(CMO) Nhiều bận qua lại Nhưng Miên, vậy mà lòng vẫn hứa một chuyến về sẽ ở lại lâu hơn để tìm hiểu thêm mảnh đất phên giậu của huyện Ngọc Hiển. Từ trên cầu Năm Căn, Viên An Đông nằm ngấp nghé phía hữu của đường thiên lý Bắc Nam.
Có một điều thú vị, nếu lạ đường, hỏi người dân ở đây về xã Viên An Đông, người ta sẽ thắc mắc lại: “Viên An nào? Viên An “trơn” hay Viên An “không trơn”? Còn hỏi đường về Nhưng Miên, kể cả em bé mới lớn cũng chỉ gọn hơ, trúng phóc. Riêng tôi, khi vút xe qua mặt sông Bảy Háp trên cây cầu mơ ước Năm Căn, bon bon trên mặt lộ cấp 6 đồng bằng, hơn tiếng đồng hồ đã từ TP. Cà Mau tới Nhưng Miên, tôi mới càng thấm thía giá trị của những mét lộ, mét đường nhựa đối với bà con xứ mình.
Một góc Nhưng Miên nhìn từ trên cao. Ảnh: CHÍ HIỂU |
Tôi biết Nhưng Miên từ ngày còn nhỏ. Mà nói cho đúng hơn, tôi được má cho ngồi tàu đò xuống Xẻo Lá (nay thuộc ấp Xẻo Ngay) để thăm bà dì Tư (em của bà nội). Lúc ông bà nội còn sống, vẫn kể cho gia đình nghe chuyện chèo xuồng từ Mương Điều xuống Xẻo Lá. Những lúc qua sông Năm Căn, nước, gió đều ngược thì chèo mấy tiếng đồng hồ cũng đứng… y nguyên một chỗ. Có lần ông dượng Chín Chúa, từ xóm ruộng (Tân Duyệt, Đầm Dơi) chạy BS9 xuống đây, qua sông bị sóng lớn nên chìm xuồng, mướn người ta lặn mò cả xuồng, cả máy tốn bộn tiền.
Nhiều thứ lan man, nhưng có cái tôi chắc chắn đó là chuyện cá, tôm nhiều vô kể của nơi đây độ hơn 20 năm trước. Bà dì là vợ của ông “Bảy Móc” họ Tạ, hỏi xứ này ai cũng biết. Nhà bà làm nghề đóng đáy, cũng có tiếng ở Xẻo Lá. Mỗi lần đổ đáy, cá tôm lổm ngổm, con lớn thì bắt, con nhỏ thì cứ gạt xuống sông. Nói thiệt, trong hiểu biết non nớt của mình, tôi nghĩ “ai sống ở đây chắc phải giàu lắm”.
Mô hình tôm sinh thái kết hợp nuôi cua của anh Thái Việt Khái mang lại hiệu quả kinh tế và đặc biệt là tính bền vững. |
Sau này, vùng Viên An Đông vẫn được coi là địa bàn trọng điểm để phát triển thế mạnh thuỷ hải sản của Ngọc Hiển. Trao đổi với Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển Nguyễn Trường Giang, ông thông tin: “Viên An Đông được xây dựng thành khu vực trọng điểm cho nghề nuôi tôm sinh thái. Con tôm thì quá quen với đất giáp biển, tôm - rừng cũng không xa lạ với người nông dân, nhưng con tôm sinh thái lại hứa hẹn một tương lai bền vững hơn, hiệu quả hơn”.
Mấy lần gặp lại những người chú con bà dì Tư, ai cũng nói mấy năm gần đây tôm tép dở rồi. Nghề đáy cũng không còn trúng như trước nữa, thấy tiếc một thời. Ngày xưa cá, tôm dồi dào nhưng chẳng bán chát được bao nhiêu, còn bây giờ cái gì cũng quy ra thành tiền được hết mà kẹt nỗi… không còn gì để bán.
