ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:48:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tình yêu thời hoa lửa

Báo Cà Mau (CMO) Mặc dù mọi thứ đã chuẩn bị xong nhưng Nhựt cứ kiểm tới kiểm lui số quà chuẩn bị chuyến thăm trại thương binh nặng. Đây là năm thứ hai kể từ lúc Nhựt nhận nhiệm vụ ở đơn vị này và anh không thể quên ấn tượng lần đầu tiên khi gặp hơn trăm con người với đủ thương tật khác nhau, người thì mất đi một phần thân thể, người lại tươi tắn ngời ngời nhưng không còn nhớ mình là ai!

Chú Năm Trấn dẫn đầu đoàn cựu chiến binh cũng vừa tới. Tay bắt mặt mừng xong, cô Tư Liên đã tấm tắc:

- Thiệt… mấy đứa con chu đáo quá! Cô chú tính tới sớm để tiếp một tay, ai dè tụi bây làm hết trơn rồi.

- Dạ, năm nay Đoàn thanh niên vận động tốt nên các doanh nghiệp ủng hộ nhiều lắm cô. Con sợ sơ suất nên tập hợp anh em làm xong từ chiều hôm qua, cô coi có gì chưa ổn thì nhắc giùm con.

- Con trai mà khéo dữ. Trang trí từng phần quà rồi sắp xếp thế này, không khen thì thôi chứ đâu cần nhắc nhở. À, mấy cô chú bên Kênh Năm chưa tới hả Nhựt?

- Dạ, mấy cô gọi điện cho con nói là trên đường tới. Danh sách con giữ nè cô, năm nay số lượng đông hơn, hàng hoá cũng nhiều và chất lượng hơn, con mừng quá cô ơi!

Hai chiếc xe loại 16 chỗ đã đầy kín, lăn bánh đúng giờ quy định, râm ran tiếng nói, tiếng cười. Họ như quên hết tuổi tác hay nhọc nhằn trong cuộc sống, những câu chuyện gần như không có hồi kết khi ai đó đã khơi mạch cho nỗi nhớ trôi về quá khứ. Chắc do không khí rộn ràng sôi nổi và niềm vui khi có đông đủ mọi người nên những người lính già nhắc lại toàn kỷ niệm vui, lâu lâu lại rộ lên một tràng cười làm anh tài xế cũng “hùn” vài câu dí dỏm.

Hơn một giờ đồng hồ, xe ghé vô trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng. Những chiếc áo blouse trắng thấp thoáng ngoài hành lang, vài người ra tận xe đón đoàn. "Cô Bảy, chú Ba, bác Sáu… khoẻ không?"; "Năm nay thấy chú tươi hơn năm trước nghen!"; "Trung tâm mới sửa sang, nâng cấp đẹp quá!"... Những lời thăm hỏi nhau thật chân tình, không mang tính lễ tân trịnh trọng, không khác những người thân trong gia đình gặp lại nhau. Hàng hoá được chuyển vào hội trường, nơi đây đã chuẩn bị chu đáo cho một cuộc thăm hỏi diễn ra. Không khí sôi nổi trên xe và phút giây gặp gỡ đã lắng xuống, giờ đây những ánh mắt dồn về phía cửa chính, nơi các cô điều dưỡng đưa những người trên xe lăn vào. Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm choàng nhau và những dòng nước mắt… Họ mừng vui khi tao ngộ.

Minh hoạ: M.Tấn

Mọi người quây quần và trải lòng với bạn bè, đồng chí, người thân của mình trong không gian ấm cúng. Cô Tư Liên đảo mắt tìm kiếm, cô Mai điều dưỡng lên tiếng:

- Cô Tư tìm chú Bảy hả? Tụi con mới thấy chú vừa “làm đẹp” xong nhưng chú không chịu vô trong này. Chú nói là công chuyện của chú chưa xong nên để anh em người ta chơi đi!

Cô điều dưỡng vừa nhắc đến một thương binh bị ảnh hưởng thần kinh do sức ép của bom, ông không có vết thương ngoài da nhưng mất trí nhớ, đó là ông Trần Hoàng Tân (Bảy Tân), người yêu của cô Tư Liên. Ngày xưa, Tư Liên là diễn viên đoàn văn công, còn Bảy Tân công tác tại công binh xưởng, tình yêu của họ nảy sinh từ cuộc tuyên dương chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Gia đình đã định ngày cưới thì một trận bom gần như xoá sạch công binh xưởng, hai ngày sau người ta mới tìm thấy anh bị vùi lấp và bất tỉnh. Sau hai tháng nằm ở quân y viện, anh đi lại được nhưng mất trí nhớ, đến ngày giải phóng anh được đưa về an dưỡng rồi vào trung tâm này cho đến nay. Đặc điểm của người thương binh này là không quậy phá và rất nền nếp trong sinh hoạt cá nhân, suốt ngày ông loay hoay với kềm, cưa, búa… và miệng thì nghêu ngao hát. Thức dậy mọi người đã nghe “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận…”. Nếu có ai hoà điệu, Bảy Tân  hào hứng hát thêm mấy bài nhưng hùng hồn nhất vẫn là bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.

Nói mãi ông mới chịu vô cùng anh em, Mai gợi ý:

- Chú Bảy nhìn coi có thấy người yêu của mình không?

- Hông, hông có! Mấy ông, mấy bà này tóc bạc hết rồi, người yêu của tui tóc đen, dài vầy nè…

- Người yêu chú tên gì? Bao nhiêu tuổi? Có đẹp không?

- Hỏi kỳ, tên người yêu sao mà hỏng biết. Tên Tư Liên, 21 tuổi, đẹp, đẹp lắm!

- Phải cô này hông chú?

