(CMO) Anh Mai Đình Khôi (hiện công tác tại Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) điện vô hỏi: “Cà Mau giờ còn đẹp như trong phim ảnh không? Biến đổi khí hậu tới cỡ nào?”. Tôi chỉ cười và trả lời: “Anh vô đi rồi biết”. Ê kíp của anh vô 3 người, 2 quay phim và anh Khôi làm biên tập chính, vậy là 4 anh em cùng rong ruổi đất Cà Mau. Thời điểm ấy, đang là cao điểm hạn hán năm 2016, những dòng kinh nứt toác chân chim, hơi nóng phừng phừng dợn sóng trên những cánh rừng tràm, nhưng có một điều mà các anh nói làm tôi hết sức ấm lòng: “Cà Mau vẫn đẹp, và người Cà Mau chơi… rất đẹp”.
Riêng tôi, từ cái thời mà trên vô tuyến chỉ phát vào buổi tối thứ Bảy, Chủ nhật, chiều xuống, chế tôi bó lá dừa dẫn tôi đi coi ké nhà hàng xóm. Mà cũng có gần đâu, đi cả 2 cây số, vậy mà lạ, bất chấp mùa nắng, mùa mưa cứ đi (và chẳng thấy xa). Tôi nhớ cả con kinh Dân Quân khi ấy, chỉ có nhà ông cụ Chón và nhà ông Sáu Nhượng là có ti-vi trắng đen. Nói chung đi coi ti-vi ké là những kỷ niệm không thể nào quên. Dạo ấy phim Tề Thiên Đại Thánh (tên gọi mà tụi nhỏ như chúng tôi đặt cho phim Tây Du Ký) và những tuồng cải lương mùi mẫn vô cùng ăn khách. Có lần, Tôn Ngộ Không đang hái trộm vườn đào, tự nhiên, có đứa con nít khóc rân trời, ông Sáu Nhượng tắt vô tuyến cái độp, đóng cửa biểu người coi về. Tôi và chế đi về, lòng tấm tức, nước mắt rơi lã chã.
Khách tham quan và phóng viên tác nghiệp tại Khu Du lịch Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Đây là một trong những điểm tham quan còn giữ được hệ sinh thái rừng tràm đặc trưng của Cà Mau. |
Ba má tôi bàn tính to nhỏ gì không rành, nhưng sau đó có ghe đến chở hết bồ lúa to tổ chảng sau nhà, rồi ba đi chợ tỉnh. Trời đất ơi, một cái vô tuyến trắng đen mới cáu cạnh hiệu Sanyo, còn thêm một cái thâu băng hai loa nữa. Hồi ấy chưa có điện, cứ bình ắc quy mà xài. Mê coi tới độ bình hết, hình trên ti-vi cứ teo tóp, giựt liên hồi. Chẳng hiểu sao, bình hết toàn ngay lúc gay cấn, cao trào. Cũng từ đó, những bài nhạc hiệu đầu giờ về đất mũi Cà Mau cứ ngấm vào tôi, dần dần, cứ đi đâu xa là văng vẳng trong đầu. “Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Có thấy xanh tươi đước rừng bát ngát… Dòng sông Tam Giang nắng chảy đưa người…” hay bài “Trên quê hương Minh Hải” có đoạn “Rằng quê Minh Hải mình đây. Đồng xanh thẳng cánh chim bay. Chan đước vươn ra xa khơi. Tràm xanh thoảng đưa hương thơm dịu…”.
Nghề lú ở Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. |
Chỉ khi đi xa, người ta mới thấy quê hương mình đẹp. Điều này rất đúng với bản thân tôi khi có thời gian học tập ở miền Bắc, mỗi năm về thăm quê đôi bận. Đến năm thứ hai, thứ ba đại học, con đường nhựa từ Đầm Dơi nối lên Cà Mau hoàn thành, khi tôi về thì hầu như không thể định hướng được nhà mình. Từ Cà Mau, tôi đi xe qua cầu Huỳnh Thúc Kháng, quẹo xuống cống Hoà Thành, ven theo sông lớn rồi xuống phà Hoà Trung, tới Cống Hộp, xã Tân Trung, đập Thầy Cai và tới cống Tám Đực. Con đường nhựa dường như làm nhà mình gần hơn (dù khoảng cách không thay đổi). Còn một đoạn đường vô kinh Bảy Buôl về nhà, chưa có đường xe chạy, ba tôi chạy xuồng ra đón. Giờ đây, khi ba đã mất, mỗi bận chạy xe qua cống Tám Đực, tôi lại ngó xuống mé sông, tựa như thấy ba đang tát nước xuồng ngồi đợi…
Hồi nhỏ, mấy phim về cảnh ngày xưa ở Nam Bộ làm tôi rất khoái. Tôi nhớ nhất vai thằng Cò, thằng An trong phim Đất Phương Nam, diễn viên đóng hay gì đâu. Ở đó, đất Nam Bộ hiện lên vừa hoang sơ nhưng cũng vô cùng trù phú, bí hiểm. Con người có nghèo thật nhưng vẫn ngời lên nét hào sảng, lạc quan và sống với nhau đằm thắm tình người. Trong bộ phim đó, vai bác Ba Phi do diễn viên, Nhà văn Mạc Can thủ vai, có cảnh ông chạy qua nói với một anh đang leo trên nóc nhà lợp lá: “Con mầy leo lên bụi hành giỡn, té xuống gãy tay rồi”. Anh kia hớt hơ hớt hãi nhảy xuống, tính chạy về nhà, được một đoạn thì gãi đầu quay lại cười hề hề.
