhựt hiến đất xây dựng trường mầm non, hỗ trợ tiền xây dựng phòng học cho lớp học tình thương, tính ra bạc tỷ", thông tin từ ông Lý Văn Sua, Phó chủ tịch Hội Khuyến học TP Cà Mau, khiến tôi tò mò và háo hức tìm gặp.

Tuổi đã 77 nhưng ông Năm còn rất minh mẫn. Đề cập đến chuyện hiến đất xây trường, ông chia sẻ: “Hồi đó mình đi học hết sức khó khăn, hết lớp 5 là nghỉ. Muốn học tiếp phải lên tận Bạc Liêu hoặc Sóc Trăng mới có trường. Bây giờ có điều kiện, thôi thì ráng giúp đỡ các cháu nhỏ học hành đàng hoàng. Thời buổi khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, không có kiến thức thì ra đời sẽ bị thua thiệt”.

Ông Năm Nhựt thường xuyên tới thăm lớp học tình thương.

Rồi ông kể, trường Mẫu giáo Sơn Ca 3 nằm trong khuôn viên Nhà thờ Bảo Lộc (nay là Nhà thờ Cà Mau), trên đường Lý Thường Kiệt, Phường 6. Hồi ấy, trường đã xuống cấp, mưa là ngập nước, các cháu nhỏ không học được. Địa phương có ý định xây dựng lại trường. Thấy chỗ nơi chật hẹp, ông đề xuất dời ra bên ngoài, ông hiến mặt bằng xây dựng. Và ngôi trường mầm non mang tên Trúc Xanh ra đời, toạ lạc tại Đường 3/2, Phường 6, TP. Cà Mau.

Phòng khách nhà ông vẫn còn treo trang trọng bằng khen của UBND tỉnh về thành tích hiến đất xây trường. Tổng diện tích đất hiến là 1.500 m2, mà theo ông Lương Văn Yến (Chủ tịch Hội Khuyến học Phường 6), khi đó (năm 2014) được định giá hơn 1 tỷ đồng.

Ông Năm Nhựt vui vẻ cho biết, trường rộng rãi, điều kiện dạy dỗ tốt, hồi đó khi trường còn trong khuôn viên nhà thờ chỉ dạy được 50-60 cháu, giờ có gần 500 cháu, trường chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Ông Lương Văn Yến cho biết thêm, trường THCS Võ Thị Sáu (Đường 3/2, kề bên trường Mầm non Trúc Xanh), ngôi trường thuộc tốp đầu về chất lượng của TP. Cà Mau, cũng xây dựng trên phần đất của ông Năm Nhựt.

Cũng như trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, trường THCS Võ Thị Sáu lúc trước nằm trong khuôn viên Nhà thờ Cà Mau. Mùa mưa nước ngập từ sân vô lớp, học trò ngồi học phải co chân lên ghế. Chính quyền cũng định xây dựng lại trường. Thấy diện tích đất trong nhà thờ nhỏ, không thể mở rộng, mà xu thế bấy giờ xây trường phải đảm bảo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Thấy đất đai còn nhiều, ông Năm Nhựt kêu ra phần đất của ông để xây dựng.

Theo ông Ba Yến, khi ấy Nhà nước trả theo khung giá đất nông nghiệp nên 10 công đất làm mặt bằng xây dựng trường THCS Võ Thị Sáu chẳng được là bao. Ông Năm Nhựt bảo: “Tôi cũng không quan tâm tới giá cả, chủ yếu có chỗ để các cháu nhỏ học hành cho đàng hoàng là mừng rồi…”.

Tôi nhẩm tính, trị giá lô đất này hiện nay cũng vài chục tỷ đồng, ông Năm Nhựt không hề tỏ ra nuối tiếc. Ông trải lòng: “Trường rộng mênh mông, đạt chuẩn quốc gia rồi. Hằng ngày thấy các cháu đến trường học hành đông đúc, trường lại dạy có chất lượng, vậy là mình thấy mãn nguyện”.