Bảy Tân nhìn Tư Liên từ ánh mắt ngây dại, vô hồn, chuyển sang biểu hiện bằng cái nhíu mày và cơ mặt căng như đang tập trung, đào sâu trí nhớ… Rồi ông thả lỏng, trở lại trạng thái ban đầu:

- Hông, hông phải, Liên của tui có cây kẹp chỗ này nè. Mặc áo bà ba chứ hỏng phải áo này, tóc này… Hổng phải đâu!

- Anh Tân ơi!...

Mọi người như ngưng thở khi cô Tư Liên ôm choàng người yêu và gọi ông trong nước mắt. Ông nhìn cô trân trối và lúng túng. Một phút lấy lại thăng bằng, cô Tư Liên cất tiếng hát “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác…”, cả hội trường hoà theo tiếng vỗ tay nhịp nhàng. Ông Bảy Tân như choàng tỉnh nhìn sâu vô mắt Tư Liên, tay nắm chặt tay cô, hồ hởi:

- Trời ơi! Liên, hổm rày anh trông muốn chết! Sao, bên nhà chuẩn bị hết rồi hả em? Còn chưa đầy một tháng nữa mới đám cưới mà anh nôn quá trời...

Tư Liên bắt nhịp cùng Bảy Tân:

- Anh sắp xếp công việc để về nhà lo tiếp ba má chứ tới ngày đó lu bu lắm, anh biết hông?

- Rồi, anh biết mà! Nhưng hiện giờ xưởng đang chuẩn bị một số vũ khí cho chiến dịch sắp tới, phải lo việc nước trước việc nhà chứ em! Trời ơi… anh em hành quân đông dữ ha! Xuồng phải nguỵ trang đi nghen, hông thôi máy bay thấy nó phóng pháo đó.

Vài chiếc khăn đưa lên chặm nước mắt, mọi người giao nhau bằng biểu cảm trên gương mặt để nhường không gian cho đôi uyên ương trở về ký ức. Họ đã đưa mọi người trở lại chốn xưa với dòng sông nhỏ uốn quanh rặng dừa nước, mái chèo khuấy nước đêm trăng, tiếng nói cười bên bếp lửa giữa rừng khuya, nồi cháo nóng ấm lòng khi hành quân đói lả. Nơi nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, yêu từng ngọn rau, tấc đất quê hương, và cũng là nơi ươm mầm cho biết bao lứa đôi xây hạnh phúc. Mộc mạc mà chân thành, có sự hy sinh không đếm được bằng đơn vị đo lường của người hậu phương và người ngoài mặt trận.

Phút lắng đọng đã qua. Khi Năm Trấn có đôi lời phát biểu với lãnh đạo trung tâm và Đoàn thanh niên làm nhiệm vụ trao quà cho từng thương binh, Bảy Tân vẫn còn lâng lâng trong hạnh phúc khi kề cận người yêu. Anh huyên thuyên kể lại mấy trò nghịch ngợm của đồng đội, lấy cắp mấy bức thư tình và mặc cả với anh đòi chuộc, kể về kế hoạch “quậy phá” cô dâu, chú rể đêm tân hôn rồi cười hồn nhiên, viên mãn.

Tư Liên đưa chiếc túi cho Bảy Tân và nói:

- Gần đám cưới rồi, em chuẩn bị cho anh mấy bộ đồ mới, anh cầm đi.

- Thôi không cần đâu. Anh vừa nhận mấy bộ quân trang đẹp lắm, không thích cái này đâu!

- Cứ giữ đi, trời mưa ướt có mà thay!

Năm nào Tư Liên cũng may cho Bảy Tân vài bộ đồ mới và cứ bảo “để trời mưa ướt mà thay” thì ông mới nhận. Đoàn chuẩn bị rời trung tâm, cảnh chia tay diễn ra trong lưu luyến, những lời dặn dò, nhắn nhủ cùng nhau, những cái siết tay thật chặt, những giọt nước mắt chực chờ rơi, những lời hẹn gặp được lặp lại… Bảy Tân luôn nhắc mọi người thận trọng, cảnh giác trên đường trở về.

Nhựt vừa làm xong nhiệm vụ, anh như đang đón nhận một luồng cảm xúc len lỏi và tràn ngập tâm tư. Anh không rời mắt khỏi Bảy Tân, hình ảnh của hai con người sống giữa hiện thực và ký ức gợi cho Nhựt suy nghĩ về những hy sinh, mất mát mà cha chú là nạn nhân chiến tranh, nghĩ về những nỗi đau không định lượng của những người phụ nữ như cô Tư Liên. Cô là thương binh, cũng là nạn nhân chất độc da cam, cô không lập gia đình vì sợ di chứng cho con cháu, cố dấn thân làm công việc từ thiện, thường xuyên chăm sóc những cụ già neo đơn và tham gia công tác xã hội rất tích cực. Ở cô, tình yêu thuở thanh xuân vẫn còn nguyên vẹn dù hôm nay tóc đã bạc, gối đã chùn.

Nhựt nghĩ về Bảy Tân, sau khi mọi người rời khỏi, chú ấy sẽ chìm vào ký ức hào hùng, mải mê công việc sản xuất ở công binh xưởng, vô tư hát những khúc quân hành và trông đợi ngày thành hôn của mình trong niềm hạnh phúc. Nhựt tự đặt ra cho mình rất nhiều câu hỏi khi chứng kiến tình yêu thời hoa lửa của cô Liên và chú Tân với chặng đường gần nửa thế kỷ, nghĩ đến sự chịu đựng thiệt thòi của những người phụ nữ thời chiến tranh. Nhựt biết mình phải và sẽ làm gì để việc tri ân không chỉ là các phong trào và những câu khẩu hiệu./.

Truyện ngắn của Lê Ngọc

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương