(CMO)Hơn 2 tháng nay, nông dân vùng mía Thới Bình như ngồi trên lửa. Cái nắng tháng 4 cũng không gay gắt bằng nỗi lo chuyện giá mía, 680-700 đồng/kg loại 9 chử đường. Nhà máy Đường Thới Bình năm nay không hoạt động, bao nhiêu hy vọng về một vụ mía “ngọt” như năm trước bỗng chốc tan tành.
Niên vụ 2017-2018, huyện Thới Bình còn khoảng 650 ha mía, tập trung nhiều nhất ở xã Trí Lực với 380 ha, giảm 80 ha so với niên vụ trước. Đang vào vụ thu hoạch mía nhưng mặt ai cũng méo xệch vì không thấy thương lái đến mua. Nhiều người nói, có thể đây là năm cuối cùng thấy ghe chở mía chạy trên sông.
Bỏ thì thương, vương thì khổ
Kể khổ chuyện cây mía không còn mới nhưng chưa năm nào người trồng mía phải khổ sở như năm nay. Diện tích trồng mía ngày một thu hẹp, Nhà máy Đường Thới Bình không hoạt động, thương lái từ các tỉnh ngại mua vì chi phí vận chuyển cao. Dù giá thuê nhân công từ 280.000-300.000 đồng/tấn mía nhưng chẳng mấy ai chịu làm. Vụ thu hoạch kéo dài, trễ gần 2 tháng. Giá mía đầu vụ đến nay được thương lái thu mua chỉ ở mức 650-700 đồng/kg.
Để giảm chi phí nhân công, ông Ba Dạn (áo trắng) cũng ra rẫy bó mía.Ảnh: MƠ THẢO |
Hơn 3 ha trồng mía, niên vụ này ông Ba Dạn (Nhữ Văn Dạn, Ấp 9, xã Trí Lực) coi như trắng tay. Đang đốn mía chờ 2 ngày nữa thương lái xuống mua, ông Ba Dạn thở dài: “Chi phí nhân công đánh lá, vô phân, đốn mía từ đầu vụ tới giờ hơn 60 triệu đồng/ha nên vụ mía này trừ hết chi phí thu lời chưa được 20 triệu đồng. Quần quật cả năm trời trên chính mảnh đất của mình mà còn thua người ta đi Bình Dương làm công nhân. Đó cũng là lý do hầu hết thanh niên ở đây đi xứ khác làm ăn, cha mẹ có chia đất cũng không dám ở lại. Kiếm người làm mía phụ muốn đỏ con mắt”.
Anh Nguyễn Văn Lợi, đốn mía thuê cho ông Ba Dạn, phân trần: “Có vợ chồng tui thương anh Ba mới ráng ở lại phụ năm nay. Tụi tui làm công mà còn có dư hơn ổng”. Hai vợ chồng anh Lợi được ông Ba Dạn đặt cọc, trả công hết một vụ mía gần 50 triệu đồng, còn ông Ba Dạn là chủ mà tính hết một vụ mía, ông lời chưa được 20 triệu.
Ông Châu Minh Ly (Ấp 8, xã Trí Lực) cũng chua chát: “Nhà máy ở đây ngưng hoạt động, thương lái các tỉnh khác xuống nói giá bao nhiêu mình cũng phải bán, chứ để mía trổ cờ, mất chử đường thì càng thêm lỗ. Tui thì muốn giữ lại một năm nữa coi sao, bỏ thì uổng. Nghe tin tức trên đài, biết đâu Nhà nước tháo gỡ được, giá mía lại tăng, nhưng vợ tui cằn nhằn quá, sợ không nuôi nổi thằng lớn học đại học”.
Hy vọng trên đồng đất
Nhiều năm liền giá mía bấp bênh, cây mía không còn chỗ đứng, nhiều người bỏ mía chuyển sang nuôi tôm, trồng màu. Có người vẫn tiếc nên chừa lại 1-2 công mía sau nhà.