Gần Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau (đường Hải Thượng Lãn Ông, Khóm 6, Phường 6) có lớp học tình thương. Điều đặc biệt là 2 mùa học nay lớp học này được “sở hữu” phòng học riêng, khang trang, sạch đẹp. Câu chuyện về lớp học thì dài dòng, nhưng để “nuôi lớn” lớp học ai cũng biết công sức, tiền của ông Năm Nhựt bỏ ra không hề nhỏ.

Đây là lớp học do Nhà thờ Cà Mau mở để dạy chữ cho trẻ em nghèo. Hơn mười mấy năm hình thành, lớp phải học bạ, học đậu nhiều nơi. Cách đây mấy năm, ông Năm Nhựt bỏ tiền túi mỗi tháng 1 triệu đồng để thuê nhà dân gần Cống Đôi (Phường 6) để duy trì lớp. Thấy điều kiện học hành của các cháu tạm bợ, phòng học thì mưa tạt, gió lùa, nay dời mai đổi, sẵn nhà thờ có nền đất, đường lại được Nhà nước mở rộng, ông bàn bạc mượn nền và bỏ tiền túi ra 200 triệu đồng để xây dựng 2 phòng học khang trang cho lớp.

“Tôi làm cầu vệ sinh, làm hệ thống cấp thoát nước đàng hoàng. Mỗi ngày nhờ ông Từ ở Nghĩa trang Công giáo tới giúp việc bơm nước, dọn vệ sinh cho lớp”, ông Năm Nhựt phấn khởi thông tin thêm.

Rồi năm nào ông Năm cũng bỏ tiền ra hỗ trợ cho các trò, từ gạo ăn, tập vở... Hằng ngày, ông thường xuyên qua lại thăm lớp. Cô giáo báo thiếu thốn gì, phần nào nhà thờ không hỗ trợ được thì ông bỏ tiền ra lo. Ông “khoe”: “Năm nay lớp được tới 60-70 cháu lận đó. Cứ sợ dời lại địa điểm mới hơi xa, các cháu không đi học, ai ngờ đông hơn năm trước”.

Ông Năm Nhựt tên đầy đủ là Nguyễn Văn Nhựt, sinh ra và lớn lên trên quê hương Cà Mau. 77 năm qua, ông vẫn sống ngay trên mảnh đất của gia đình tại Khóm 2, Phường 6. Hồi đó xứ ông ở làm nông. Gia đình ông có đến mấy chục công đất ruộng do ông bà khai phá. Trải bao vật đổi sao dời, nhiều người tứ tán, đất đai bán chát, ông vẫn bám đất, bám vườn.

Sau giải phóng, đời sống ông còn nhiều khó khăn. Ngoài làm ruộng, trồng cây ăn trái, nuôi cá, ông còn phải chạy xe đò và làm thuê nhiều nghề để nuôi 7 người con. Kiên trì, năng động, nhạy bén, giỏi tính toán, ông nắm bắt nhiều cơ hội mua bán làm ăn, nhờ đó đời sống kinh tế ngày càng phát triển.

Giờ đây con cái ông trưởng thành, cuộc sống đều ổn định. Người con trai sống chung ông có đến mấy chục xe tải mang tên Trang Khanh chở hàng hoá tuyến đường Bắc Nam, vì vậy mà giờ tuổi cao ông không còn vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền. Ông không chỉ góp phần giúp bà con trong họ đạo mà còn làm rất nhiều việc giúp đời.

Nhà ông ở gần Phòng khám Đa khoa Hồng Đức. Sáng sáng, chủ quán nước kế phòng khám khi dọn bàn biết ý, bao giờ cũng kê thêm 1 bàn bên sân nhà ông. Mươi phút sau, bàn đó có mặt đông đủ, từ cán bộ phường, cán bộ Khóm 2, vài người là công chức, viên chức các ngành tỉnh, thành phố trú trên địa bàn... Dĩ nhiên là có mặt ông và bao giờ ông cũng “khuyến mãi” thêm bình trà đặc biệt.