Anh Khôi học trên tôi 3 khoá, là dân mê điện ảnh nên có tham gia học mấy lớp biên kịch, đạo diễn. Thời sinh viên, tôi cũng theo anh viết điểm sách, quay phim ngắn. Một lần, anh Khôi gom hết vốn liếng mướn một tiệm nét gần Bệnh viện Bạch Mai để quay phim ngắn đầu tay. Diễn viên là mấy thằng em như chúng tôi. Những ngày đó, tôi may mắn gặp được nhiều nhà thơ, nhà văn hay sang Khoa Văn tổng hợp nói chuyện. Ấn tượng nhất phải là Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Có mấy câu thơ mà hầu như ai cũng nhớ: “Em thấy không tất cả đã xa rồi/ Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ… Một lớp học bâng khuâng màu xanh rũ/Sân trường đêm, rụng xuống trái bàng đêm”. Đó là ông, Hoàng Nhuận Cầm. Mỗi bận rước ông, ông thường cười ý nhị: “Vô một hai tợp bia cho nó mát”. Còn một điều nữa, trong cặp táp của ông lúc nào cũng có một ống điếu cày dạng “tự chế” rất gọn gàng. Phải nói là, mỗi lần ông đọc thơ thì như lên đồng, còn nói chuyện bình thường thì ông hay bị cà lăm.
Có một điều mà Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm làm tôi trân quý, tin tưởng vào những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật. Ông nói, nói với tất cả mọi người, với bản thân mình sẽ làm một bộ phim về Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, bạn học và cũng là bạn chiến đấu của ông. Ông làm phim về một thời mà cái tuổi 20 cứ cháy mãi, sáng mãi lý tưởng cách mạng. Vậy rồi sau này, tôi có dịp xem phim Mùi Cỏ Cháy, hồn nhiên, bi tráng và thấm đẫm cảm xúc, tôi thật sự phục nhà thơ. Phía sau một dáng hình khắc khổ, một hình tượng Bác sĩ Hoa Súng “rất buồn cười” là một khối óc, một trái tim sống vì đời, vì nghệ thuật.
Tôi tự hào vì là người con của Cà Mau. Tự hào được viết về đất và người Cà Mau trên suốt dọc đường đi của nghề phóng viên. Tôi may mắn được gặp cố Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Thanh Vị, một trong những người con U Minh “rũ bùn đứng dậy sáng loà” (thơ của Nguyễn Đình Thi), được đọc hồi ký của ông về một chặng đường có mồ hôi, nước mắt và máu của bao lớp người để đổi lấy hoà bình. Đọc “Nhớ mùa đồng khởi” (tập hồi ký của chú Ba Vị), nhớ đôi mắt hiền nhưng rất sáng của chú Ba. Trong đôi mắt đó, tôi thấy quê hương mình bình yên và mạnh mẽ tiến về phía trước. Rồi lần gặp Nhà báo Trần Thanh Phương, được chú tâm sự về nghề báo mà thêm sáng lòng, sáng dạ. Nhưng cái chúng tôi cảm nhận được nhiều nhất là tình cảm mà ông luôn hướng về phía đất Đường Cày, huyện Phú Tân, nơi ông sinh ra. Ông giúp chúng tôi hiểu rằng, dù có đi đâu, làm gì, thì Cà Mau vẫn là nơi để trở về.
Tôi biết nhiều người không sinh ra ở Cà Mau nhưng coi Cà Mau là ruột thịt của mình. Một trong số đó là Đại tá Khưu Ngọc Bảy (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962), người được coi là kho sử sống về huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Ông tâm sự với lớp con cháu như chúng tôi rằng: “Chú hầu như có dịp là về Cà Mau. Về đây chú thấy mình khoẻ hơn”. Chú Bảy về quen đến độ anh em nhân viên ở Nhà khách Công Đoàn dành riêng cho chú phòng, tạo mọi điều kiện đi lại và ăn nghỉ. Trường ca “Bến cảng giữa rừng” của ông cũng ra đời trong những chuyến đi đi về về như thế. Tác phẩm này được tặng thưởng giải Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau, nhưng với ông: “Tác phẩm này là những ân tình của chú, viết để trả nợ người và đất Cà Mau”.
Bữa chia tay anh Khôi, chúng tôi đi ăn lẩu mắm cá kèo. Trong rổ rau, tôi kể những cái tên mà các anh hầu như chưa bao giờ nghe qua như kèo nèo, rau mác, rau dừa… Mấy anh cứ cảm ơn tôi về chuyến công tác và cũng là trải nghiệm ở vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc. Tôi lại nhớ những mùa thu Hà Nội, nhớ những gói mì tôm thời sinh viên. Ngẫm ra, ở đất nước mình nơi đâu cũng đẹp, cũng đầm ấm tình người.
Theo dấu chân đi, những gì còn đọng lại là mãi mãi./.
Phạm Hải Nguyên