(CMO) Những năm qua, Cà Mau đã đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước hiện đại hoá nền hành chính, góp phần đắc lực công cuộc cải cách hành chính (CCHC). Ðây cũng là giải pháp quan trọng nhằm đưa chương trình chuyển đổi số tại địa phương phát triển.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, việc ứng dụng CNTT đã và đang trở nên sâu rộng, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương và hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Ðồng thời, góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC), giảm thiểu các quy trình, công việc thủ công bằng việc xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm ứng dụng được xử lý qua mạng Internet.
Ðể hiện thực hoá những mục tiêu quan trọng trong chuyển đổi số, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các quy định, chính sách phát triển về ứng dụng CNTT, tạo điều kiện môi trường pháp lý thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn. Cùng với đó, các cơ quan hành chính Nhà nước đã chủ động triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó góp phần đắc lực vào công cuộc CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Một trong những kết quả đáng ghi nhận là hiện tại, nhiều sở, ngành trên địa bàn tỉnh, cũng như hệ thống các ngành dọc đóng trên địa bàn đã mạnh dạn triển khai các phần mềm công nghệ phục vụ có hiệu quả công tác quản lý chuyên ngành. Từ đó, đáp ứng tích cực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, cũng như tăng tính phục vụ Nhân dân.
Cùng với việc nâng chất hoạt động khám chữa bệnh, ngành Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. |
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, cho biết: Sở vừa triển khai thực hiện dự án Xây dựng hệ thống các phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành, phát triển ngành NN&PTNT trên hệ điều hành Android.
"Hệ thống phần mềm là công cụ cung cấp, quản lý dữ liệu nội bộ trong ngành và nhiều tiện ích cung cấp cho người dân, như giúp người dân phản ánh kịp thời về thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, bệnh trên cây trồng, vật nuôi; cập nhật nhanh chóng thông tin chỉ đạo, điều hành của Sở NN&PTNT, giá nông sản, các văn bản liên quan đến nông nghiệp để người dân biết và thực hiện đúng thông qua ứng dụng trên thiết bị di động...", ông Vũ cho biết thêm.
Theo đó, đã có nhiều ứng dụng được triển khai trên các lĩnh vực quan trọng. Thuỷ lợi có ứng dụng phần mềm MapInfow để quản lý và giám sát hệ thống đê điều, hệ thống giám sát thiên tai (VNDMS). Trồng trọt sử dụng phần mềm PPDMS quản lý sâu bệnh trên cây trồng; mô hình tưới tiêu tự động tại Trung tâm Giống nông nghiệp. Lâm nghiệp có ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng. Thuỷ sản có ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống đo môi trường nước trên tuyến sông phục vụ công tác nuôi trồng thuỷ sản. Tích hợp vào phần mềm Nông nghiệp Cà Mau trong việc giải quyết TTHC (thời gian nhận hồ sơ, trả kết quả...).
Hiện nay, lĩnh vực giao thông vận tải đang triển khai các ứng dụng CNTT như: Hệ thống Camera giám sát giao thông và an ninh trật tự; phần mềm nhập dữ liệu hồ sơ đào tạo lái xe mô-tô, ô-tô, tàu sông; phần mềm quản lý giáo viên dạy thực hành lái xe toàn quốc của Tổng cục Ðường bộ Việt Nam cung cấp; hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện giao thông vận tải; số hoá công trình hạ tầng giao thông phục vụ công tác quản lý vận hành... Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải đã khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý chuyên ngành do Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, Cục Quản lý chuyên ngành thực hiện, xây dựng.
Có thể hiểu, chuyển đổi số là việc sử dụng công nghệ để thay đổi mô hình hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ để tạo ra cơ hội, giá trị mới. Nói cách khác, đây là hoạt động tư duy lại cách tổ chức, tập hợp con người và dữ liệu để tạo ra những thay đổi tổng thể và toàn diện trên tất cả các lĩnh của đời sống xã hội, hình thành những thói quen mới trên môi trường số./.
Văn Ðum