Câu chuyện rôm rả, từ chuyện trong nước, ngoài nước đến chuyện phố phường. Vì vậy mà trên địa bàn, ai làm ăn khá giả, ai gương mẫu, ai hoàn cảnh khó khăn, ông đều biết hết. Những hoàn cảnh ngặt nghèo phường, khóm không giúp nổi thì ông tiếp tay vào. Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở phường vận động không đủ, mấy anh cán bộ phường cũng tới “cầu cứu” ông. Thiếu 15 triệu đồng ông cho 15 triệu đồng, thiếu 20 triệu đồng ông cho 20 triệu đồng, đó là chuyện thường, ông không so tính.

Ông bảo: “Mình tiếp một chút mà tạo được điều kiện cho cán bộ địa phương làm việc dễ dàng, trôi chảy, mang lại lợi ích cho dân thì tiếp vào”. Nhà nghèo, ma chay không tiền xoay xở, ông cũng giúp. Ngày Tết, ngày rằm, ông cho hộ nghèo hàng tấn gạo. Tính chung, mỗi năm ông làm từ thiện cả trăm triệu đồng.

Trên địa bàn khóm, mấy năm qua, từ Dự án LIA, nhiều tuyến lộ hẻm được đầu tư xây dựng. Quá trình thi công, có một số hộ không chịu di dời, đòi bồi thường. Khóm, phường không thuyết phục được cũng nhờ ông. Ông nói: “Mình phân tích cho họ thấy cái lợi, cái hại... Vậy là họ đồng ý”. Ông là cố vấn họ đạo, hiểu tâm lý bà con giáo dân nên dễ thuyết phục.

Và mấy tháng nay, ông vừa làm một chuyện mà bà con trong phường coi là “hy hữu”: bỏ tiền bồi thường để làm lộ, khi không “dính dáng” gì đến mình.

Chị Tạ Bích Thuỷ, nguyên Bí thư Chi bộ Khóm 2, Phường 6, kể: Nằm song song phía sau dãy nhà đường Lý Thường Kiệt có con kinh thuỷ lợi, ngày xưa dùng để lấy nước phục vụ sản xuất, giờ nó đã kết thúc vai trò lịch sử, chỉ là nơi chứa rác của các hộ gia đình tuôn xuống. Nước thối đen ngòm, là nơi trú ẩn của bao nhiêu ruồi muỗi, vừa ô nhiễm môi trường, vừa là mầm mống gây bệnh tật. Nhà nước đồng ý làm lộ nhưng với điều kiện người dân hai bên kinh tự nguyện tháo dỡ chướng ngại vật cản trở mà không có nguồn bồi hoàn.

Công trình vướng phải phần nhà một hộ dân. Ban đầu hộ này đòi bồi thường 30 triệu đồng, thấy họ nghèo, ông xung phong bỏ ra 30 triệu đồng bồi hoàn để tuyến đường được xây dựng. Tuy nhiên, sau đó hộ này đòi lên 100 triệu đồng, ông đồng ý. Vẫn chưa xong, vừa rồi hộ này lên phường yêu cầu bồi thường 120 triệu đồng. Thấy thật vô lý, nhưng không di dời thì công trình không được thực hiện. Đây là Dự án LIA, nếu không tiến hành, biết khi nào mới có cơ hội, nghĩ vậy ông đồng ý luôn.

“Làm được con đường này lợi biết bao nhiêu, vừa tránh được ô nhiễm, bệnh tật; các hộ sống bên trong cũng có đường sá đi lại, đất đai cũng có giá trị... Tiền thì tôi đã chuẩn bị sẵn. Nghe nói quý IV khởi công, khi nào tiến hành là giao tiền”, ông cho biết.

Gạn hỏi ông, có biết bao người rất giàu có nhưng không dễ gì bỏ ra đồng bạc để giúp cộng đồng, xã hội, ông triết lý đơn giản và chắc nịch rằng: “Có tiền mà không giúp xã hội, giúp cộng đồng thì đồng tiền của mình cũng không có ý nghĩa gì”.

Trang Anh

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.