Anh Lý Ngọc Phú, Phó chủ tịch UBND xã Viên An Đông, cho biết: “Bà con bây giờ vẫn coi con tôm là nguồn sống chính. Có điều khác là hồi xưa phá rừng lấy diện tích nuôi tôm, còn bây giờ trồng rừng để nuôi tôm”. Tôm - rừng là mối lương duyên truyền thống, bàn tới bàn lui có vẻ không còn hấp dẫn nhưng nó là “nồi cơm”, là quá khứ và cả tương lai của đất này. Khi Dự án Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm sinh thái bền vững và giảm rác thải ở Cà Mau, gọi tắt là MAM hình thành, thì bà con ở đây bắt đầu bàn tán xôn xao.
Nhiều người nói: “Mắc mớ gì ông bên Đức, bên Hà Lan chỉ tụi này trồng đước, nuôi tôm. Chắc là bỏ tiền ra để mình trồng rừng, bù vô cái phần ô nhiễm mà tụi nó gây ra bên bển”.
Có người chậc lưỡi: “Chớ tình thiệt bà con mình cũng phá rừng nuôi tôm, mà tôm chết quá thì phải trồng rừng lại thôi. Giờ trồng rừng, nuôi tôm có người hỗ trợ ít đỉnh còn thắc mắc gì nữa”.
Nghe ra hợp lý, vậy là nạnh ai nấy xin giống đước về lợp lại màu xanh như trong bức ảnh của Nghệ sĩ Võ An Khánh có tên “Lợp lại màu xanh trên rừng đước Viên An”.
Gần 3.000 hộ dân của Viên An Đông đều lấy con tôm, con cua, con sò làm sinh kế. Sau khi hơn 500 hộ được cấp chứng nhận mô hình tôm sinh thái, người ta mới nghiệm ra hướng đi sắp tới. Tôm sinh thái có quy chuẩn hẳn hoi, đó là tỷ lệ rừng phải đạt 6/4, người dân nuôi tôm bằng giống sạch, không sử dụng thức ăn, phân thuốc hoá học, không xả thải và gây ô nhiễm môi trường nước…
Nói chung là làm sao để con tôm được sống với môi trường tự nhiên nhất, đặc trưng nhất của hệ sinh thái ngập mặn. Hiện tại, địa phương đã có hơn 2.400 ha theo mô hình này. Nghị quyết của Huyện uỷ đến năm 2020 đạt mức 8.500 ha. Theo anh Phú, bà con rất đồng thuận phát triển mô hình này, nhiều hộ chuẩn bị mọi điều kiện để được xét duyệt và đợi công nhận mô hình vì lợi ích lâu dài của nó.
Dân miền biển “ăn sóng, nói gió” nhưng cũng là những người biết “nhìn trời, trông đất”. Một thời cá tôm bất tận, một thời rừng đước minh thiên, rồi người ta nhận ra, những tài sản này không phải là mãi mãi. Đước Viên An Đông qua khói lửa, chất độc hoá học chiến tranh, Nhân dân phải chung sức để gây dựng lại. Cá, tôm có chiều hướng suy kiệt, người ta phải hành động để giữ cho bằng được nguồn sống của chính mình. Dân Nhưng Miên không ham tính số tấn/m2 như những nơi nuôi tôm khác, nó không phù hợp. Người ta chỉ mong sao, mỗi tháng 2 con nước xổ, tôm tép đều đều. Rảnh rỗi người ta thả rập cua, mò thêm ít sò huyết, giăng lưới mớ cá để trang trải chi phí gia đình. Dăm bảy năm một lần khai thác đước, có cây lớn thì đục đẽo làm giá võng nằm chơi.
Tôm sinh thái ở Viên An Đông được trợ giá thêm khoảng 3.000 đồng/kg, hỗ trợ chi phí môi trường 500.000 đồng/ha/năm. Bà con còn được hỗ trợ thêm các lớp tập huấn về kỹ thuật, nâng cao ý thức gìn giữ hệ sinh thái ngập mặn. Anh Phú phấn khởi: “Bây giờ tư tưởng phá rừng gần như biến mất rồi. Người ta trồng đước mà khỏi cần vận động”.