Anh Nhữ Duy Khánh (Ấp 9, xã Trí Lực) sắm hẳn xe cuốc và chiếc phà để ban 10 ha mía của mình nuôi tôm rồi để bảng cho thuê xe cuốc. Anh Khánh chắc nịch: “Ráng giữ mía 5-6 năm nay mà vẫn không khá hơn. Chuyển sang nuôi tôm, nuôi cua một năm mấy vụ, thất vụ này cũng còn vụ khác. Mà con tôm, con cua càng lúc càng lên giá chứ đâu có giảm. Nuôi, trồng cây gì, con gì không ngại cực khổ, miễn nó không rớt giá, có đầu ra, thị trường ổn định là được”.
Cân tính xong 100 tấn mía, ông Châu Minh Ly lời chưa được 15 triệu đồng. Ảnh: MƠ THẢO |
Như lời anh Khánh nói, nông dân từ lâu đã thấm điệp khúc “được mùa rớt giá”, họ gắn bó với mía vì mía từng là cứu tinh của họ. Bây giờ, họ từ bỏ cây mía không phải vì bội bạc, mà vì cần phải tìm ra hướng đi mới cho đồng đất này.
2 năm trước, anh Hồ Vũ Điệp (Ấp 9, xã Trí Lực) cũng từng buộc bụng phá 5 công mía chuyển sang trồng dưa leo, củ cải trắng. Một năm 4 vụ, mỗi vụ sau 2 tháng là có thu hoạch từ 4-5 tấn/công, dù giá có lúc cao lúc thấp, nhưng cũng lời trên dưới 20 triệu đồng.
Anh Điệp bộc bạch: “Trồng mía 12 tháng mới có thu hoạch, không đủ tiền trả nhân công, phân thuốc, còn trồng màu chỉ cần vợ chồng làm, tuy cực nhưng mỗi vụ đều có thu nhập, có thể xoay xở trong nhà và nuôi 2 đứa nhỏ ăn học”.
Chi phí ban đất nuôi tôm khá cao, 20 triệu đồng/ha, nên những hộ không có vốn tái sản xuất thì đốt mía, xới đất trồng màu. Điều đáng mừng là hơn 30 ha đất mía chuyển sang trồng màu của xã Trí Lực đều cho năng suất cao. Nhiều hộ từng trồng mía vay nợ ngân hàng, giờ đã trả gần hết.
Chủ tịch UBND xã Trí Lực Lâm Thanh Hà bày tỏ: “Nhiều năm nay, UBND tỉnh chủ trương không giữ lại vùng nguyên liệu mía. Địa phương cũng tạo điều kiện, khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây. Nhất là cần có sự phối hợp giữa ngành chức năng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân để chuyển đổi không diễn ra ồ ạt, tự phát và thật sự mang lại hiệu quả bền vững”.
Ngẫm lại mới thấm thía câu “ăn theo thuở, ở theo thời”. Con người phải năng động, thay đổi những định kiến mới có thể hoà nhập với xu thế phát triển. Dù trải qua nhiều thăng trầm, cay đắng nhưng đối với người dân Huyện Sử, Tám Ngàn, cây mía vẫn là một hoài niệm đẹp./.
Mơ Thảo
Hiện Nhà máy Đường Thới Bình, thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Tây Nam (Ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) đã ngừng hoạt động, đang tháo dỡ máy móc, nhà xưởng di dời về Cần Thơ. Năm nay được đánh giá là năm khó khăn nhất của ngành mía đường trên cả nước. Khó khăn nhất là khâu thu hoạch và vận chuyển sau thu hoạch, chiếm chi phí rất lớn. Giá đường ngoại nhập từ Thái Lan ở mức 12.000 đồng/kg, trong khi giá đường trong nước tới 15.000 đồng/kg. Hệ quả là đường trong nước không tiêu thụ được. Theo thông tin, cả nước hiện còn khoảng 200.000 tấn đường tồn kho, trong đó Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) tại tỉnh Hậu Giang chiếm gần 30.000 tấn. Giá mía phụ thuộc trực tiếp vào giá đường. Đường giá thấp, tồn kho, khó tiêu thụ như hiện nay đã kéo theo giá mía giảm mạnh. |