Nhưng cũng có chút băn khoăn, hình như đến lúc nhận ra điều này thì rừng đước chẳng còn được bao nhiêu. Cả xã có 14 ấp thì có 11 ấp đã và đang triển khai mô hình tôm sinh thái. Kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, con tôm mấy mùa gần đây không còn lao đao vì dịch bệnh. Nguồn lợi thuỷ hải sản dần dà được khôi phục ngó thấy. Dân Nhưng Miên lại mơ về một thời cá tôm trù phú như thuở trước.
Anh Tạ Minh Mẫn, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên, phụ trách mô hình tôm sinh thái của địa phương, khẳng định: “Dự án này phù hợp với nguyện vọng bà con nên được ủng hộ dữ lắm. Ngày 29/8, dự án tiếp tục triển khai giai đoạn 2”. Giai đoạn này hướng dẫn bà con cặn kẽ hơn cách nuôi tôm sinh thái đúng chuẩn. Các bên liên quan sẽ tập trung xây dựng thương hiệu và chất lượng con tôm sinh thái vươn tầm thế giới, đảm bảo chất lượng và sự tinh khiết nhất của con tôm Cà Mau.
Theo đó, bà con phải đảm bảo về môi trường, tỷ lệ rừng, mật độ thả (16 con/m2) và ứng dụng các chế phẩm vi sinh vào trong quá trình nuôi. Trong 3 năm thực hiện mô hình tôm sinh thái, dân Nhưng Miên cũng được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để trợ giá và chi phí cải thiện môi trường.
Chúng tôi về ngay con nước kém, lại cấn mùa cải tạo mới, chẳng cách nào có được hình ảnh con tôm sú tung nước xanh rờn. Thói quen trước giờ, dân ở đây chỉ xổ đụt vào ban đêm rồi đóng cống lại. Vậy là anh Phú dẫn về nhà anh Thái Việt Khái, ấp Kinh Ranh, đặt rập cua. Anh Khái, đúng chất hào sảng miền biển, nói gọn hơ: “Coi có cua thì chụp, hông thì thôi à nghen, hên xui mà”.
Vòng quanh miếng đất hơn 2 ha của anh, chúng tôi thu về hơn chục ký cua. Anh Thái Quốc Khanh phía sau bơi xuồng hỏi: “Biết sao mà đất ở đây miếng nào cũng lớn tiền, nhỏ hậu không?”. Cái này hay đây, chuyện này tôi thắc mắc hồi đó tới giờ, mà không giải thích nổi. Anh Khanh nói: “Hồi đó cây cối nhiều, ông bà chắc làm tới đây là đuối sức rồi, nên ban đầu lớn, sau dần nhỏ lại. Thêm nữa, ở gần nhà thì dễ quản lý, trên hậu xa xôi nên gọn để dễ trông coi”. Nghe xong, tôi tự hỏi “cha nội này làm nông dân hay làm nghề nghiên cứu văn hoá vậy trời?”.
Miền biển Nhưng Miên, chúng tôi luộc mấy con cua mới đặt rập, anh em quây quần trong bữa cơm hào sảng, nghĩa tình. Tôi nói “chụp cúng thần Facebook”, mấy anh cười cái rần. Anh chạy đò dọc đưa chúng tôi vô hỏi nhỏ, “mầy biết anh Ngô Hải (Nhà báo Ngô Hải - Ngô Thanh Đạm) không”? Tôi sững người, anh giới thiệu “tao Ba Khải, em ruột Hai Đạm”. Hình ảnh người chú, người thầy của những ngày đầu tiên làm báo, biết bao kỷ niệm chú cháu lại ùa về. Ừ, tôi quên mất, đất Nhưng Miên còn là quê hương của Nhà báo Ngô Hải, cố Phó tổng Biên tập Báo Cà Mau.
Nhìn sông, dòng nước phù sa vẫn cuộn mình ra biển. Đước thêm xanh trong những ngày nắng đẹp. Chúng tôi ngồi giữa Nhưng Miên, đất trời sao thương nhớ…/.
Phạm Hải Nguyên